50 câu hỏi này xuất phát từ ý định của một nhóm chuyên gia thuộc Khoa Thần học của Đại học Navarra (các Giáo sư Juan Chapa, Francisco Varo và những người khác) đã biên soạn một số tài liệu được xuất bản trong cuốn “50 preguntas sobre Jesús” do nhà xuất bản Rialp Madrid.
16. Pharisêu, Sađốc, Esseni, Zêlốt, họ là ai?
Trong thế giới Do Thái tại Palestine vào thế kỷ thứ I sau Công nguyện, vì lý do không có một giáo quyền tôn giáo chung và được công nhận, lại thêm thiếu sự hiệp nhất về mặt chính trị, từ đó đã xuất hiện nhiều nhóm khác nhau. Các nhóm này khác biệt nhau về cách giải thích Kinh Thánh của Israel và về thái độ mà họ cho là đúng đắn cần có đối với các thế lực ngoại bang.
Vào thời Chúa Giêsu, những người được đa số dân chúng quý trọng nhất là các Pharisêu. Tên của họ, bắt nguồn từ tiếng Do Thái perushim hoặc tiếng Aram perishaia có nghĩa là “những người tách biệt”. Là những người Do Thái giữ luật, họ đặc biệt coi trọng mọi điều liên quan đến việc giữ luật về sự thanh sạch trong nghi lễ, ngay cả bên ngoài Đền Thờ. Các quy định về thanh tẩy, vốn được thiết lập cho việc thờ phượng, đối với họ đã trở thành quy tắc cho lý tưởng sống ngay cả trong hoạt động hàng ngày, nhờ đó mọi hoạt động thường nhật cũng được nghi thức hóa và thánh hóa. Bên cạnh Lề Luật thành văn (Torah hay Ngũ Thư), họ còn thu thập và lưu truyền một loạt các truyền thống miệng cùng những cách thế cụ thể để thi hành các mệnh lệnh của Lề Luật. Những bộ sưu tập này ngày càng trở nên quan trọng cho đến khi được chấp nhận như một “Torah” truyền khẩu, và luật đó cũng được gán cho Thiên Chúa. Theo niềm tin của họ, Torah truyền khẩu này đã được ban cho Môsê trên núi Sinai cùng với Torah văn tự, và do đó cả hai đều có giá trị ràng buộc như nhau.
Đối với một bộ phận người Pharisêu, chiều kích chính trị có tầm quan trọng quyết định và gắn liền với nỗ lực giành lại độc lập dân tộc, vì không quyền lực ngoại bang nào có thể vượt lên trên quyền tối thượng của Chúa trên Dân được tuyển chọn. Nhóm này được biết đến với tên gọi Zêlốt (người nhiệt thành), mà có lẽ chính họ đã tự đặt ra để ám chỉ lòng nhiệt thành của mình đối với Thiên Chúa và việc tuân giữ Lề Luật. Mặc dù xác tín rằng ơn cứu độ do Thiên Chúa ban, nhưng họ cũng tin chắc rằng Thiên Chúa mong chờ sự cộng tác của con người để đạt được ơn cứu độ ấy. Sự cộng tác này trước hết được thể hiện trong lĩnh vực tôn giáo thuần túy, qua lòng nhiệt thành tuân giữ lề luật cách nghiêm ngặt. Sau này, bắt đầu từ những năm 50 của thế kỷ thứ I, xuất hiện niềm tin cho rằng hoạt động cũng cần được thể hiện trong lĩnh vực quân sự, và do đó họ không ngần ngại dùng bạo lực khi cần thiết để giành chiến thắng, cũng không sợ mất mạng trong trận chiến, bởi họ xem điều đó như một cuộc tử đạo để thánh hóa danh Chúa.
