50 câu hỏi về Đức Giêsu : 10. Đức Giêsu có anh chị em không?

 


50 CÂU HỎI VỀ ĐỨC GIÊSU

50 câu hỏi này xuất phát từ ý định của một nhóm chuyên gia thuộc Khoa Thần học của Đại học Navarra (các Giáo sư Juan Chapa, Francisco Varo và những người khác) đã biên soạn một số tài liệu được xuất bản trong cuốn “50 preguntas sobre Jesús” do nhà xuất bản Rialp Madrid.


10. Đức Giêsu có anh chị em không?

Đức Trinh Nữ Maria đã thụ thai Đức Giêsu mà không có sự can dự của người nam (Mt 1,25) và không có con nào khác, điều này cũng được suy ra từ việc Đức Giêsu trên thập giá đã trao Mẹ của mình cho Gioan (Ga 19,27). Đây là điều đã được truyền lại cho chúng ta qua truyền thống của Hội Thánh, đã tuyên xưng Đức Maria là aeiparthenos, “trọn đời đồng trinh”. Đây là một chân lý đức tin, phù hợp với các bản văn Tin Mừng. Những cách diễn đạt được tìm thấy trong các sách Tin Mừng, có vẻ như mâu thuẫn với chân lý này, cần phải được hiểu cho đúng cách:

a) Trong Tin mừng nói rằng Đức Giêsu là con đầu lòng của Đức Maria (Lc 2,6), điều này có thể hàm ý rằng Người là anh cả trong số nhiều anh em. Nhưng từ “con đầu lòng” là cách gọi hợp pháp để chỉ người con đầu tiên (Xh 19,29; 34,19, v.v.) và không nhất thiết ngụ ý rằng Người có những anh em khác sau đó, như được minh chứng rõ ràng qua một bản khắc nổi tiếng của người Do Thái, trong đó nói về một người mẹ đã qua đời khi sinh “người con đầu lòng” của mình.

b) Câu trong Tin mừng Mátthêu 1,25: “ông không ăn ở với bà, cho đến khi bà sinh một con trai”, theo nghĩa đen có thể dịch là “và ông đã không biết bà [theo nghĩa Kinh Thánh là: chung sống vợ chồng] cho đến khi bà sinh con”. Liên từ Hy Lạp heos, “cho đến khi”, dường như ngụ ý rằng sau đó “ông đã biết bà”. Thực ra, liên từ này tự nó nói đến điều đã xảy ra cho đến thời điểm đó, trong trường hợp ở đây là sự sinh hạ Đức Giêsu bởi một trinh nữ, chứ không đưa ra khẳng định gì về điều xảy ra sau này. Chúng ta tìm thấy chính liên từ này trong Gioan 9,18, nói rằng những người Pharisêu không tin phép lạ chữa lành cho người mù từ khi mới sinh “cho đến khi” họ gọi cha mẹ của anh ta. Nhưng ngay cả sau đó họ cũng không tin.

c) Trong các bản văn Tin Mừng có những chỗ ám chỉ rõ ràng đến một số “anh em và chị em” của Đức Giêsu (Mc 3,32; 6,3 và các bản song song). Thậm chí có bốn cái tên được nhắc đến: “Giacôbê, Giuse, Simon và Giuđa” (Mc 6,3). Trong số bốn người này, Giacôbê sẽ đóng một vai trò quan trọng trong Giáo hội sơ khai, với tư cách là người đứng đầu Giáo hội Giêrusalem, và sẽ được biết đến chính xác là “Giacôbê, anh em của Chúa” (Gl 1,19; x. 1 Cr 15,7). Mặt khác, cần phải lưu ý rằng trong tiếng Do Thái và Aram không có từ chuyên biệt để phân biệt các mức độ quan hệ họ hàng, do đó tất cả những người thân đều được gọi là “anh em”. Từ “anh em” sử dụng trong Tin Mừng được dịch từ tiếng Hy Lạp là adelphos (những bản văn phản ánh thế giới Semit chứ không phải Hy Lạp), có nghĩa rất rộng, nó đi từ anh em ruột thịt đến anh em cùng cha khác mẹ, anh em rể, chú bác, hàng xóm, môn đệ, v.v. Trong sách Sáng thế 13,8, nói rằng Ápraham và Lót là anh em, nhưng thực ra từ các dữ liệu khác mà chúng ta biết được thì họ là chú cháu. Trong Marcô 6,17, nói rằng Hêrôđia đã kết hôn với Hêrôđê, “anh em của Philipphê”, nhưng thực ra họ là anh em cùng cha khác mẹ, vì họ có mẹ khác nhau. Trong Gioan 19,25, chúng ta đọc thấy rằng “đứng gần thập giá Đức Giêsu, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Maria vợ ông Cleopát, cùng với bà Maria Mácđala”, điều này có nghĩa là hai bà có tên Maria hẳn là bà con chứ không phải chị em ruột, vì họ có cùng tên riêng.

