50 câu hỏi này xuất phát từ ý định của một nhóm chuyên gia thuộc Khoa Thần học của Đại học Navarra (các Giáo sư Juan Chapa, Francisco Varo và những người khác) đã biên soạn một số tài liệu được xuất bản trong cuốn “50 preguntas sobre Jesús” do nhà xuất bản Rialp Madrid.
15. Gioan Tẩy Giả có ảnh hưởng gì đến Đức Giêsu?
Hình ảnh Gioan Tẩy Giả chiếm một vị trí quan trọng trong Tân Ước và đặc biệt là trong bốn sách Tin Mừng. Ngay từ đầu, ngài đã được truyền thống Kitô giáo cổ xưa coi trọng và đã thấm nhập vào lòng đạo đức bình dân. Giáo hội mừng lễ sinh nhật của ngài cách đặc biệt trang trọng từ thuở xa xưa.
Trong những năm gần đây, Gioan Tẩy Giả trở thành tâm điểm chú ý của các học giả nghiên cứu Tân Ước và nguồn gốc Kitô giáo. Họ là những người đặt câu hỏi từ quan điểm phê bình lịch sử, về mối quan hệ giữa Gioan Tẩy Giả và Đức Giêsu Nazarét.
Chúng ta không có thông tin gì về Gioan Tẩy Giả, cả nguồn Kitô giáo và nguồn thế tục. Các nguồn Kitô giáo là bốn sách Tin Mừng quy điển và ngụy thư của Tôma. Nguồn thế tục quan trọng nhất là của Flavius Josephus, người đã dành hẳn một chương trong tác phẩm Cổ sử Do Thái của mình (18,116-119) để mô tả cuộc tử đạo của Gioan Tẩy Giả dưới thời Hêrôđê trong pháo đài Machaerus, ở Perea. Để đánh giá mức độ ảnh hưởng có thể có của Gioan đối với Đức Giêsu, rất hữu ích khi tập trung vào những gì đã biết về cuộc đời, lối sống và sứ điệp của cả hai.
1. Sinh và qua đời. Gioan Tẩy Giả sống cùng thời với Đức Giêsu, mặc dù chắc chắn ngài đã bắt đầu hoạt động công khai sớm hơn. Dù xuất thân từ một gia đình tư tế (Lc 1), ngài chưa bao giờ thi hành chức năng tư tế. Với lối sống khổ hạnh và thường xuyên ở xa Đền Thờ, người ta cho rằng Gioan có đời sống thiêng liêng rất xa cách với giới tư tế tại Giêrusalem. Gioan đã sống một thời gian trong hoang địa Giuđêa (Lc 1,80), nhưng dường như ngài không có liên hệ gì với nhóm Qumran, vì ngài không quá khắt khe trong việc tuân thủ các quy tắc pháp lý như giáo phái này. Ngài qua đời vì bị Hêrôđê Antipas kết án (Flavius Josephus, Cổ sử 18, 118; Mc 6, 17-29). Ngược lại, Đức Giêsu đã sống thời thơ ấu ở Galilê và chỉ gặp Gioan Tẩy Giả khi Ngài được ông làm phép rửa tại sông Giođan. Đức Giêsu được tin về cái chết của Gioan Tẩy Giả và luôn ca ngợi con người, sứ điệp cũng như sứ mạng ngôn sứ của Gioan.
2. Lối sống. Về cuộc đời và lối sống của Gioan, Flavius Josephus cho biết: Gioan Tẩy giả là “người tốt”, nhiều người “đến với ông và lòng thấy bừng lên khi nghe ông nói”. Các tác giả Tin Mừng cung cấp cho chúng ta thêm những dữ liệu khác: họ nói rõ nơi Gioan thi hành sứ vụ công khai là Giuđêa, dọc theo bờ sông Giođan. Họ mô tả đời sống khắc khổ của Gioan qua cách ăn mặc. Họ cho thấy quyền uy của ngài đối với các môn đệ và vai trò tiền hô của ngài, khi ngài chỉ cho biết Đức Giêsu Nazarét là Đấng Mêsia đích thực. Ngược lại, Đức Giêsu bề ngoài không khác biệt so với những người đồng hương của Ngài. Ngài không giới hạn việc rao giảng chỉ ở một nơi nhất định. Ngài tham dự các bữa ăn gia đình, ăn mặc như những người khác. Và mặc dù Ngài lên án cách giải thích luật pháp theo nghĩa đen của những người Pharisêu, nhưng Đức Giêsu vẫn tuân giữ đầy đủ các quy định của Lề Luật và thường xuyên lui tới Đền Thờ.
