Suy niệm Lời Chúa mỗi ngày - Tuần 4, năm chẵn




SUY NIỆM LỜI CHÚA - TUẦN IV THƯỜNG NIÊN

THỨ HAI

2Sm 15,13-14;16,5-13; Mc 5,1-20

Con người văn minh ngày nay hầu như không còn mấy ai vào những chuyện ma quỉ, những chuyện ma ám quỉ nhập. Họ cho rằng sở dĩ người ta nói đến những chuyện đó là vì ánh sáng văn minh khoa học chưa chiếu dọi đến miền u tối đó, hoặc khoa học chưa tiến bộ đủ để giải thích những hiện tượng đó. Nhưng Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay, qua việc Chúa chữa lành cho một người bị cả một cơ binh quỉ ám, đã khẳng định về sự hiện hữu và sự hoành hành của ma quỉ trong thế giới loài người.

Tình trạng người bị quỉ ám được nói đến trong bài Tin Mừng theo thánh sử Marcô thì thật tồi tệ và rất đáng thương: anh ta sống nơi mồ mả, quần áo xốc xếch, rách rưới, bẩn thỉu, anh ta tru trếu như con thú hoang, đôi lúc lấy đá tự rạch mình mấy đến chảy máu, không một xích xiềng hay gông cùm nào đủ sức chế ngự được anh ta. Dưới sự kiềm tỏa của thần ô uế, anh ta bị tước mất tính người và bị xã hội khinh khi, ruồng bỏ.

Anh bị quỉ ám được nói đến là hình ảnh của những ai đang còn sống dưới sự chi phối của ma quỉ. Họ có thể là những tôn thờ ma quỉ, sử dụng bùa ngải, hoặc đang sống trong sự chối bỏ Thiên Chúa và chìm đắm trong vòng tội lỗi. Họ có thể là những dân tộc chưa được phúc đón nhận chân lý Phúc Âm.

Chúa Giêsu thấy rõ tình trạng khốn khổ về thể xác và khốn nạn về linh hồn của người bị thần ô uế ám. Chúa Giêsu đã chữa anh ta lành bằng cách tống khứ cả lũ cơ binh quỉ dữ ra khỏi anh ta. Hơn thế nữa, Chúa Giêsu còn muốn rao giảng tình thương Thiên Chúa và đem ánh sáng chân lý Phúc Âm đến cho dân xứ Ghêrasa khi Ngài vượt biển hồ đến với họ. Ý hướng loan Tin Mừng cho dân ngoại và tỏ lòng thương xót đối với những phần tử đau khổ, bị bỏ rơi, bị gạt ra ngoài lề xã hội được lộ rõ qua hành động của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu chứng tỏ có uy quyền trên ma quỉ khi đuổi chúng ra khỏi nạn nhân, trả lại cho anh ta địa vị làm người và làm con Thiên Chúa: anh ta đã tỉnh táo, đã mặc y phục và ngồi dưới chân nghe lời Chúa Giêsu nói.

Sự hiện diện của Chúa Giêsu nơi dân xứ Ghêrasa và phép lạ Chúa Giêsu làm là một ân huệ lớn lao, nhưng dân chúng miền này đã không nhận ra. Họ xin Chúa Giêsu mau rời khỏi vùng đất của họ. Theo họ, Chúa Giêsu đã đến làm khuấy động nếp sống yên ổn của họ, làm thiệt hại tài sản của họ khi cho phép cơ binh quỉ nhập vào đàn heo chừng hai ngàn con khiến chúng chạy xồng xộc xô nhau rơi xuống biển. Chỉ vì mối lợi vật chất mà họ không nhận ra ân huệ và lòng thương xót của Thiên Chúa.

Chúa Giêsu là ân nhân và là Đấng giải thoát người bị quỉ ám ra khỏi tình trạng khốn cùng. Sau khi được chữa lành, anh ta xin với Chúa Giêsu cho anh ta được theo Chúa Giêsu làm môn đệ. Chúa Giêsu từ chối và sai anh ta trở về với gia đình để làm chứng về những gì Thiên Chúa đã làm cho anh vì yêu thương anh. Anh đã mạnh dạn rao giảng cho dân chúng miền thập tỉnh về ơn đã được khiến ai nghe cũng phải sửng sốt.