Đúng là trong tiếng Hy Lạp có từ anepsios để chỉ về anh em họ, nhưng trong Tân Ước (Cl 4,10) nó chỉ xuất hiện một lần. Để khẳng định rằng, trong trường hợp họ là anh em họ chứ không phải anh em ruột, thì các tác giả Tin Mừng đã sử dụng từ này hoặc đã để lại một số manh mối, là một lập luận dựa trên giả định tiên nghiệm. Viện dẫn chứng từ của Hégésippô, được Eusêbiô thành Cêsarê truyền lại, trong đó ông nói đến “Giacôbê, anh em của Chúa” (Hist. Eccl. 2,23) và “Simôn, anh em họ của Chúa” (Hist. Eccl. 4,22) không phải là một lập luận mang tính quyết định. Trường hợp thứ nhất (“anh em của Chúa”) có thể được hiểu như một danh xưng mà qua đó người ta biết đến ông Giacôbê, chứ không nhằm xác định rõ mức độ quan hệ huyết thống.

Trừ khi ngữ cảnh làm rõ, ta không thể biết chính xác ý nghĩa của từ “anh em” cũng như mức độ quan hệ huyết thống và họ hàng. Nếu Đức Giêsu được gán cho là có “anh chị em”, thì mặt khác, chính Ngài là người duy nhất được gọi là “con của bà Maria” (Mc 6,3). Người là con trai duy nhất của Đức Maria. Chính truyền thống của Hội Thánh (chứ không phải là những phân tích ngôn ngữ học tưởng chừng như hợp lý hơn, hay những chứng từ rời rạc cho dù rất cổ xưa) mới là người giải thích đúng đắn những bản văn này. Chính truyền thống này đã giải thích rằng trong Tân Ước, cụm từ “anh em” của Đức Giêsu phải được hiểu là “họ hàng thân thuộc”, theo nghĩa của từ Hy Lạp. Mọi cách giải thích khác tuy có thể xảy ra, nhưng đều mang tính tùy tiện.

G. Võ Tá Hoàng
chuyển ngữ từ 50 domande su Gesù


Xem những bài viết liên quan

50 câu hỏi về Đức Giêsu - Dẫn nhập
1. Chúng ta biết gì về Đức Giêsu Nazarét
2. Có những nguồn tài liệu cổ xưa, ngoài Kitô giáo, nói về Chúa Giêsu không?
3. Việc nghiên cứu nhân vật Giêsu lịch sử hiện nay như thế nào
4. Đức Giêsu sinh ra ở Bêlem hay Nazarét?
5. Đức Giêsu được sinh ra như thế nào?
6. Sự đồng trinh của Đức Maria có ý nghĩa gì?
7. Ngôi sao Bêlem
8. Tại sao chúng ta mừng lễ Giáng Sinh vào ngày 25 tháng 12?
9. Cuộc thảm sát các trẻ thơ vô tội
10. Đức Giêsu có anh chị em không?
Mới hơn Cũ hơn