Thiên Chúa yêu thương chúng ta! Đây là chân lý vĩ đại của cuộc sống



“Anh chị em thân mến, Thiên Chúa yêu thương chúng ta. Đây là chân lý vĩ đại của đời sống chúng ta và là điều mang lại ý nghĩa cho tất cả những gì còn lại”. Đây là một trong những suy tư của Đức Thánh cha Leo XIV, trong buổi viếng đền thờ Thánh Phaolô ngoại thành.

Vào buổi chiều ngày 20 tháng 5 năm 2025, Đức Giáo hoàng Leo XIV đã thực hiện chuyến viếng thăm đầu tiên đến Vương cung thánh đường Thánh Phaolô Ngoại Thành tại Rôma, một trong bốn đại vương cung thánh đường của Giáo hội Công giáo. Chuyến viếng thăm này không chỉ là một nghi thức truyền thống mà còn là một biểu tượng sâu sắc cho sự khởi đầu của triều đại giáo hoàng mới, được đánh dấu bằng sự cầu nguyện, suy niệm và lời mời gọi sống đức tin sâu sắc.

Đức Leo XIV tiến vào qua Cửa Thánh trong cuộc rước trang nghiêm cùng với các tu sĩ Biển Đức, những người đã chăm sóc vương cung thánh đường này suốt nhiều thế kỷ. Đức Viện phụ Donato Ogliari và Hồng y James Michael Harvey, Tổng quản vương cung thánh đường đã đón tiếp Đức Thánh Cha. Trong khi đó, khoảng 2000 tín hữu đứng sẵn trước dọc hai bên đường đi, chủ yếu là người Rôma, đã tạo nên một bầu không khí linh thiêng và cảm động.

Tại phần mộ của Thánh Phaolô, Đức Giáo hoàng đã quỳ gối trong thinh lặng, dâng lời cầu nguyện trước "Trofeo", biểu tượng của vị Tông đồ dân ngoại. Hành động này thể hiện sự khiêm nhường và lòng tôn kính sâu sắc đối với vị thánh đã cống hiến trọn đời cho việc rao giảng Tin Mừng.

Trong bài giảng ngắn gọn nhưng súc tích, Đức Thánh Cha đã suy niệm về ba chủ đề chính trong thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Rôma: ân sủng, đức tin và công lý.

Đức Thánh cha nhấn mạnh rằng mọi ơn gọi đều bắt nguồn từ Thiên Chúa, từ lòng thương xót và tình yêu vô điều kiện của Ngài. “Ở cội nguồn của mọi ơn gọi là chính Thiên Chúa… Và lòng thương xót của Người, lòng nhân hậu của Người, quảng đại như tình mẫu tử, một người mẹ qua chính thân thể mình nuôi dưỡng đứa con khi nó còn chưa thể tự nuôi sống”.

Đức Thánh cha phó thác triều đại của ngài cho Tông đồ dân ngoại, người trước hết thừa nhận rằng mình đã nhận từ nơi Thiên Chúa ân huệ của ơn gọi, nghĩa là “nhận ra rằng cuộc gặp gỡ với Đức Kitô và sứ vụ của ngài gắn liền với tình yêu mà Thiên Chúa đã đi bước trước, kêu gọi ngài đến một cuộc sống mới khi ngài còn xa lạ với Tin Mừng và đang bách hại Hội Thánh”. Đức Thánh cha cũng trích dẫn Thánh Augustinô: "Chúng ta có thể chọn điều gì nếu trước đó chúng ta không được chọn? Thật vậy, nếu chúng ta không được yêu trước, chúng ta cũng không thể yêu."

Đức Thánh Cha khẳng định rằng : “Ơn cứu độ không đến cách ngẫu nhiên, nhưng bằng mầu nhiệm của ân sủng và đức tin, của tình yêu đi bước trước của Thiên Chúa, và sự đáp lại tin tưởng và tự do của con người”. Hình ảnh mà Đức Thánh Cha gợi lên là hình ảnh về cuộc hoán cải của Saolô: “Khi Chúa hiện ra với ông trên đường đi Đamas, đã không tước đoạt tự do của Saolô, nhưng để cho ông có khả năng chọn lựa, một sự vâng phục đến từ nỗ lực, từ những cuộc chiến đấu nội tâm và cả bên ngoài, mà ngài đã chấp nhận đối mặt”.

“Khi chúng ta tạ ơn Chúa vì lời mời gọi đã biến đổi cuộc đời của Saolô, chúng ta cũng xin Người ban cho chúng ta biết đáp lại lời mời gọi ấy theo cách tương tự, trở nên chứng nhân cho tình yêu được đổ vào lòng chúng ta nhờ Thánh Thần mà chúng ta đã lãnh nhận”.

Đức Thánh cha mời gọi mọi người trở thành chứng nhân của tình yêu được đổ vào lòng chúng ta nhờ Thánh Thần, “biết nuôi dưỡng và lan tỏa đức bác ái của Người, trở nên người thân cận với nhau”.

“Anh chị em thân mến, Thiên Chúa yêu thương chúng ta. Đây là chân lý vĩ đại của đời sống chúng ta và là điều mang lại ý nghĩa cho tất cả những gì còn lại”.

Đức Thánh cha kết thúc bài giảng của mình bằng chính những lời được Đức Bênêđictô XVI công bố trong bài giảng vào Ngày Giới trẻ Thế giới tại Madrid, ngày 20 tháng 8 năm 2011: “Ở khởi điểm của hiện hữu chúng ta là một kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa,” và đức tin dẫn chúng ta đến việc “mở lòng ra trước mầu nhiệm tình yêu này và sống như những người ý thức mình được Thiên Chúa yêu thương”.

“Đây là cội nguồn, đơn sơ và duy nhất, của mọi sứ mạng, cả sứ mạng của tôi, với tư cách là đấng kế vị Thánh Phêrô và người thừa hưởng lòng nhiệt thành tông đồ của Thánh Phaolô”. Ngài kết thúc bằng lời cầu : "Xin Chúa ban cho tôi ân sủng để trung thành đáp lại lời mời gọi của Ngài".

Buổi cử hành phụng vụ được làm phong phú bởi sự tham gia của các ca đoàn: Cappella Musicale Pontificia Sistina, Schola Cantorum của các tu sĩ, Ca đoàn Liturgico Polifonico, Ca đoàn “D. Isidoro” và Gregoriano dei Laici. Sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại trong âm nhạc đã tạo nên một bầu không khí linh thiêng và sâu lắng.(abbaziasanpaolo.org)

G. Võ Tá Hoàng

Mới hơn Cũ hơn