50 CÂU HỎI VỀ ĐỨC GIÊSU
50 câu hỏi này xuất phát từ ý định của một nhóm chuyên gia thuộc Khoa Thần học của Đại học Navarra (các Giáo sư Juan Chapa, Francisco Varo và những người khác) đã biên soạn một số tài liệu được xuất bản trong cuốn “50 preguntas sobre Jesús” do nhà xuất bản Rialp Madrid.
8. Tại sao chúng ta mừng lễ Giáng Sinh vào ngày 25 tháng 12?
Có vẻ như các Kitô hữu sơ khai không mừng sinh nhật (x. chẳng hạn Origien, PG XII, 495). Thay vào đó, họ cử hành dies natalis, ngày bước vào quê hương vĩnh cửu của những người đã qua đời (x. Cuộc tử đạo của Polycarp, 18, 3), như là sự tham gia vào công trình cứu độ do Đức Giêsu thực hiện, Đấng đã chiến thắng sự chết bằng cuộc khổ nạn vinh hiển của Người. Họ ghi lại chính xác ngày Đức Giêsu được tôn vinh, ngày 14/15 tháng Nisan (tháng thứ bảy theo lịch Do Thái, tháng mùa xuân tương ứng với tháng Ba - Tư, khi cử hành Lễ Vượt Qua), nhưng không phải ghi lại ngày sinh của Người, bởi các trình thuật Tin Mừng không lưu truyền lại điều gì.
“Năm phụng vụ của Hội Thánh trước hết không hình thành dựa trên sự ra đời của Đức Kitô, mà bắt đầu từ niềm tin vào sự phục sinh của Người. Vì lý do này, nghi lễ cổ xưa nhất của Kitô giáo không phải là Giáng Sinh mà là lễ Phục Sinh. Thực ra, chỉ có sự phục sinh của Chúa mới đặt nền tảng cho đức tin Kitô giáo và do đó đã khai sinh ra Hội Thánh” (J. Ratzinger, Những hình ảnh của Hy vọng, 1999, tr. 7).
Chúng ta không có thông tin về ngày sinh của Đức Giêsu, mãi đến thế kỷ thứ III: “Người đầu tiên khẳng định chắc chắn rằng Đức Giêsu sinh ngày 25 tháng 12 là thánh Hippolytus thành Rôma trong bài bình luận về sách Đaniel, được viết vào khoảng năm 204” (J. Ratzinger, op.cit. tr. 7). Tham chiếu trực tiếp và rõ ràng nhất về ngày lễ này được tìm thấy trong lịch phụng vụ Filocalus năm 354 (MGH, IX, I, 13, 196) với dòng chữ: “VIII kal. Ian. natus Christus in Betleem Iudeae” (“ngày 25 tháng 12 Đức Kitô sinh tại Bêlem xứ Giuđêa”). Từ thế kỷ IV, chấp thuận ngày này là ngày sinh của Đức Kitô đã trở nên phổ biến trong truyền thống phương Tây. Ngược lại, ở phương Đông, ngày 6 tháng 1 chiếm ưu thế.
Nhưng tại sao lại là ngày 25 tháng 12? Một cách giải thích khá phổ biến cho rằng từ năm 274 sau Công nguyên, ngày 25 của tháng 12 ở Rôma người ta cử hành dies natalis Solis invicti, chiến thắng của ánh sáng trên đêm dài nhất trong năm. Giả thuyết này dựa vào phụng vụ lễ Giáng Sinh, trong đó phối hợp giữa sự ra đời của Đức Giêsu Kitô với những biểu thức Kinh Thánh như “mặt trời công chính” (Ml 3,20) và “ánh sáng thế gian” (Ga 1,4tt). Tuy nhiên, không có bằng chứng nào cho thấy mọi việc thực sự diễn ra như vậy, và mặt khác, khó có thể hình dung rằng các Kitô hữu thời đó muốn điều chỉnh các lễ hội ngoại giáo vào lịch phụng vụ, đặc biệt sau khi trải qua một cuộc bách hại. Tuy nhiên, có thể theo thời gian, lễ hội Kitô giáo đã dần thay thế lễ hội ngoại giáo.
Tuy nhiên, cũng có những cách giải thích khác có cơ sở hơn. Cách giải thích đầu tiên liên kết ngày sinh của Gioan Tẩy giả với sự ra đời của Đức Giêsu: Luca kể rằng Dacaria, cha của Gioan Tẩy giả, là tư tế thuộc nhóm Abia. Ông đang thực hiện chức vụ của mình trong đền thờ khi thiên thần Gabriel báo tin về sự ra đời của con trai ông (Lc 1,5-13).