Người rao giảng chân lý Phúc Âm trước hết phải là chứng nhân về những gì Thiên Chúa đã làm cho họ khiến họ khám phá ra Thiên Chúa và gặp gỡ Thiên Chúa cách thân mật ra sao: họ rao giảng, họ làm chứng về những chân lý, những thực tại vô hình, những giá trị thiêng liêng mà chính họ đã cảm nghiệm.

Chúa Cha đã Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết và đặt Chúa Giêsu làm Chúa muôn loài sau khi đã thử thách Ngài trong đau khổ và thập giá. Chúa Giêsu trong hy tế bàn thờ luôn tôn vinh và tạ ơn Chúa Cha trong thái độ tận hiến toàn cuộc sống cho Chúa Cha. Mình Máu Chúa Giêsu cũng sẽ chữa lành chúng ta mọi bệnh tật, xua trừ sự thống trị của sự dữ và tội lỗi như Chúa Giêsu đã chữa lành cho người bị quỉ ám. Chúng ta hãy chúc tụng, tạ ơn về muôn hồng ân Chúa đã ban và mau mắn lên đường loan báo tình thương của Chúa.



THỨ BA

2Sm 18,9-30;19,4; Mc 5,21-43


Trong Tin Mừng, chúng ta được các thánh sử ghi lại nhiều phép lạ chữa bệnh. Có những phép lạ Chúa làm để tỏ cho thấy uy quyền của Thiên Chúa đồng thời cũng nói lên lòng thương xót đối với con người. Điều làm cho Chúa quan tâm đến đó là con người, những con người bệnh hoạn cần được cứu chữa. Chúa Giêsu muốn cho con người có sự sống đích thực. Sức khỏe trong con người là sự tham dự vào đời sống của Thiên Chúa. Khi ra tay cứu chữa bệnh nhân, Chúa Giêsu chỉ đòi hỏi một điều tối cần đó là đức tin. Tin vào Thiên Chúa, con người sẽ được chữa lành khỏi mọi bệnh tật hồn xác và được tham dự vào sự sống mới. Bài Tin Mừng hôm nay thánh Marcô ghi lại Chúa Giêsu chữa người đàn bà loạn huyết và con gái ông Giairô được hồi sinh. Trong cả hai trường hợp này, chúng ta đều thấy Chúa Giêsu lên tiếng: “Đức tin của con đã cứu chữa con”.

Đức tin của người phụ nữ loạn huyết được diễn tả trong sự đơn sơ và tự phát đã làm cho Chúa Giêsu giật mình thán phục. Người đàn bà đã tự nhủ và không lầm khi đặt hết hy vọng chỉ việc chạm đến gấu áo của Chúa Giêsu là sẽ được lành. Chúa Giêsu đã biết và nhìn thấy người đàn bà đáng thương đang xô mình trong đám đông để tiến gần Chúa Giêsu. Chúa Giêsu bắt đầu đối thoại với bà, một con người mà từ trước đến nay đã bị xã hội quên bỏ. Hôm nay, Chúa Giêsu muốn tạo dịp cho bà trở lại để bà hiểu rằng, trước mặt Chúa, bà vẫn có giá trị của một con người. Bà vẫn đứng trong hàng ngũ của người được Thiên Chúa yêu thương và cứu chuộc.

