Hành trình từ người dẫn chương trình truyền hình “Linea Verde” đến chức linh mục


“Linea Verde, Lineablu, Linea Cristo” – (Từ đường Xanh – Biển Xanh – đến đường theo Đức Kitô). Một nụ cười chợt nở trên môi khi Fabrizio Gatta dùng câu nói dí dỏm này để tóm tắt về hành trình đầy thử thách và hoán cải, đã đưa ngài đến một lựa chọn triệt để: từ bỏ ánh đèn màn ảnh nhỏ, rời khỏi kênh truyền hình quốc gia RaiUno, để bước theo một ơn gọi khác, ơn gọi linh mục.

Fabrizio Gatta, là một gương mặt quen thuộc với khán giả truyền hình, bên cạnh những thợ lặn trong các tập phim khám phá đáy biển đẹp nhất nước Ý qua chương trình Linea Blu, hay thưởng thức món ngon vùng miền trong các hành trình của Linea Verde. Nhưng khi đang ở trên đỉnh cao thành công với tư cách là người dẫn chương trình và là tác giả của các chương trình truyền hình ăn khách, Fabrizio Gatta đã gặp được Thiên Chúa và quyết định tạm dừng lại. Lần đầu tiên, ngài chia sẻ về lựa chọn và thay đổi tận căn trong cuộc đời mình, đang khi tựa mình vào bức tường của giáo xứ Thánh Basiliô nằm ở vùng ngoại ô Palermo, nơi ngài đã có những ngày đầu tiên sống trải nghiệm truyền giáo đường phố, đồng hành với các tu sĩ Tu sĩ Dòng Máu Châu Báu Chúa Kitô.

“Tôi đã có danh tiếng, có những chiếc xe sang, có những người phụ nữ quyến rũ. Tôi không thiếu thốn gì cả. Tôi đã sống trong một thứ cảm giác toàn năng do sự nổi tiếng mang lại. Nhưng vẫn còn thiếu điều gì đó… Một đêm nọ, tôi mơ thấy Cha Piô. Một điều rất lạ, vì tôi chưa bao giờ có lòng sùng kính đặc biệt vị thánh này, và cũng không mấy quan tâm. Ngày hôm sau, trong hòm thư ở tiền sảnh, tôi tìm thấy một tấm ảnh nhỏ đã cũ của chính Cha Piô. Đó là dấu chỉ đầu tiên khiến tôi bắt đầu suy nghĩ”.

Từ đó, Fabrizio Gatta dần dần quay trở lại với đời sống đức tin: thường xuyên đến nhà thờ Argentina ở quảng trường Buenos Aires tại Rôma, giáo xứ Đức Mẹ Sầu Bi, cùng những chuyến hành hương đến Fatima và Giêrusalem đã giúp ngài trong hành trình phân định.

“Tôi đã gia nhập Dòng Hiệp sĩ Mộ Thánh và đã đến Thánh Địa”, ngài nhớ lại. Khi gặp Đức Tổng Fouad Twal, Thượng phụ Giêrusalem, tôi đã hỏi ngài: “Thưa Đức Thượng Phụ, con có thể làm gì đây?”. Ngài đã đưa tôi đi gặp một số bạn trẻ người Palestine đang đi học và thế là tôi đã nhận đỡ đầu cho Salem. Tôi hỗ trợ em trong việc học và em là học sinh đứng đầu lớp”.

Sau đó, trong một kỳ nghỉ của chương trình Linea Verde, Fabrizio Gatta đã có một chuyến đi ngắn đến Fatima, trong đôi mắt ứa lệ, ngài kể : “Tôi đã quỳ gối khóc trước tượng Đức Mẹ”.


Hành trình phân định được thực hiện nhờ các linh mục người Argentina và cha Antonio Grande, khiến Fabrizio Gatta quyết định ghi danh theo học thần học tại Đại học Giáo hoàng Gregoriana. Cùng với các linh mục này, Fabrizio Gatta cũng đã hân hoan chào đón biến cố Đức Hồng y Jorge Mario Bergoglio được chọn làm Giáo hoàng Phanxicô. Fabrizio chia sẻ: “Tôi bị đánh động mạnh bởi sự đơn sơ trong bài diễn văn đầu tiên của ngài, bởi cử chỉ cúi đầu xin mọi người cầu nguyện cho ngài, và nhất là chuyến đi đầu tiên của ngài đến đảo Lampedusa. Những điều ấy là dấu chỉ của vị Giáo hoàng tôi cảm nhận rất gần gũi”.

Vào ngày 8 tháng 7, Vatican cũng gửi cho Gatta một phép lành đặc biệt, như là sự nâng đỡ từ Giáo Hội cho hành trình ơn gọi mới khởi đầu.