Theo lịch mặt trời Qumran, các phiên của gia đình Abia phục vụ trong Đền Thờ diễn ra hai lần trong năm: từ ngày 8 đến ngày 14 của tháng thứ 3 và từ ngày 24 đến ngày 30 của tháng thứ 8. Truyền thống phương Đông cho rằng Gioan sinh ngày 24 tháng 6, đặt ngày Dacaria phục vụ trong đền thờ vào phiên thứ hai: từ ngày 24 đến ngày 30 của tháng thứ 8. Thêm nữa, thánh Luca ghi ngày thiên thần truyền tin cho Đức Maria là tháng thứ 6 sau khi bà Êlisabet thụ thai Gioan (Lc 1,26). Phụng vụ phương Đông và phương Tây đồng ý ấn định ngày truyền tin cho Đức Maria là ngày 31 tháng Adar, tức là ngày 25 tháng 3 của theo lịch hiện nay. Thật vậy, ngày nay Giáo hội vẫn cử hành lễ truyền tin và nhập thể của Chúa Giêsu vào ngày 25 tháng Ba. Do đó, ngày sinh phải được đặt 9 tháng sau đó, chính là ngày 25 tháng 12 (Nguồn: culturacattolica.it).
Từ trình thuật của thánh Luca, trong đó hai lần sinh hạ, của Gioan và Đức Giêsu, được liên kết với nhau, có thể suy ra rằng Luca “đã ngầm xác định ngày 25 tháng 12 như là ngày sinh của Đức Giêsu ngay trong Tin Mừng của ngài. Hơn nữa, vào ngày đó, người ta cử hành lễ cung hiến đền thờ, do Giuđa Macabêô thiết lập vào năm 164 trước Công nguyên, và do đó, ngày sinh của Đức Giêsu cũng đồng thời mang ý nghĩa biểu tượng rằng, nơi Đấng xuất hiện như ánh sáng của Thiên Chúa giữa đêm đông, việc cung hiến Đền Thờ đã được hoàn tất cách trọn vẹn, và biến cố Thiên Chúa ngự đến trần gian đã thật sự được thực hiện”(J. Ratzinger, op. cit. tr. 8).
Cách giải thích khác liên kết ngày nhập thể, chín tháng trước khi sinh với ngày Người chịu tử nạn: “Chúa chúng ta được thụ thai vào ngày 8 trước tháng Tư [25 tháng 3] cũng là ngày Chúa chịu khổ nạn” (B. Botte, Nguồn gốc của Giáng Sinh và Lễ Hiển Linh, Louvain 1932, dòng 230-233). Giáo hội Đông phương Kitô giáo, dựa vào các lịch khác, cử hành cuộc khổ nạn và nhập thể vào ngày 6 tháng 4, ngày trùng khớp với việc cử hành lễ Giáng Sinh được mừng vào ngày 6 tháng Giêng.
Tư duy cổ điển và trung cổ, vốn ngưỡng mộ sự hoàn hảo của vũ trụ như một toàn thể hài hòa, đã nhìn thấy trong mối liên hệ thời gian giữa cuộc khổ nạn và nhập thể, tính thống nhất trong các can thiệp của Thiên Chúa. Khái niệm này có nguồn gốc từ tư tưởng Do Thái, nơi sự tạo dựng và ơn cứu độ có mối liên hệ với tháng Nisan. Trong các thế kỷ, nghệ thuật Kitô giáo đã thể hiện những ý tưởng tương tự này khi miêu tả lễ Truyền Tin với Hài Nhi Giêsu giáng trần cùng với một cây thập giá. Vì thế, có thể các Kitô hữu đã liên kết ơn cứu độ do Đức Kitô thực hiện với chính giây phút Người được thụ thai, và như thế, ngày sinh của Người cũng được xác định theo mạch suy tư này. Do đó, có thể khẳng định rằng: “Yếu tố quyết định chính là mối tương quan giữa công trình sáng tạo và thập giá, giữa công trình sáng tạo và việc thụ thai Đức Kitô”. (J. Ratzinger, Dẫn vào tinh thần phụng vụ).
G. Võ Tá Hoàng
Chuyển ngữ từ 50 domande su Gesù
1. Chúng ta biết gì về Đức Giêsu Nazarét
2. Có những nguồn tài liệu cổ xưa, ngoài Kitô giáo, nói về Chúa Giêsu không?
3. Việc nghiên cứu nhân vật Giêsu lịch sử hiện nay như thế nào
4. Đức Giêsu sinh ra ở Bêlem hay Nazarét?
5. Đức Giêsu được sinh ra như thế nào?
6. Sự đồng trinh của Đức Maria có ý nghĩa gì?
7. Ngôi sao Bêlem