Sau phép lạ Chúa Giêsu chữa người phụ nữ, thánh Marcô kể tiếp phép lạ Chúa chữa con gái ông Giairô. Tình yêu của người cha đối với đứa con thật là vô bờ, ông ta đã không ngại chạy đến sấp mình dưới chân Chúa Giêsu để nài xin Chúa thương cứu đứa con yêu dấu. Thái độ khiêm tốn, tin tưởng của ông đã làm cho Chúa Giêsu xúc động. Trước sự đau khổ của ông ta Chúa đã ra tay và trấn an để ông vững tin rằng con ông sẽ sống lại. Chỉ bằng một lời nói nhẹ nhàng nhưng đầy quyền năng Chúa Giêsu đã truyền cho em bé đứng dậy và đứa bé được giải thoát khỏi quyền lực sự chết. Nối lại hai phép lạ trên, chúng ta thấy rõ về phẩm chất của đức tin. Đức tin là điều tiên quyết để chúng ta được Chúa ra tay cứu chữa. Bởi thế, đời sống Kitô hữu sẽ hoàn thành tùy theo mức độ của lòng tin. Mục đích những phép lạ mà Chúa Giêsu làm là muốn mở mắt con người và làm cho con người biết mở rộng cõi lòng để đón nhận lòng nhân hậu vô biên của Thiên Chúa Cha. Khi nói đến tình phụ tử của Thiên Chúa, chúng ta cũng nhớ đến tình phụ tử của Đavít. Chính tình yêu của Đavít đã chiến thắng mọi điều oán giận đối với đứa con phản loạn. Phải chăng Đavít đã có một đức tin mạnh mẽ vào tình yêu của Thiên Chúa để rồi ông có thể quãng diễn đức tin ấy bằng tình yêu đối với người con, cho dù trước mặt mọi người nó đáng phải chết.

Hôm nay, Lời Chúa cho chúng ta giá trị của đức tin. Đức tin mạnh mẽ có khả năng đảo ngược mọi tình huống trong đời người. Từ một người đàn bà loạn huyết tưởng chừng như cuộc đời không có lối thoát vì cơn bệnh hoành hành mười tám năm! Một đứa con bệnh hoạn đi vào cõi chết nay được phục sinh. Tất cả mọi sự từ chỗ không có thể đều trở nên có thể nhờ ở lòng tin.

Tuy nhiên, tin tưởng vào Thiên Chúa không có nghĩa là Thiên Chúa sẽ làm điều chúng ta xin Chúa. Mà chính là đoan chắc rằng Thiên Chúa sẽ trả lời, sẽ đáp cứu chúng ta trong tư cách là Thiên Chúa, nghĩa là như một người Cha vô cùng yêu thương. Có thể câu trả lời của Thiên Chúa sẽ làm hỏng và đi ngược lại với sự chờ đợi của chúng ta. Nhưng khi chúng ta biết tin tưởng có nghĩa là chúng ta biết tin vào tình yêu lạ lùng của Thiên Chúa cả khi Thiên Chúa làm trái ý chúng ta cũng như khi Thiên Chúa có vẻ theo nhịp điệu của nỗi lòng chờ mong của chúng ta.

Cùng với niềm tin của ông Giairô và người phụ nữ chúng ta hãy sấp mình dưới chân Chúa Giêsu Thánh Thể, xin Chúa Giêsu Thánh Thể tăng cường thêm lòng tin yếu kém của chúng ta và dạy cho chúng ta luôn biết nương tựa mọi lúc vào quyền năng và tình yêu tuyệt đối của Thiên Chúa.


THỨ TƯ

2Sm 24,2.9-17; Mc 6,1-6

Trình thuật của Marcô kể lại việc Chúa Giêsu trở về quê hương của Ngài là Nazareth. Chúa Giêsu vào hội đương giảng dạy cho dân chúng, trước những lời đầy khôn ngoan của Chúa dân chúng đã kinh ngạc vô cùng. Họ không tưởng được một anh chàng Giêsu quen biết kia lại có thể nói những lời khôn ngoan và làm được những việc lạ lùng! Có lẽ dân chúng ai cũng nắm được lý lịch của Chúa Giêsu là con một bác thợ mộc Giuse và Maria là Mẹ Ngài cùng với anh em Ngài là Giacôbê, Giuse, Simon và Giuđa! Bởi thế mà cớ vấp phạm đã đến, họ không thể tin vào Chúa Giêsu. Về phía Chúa Giêsu, Ngài cũng đã thực sự ngạc nhiên vì lòng cứng tin của họ. Chính vì sự thiếu xót này đã ngăn cản Chúa Giêsu chu toàn sứ mạng của Ngài nơi họ.

