Nếu các giáo xứ thực hiện tốt hơn việc dạy giáo lý và phụng vụ, nhấn mạnh đến việc xưng tội và xây dựng lòng sùng kính đối với Bí tích Thánh Thể và Đức Trinh Nữ Maria, thì liệu họ có thể đạt được nhiều thành quả hơn không?
Đa số tín hữu Công giáo ngày nay đều quen thuộc với hai khuynh hướng trái ngược đang song hành trong Giáo hội: một mặt là tình trạng vô tín lan rộng và những cuộc “ly khai thầm lặng”, và mặt kia là một phong trào nhỏ nhưng kiên cường hướng về chính thống đức tin và truyền thống phụng vụ.
Nhiều linh mục trẻ đã bắt đầu dấn thân vào công cuộc canh tân: cải thiện việc dạy giáo lý, củng cố phụng vụ, cổ võ việc xưng tội, và khơi dậy lòng sùng kính Thánh Thể cùng Đức Maria. Nhờ đó, tại một số giáo xứ, hiện tượng rút lui khỏi đời sống Hội Thánh đang dần chững lại. Con số giáo dân tham dự phụng vụ đang ổn định, thậm chí có nơi tăng trưởng.
Đây là một dấu hiệu đầy hy vọng. Nhưng, ngay cả trong những giáo xứ có dấu hiệu "phục hồi", vẫn còn tồn tại một thực tế đáng lo: sự nguội lạnh. Nhiều giáo dân tuy tham dự Thánh lễ mỗi Chúa nhật và tự nhận mình là người Công giáo, nhưng lại không thực sự sống trọn vẹn đức tin. Đời sống đức tin của họ bị đẩy xuống hàng thứ yếu, nhường chỗ cho những ưu tiên thế tục. Nhiều người trong số họ không ở trong tình trạng ân sủng, và như thế, đang ở bên bờ vực của sự hư mất đời đời.
Tại sao có những người đi lễ hằng tuần vẫn không sống đức tin cách trọn vẹn?
Câu hỏi này rất cần thiết, và là chìa khóa để không chỉ ngăn chặn cuộc "di cư tinh thần" ra khỏi Giáo hội, mà còn để đưa Hội thánh vượt qua cơn khủng hoảng hiện nay. Nếu những giáo xứ đã dấn thân giảng dạy giáo lý đúng đắn, cử hành phụng vụ xứng hợp, cổ vũ việc xưng tội, tôn kính Thánh Thể và Mẹ Maria, lẽ ra họ phải gặt hái nhiều hoa trái hơn. Nhưng tại sao thực tế lại chưa như thế?
Câu trả lời nằm ở tâm thức, cụ thể là tâm thức đã bị tê liệt của nhiều giáo dân. Họ, cũng như không ít cộng đoàn giáo xứ, đã bị lôi cuốn bởi văn hóa hiện đại, đặc biệt là bởi những quan niệm sai lạc về hạnh phúc, tự do và tôn giáo. Những quan niệm ấy đi ngược lại với đức tin Công giáo, nhưng thật đáng tiếc, Hội Thánh phần lớn lại im lặng trước các nguy cơ căn bản đó.
Muốn giúp các tín hữu sống đức tin cách trọn vẹn, chúng ta không chỉ cần cải tổ bên ngoài, mà cần đánh thức lại tâm trí, định hướng lại não trạng. Việc giảng dạy chống lại thế gian và não trạng thế tục không dễ dàng, nhưng chính vì vậy mà nó rất cấp thiết, và là cơ hội tuyệt vời để các linh mục lôi kéo sự chú ý của giáo dân và dẫn đưa họ đến chỗ sống đức tin trọn vẹn hơn.
Khởi đi từ linh mục
Chính các linh mục là người được Thiên Chúa đặt làm mục tử để dẫn đưa các linh hồn về với Người. Họ được xức dầu và sai đi để giúp giáo dân trở thành bạn hữu đích thực của Đức Kitô. Trong cơn khủng hoảng hiện nay, họ chính là những vị thánh được mời gọi dấn thân cứu Hội Thánh.
Nhưng làm sao để khởi đầu? Cần bắt đầu từ việc thay đổi văn hóa giáo xứ. Và để thay đổi văn hóa, chúng ta cần hiểu ba yếu tố cấu thành nên nó: não trạng, thói quen và môi trường. Ba yếu tố này tương ứng với ba giá trị siêu việt: chân, thiện, mỹ. Một giáo xứ càng quy hướng về chân lý trong tư duy, sống thiện hảo trong hành động, và kiến tạo môi trường đầy tươi đẹp, thì càng xây dựng được một nền văn hóa Công giáo đích thực, dẫn đưa dân Chúa đến gần Thiên Chúa hơn.
1. Não trạng - Hãy giảng dạy sự thật
“Đức tin đến từ điều người ta nghe, và điều người ta nghe là lời rao giảng về Đức Kitô” (Rm 10,17).
Thay đổi não trạng giáo xứ khởi đi từ việc rao giảng, nhưng không phải là một kiểu giảng giải thỏa hiệp. Người linh mục phải công bố đức tin một cách can đảm, mạnh mẽ, không khoan nhượng với tương đối thuyết. Ngài không chỉ đưa ra một lập trường tôn giáo trong nhiều lập trường khác, nhưng công bố các chân lý vĩnh hằng được Thiên Chúa mạc khải qua Hội Thánh của Người.
Việc giảng dạy như thế không chỉ chống lại não trạng thế tục mà còn giúp giáo dân thoát khỏi sự dốt nát về đức tin, hậu quả của nửa thế kỷ bị xem nhẹ giáo lý. Linh mục cần cầu nguyện và quan sát để nhận ra những đề tài giáo lý nào đang bị thiếu hụt nghiêm trọng, và bắt đầu giảng dạy cách sáng tạo: từ tòa giảng, từ mạng xã hội, qua các bài báo ngắn, podcast, hội thảo giáo xứ...
