50 câu hỏi về Đức Giêsu: 17. Các bản viết tay Qumran là gì?



50 CÂU HỎI VỀ ĐỨC GIÊSU

50 câu hỏi này xuất phát từ ý định của một nhóm chuyên gia thuộc Khoa Thần học của Đại học Navarra (các Giáo sư Juan Chapa, Francisco Varo và những người khác) đã biên soạn một số tài liệu được xuất bản trong cuốn “50 preguntas sobre Jesús” do nhà xuất bản Rialp Madrid.


17. Các bản viết tay Qumran là gì?

Vào năm 1947, tại Wadi Qumran gần Biển Chết, người ta đã phát hiện trong một số hang động, tổng cộng mười một hang, những cái chum chứa một số lượng lớn các bản viết tay bằng tiếng Do Thái, Aram và Hy Lạp. Người ta xác định rằng các tài liệu này được biên soạn trong khoảng thời gian từ thế kỷ thứ II trước Công nguyên đến năm 70 sau Công nguyên, là năm diễn ra cuộc tàn phá thành Giêrusalem.

Ngoài một số ít bản còn nguyên vẹn, khoảng 800 bản khác đã được ghép lại từ hàng ngàn mảnh vỡ được tìm thấy. Trong số đó, có các phần của tất cả các sách Cựu Ước, ngoại trừ sách Ét-te, cùng với nhiều sách Do Thái không thuộc quy điển đã được biết đến, và cả những tác phẩm chưa từng được biết đến trước đó. Người ta cũng tìm thấy một số các bản văn gốc của nhóm Esseni, là nhóm người đã rút lui vào sa mạc.

Những tài liệu quan trọng nhất chắc chắn là các bản văn Kinh Thánh. Trước khi các bản văn tại Qumran được phát hiện, các bản viết tay tiếng Do Thái cổ nhất mà chúng ta sở hữu có từ thế kỷ IX-X sau Công nguyên, do đó người ta có thể nghi ngờ rằng đã có những đoạn bị cắt xén, thêm thắt hoặc các từ ngữ hay những câu văn khó hiểu trong bản gốc đã bị sửa đổi. Với những khám phá mới, người ta đã xác nhận rằng các bản văn được tìm thấy trùng khớp với các bản văn thời trung cổ, mặc dù chúng có niên đại sớm hơn gần một ngàn năm, và những dị bản ít ỏi xuất hiện trong các bản văn này phần lớn trùng khớp với những dị bản đã được ghi nhận trong bản dịch tiếng Hy Lạp gọi là Bản Bảy Mươi và trong Ngũ Thư Samari. Các tài liệu khác đã góp phần chứng minh rằng đã có một cách giải thích Kinh Thánh (và các qui tắc lề luật) khác với những gì những người Sađốc hoặc Pharisêu đã làm.

Trong các phát hiện ở Qumran, không có bản văn Tân Ước nào, cũng không có bất kỳ tài liệu Kitô giáo nào được tìm thấy. Một vài năm trước, các học giả đã tranh luận rằng liệu một số từ viết bằng tiếng Hy Lạp trên hai mảnh giấy cói nhỏ được tìm thấy ở đó có thể thuộc về Tân Ước chăng (đặc biệt là Tin Mừng Marcô). Tuy nhiên, đa số các nhà chú giải đã bác bỏ khả năng liên hệ này. Ngoài trường hợp gây tranh cãi trên, trong các hang động đó không tìm thấy bất kỳ di vật nào có thể gán cho bất kỳ nguồn Kitô giáo nào, dù là qui điển hoặc ngộ giáo.

Dường như cũng không có ảnh hưởng nào từ các bản văn được tìm thấy tại Qumran đối với toàn bộ các sách tạo nên Tân Ước. Ngày nay, các chuyên gia đồng ý rằng nhóm này hoàn toàn không ảnh hưởng đến nguồn gốc của Kitô giáo, vì họ là một nhóm biệt lập, thiểu số và tách biệt khỏi xã hội, trong khi Chúa Giêsu và các Kitô hữu tiên khởi sống hòa mình vào xã hội thời bấy giờ, cả Do Thái và Hy Lạp, và đối thoại với những người đương thời của mình. Những tài liệu này chủ yếu được dùng để làm sáng tỏ một số thuật ngữ hoặc cách diễn đạt thông thường của thời đó.

Vào nửa đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, đã lan truyền hai câu chuyện huyền thoại, nhưng theo thời gian cả hai đều tan biến.