Theo dòng lịch sử cứu độ, Thiên Chúa đã thực hiện một chương trình ngoài sự hiểu biết của loài người. Thiên Chúa đã đi vào lịch sử của con người để thực hiện công trình cứu độ vĩ đại. Thiên Chúa đã làm người, đã nên một con người bình thường giữa mọi người. Đó là Thiên Chúa ban chính Con Một Người để thực hiện mầu nhiệm Nhập Thể. Thiên Chúa đã dấn thân cho tình yêu để rồi mặc lấy thân phận yếu đuối của con người. Thiên Chúa đã hành động một cách nghịch thường khi xếp mình vào hàng ngũ của những người nghèo khổ. Như chúng ta biết lòng mong đợi của người Do Thái về Đấng Thiên Sai luôn luôn nằm trong phạm trù của nhân loại, mang đầy tính chất vinh quang thế trần. Họ mong đợi sẽ có một Đấng từ trời đến trong vinh quang để giải phóng dân Israel ra khỏi tình trạng nô lệ của đế quốc. Đấng Thiên Sai đó thật là siêu việt sẽ giúp họ có cơ hội lập quốc và thống trị các nước… Thế nhưng, Thiên Chúa đã không đến theo lòng muốn trần tục đó, Thiên Chúa đã hành động theo ý đồ của con người. Nhưng trái lại, Thiên Chúa đã đến theo đường lối siêu việt của một Thiên Chúa làm người.

Chúng ta không khác gì dân Do Thái ngày xưa, chúng ta cũng hay thích nghĩ rằng Thiên Chúa chỉ có thể đến với chúng ta đầy đủ oai phong của một quân vương hiển hách và trong những hoàn cảnh tự nghĩ là xứng với Thiên Chúa. Thế mà Chúa Cứu Thế lại thích đến sống giữa con người trong bộ áo lao động, trong những hoàn cảnh hết sức bình thường hay còn có thể nói là tầm thường. Chúng ta cũng thường có những ước muốn Thiên Chúa phải tôn trọng những sở thích, những điều lệ của chúng ta… Thế nhưng, Thiên Chúa không như thế. Thiên Chúa là Đấng ẩn tàng: Thiên Chúa luôn thích ẩn mình trong tình trạng vô danh của thử thách, của đau khổ hơn là trong những tình trạng khác. Bởi vì ở đó, Thiên Chúa gần gũi với con người hơn, thân tình hơn. Thiên Chúa có thể nghiêng mình xuống sát hơn trên nỗi đau khổ, trên những quẫn bách của chúng ta.

Lòng cứng tin của những người đồng hương với Chúa Giêsu không riêng gì cho những con người thời đó mà ngày nay, trong thực tế còn biết bao tâm hồn cứng tin hơn thế nữa. Họ sẵn sàng từ khước tình yêu của Thiên Chúa mang đến cho họ qua các vị đại diện. Có biết bao vị tiên tri của Chúa đã bị tiêu diệt trên quê hương của họ chỉ vì làm chứng cho một Thiên Chúa không hợp với ý muốn của con người. Chúa Giêsu vẫn bị tiếp tục con người từ khước trong thế văn minh nhưng đầy sa đọa, tội lỗi.

Ngày nay chúng ta khi nhìn đến những người cứng tin thời Chúa Giêsu, có lẽ chúng ta cũng không thiếu thái độ lên án họ, nhưng chúng ta có biết đâu chính chúng ta cũng có thể ở vị trí của những người cứng tin đó khi chúng ta không nhận ra Chúa Giêsu đang ẩn mình trong những anh chị em nghèo khổ, bệnh tật, không nhận ra Chúa Giêsu trong những hoàn cảnh tầm thường của cuộc sống.

Trong hy lễ hôm nay, chúng ta hãy chiêm ngắm Chúa Giêsu Thánh Thể đang ẩn mình trong tấm bánh nhỏ bé. Chính vì yêu thương chúng ta mà Chúa đã hạ mình thật thẳm sâu để nâng đỡ con người yếu đuối lên. Xin Chúa tha thứ cho chúng ta những thái độ cứng tin, để từ nay chúng ta luôn tin tưởng và nhìn ra Chúa đang hiện diện nơi mọi anh chị em.


