50 câu hỏi về Đức Giêsu: 14. Đức Giêsu có phải là môn đệ của Gioan Tẩy Giả không?


50 CÂU HỎI VỀ ĐỨC GIÊSU

50 câu hỏi này xuất phát từ ý định của một nhóm chuyên gia thuộc Khoa Thần học của Đại học Navarra (các Giáo sư Juan Chapa, Francisco Varo và những người khác) đã biên soạn một số tài liệu được xuất bản trong cuốn “50 preguntas sobre Jesús” do nhà xuất bản Rialp Madrid.

14. Đức Giêsu có phải là môn đệ của Gioan Tẩy Giả không?

Vì mối quan hệ giữa Gioan Tẩy Giả và Đức Giêsu rất trực tiếp và mật thiết, nên người ta tự hỏi liệu có mối quan hệ thầy-trò giữa hai người không. Để có câu trả lời thích hợp cho câu hỏi này, cần phải tập trung vào ba khía cạnh đang được các học giả tranh luận: các môn đệ của Gioan, tầm quan trọng của phép rửa Chúa Giêsu tại sông Giođan và những lời khen ngợi dành cho Gioan Tẩy Giả.

1. Các môn đệ của Gioan. Các sách Tin Mừng thường xuyên nhắc đến họ (Mc 2, 18; Mt 11, 2) và chúng ta biết rằng một số người trong số họ sau đó đã theo Đức Giêsu (Ga 1,35-37). Họ không phải là những người bạn đồng hành ngẫu nhiên: họ chia sẻ cuộc sống (Mc 2,18) và những ý tưởng (Ga 3,22) của Gioan. Flavius Josephus phân biệt hai loại môn đệ: một số người vui thích lắng nghe giáo huấn của Gioan về nhân đức, công lý, v.v., và chịu phép rửa; những người khác “tụ tập quanh Gioan vì họ rất phấn khởi khi nghe Gioan nói” (Cổ sử Do Thái 18,116-117). Tin Mừng thứ tư ghi lại rằng một số môn đệ của Gioan tỏ ra ghen tị với hoạt động của Đức Giêsu (Ga 3,25-27), từ đó có thể suy ra rằng họ không coi Ngài là một trong số họ.

2. Phép rửa của Chúa Giêsu. Các nhà chuyên môn không nghi ngờ tính lịch sử của sự kiện này, một phần là vì việc đưa nó vào các sách Tin Mừng đã gây ra một số khó khăn: trước hết là khả năng giải thích về sự kiện này như một minh chứng cho tính ưu việt của Gioan Tẩy Giả đối với Đấng chịu phép rửa; thứ hai, vì đây là phép rửa sám hối, người ta có thể nghĩ rằng Đức Giêsu có ý thức về việc mình là người tội lỗi. Các sách Tin Mừng Nhất Lãm cho thấy rõ trong các trình thuật của mình rằng Gioan thừa nhận sự phục tùng của mình, ban đầu Gioan đã do dự không muốn làm phép rửa cho Đức Giêsu (Mt 3,13-17). Sau đó, tiếng nói từ trời mạc khải phẩm giá thần linh của Đức Giêsu (Mc 1,8-11) và Tin Mừng thứ tư, tuy không thuật lại biến cố này, nhưng cho biết rằng Gioan Tẩy Giả đã làm chứng vì đã thấy chim bồ câu đậu xuống trên Đức Giêsu (Ga 1,29-34) và về thân phận thấp kém của chính mình (Ga 3,30). Từ những điều đã nói ở trên, có thể suy ra rằng việc được Gioan làm phép rửa không có nghĩa là trở thành môn đệ của ông.

3. Những lời khen ngợi của Đức Giêsu. Có hai câu trong đó Đức Giêsu bày tỏ sự kính trọng đối với Gioan Tẩy Giả, nhưng không ngụ ý rằng Ngài là môn đệ của ông. Một câu được cả Mátthêu (Mt 11,11) và Luca (7,28) thuật lại đó là: “trong số những người sinh bởi phụ nữ, không có ai lớn hơn Gioan”. Câu còn lại nằm trong Tin Mừng Marcô (9,12-13) và áp dụng lời tiên tri Ml 3,23-24 cho Gioan Tẩy Giả: “Trước hết ông Êlia đến trước để chỉnh đốn mọi sự. (...) Nhưng Thầy nói cho anh em biết: ông Êlia đã đến, và họ đã xử với ông theo ý họ muốn, như Sách Thánh đã chép về ông".

Không còn nghi ngờ gì nữa, con người của Gioan, phép rửa (x. Mt 21,13-27) và sứ điệp của Gioan đã hiện diện rất nhiều trong cuộc đời Đức Giêsu. Tuy nhiên, Ngài đã đi theo một con đường hoàn toàn khác với Gioan Tẩy Giả: khác trong cách cư xử của Ngài, vì Ngài đã đi khắp cả nước, kể cả thủ đô Giêrusalem, và giảng dạy ngay trong Đền Thờ; khác trong sứ điệp của Ngài, vì Ngài đã rao giảng về vương quốc cứu độ phổ quát; và khác trong những gì Ngài dạy cho các môn đệ của mình. Ngài hướng dẫn họ về giới luật yêu thương vượt lên trên các quy tắc pháp lý và các thực hành khổ hạnh. Nhưng điều làm Ngài khác biệt nhiều so với Gioan, chính là việc Ngài đã mở ra chân trời cứu độ cho tất cả mọi người thuộc mọi chủng tộc và mọi thời đại.

Tóm lại, ngay cả trong giả thuyết ít khả năng xảy ra và hoàn toàn không minh chứng được rằng Đức Giêsu từng có thời gian sống cùng với các môn đệ của Gioan Tẩy Giả, thì không thể khẳng định rằng Ngài đã chịu ảnh hưởng quyết định từ Gioan. Thay vì là môn đệ của Gioan Tẩy Giả, Đức Giêsu là Đấng Mêsia và là Đấng Cứu Độ đã được vị ngôn sứ cuối cùng và vĩ đại nhất là Gioan Tẩy Giả loan báo.

G. Võ Tá Hoàng
chuyển ngữ từ 50 domande su Gesù

Xem những bài cùng chủ để

50 câu hỏi về Đức Giêsu - Dẫn nhập
1. Chúng ta biết gì về Đức Giêsu Nazarét
2. Có những nguồn tài liệu cổ xưa, ngoài Kitô giáo, nói về Chúa Giêsu không?
3. Việc nghiên cứu nhân vật Giêsu lịch sử hiện nay như thế nào
4. Đức Giêsu sinh ra ở Bêlem hay Nazarét?
5. Đức Giêsu được sinh ra như thế nào?
6. Sự đồng trinh của Đức Maria có ý nghĩa gì?
7. Ngôi sao Bêlem
8. Tại sao chúng ta mừng lễ Giáng Sinh vào ngày 25 tháng 12?
9. Cuộc thảm sát các trẻ thơ vô tội
10. Đức Giêsu có anh chị em không?
11. Thánh Giuse có kết hôn lần thứ hai không?
12. Đức Giêsu nói ngôn ngữ nào?
13. Đức Giêsu độc thân, đã kết hôn hay góa vợ?

Mới hơn Cũ hơn