Một là, các bản thảo chứa đựng những giáo lý mâu thuẫn với Do Thái giáo hoặc Kitô giáo, và vì lý do đó, Giáo trưởng Do Thái và Vatican đã thỏa thuận với nhau để ngăn chặn việc công bố chúng. Giờ đây, khi tất cả các tài liệu đã được công bố, sự giả dối của những tin đồn trước kia đã bị phơi bày, và người ta đã nhận ra rằng những khó khăn trong việc công bố không phải là kết quả âm mưu nào của Vatican cả, nhưng đơn giản chỉ là những trở ngại có tính kỹ thuật và tổ chức.

Huyền thoại thứ hai liên quan đến Qumran, tinh vi hơn vì vẻ bề ngoài mang tính khoa học của nó. Giáo sư Barbara Thiering từ Sydney và Giáo sư Robert Eisenman từ Đại học California đã khẳng định trong nhiều cuốn sách rằng, khi đối chiếu các tài liệu giữa Qumran với Tân Ước, người ta có thể đi đến kết luận rằng cả hai đều được viết bằng hình thức mã hóa, và do đó chúng không nói những gì hiển thị bên ngoài mà cần phải khám phá ý nghĩa bí mật bên trong chúng.

Hai tác giả đã đưa ra giả thuyết táo bạo rằng vị Thầy Công Chính, người sáng lập nhóm Qumran, là Gioan Tẩy Giả và “đối thủ” của ông là Chúa Giêsu (theo B. Thiering), hoặc vị Thầy Công Chính là Giacôbê và “đối thủ” của ông là Phaolô. Hai học giả này đã xây dựng các luận điểm của mình dựa trên các tài liệu gốc của giáo phái sống ở Qumran và được khám phá trong các hang động, trong đó nhắc đến các nhân vật được gọi bằng các danh xưng mà chúng ta không hiểu được ý nghĩa của nó, như Thầy Công Chính, Tư tế Gian Ác, Kẻ Dối Trá, Sư Tử Hung Dữ, những kẻ tìm kiếm lối giải thích dễ dãi, con cái sự sáng và con cái bóng tối, căn nhà ghê tởm, v.v.

Hiện nay, không một chuyên gia nào đồng tình với những khẳng định như vậy. Nếu chúng ta không hiểu được ý nghĩa của các thuật ngữ này không phải vì nó chứa đựng các học thuyết huyền bí, mà vì chúng ta thiếu thông tin. Rõ ràng là, đối với những người cùng thời với Qumran, các cách diễn đạt này thực sự quen thuộc và các tài liệu ở Biển Chết, tuy trình bày các giáo huấn và quy tắc khác với những gì người Do Thái giáo chính thống tuân thủ, nhưng chúng không chứa bất kỳ mật mã nào hay những thuyết giáo không thể diễn bày.

Nói chung, các bản văn Qumran là một nguồn dữ liệu vô giá về bối cảnh tôn giáo và xã hội đa dạng của thế kỷ thứ I sau Công nguyên, nơi Kitô giáo đã khai sinh.

G. Võ Tá Hoàng
Chuyển ngữ từ 50 domande su Gesù


Xem những bài cùng chủ để

50 câu hỏi về Đức Giêsu - Dẫn nhập
1. Chúng ta biết gì về Đức Giêsu Nazarét
2. Có những nguồn tài liệu cổ xưa, ngoài Kitô giáo, nói về Chúa Giêsu không?
3. Việc nghiên cứu nhân vật Giêsu lịch sử hiện nay như thế nào
4. Đức Giêsu sinh ra ở Bêlem hay Nazarét?
5. Đức Giêsu được sinh ra như thế nào?
6. Sự đồng trinh của Đức Maria có ý nghĩa gì?
7. Ngôi sao Bêlem
8. Tại sao chúng ta mừng lễ Giáng Sinh vào ngày 25 tháng 12?
9. Cuộc thảm sát các trẻ thơ vô tội
10. Đức Giêsu có anh chị em không?
11. Thánh Giuse có kết hôn lần thứ hai không?
12. Đức Giêsu nói ngôn ngữ nào?
13. Đức Giêsu độc thân, đã kết hôn hay góa vợ?
14. Đức Giêsu có phải là môn đệ của Gioan Tẩy Giả không?
15. Gioan Tẩy Giả có ảnh hưởng gì đến Đức Giêsu?
16. Pharisêu, Sađốc, Esseni, Zêlốt, họ là ai?
Mới hơn Cũ hơn