THỨ NĂM

1V 2,1-4.10-12; Mc 6,6-13

Sách Các Vua kể lại trước khi chết, Đavít đã muốn cho Salômôn được xức dầu phong vương. Vì thế, Salômôn là Đấng được Thiên Chúa xức dầu và được hưởng các lời hứa của Thiên Chúa qua tiên tri Nathan. Salômôn bước đi trong đường lối và giáo huấn của Thiên Chúa. Nơi con người Salômôn chúng ta nhìn thấy được cuộc đời chứng nhân cho Thiên Chúa khi ông được Thiên Chúa chọn và sai đi phục vụ cho Dân thánh. Cùng với sứ vụ ấy, khi liên hệ đến bài Tin Mừng thánh sử Marcô cho thấy: sau khi Chúa Giêsu rảo qua các làng mạc, Chúa Giêsu đã chọn Nhóm Mười Hai và bắt đầu giao cho họ sứ mạng truyền giáo. Chính Chúa Giêsu đã tuyển chọn nhóm 12 vào hoạt động truyền giáo: họ là những người sẵn sàng phục vụ và trở nên những người rao giảng Tin Mừng. Chúa Giêsu là khởi điểm, là trung tâm điều động mọi hoạt động hiến thân phục vụ tha nhân. Các tông đồ là sứ giả, là chứng nhân cho sự hiện diện của Chúa Giêsu giữa trần gian.

Để cho hoạt động truyền giáo có hiệu lực, các tông đồ phải luôn ý thức vào sự hướng dẫn của Thiên Chúa. Đức Giêsu đã ra cho các ông một chương trình được xây dựng trên tiêu chuẩn quên mình, hy sinh, nghèo khó, ra đi không bao bị, tiền bạc, áo quần… Đó cũng chính là một thách đố cho các ông. Từ nay, các ông ra đi trong tư tưởng và phó thác cho sự quan phòng của Chúa. Chúa Giêsu dặn dò các ông hãy luôn ban phát cho những người tiếp nhận các ông sự bình an và những gì đã lãnh nhận từ nơi Chúa. Các tông đồ sẽ phải biến nơi trú ngụ thành một tổ ấm Phúc Âm, một bàn đạp cho mọi hoạt động, một nền tảng cho việc xây dựng Hội Thánh giữa trần gian.

Nếu các tông đồ bị người ta từ chối, không đón tiếp, Chúa căn dặn các ông hãy làm cho họ nhận thức được rằng giữa họ và các ông không chung một đường lối, một quan niệm, một hành động, và các ông sẽ không vì những từ chối ấy mà dừng bước, chán nản, thất vọng hay bỏ cuộc.

Ngày nay, Chúa Giêsu Kitô vẫn kêu gọi và phái chúng ta bước vào môi trường truyền giáo, chúng ta được gọi gia nhập vào hàng ngũ cứu thế của Ngài. Hơn thế nữa, sứ vụ truyền giáo không chỉ phát xuất do lệnh truyền của Chúa Cứu Thế, mà còn do đòi hỏi sâu xa của đời sống Thiên Chúa nơi chúng ta. Những ai gia nhập vào Hội Thánh Công Giáo phải tự coi mình như những người được đặc ân và do đó càng phải dấn thân làm chứng bằng niềm tin và đời sống Kitô hữu, chứng tá này là việc phục vụ anh chị em mình và là lời đáp trả cho Thiên Chúa.

Trong thực tế việc truyền giáo còn có những khó khăn phức tạp. Hôm nay cũng như hôm qua, việc truyền giáo vẫn cần sự can đảm và ánh sáng của Thần Khí. Chúng ta phải cầu xin Thiên Chúa ban cho chúng ta lòng can đảm để loan báo Tin Mừng, phải thăm dò và hãy để cho Thần Khí hướng dẫn. Chắc chắn một quyết tâm cho mọi Kitô hữu đó là mọi người phải nuôi dưỡng đam mê việc tông đồ, loan truyền cho người khác ánh sáng và niềm vui của đức tin. Chúng ta không thể an tâm khi nghĩ đến vô số anh chị em chúng ta, tuy họ cũng được Máu Thánh Chúa Giêsu Kitô cứu chuộc nhưng đang sống hoàn toàn không biết gì đến tình yêu Thiên Chúa.