Những kết quả đầu tiên đã đến

“Tôi đã thi đậu bảy môn của năm thứ nhất và trên ghế nhà trường Gregoriana, tôi đã gặp được các Tu sĩ Dòng Máu Châu Báu, do Thánh Gaspare del Bufalo sáng lập”. Các tu sĩ này là những người đã truyền một cú hích cho cuộc đời Fabrizio Gatta và cho hàng ngàn bạn trẻ trên khắp nước Ý, trong các cộng đoàn nơi họ được mời đến để làm chứng và mang Tin Mừng bằng ngôn ngữ vui tươi của giới trẻ.

Chính trong hành trình phân định lâu dài và gian khó này, Fabrizio Gatta đã cảm nghiệm được nơi bản thân Lòng Thương Xót, “tấm áo choàng ôm lấy tất cả mọi người, như được thể hiện một cách sống động qua bức bích họa tuyệt đẹp của Piero della Francesca tại bảo tàng thành phố Sansepolcro”, ngài ghi nhận. “Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói về lòng thương xót với các linh mục, rằng các ngài phải có một trái tim biết rung động, biết đón nhận. Lòng thương xót của Thiên Chúa đã cho tôi gặp được nhiều linh mục như thế, như cha Domenico D’Alia, người mà tôi gọi là vị linh mục của lòng thương xót. Ngài đã giúp tôi trong thời khắc đen tối nhất của cuộc hành trình, khi tôi cảm thấy bị bỏ rơi, và ngài đã khóc cùng tôi, giúp tôi nhận ra rằng Chúa viết thẳng trên những đường cong”.

Và cuộc phiêu lưu mới đã bắt đầu.

“Trên truyền hình, tôi luôn kể về vẻ đẹp của thiên nhiên, của đất nước Ý. Những đỉnh núi cao, những vực biển sâu, các loài động vật, những phong cảnh. Điều này đã cho phép tôi luôn được kết nối với Thiên Chúa, dù khi ấy tôi không hề hay biết”, ngài thú nhận.

Sự cởi mở với người khác luôn là một đặc điểm trong tính cách của Fabrizio, một phần nhờ nền giáo dục Công giáo (13 năm học trường công giáo, không thể quên được), cũng như công việc thiện nguyện với trẻ em người Rom tại một khu trại ở Rôma hay trong các quán ăn dành cho người nghèo.

“Tôi không chỉ muốn làm việc cho Giáo hội. Vào thời điểm mà tôi không thiếu thốn bất cứ điều gì, sau khi đã đi khắp thế giới, tôi muốn làm việc trong Giáo hội. Khi bạn thực sự gặp gỡ Chúa Giêsu, mọi thứ khác đều trở nên thứ yếu”. Và với đặc sủng của các Tu sĩ Dòng Máu Châu Báu, một sự đồng điệu đã nảy sinh ngay lập tức: “Tôi vốn là một nhà truyền thông và nơi họ, tôi đã tìm thấy một khả năng phi thường trong việc truyền tải niềm vui, tình cảm...”, Gatta giải thích.

“Họ đã mời tôi đến hội nghị toàn quốc để chia sẻ ba lần về cuộc hoán cải của tôi, đặc biệt là trong đêm canh thức Thánh Thể, trước cả ngàn bạn trẻ. Khi ấy, tôi không còn là người của truyền hình nữa, tôi là chính mình. Thật không thể tin được”. Một hành trình đã cho phép Fabrizio nhìn nhận lại những ưu tiên trong cuộc sống, hàn gắn lại các mối quan hệ gia đình: “Tôi vốn là một người vui tính, nhưng bây giờ mọi người nói với tôi: ‘Nơi ánh mắt của anh, chúng tôi nhìn thấy Chúa Giêsu’”.

Thế là cha Domenico D’Alia, giám đốc trung tâm vụ mục vụ giới trẻ của Dòng Máu Châu Báu, đã tuyển mộ Fabrizio Gatta. Kinh nghiệm sứ vụ đường phố đầu tiên là ở Palermo: “ở Sicily, tôi cảm thấy như nhà mình. Người dân thật tuyệt vời. Rất nhiều bạn trẻ đã đến. Cần phải gặp gỡ những người trẻ, họ kể cho bạn nghe những câu chuyện cá nhân, họ có một tuổi vị thành niên nổi loạn vì bị tổn thương. Cần phải giúp họ cảnh giác với những tình bạn ảo. Họ phải học cách nhìn vào mắt nhau”.

(Nguyên bản đăng trên Credere 12 / 2014)
G. Võ Tá Hoàng

Mới hơn Cũ hơn