50 câu hỏi về Đức Giêsu: 12. Đức Giêsu nói ngôn ngữ nào?



50 CÂU HỎI VỀ ĐỨC GIÊSU

50 câu hỏi này xuất phát từ ý định của một nhóm chuyên gia thuộc Khoa Thần học của Đại học Navarra (các Giáo sư Juan Chapa, Francisco Varo và những người khác) đã biên soạn một số tài liệu được xuất bản trong cuốn “50 preguntas sobre Jesús” do nhà xuất bản Rialp Madrid.


12. Đức Giêsu nói ngôn ngữ nào?

Vào thế kỷ I, tại vùng đất nơi Chúa Giêsu sinh sống, người ta sử dụng bốn ngôn ngữ: Aram, Do Thái, Hy Lạp và tiếng Latinh.

Ngôn ngữ chính thức, đồng thời cũng ít được sử dụng nhất là tiếng Latinh. Ngôn ngữ này hầu như chỉ được các quan chức Rôma dùng để trao đổi với nhau, và chỉ một số người có học thức mới biết. Có vẻ không có khả năng Đức Giêsu đã học tiếng Latinh và sử dụng nó trong đời sống hằng ngày hoặc trong việc rao giảng.

Đối với tiếng Hy Lạp, không có gì đáng ngạc nhiên nếu thỉnh thoàng Đức Giêsu đã sử dụng nó, vì nhiều nông dân và thợ thủ công ở Galilê đều biết tiếng Hy Lạp, ít là những kiến thức cơ bản cần thiết cho các hoạt động thương mại đơn giản hoặc để giao tiếp với cư dân thành phố, là những người đa số mang văn hóa Hy Lạp. Ngôn ngữ này cũng được sử dụng ở Giuđêa: ước tính có từ 8 đến 15 phần trăm dân số Giêrusalem nói tiếng Hy Lạp. Tuy vậy, không thể biết chắc chắn liệu Đức Giêsu có sử dụng tiếng Hy Lạp hay không, và không thể xác định điều đó một cách chắc chắn từ bất kỳ bản văn nào, nhưng cũng không thể loại trừ. Chẳng hạn, có khả năng Chúa Giêsu đã nói chuyện với Philatô bằng ngôn ngữ này.

Những lời ám chỉ lặp đi lặp lại trong các sách Tin Mừng về việc Đức Giêsu rao giảng trong các hội đường và những cuộc đối thoại của Người với những người Pharisêu về các văn bản Kinh Thánh khiến người ta tin rằng rất có khả năng Ngài biết và đã sử dụng tiếng Do Thái.

Tuy nhiên, mặc dù Đức Giêsu biết và đôi khi sử dụng tiếng Do Thái, nhưng thật hợp lý khi nghĩ rằng trong các cuộc nói chuyện hằng ngày và trong việc rao giảng, Người thường sử dụng tiếng Aram, vốn là ngôn ngữ thông dụng trong đời sống thường nhật của người Do Thái ở Galilê. Thật ra, trong một số trường hợp, bản văn Hy Lạp của các sách Tin Mừng vẫn giữ nguyên một số từ hoặc cụm từ gốc tiếng Aram được Đức Giêsu thốt ra: Talita qum (Mc 5,41), Corbàn (Mc 7,11), Effetha (Mc 7,34), Geenna (Mc 9,43), Abbà (Mc 14,36), Eloi, Eloi, lema sabactani? (Mc 15,34), hoặc từ nơi những người đối thoại với Người: Rabbuni (Mc 10,51).

Các nghiên cứu về nguồn gốc ngôn ngữ của các sách Tin Mừng dẫn đến kết luận rằng những lời được ghi lại ở đây đầu tiên được thốt ra bằng ngôn ngữ Sêmít: tiếng Do Thái, khả năng nhiều hơn là tiếng Aram.

Hơn nữa, chính cấu trúc đặc thù của tiếng Hy Lạp được sử dụng trong các sách Tin Mừng cũng cho thấy cấu trúc ngữ pháp của tiếng Aram. Điều này có thể nhận ra qua việc một số lời được các sách Tin Mừng gán cho Chúa Giêsu trở nên đặc biệt mạnh mẽ về mặt diễn đạt khi được dịch trở lại tiếng Aram; và cũng có những từ ngữ được dùng với ý nghĩa khác với nghĩa thông thường trong tiếng Hy Lạp, bắt nguồn từ cách sử dụng theo kiểu Sêmít.

Cuối cùng, trong một số trường hợp, khi dịch các sách Tin Mừng sang tiếng Sêmít, người ta nhận thấy một số cách chơi chữ mà trong bản gốc tiếng Hy Lạp vẫn còn ẩn giấu.

G. Võ Tá Hoàng
chuyển ngữ từ 50 domande su Gesù

Xem những bài viết liên quan

50 câu hỏi về Đức Giêsu - Dẫn nhập
1. Chúng ta biết gì về Đức Giêsu Nazarét
2. Có những nguồn tài liệu cổ xưa, ngoài Kitô giáo, nói về Chúa Giêsu không?
3. Việc nghiên cứu nhân vật Giêsu lịch sử hiện nay như thế nào
4. Đức Giêsu sinh ra ở Bêlem hay Nazarét?
5. Đức Giêsu được sinh ra như thế nào?
6. Sự đồng trinh của Đức Maria có ý nghĩa gì?
7. Ngôi sao Bêlem
8. Tại sao chúng ta mừng lễ Giáng Sinh vào ngày 25 tháng 12?
9. Cuộc thảm sát các trẻ thơ vô tội
10. Đức Giêsu có anh chị em không?
11. Thánh Giuse có kết hôn lần thứ hai không?
12. Đức Giêsu nói ngôn ngữ nào?
Mới hơn Cũ hơn