Đối với mỗi cá nhân cũng như Hội Thánh, việc truyền giáo phải chiếm vị trí hàng đầu vì liên quan đến vận mệnh con người, và đáp trả lại kế hoạch nhiệm mầu và yêu thương của Thiên Chúa. Nói như lời của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II trong Sứ Vụ Đấng Cứu Độ: “Không ai trong những người tin vào Chúa Kitô, không một tổ chức nào trong Giáo Hội được miễn khỏi trách vụ cao cả: đó là loan báo Tin Mừng cho mọi dân tộc”.

Ý thức được sự khẩn cấp của sứ vụ truyền giáo, giờ đây trong thánh lễ này, chúng ta hãy chạy đến Bàn Tiệc Thánh, với sự hiện diện của Chúa Giêsu Thánh Thể, chính Chúa là lương thực thần lương nuôi dưỡng hồn xác chúng ta và xin Chúa thêm sức mạnh để chúng ta trở nên những tông đồ được Chúa sai đi rao giảng Tin Mừng khắp thế gian.


THỨ SÁU

Hc 47,2-11; Mc 6,14-29

Qua bài đọc hôm nay, sách Huấn Ca đã ca ngợi Đavít là người cao cả, ông cao cả không hẳn vì những chiến công lẫy lừng nhưng cao cả nhất ở chỗ nhờ niềm tin của ông đối với Thiên Chúa. Ông đã kêu cầu Chúa trong những lúc khốn cùng của cuộc sống. Nhưng Đavít là người luôn luôn biết tạ ơn Chúa, dâng lên Chúa những lời chúc tụng vô vị lợi. Suốt cuộc đời Đavít luôn biểu dương và làm chứng cho sự thánh thiện cao cả của Thiên Chúa. Đó cũng là một trong những nét làm chứng tá cho Thiên Chúa và cũng là con đường mà thánh Gioan Tẩy Giả trung thành tiếp nối sứ mạng chứng nhân cho Chúa, chúng ta được thánh Marcô ghi lại trong bài Tin Mừng hôm nay.

Câu chuyện về cái chết của Gioan Tẩy Giả chắc chúng ta không còn thấy lạ gì nữa. Trình thuật kể là xảy ra trong ngày lễ sinh nhật của vua Hêrôđê, khi đứa con gái nàng Hêrôđiađê đã nhảy múa làm vui lòng Hêrôđê, nhà vua đã cao hứng, hứa ban cho cô gái muốn xin gì cũng được. vì lòng căm thù đối với Gioan Tẩy Giả, người đã nói với vua Hêrôđê không được lấy nàng Hêrôđiađê làm vợ. Gioan Tẩy Giả đã ngăn chặn con đường bất chính của Hêrôđê và Hêrôđiađê. Chính vì thế mà trong dịp thuận tiện, Hêrôđiađê đã xúi con gái xin đầu của Gioan Tẩy Giả. Đứng trước yêu cầu đó, Hêrôđê đã yếu đuối chấp nhận cho chém đầu Gioan Tẩy Giả.

Thánh sử Marcô trong bài Tin Mừng này cho chúng ta thấy những con người đối nghịch với nhau luôn có mặt trong xã hội trần gian: người công chính và tội lỗi. Ở đây Marcô muốn đề cập đặc biệt đến con người công chính của Gioan Tẩy Giả.

Như chúng ta đã biết, thánh Gioan Tẩy Giả là vị tiên tri được Thiên Chúa sai đến để chuẩn bị cho Đức Kitô đến. Chính Gioan Tẩy Giả đã nhận ra Đấng Cứu Thế lúc làm phép rửa và ẩn mình đi khi mời gọi các môn đệ của mình đi theo Chúa. Thánh Gioan Tẩy Giả đã bị vua Hêrôđê tống ngục vì ngài đã dám nói lên sự thật, tố cáo Hêrôđê làm điều loạn luân. Gioan vẫn tiếp tục sứ mạng Tiền Hô trong tù. Chính cái chết của ông là cao điểm của chứng ta và là dấu hiệu hoàn hảo nhất của việc ẩn mình trước Đức Kitô.