Về phần mình, các Sađốc lập thành một nhóm thiểu số cầm quyền: họ là những người thuộc giới thượng lưu, thành viên của các gia đình tư tế, có học thức, giàu có và quý tộc. Kể từ khi người Rôma chiếm đóng, vào thời điểm đó, các Thượng tế, xuất thân từ nhóm này, đóng vai trò đại diện cho người Do Thái trước quyền lực đế quốc. Họ giải thích Lề luật cách chừng mực. Đối với họ, Lề luật chỉ giới hạn trong Ngũ Thư, họ không sa vào các trường hợp vụ luật như người Pharisêu và không coi trọng các truyền thống mà các Pharisêu đã thu thập trong “Torah truyền khẩu”. Khác với người Pharisêu, nhóm Sađốc không tin vào sự sống sau khi chết, cũng không chia sẻ niềm hy vọng cánh chung của các Pharisêu. Họ không được lòng dân như các Pharisêu, nhưng nắm giữ quyền lực tôn giáo và chính trị, vì vậy họ có ảnh hưởng rất lớn. Vào thời Chúa Giêsu, họ vẫn kiểm soát Thượng Hội Đồng, nhưng sau khi Giêrusalem sụp đổ vào năm 70 sau Công nguyên, không ai còn nghe nói về họ nữa.
Một trong những nhóm được nghiên cứu nhiều nhất trong những năm gần đây là Esseni. Chúng ta có khá nhiều thông tin về lối sống và niềm tin của họ từ các tác phẩm của Flavius Josephus và đặc biệt là từ các tài liệu được tìm thấy ở Qumran, trong sa mạc Giuđa gần Biển Chết, nơi dường như một số người trong số họ đã sinh sống.
Một đặc điểm riêng biệt của Esseni ở chỗ họ từ chối việc phụng tự diễn ra trong Đền Thờ Giêrusalem, vì cho rằng việc phụng tự đó do một hàng ngũ tư tế đã mất uy tín đảm trách từ thời triều đại Hasmonean. Do đó, các Esseni đã chọn cách tách biệt khỏi những thực hành chung này với ý tưởng bảo tồn và phục hồi sự thánh thiện của dân tộc trong một phạm vi nhỏ hẹp hơn, đó là cộng đồng của họ. Việc nhiều người trong số họ rút lui vào các vùng sa mạc nhằm ngăn chặn nguy cơ bị ô nhiễm khi tiếp xúc với người khác. Việc từ bỏ các mối quan hệ kinh tế hoặc không chấp nhận quà tặng không chỉ xuất phát từ lý tưởng về sự nghèo khó, mà còn là cách thế để tránh nhiễm uế từ thế giới bên ngoài, nhằm bảo vệ nghi lễ thanh sạch. Sau khi cắt đứt với Đền Thờ và nghi lễ chính thức, cộng đồng Esseni nhận thức về bản thân như một đền thờ phi vật chất, tạm thời thay thế Đền Thờ Giêrusalem, chừng nào tại nơi ấy còn tiếp tục diễn ra một hình thức phụng tự mà họ cho là không xứng đáng.
G. Võ Tá Hoàng
chuyển ngữ từ 50 domande su Gesù
Xem những bài cùng chủ để
50 câu hỏi về Đức Giêsu - Dẫn nhập
1. Chúng ta biết gì về Đức Giêsu Nazarét
2. Có những nguồn tài liệu cổ xưa, ngoài Kitô giáo, nói về Chúa Giêsu không?
3. Việc nghiên cứu nhân vật Giêsu lịch sử hiện nay như thế nào
4. Đức Giêsu sinh ra ở Bêlem hay Nazarét?
5. Đức Giêsu được sinh ra như thế nào?
6. Sự đồng trinh của Đức Maria có ý nghĩa gì?
7. Ngôi sao Bêlem
8. Tại sao chúng ta mừng lễ Giáng Sinh vào ngày 25 tháng 12?
9. Cuộc thảm sát các trẻ thơ vô tội
10. Đức Giêsu có anh chị em không?
11. Thánh Giuse có kết hôn lần thứ hai không?
12. Đức Giêsu nói ngôn ngữ nào?
13. Đức Giêsu độc thân, đã kết hôn hay góa vợ?
14. Đức Giêsu có phải là môn đệ của Gioan Tẩy Giả không?
15. Gioan Tẩy Giả có ảnh hưởng gì đến Đức Giêsu?