3. Sứ điệp và phép rửa. Theo Flavius Josephus, Gioan Tẩy Giả “khuyên người Do Thái thực hành nhân đức, sống công bằng với nhau và sùng kính Thiên Chúa, rồi sau đó mới chịu phép rửa”. Các sách Tin Mừng thêm rằng sứ điệp của ngài mang tính sám hối, cánh chung và Mêsia: Gioan kêu gọi sám hối và dạy rằng sự phán xét của Thiên Chúa đã gần đến: sẽ có một Đấng “quyền thế hơn tôi” (...) Đấng ấy sẽ “làm phép rửa bằng Thánh Thần và lửa” (Mt 3,11). Theo Flavius Josephus, phép rửa Gioan làm nhằm “thanh tẩy thân xác” và là dấu chỉ của tâm hồn thanh sạch nhờ đời sống công chính. Đối với các tác giả Tin Mừng, đó là “phép rửa sám hối để tha tội” (Mc 1,4). Đức Giêsu không từ chối sứ điệp của Gioan Tẩy Giả, trái lại Ngài lấy đó làm điểm xuất phát (Mc 1,15) để loan báo Nước Trời và ơn cứu độ phổ quát. Ngài tự đồng hóa mình với Đấng Mêsia mà Gioan đã loan báo, khai mở viễn tượng cánh chung. Và, trên hết, Ngài biến phép rửa của chính mình thành nguồn ơn cứu độ (Mc 16,16) và là cánh cửa, qua đó chúng ta bước vào để chia sẻ các ân sủng được trao phó cho các môn đệ.
Tóm lại, dù giữa Gioan và Đức Giêsu có nhiều điểm tương đồng, dựa trên các dữ liệu mà chúng đã biết cho đến nay, không thể phủ nhận rằng Đức Giêsu Nazarét đã vượt qua khuôn mẫu Cựu Ước của Gioan Tẩy Giả (kêu gọi sám hối, nghiêm khắc về đạo đức, niềm hy vọng về Đấng Mêsia) và mở ra chân trời cứu độ vô tận (Triều đại của Thiên Chúa, ơn cứu độ phổ quát và mặc khải chung cuộc).
G. Võ Tá Hoàng
chuyển ngữ từ 50 domande su Gesù
Xem những bài cùng chủ để
50 câu hỏi về Đức Giêsu - Dẫn nhập
1. Chúng ta biết gì về Đức Giêsu Nazarét
2. Có những nguồn tài liệu cổ xưa, ngoài Kitô giáo, nói về Chúa Giêsu không?
3. Việc nghiên cứu nhân vật Giêsu lịch sử hiện nay như thế nào
4. Đức Giêsu sinh ra ở Bêlem hay Nazarét?
5. Đức Giêsu được sinh ra như thế nào?
6. Sự đồng trinh của Đức Maria có ý nghĩa gì?
7. Ngôi sao Bêlem
8. Tại sao chúng ta mừng lễ Giáng Sinh vào ngày 25 tháng 12?
9. Cuộc thảm sát các trẻ thơ vô tội
10. Đức Giêsu có anh chị em không?
11. Thánh Giuse có kết hôn lần thứ hai không?
12. Đức Giêsu nói ngôn ngữ nào?
13. Đức Giêsu độc thân, đã kết hôn hay góa vợ?
14. Đức Giêsu có phải là môn đệ của Gioan Tẩy Giả không?