Gioan Tẩy Giả còn thực sự đóng vai trò của Elia, vị ngôn sứ nổi danh của thời Cựu ước. Kỷ nguyên mới đã đến và kỷ nguyên này đã được đánh dấu bằng cái chết thật bi thảm của Gioan Tẩy Giả và một cách nào đó nó sẽ là hình ảnh tiên báo cho cái chết của Chúa Giêsu và các môn đệ của Chúa Giêsu.

Đối nghịch với con người của thánh Gioan Tẩy Giả chúng ta phải nhắc đến Hêrôđê. Một con người biểu lộ thực chất của tâm hồn phi nhân, dùng quyền lực áp chế anh ruột mình để chiếm đoạt vợ của anh và thật nhu nhược trước tiếng nói của lương tâm và người công chính. Bên cạnh Hêrôđê chúng ta còn thấy con người của Hêrôđiađê người đàn bà gian ác và đã dã tâm xúi dục người thân làm điều gian ác để trả thù và để dễ dàng sống theo con đường bất chính mà không bị cản trở…

Với cái chết của Gioan Tẩy Giả, chúng ta hình dung được số phận của các môn đệ, của các chứng nhân cho Chúa Kitô. Các biến cố đã minh chứng và ngày nay vẫn tiếp tục minh chứng là: môn đệ của Chúa phải là người trung thành với sự thật, cho dù sự thật đem đến số phận đau thương.

Giáo Hội ngày nay vẫn tiếp nối sứ mạng của Chúa Giêsu. Giáo Hội luôn minh chứng cho sự thật cho dù phải trả giá thật đắt bằng máu của các vị chứng nhân. Giáo Hội luôn luôn phải đối diện với những tình trạng đối nghịch ở nơi con người trần gian, họ có thể là Hêrôđê, là những con người độc tài, gian ác, bất công… Để rồi kết quả sẽ là những chống đối và đau buồn. Nhưng với sự theo Chúa một cách trung tín, Giáo Hội tin tưởng sẽ nhận lãnh được niềm vui bất diệt bù lại cho vô vàn bất hạnh đau khổ.

Để có thể can đảm làm chứng cho Chúa Giêsu Kitô như Gioan Tẩy Giả đã trung thành với sự thật, chúng ta hãy cầu xin Chúa Giêsu Thánh Thể ban cho chúng ta sức mạnh nhờ việc rước lấy Mình Máu Ngài và từ đó Chúa Giêsu Thánh Thể sẽ biến đổi chúng ta thành những nhân chứng trung thành của Thiên Chúa.



THỨ BẢY

1V 3,4-13; Mc 6,30-34

Sách Các Vua kể lại sự khôn ngoan của vua Salômôn, một người được xức dầu để coi sóc, gìn giữ dân Chúa trung thành với giao ước thánh. Salômôn đã không cầu khẩn Thiên Chúa ban cho ông được sống lâu, của cải giàu có… Nhưng ông xin cho được khôn ngoan để xét đoán theo ý Chúa. Chúng ta biết rằng, trong truyền thống Israel, Salômôn là người khôn ngoan bậc nhất. Từ ơn khôn ngoan tuyệt vời đó, chắc chắn Salômôn đã biết xét xử dân Chúa trong cái nhìn yêu thương mà một vị vua công minh, nhân từ sẽ không thể hiểu được. Bước sang bài Tin Mừng hôm nay, thánh Marcô cũng cho chúng ta thấy rõ sự khôn ngoan thượng trí của Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa làm người. Chính Chúa Giêsu Kitô đã có một nhìn đầy yêu thương khi đưa mắt nhìn đám đông dân chúng theo Ngài.