Tạo hứng thú, xây dựng niềm tin, đào sâu giáo lý, đó là tiến trình mục vụ cần thiết để kéo tâm trí người tín hữu về lại với chân lý đức tin.
2. Thói quen - Sống đức tin như một lễ dâng
Aristotle từng nói: “Nhân đức luân lý được hình thành trước hết nhờ thực hành, chứ không chỉ nhờ lý luận”. Muốn giáo dân thay đổi não trạng, phải giúp họ thực hành những thói quen Công giáo, càng đơn sơ càng tốt.
Một ví dụ hiệu quả là lời nguyện dâng ngày mỗi sáng. Khi người tín hữu dâng chính mình và ngày sống cho Thiên Chúa, họ bắt đầu liên kết đời sống mình với lễ dâng của linh mục nơi bàn thờ. Đó là cách chuyển đức tin từ “liệu pháp tinh thần” sang “một hiến lễ sống động”.
Nhưng làm sao linh mục có thể dạy và duy trì thói quen đạo đức trong một cộng đoàn đa dạng và đông đảo? Câu trả lời nằm ở gia đình, như lời Thánh Gioan Phaolô II: “Tương lai của thế giới và của Hội Thánh đi qua gia đình”. Nhưng mục vụ cho gia đình thường khó khăn và phân mảnh. Vậy, ai là chìa khóa?
Muốn thay đổi gia đình, hãy bắt đầu từ người cha.
Thiên Chúa đã thiết lập người cha như là đầu của gia đình, và chính từ nơi người cha mà đức tin trong gia đình được khơi dậy và gìn giữ. Các linh mục cần dấn thân sâu vào đời sống đức tin của những người cha trong giáo xứ, giúp họ hiểu đức tin, sống đức tin, và hướng dẫn gia đình sống đức tin.
Không phải tất cả sẽ đáp lại lời mời gọi, nhưng một số ít sẽ trở thành hạt giống nòng cốt để xây dựng cộng đoàn đức tin đích thực. Họ và gia đình họ sẽ là trung tâm từ đó sự sống Kitô giáo lan toả, không chỉ trong giáo xứ mà cả ra ngoài xã hội.
Từ những gia đình được đào luyện này, linh mục có thể giúp đỡ các cặp chuẩn bị hôn phối, tổ chức lớp giáo lý tân tòng, chuẩn bị rửa tội… Đây là mô hình cộng đoàn loan báo Tin Mừng từ chính cuộc sống hằng ngày.
3. Môi trường - Hãy làm cho Hội Thánh tươi đẹp lại
“Vẽ đẹp cuốn hút, làm người ta xúc động và khơi dậy khát khao điều tốt, điều chân thật”. cha Thomas Dubay.
Thánh lễ và nhà thờ phải là nơi đẹp nhất trong tuần. Nhà thờ cần được tôn tạo bằng ánh sáng vàng kim của nhà tạm, hương trầm bay lên, tiếng chuông thánh thiêng, âm nhạc phụng vụ cao quý, sự thinh lặng sâu lắng, và nét trang nghiêm của thánh lễ cổ truyền. Linh mục không được tiết kiệm khi kiến tạo môi trường đẹp đẽ, vì đó là nơi gặp gỡ Thiên Chúa.
Một nhà thờ đẹp, một phụng vụ đẹp, một giáo xứ sống động, tất cả sẽ trở thành dấu chỉ thuyết phục nhất của Đức tin.
4. Một lối sống khác, một viễn cảnh cần dấn thân
Hãy hình dung: chuông nhà thờ vang lên, nhà tạm tỏa sáng trên cung thánh, các bàn thờ tôn kính Đức Mẹ và Thánh Giuse, hàng giáo dân quỳ nơi lan can để rước Chúa với tất cả lòng tôn kính. Thánh lễ được cử hành với cung cách của thiên quốc. Sau lễ, giáo dân thinh lặng cảm tạ, rồi ra về trong bình an. Ngoài sân, trẻ em chơi đùa, các gia đình gặp gỡ nhau trong niềm vui.
Người cha là thủ lãnh thiêng liêng trong gia đình, người mẹ là mái ấm yêu thương, trẻ em lớn lên trong môi trường đầy biểu tượng Công giáo. Đời sống nội tâm phong phú tuôn trào thành các hoạt động bác ái, các hội đoàn truyền giáo, và sự dấn thân loan báo Tin Mừng trong công việc hằng ngày.
Một cộng đoàn như thế không chỉ giữ được người cũ mà còn thu hút người mới, đưa họ vào Hội Thánh, đặc biệt trong mùa Phục Sinh.
Viễn cảnh này có vẻ quá xa vời, thậm chí là không tưởng. Nhưng nếu không biết mình đang hướng về đâu, ta sẽ chấp nhận sự tầm thường như định mệnh. Tin rằng điều ấy bất khả thi là giới hạn quyền năng Thiên Chúa.
Hãy nhớ lời tiên báo của thánh Louis de Montfort: “Thiên Chúa toàn năng và Mẹ Người sẽ cho xuất hiện những vị thánh lớn lao, vượt trội hơn phần đông các vị thánh khác như cây hương nam vươn cao hơn các bụi cây thấp kém”.
Chính chúng ta được mời gọi để trở nên những con người ấy, để can đảm sống và tái sinh Hội Thánh giữa thời đại khủng hoảng này.
G. Võ Tá Hoàng
Biên tập lại từ bài gốc,
Các cha sở là phương thuốc cho cuộc khủng hoảng, của tác giả Tate Hilgefort