Học viện Giáo hoàng về Thánh nhạc của Vatican đang tìm cách dạy các tín hữu Công giáo trên khắp thế giới cách hát Bình ca (Gregorian) cổ xưa như một phương tiện giúp các tín hữu tham gia tích cực vào phụng vụ, bao gồm cả trong các Thánh lễ của Giáo hoàng.
"Hãy hát cùng với Giáo hoàng" là một sáng kiến mới của Học viện Giáo hoàng về Thánh nhạc (PIMS), một loạt các video hướng dẫn giáo dục ngắn trên mạng xã hội nhằm giúp dân Chúa cùng hát với Đức Thánh Cha trong các buổi cử hành phụng vụ chính.
Dự án nhằm mục đích giúp mọi người tiếp cận được di sản phong phú của nhạc Bình ca (Gregorian), một ngôn ngữ âm nhạc thiêng liêng và mang tính phổ quát trong các Thánh lễ do Đức Giáo hoàng cử hành và trong các buổi cử hành phụng vụ khác.
Với các video hướng dẫn này, Cha Robert Mehlhart OP, Viện trưởng Học viện, giới thiệu các bài hát đơn giản, dễ thực hiện, nhằm khuyến khích sự tham gia tích cực và có ý thức của cộng đoàn.
Trong video mở đầu của loạt bài, cha Viện trưởng đã trình bày cách xướng đáp đầu lễ được hát bởi cả linh mục chủ tế và cộng đoàn.
Học viện Giáo hoàng về Thánh nhạc được thành lập bởi Đức Giáo hoàng Piô X vào năm 1910, với sứ mạng đào tạo những người phục vụ trong lĩnh vực thánh nhạc theo định hướng của Giáo hội. Trụ sở hiện nay của Học viện tọa lạc tại Rôma, trong khuôn viên từng thuộc về Đan viện Giáo hoàng Thánh Giêrônimô, gần nội thành Vatican.
Hiện nay học viện "có 153 sinh viên từ 44 quốc gia", đại diện cho tính chất hoàn vũ và đa dạng của Giáo hội, trong đó có 10 người sẽ tham gia hát trong ca đoàn hướng dẫn tại Thánh lễ nhậm chức của Đức Giáo hoàng Lêô XIV.
Sáng kiến “Hát cùng với Giáo hoàng” không chỉ là một nỗ lực dạy hát, mà còn là một hình thức truyền thông mục vụ mới phù hợp với thời đại kỹ thuật số. Việc sử dụng các nền tảng mạng xã hội để truyền tải giáo huấn, hướng dẫn phụng vụ và cổ vũ sự tham gia của tín hữu đã cho thấy hiệu quả rõ rệt trong những năm gần đây, đặc biệt sau thời kỳ đại dịch.
Dự án cũng phản ánh đường hướng của triều đại Giáo hoàng hiện tại trong việc gắn bó với truyền thống, đồng thời mở ra với thế giới hiện đại bằng những phương tiện mới và cách tiếp cận gần gũi với mọi người.
G. Võ Tá Hoàng