Cái nhìn của Chúa Giêsu với các tông đồ: “Các con hãy lui vào nơi vắng vẻ mà nghỉ ngơi đôi chút” (Mc 6,31), Chúa Giêsu đã không muốn các tông đồ sống quá căng thẳng triền miên. Chúa Giêsu đã mời gọi họ về sống bên Ngài, tách biệt khỏi đám đông dân chúng. Các tông đồ chắc chắn đã nhìn thấy được ánh mắt yêu thương của vị Thầy chí thánh luôn âu yếm chia sẻ với họ những mệt nhọc sau bao vất vả trên đường loan báo Tin Mừng. Tình yêu của Chúa phủ ngập trên bước đường của các tông đồ. Cái nhìn yêu thương ấy cũng mãnh liệt hơn khi Chúa Giêsu nhìn thấy đám đông dân chúng và Ngài động lòng thương vì họ như đàn chiên bơ vơ không có người chăn.

Trong Tin Mừng chúng ta thường nghe nói đến cái nhìn của Chúa Giêsu. Ngài có cái nhìn hướng lên Chúa Cha, và đồng thời cũng có nhìn hướng về nhân loại. Cái nhìn của Chúa xuyên tới tận ý nghĩ thầm kín trong tâm hồn. Chúa Giêsu nhìn thấy số phận bi đát của dân chúng cũng như khi Ngài nhìn thành Giêrusalem. Nhưng có lẽ nhất là khi nhìn thấy cảnh khốn cùng của họ. Chúa Giêsu đã nhìn thấy những con người chán chường, mệt mỏi, lạc hướng… Có lẽ họ là những nạn nhân bị lừa dối trong quá khứ bởi những kẻ giả mạo xách động. Thật vậy, họ như đàn chiên không người chăn. Bởi thế, Chúa Giêsu đã động lòng chắc ẩn thương đám dân trước mắt, cho nên Ngài đã giao cho các tông đồ sứ mạng tập họp mọi người lại dưới một chủ chăn trong hành trình tiến về thiên quốc.

Thiên Chúa là Đấng nhìn thấy mọi sự, một cái nhìn đầy yêu thương và đượm tình âu yếm. Thiên Chúa thấy mọi khả năng của chúng ta và mời gọi chúng ta phát huy chúng. Thiên Chúa thấy tội lỗi của chúng ta và xét xử nó. Chúa thấy mọi nỗi lòng huyền bí và không gì thoát khỏi được sự phán xét của Ngài. Nhưng chúng ta biết rằng Thiên Chúa nhìn chúng ta với cặp mắt nhân từ và dung thứ, vì Ngài đã cứu thoát chúng ta. Thiên Chúa nhìn chúng ta phải để kết án hay ruồng rẫy, nhưng là gìn giữ chúng ta an toàn. Thiên Chúa nhìn con người có nghĩa là Ngài ban cho từng người một khuôn mặt độc đáo. Sức sống của linh hồn chúng ta được cưu mang từ cái nhìn của Thiên Chúa yêu thương. Đây là điều cao trọng vô cùng, một huyền nhiệm sinh phúc. Thiên Chúa là Đấng âu yếm nhìn chúng ta: nhờ cái nhìn của Ngài mà chúng ta được hiện hữu.

Trong đời sống, chúng ta đã phát hiện Thiên Chúa đang nhìn chúng ta với lòng trìu mến chưa? Nếu chúng ta muốn được Thiên Chúa biến đổi nhờ cái nhìn của Ngài, chúng ta hãy xin cho được cặp mắt linh hồn chúng ta được sáng lên. Chúng ta chỉ có thể ngắm nhìn Thánh Nhan Chúa trong ánh sáng của Chúa mà thôi.

Khi tham dự thánh lễ này, chúng ta tin tưởng rằng Chúa Giêsu Thánh Thể đang âu yếm nhìn chúng ta. Hãy đến với Chúa Giêsu Thánh Thể, xin Ngài ban cho chúng ta luôn hướng nhìn đến anh chị em đang vất vả, khổ đau, đang tìm kiếm cái nhìn yêu thương, thông cảm.
Mới hơn Cũ hơn