Dạy con sống đức tin: Hai nhiệm vụ cốt lõi của các bậc phụ huynh


Người làm cha mẹ khiêm tốn đều hiểu một điều quan trọng: Thiên Chúa không cần đến chúng ta. Ngài có thể hành động qua chúng ta, nhưng Ngài cũng có thể hành động bất chấp sự bất toàn của chúng ta. Thái độ khiêm nhường này chính là liều thuốc giải cho cảm giác bất lực và không xứng đáng mà nhiều bậc cha mẹ thường mang theo. Bởi thật ra, đâu có ai trong chúng ta từng được “chứng nhận đủ điều kiện” để dẫn dắt linh hồn một con người?

Chính vì thế, khi Thiên Chúa mời gọi chúng ta cộng tác trong việc dưỡng dục đức tin cho con cái, Ngài không để mặc chúng ta loay hoay khi làm điều đó. Trái lại, đó là cách Ngài gìn giữ chúng ta khỏi kiêu căng khi việc dạy dỗ thành công, và cũng gìn giữ ta khỏi tuyệt vọng khi mọi nỗ lực không như ý. Ngài không đặt gánh nặng linh hồn con trẻ lên vai ta một mình. Linh hồn con cái thuộc về Thiên Chúa, và công cuộc huấn luyện đức tin của chúng là hành trình của toàn thể Hội thánh, có Chúa Thánh Thần dẫn dắt.

Trong bối cảnh đó, với tư cách là cha mẹ, vị trí duy nhất và không ai thay thế được, chúng ta được mời gọi đảm nhận hai nhiệm vụ nền tảng:

1. Đặt con cái vào môi trường nơi Thiên Chúa hành động

Từ thuở ban đầu, Thiên Chúa đã chọn những phương thế rất cụ thể để ban ân sủng cho con người: Lời Chúa, cầu nguyện, và các bí tích Thánh Thể và Rửa Tội. Giáo hội gọi đó là “những phương thế thông thường của ân sủng”, nghĩa là, Thiên Chúa hứa sẽ hiện diện và hành động qua những phương thế tưởng chừng đơn sơ ấy. Và tất cả những điều ấy, đều được ban tặng trong đời sống cộng đoàn Giáo hội.

Dẫu bạn từng bị tổn thương bởi Giáo hội, hoặc từng làm tổn thương người khác trong Giáo hội, thì chân lý này vẫn không thay đổi: Con bạn cần được lớn lên trong một cộng đoàn đức tin sống động. Không có nơi nào khác trên thế gian mà các bí tích được cử hành, Lời Chúa được giảng dạy hằng tuần, và dân Chúa cùng nhau cầu nguyện, nâng đỡ nhau như trong Hội Thánh.

Sau đại dịch, nhiều gia đình quen với nhà thờ qua màn hình và xem đó là một phương án thuận tiện. Không, không phải là nhà thờ trực tuyến. Tham dự trực tuyến không thể thay thế đời sống phụng vụ thực sự. Đức Tin không phải là chương trình truyền hình. Trẻ nhỏ cần được hiện diện bằng cả thân xác trong cộng đoàn, để thấy, chạm, nghe, và sống trong một thực tại đức tin cụ thể, hữu hình.

Hãy nghĩ đến hình ảnh một em bé được cha mẹ dắt vào nhà thờ, ngồi bên người lớn nghe hát những bài thánh ca, hay thấy các bạn thiếu niên lớn hơn đang giúp lễ và sống đạo cách chân thành. Chúng ta đang đặt con mình vào môi trường nơi Thiên Chúa hành động và nuôi dưỡng đức tin. Ở đó, các con được rửa tội, rước lễ, chịu phép thêm sức, học biết giáo lý, và cảm nghiệm sự nâng đỡ từ một cộng đoàn rộng lớn hơn gia đình riêng.

Nếu Chúa Giêsu gọi Giáo hội là Hiền Thê yêu dấu của Ngài, nếu Ngài trao chìa khóa Nước Trời cho Giáo hội, thì không có gì phải nghi ngờ: Giáo hội là thiết yếu trong hành trình đức tin của con bạn.

2. Dạy con hướng về cõi đời đời

Việc dưỡng dục đức tin không phải chỉ là để giúp con cái sống “tốt hơn” ở đời này. Tôi xin nhấn mạnh lại điều ấy. Rất nhiều Kitô hữu, cách ý thức hay vô thức, đã bị nhiễm độc bởi não trạng tin mừng thịnh vượng, một quan niệm cho rằng nếu theo Chúa, thì đời sống phải nhẹ nhàng hơn, bình an hơn, và được ban cho nhiều “thành công” trần thế.

