2 Cr 4,7-15; Mt 20,20-28
Thánh Giacôbê, là một trong những khuôn mặt nổi bật và lôi cuốn nhất trong nhóm Mười Hai Tông đồ. Ngài là anh của Thánh Gioan, tác giả Tin Mừng thứ tư, người “môn đệ được Đức Giêsu yêu mến”. Cả hai anh em được Đức Giêsu gọi khi đang làm nghề đánh cá bên bờ hồ Tibêria, cùng với cha là ông Giêbêđê.
Thánh Giacôbê, cùng với Phêrô và Gioan, là một trong ba môn đệ thân tín được tham dự vào những khoảnh khắc quan trọng và riêng tư nhất trong sứ vụ của Đức Giêsu: chứng kiến việc chữa lành mẹ vợ của Phêrô, cho con gái ông Giairô sống lại, chứng kiến biến cố Hiển Dung trên núi Tabor, và chia sẻ đau khổ với Chúa trong Vườn Cây Dầu. Giacôbê cũng là người đã từng hỏi Chúa Giêsu và thời điểm tận thế.
Tử đạo và chứng tá đức tin
Thánh Giacôbê là vị tông đồ đầu tiên trong nhóm Mười Hai đổ máu vì đức tin, như sách Công vụ Tông đồ (Cv 12,1-3) ghi lại: “Thời ấy, vua Hêrôđê ra tay ngược đãi một số người trong Hội Thánh. Ông ra lệnh chém đầu ông Giacôbê, anh của ông Gioan”. Máu của ngài đổ xuống như hạt giống khai sinh sự sống mới cho Hội Thánh sơ khai.
Theo một truyền thống cổ, Thánh Giacôbê đã rao giảng Tin Mừng tại miền Giuđêa và Samari, và hoán cải được nhiều người. Một truyền thống khác, tuy xuất hiện muộn hơn (từ thế kỷ VII-IX), cho rằng ngài đã đến Tây Ban Nha để loan báo Tin Mừng. Dù không có bằng chứng lịch sử cho thấy ngài thực sự đến Tây Ban Nha, nhưng điều chắc chắn là, sau cuộc bách hại thứ hai khởi phát sau cái chết của thánh Stêphanô, cuộc bách hại thứ ba đã diễn ra nhằm vào Hội Thánh tại Giêrusalem dưới thời Hêrôđê Agrippa I, vua người Do Thái từ năm 41 đến 44, và chính thánh Giacôbê là nạn nhân của cuộc bách hại này.
Theo một truyền thống cổ xưa, người lính canh áp giải ngài đến nơi hành hình đã được ngài hoán cải trên đường đi, và người đó đã cùng chịu tử đạo với thánh Giacôbê, trở thành bạn đồng hành trong chứng tá cuối cùng.
Biểu tượng người hành hương
Từ thế kỷ XII, Thánh Giacôbê thường được khắc họa như một người hành hương: đội mũ vành rộng, tay cầm gậy, đeo túi hành trang và vỏ sò, biểu tượng đặc trưng của những ai đã bước đi trên con đường hành hương dài. “Đường hành hương Thánh Giacôbê” trở thành biểu tượng cho hành trình thiêng liêng, một cuộc trở về nội tâm, thanh luyện tâm hồn và tìm lại điều thiết yếu.
Một lòng sùng kính vượt biên giới
Từ thế kỷ IX, lòng sùng kính Thánh Giacôbê ngày càng lan rộng, không chỉ như là vị bảo trợ đức tin và tự do Kitô giáo chống lại người Hồi giáo, mà còn giúp Compostela, thủ phủ của vùng Galicia, nằm ở miền tây bắc Tây Ban Nha, trở thành một trong ba trung tâm hành hương lớn nhất thời Trung Cổ, chỉ sau Giêrusalem và Rôma.
Với việc người Tây Ban Nha truyền bá Kitô giáo sang Tân Thế Giới, danh tiếng và ảnh hưởng của ngài cũng lan rộng đến châu Mỹ. Nhiều thành phố mang tên ngài như: Santiago de Chile, Santiago de Cuba, Santiago del Estero. Nhờ vậy, ngài trở thành cầu nối giữa các nền Kitô giáo cổ truyền và các dân tộc mới đón nhận Tin Mừng.
Linh đạo và ý nghĩa cho thời đại hôm nay
- Là người môn đệ nhiệt thành, đôi khi bốc đồng (như khi xin Chúa cho lửa từ trời xuống thiêu đốt dân Samari), nhưng rồi được hoán cải bởi tình yêu và ngoan ngoãn trước Chúa Thánh Thần.
- Là nhân chứng ưu tuyển, dạy ta rằng chỉ ai chiêm ngắm được khuôn mặt Chúa Giêsu mới đủ sức theo Ngài đến tận thập giá.
- Là vị tử đạo, nhắc nhở chúng ta rằng đi theo Đức Kitô có thể đòi hỏi hiến mạng sống mình.
- Là người hành hương, trở nên mẫu gương cho mọi Kitô hữu, những người luôn lên đường trong đức tin, dù đôi khi chưa thấy rõ điểm đến.
Tóm lại: Thánh Giacôbê Tông đồ là một người bạn đồng hành vẫn tiếp tục cùng ta bước đi. Từ bờ hồ Galilêa đến những nẻo đường Galícia, từ Hội Thánh sơ khai đến Hội Thánh hôm nay, ngài nhắc nhớ ta rằng: Đức tin là một hành trình – có khi đòi hỏi, có khi mệt mỏi – nhưng luôn được soi sáng bởi lời hứa của Đức Kitô: “Chén của Thầy, các con sẽ uống.”
Trong thời đại đầy bất an và hoài nghi, chứng tá của Thánh Giacôbê mời gọi chúng ta tái khám phá lòng can đảm để làm chứng cho đức tin, sự dấn thân của người tông đồ, và hy vọng của người hành hương, kẻ biết con đường mình đi sẽ đưa đến đâu: đến dung nhan vinh hiển của Đức Kitô.
G. Võ Tá Hoàng