Nhưng Chúa Giêsu không hề hứa điều đó. Trong Tin Mừng Gioan 16, Ngài nói: "Giữa thế gian, anh em sẽ gặp thử thách, nhưng hãy can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian" (Ga 16,33).

Chúa không hứa cuộc sống suôn sẻ. Ngài hứa bình an giữa bão tố. Ngài không đưa con cái bạn vào một xã hội hoàn hảo. Ngài dẫn chúng đến với Nước Trời vĩnh cửu. Và con đường ấy luôn hẹp, luôn có giá phải trả.

Ngày nay, nhiều người lớn đã đặt niềm hy vọng vào giáo dục, chính trị, đạo đức, thành công tài chính, hoặc sự an toàn của một cuộc sống tiện nghi. Nhưng tất cả những điều đó, dù tốt đẹp, không thể thay thế ơn cứu độ.

Chuẩn bị cho con bước vào cõi đời đời có nghĩa là giúp con biết chọn con đường hẹp. Nghĩa là chấp nhận rằng sẽ có lúc con bị loại trừ, bị từ chối, bị hiểu lầm vì chọn sống trung tín với Tin Mừng. Và điều đó không phải là thất bại. Đó là dấu chỉ con bạn đang bước đi theo Chúa Kitô.

Thánh Phaolô đã nói: “Những đau khổ đời này sánh sao được với vinh quang sắp tỏ hiện nơi chúng ta?” (Rm 8,18)

Chúng ta không dạy con trở thành những người “thành công” theo tiêu chuẩn trần thế. Chúng ta dạy con trở thành công dân Nước Trời, những người biết tin tưởng, hy sinh, và chờ đợi vinh quang không hề hư mất.

3. Giáo dục đức tin, không phải là gánh nặng, nhưng là lời mời gọi khiêm hạ

Nhiều bậc cha mẹ cảm thấy kiệt sức khi nghe đến việc phải “dạy con sống đức tin”. Cảm giác không đủ khả năng, không đủ đạo đức, không biết giảng giải Kinh Thánh, Giáo lý, hay thậm chí cảm thấy chính mình chưa sống đạo đủ tốt, là điều hoàn toàn dễ hiểu.

Nhưng có lẽ chính nơi ấy, nơi bạn thấy mình yếu đuối và bất xứng, lại là nơi Thiên Chúa muốn hành động nhất. Ngài không tìm người hoàn hảo để trao sứ mạng. Ngài tìm người khiêm hạ để Ngài có thể làm việc qua họ.

Tác giả Chris Ammen, một mục sư và cũng là cha của bốn người con, đã từng chia sẻ cảm giác bất lực ấy. Nhưng anh khám phá ra rằng chính sự phụ thuộc vào ơn Chúa lại là điều mở ra con đường dưỡng dục đức tin bền vững. Không phải bằng sức riêng, nhưng bằng sự cộng tác với ân sủng.

Trong cuốn sách đầu tay của mình, anh viết như một người bạn đồng hành, dẫn người đọc đi qua hành trình khám phá ý nghĩa thật sự của việc làm môn đệ, bản chất của Thiên Chúa, và vai trò thiết yếu của cha mẹ trong việc dẫn con đến với Chúa bằng sự yếu đuối được thánh hóa.

Dạy con sống đức tin không phải là một bài thi, càng không phải là một dự án cá nhân hóa thành công. Đó là hành trình sống cùng con trong ánh sáng của Đức Kitô. Đó là việc dắt con đi nhà thờ, đọc Lời Chúa cùng con, cầu nguyện trước bữa ăn, xin lỗi khi bạn nổi nóng, cùng hát thánh ca và học sống tha thứ.

Hãy để con bạn thấy bạn đang bước theo Chúa dù còn nhiều vấp ngã. Chính điều đó sẽ dạy con nhiều hơn mọi bài học giáo lý.

Vì cuối cùng, Đức Tin không được truyền đạt bằng lời nói suông. Đức Tin được thắp lên và duy trì bằng đời sống cụ thể, bằng sự hiện diện, và bằng những hy sinh âm thầm mỗi ngày của người cha, người mẹ sống trong ơn gọi làm “người thầy đức tin đầu tiên” của con mình.

G. Võ Tá Hoàng
Biên tập lại từ https://thechristianmommy.com/blog/

Mới hơn Cũ hơn