THỨ HAI TUẦN V PHỤC SINH
Cv 14,5-18 – Ga 14,21-26
“Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy là kẻ yêu mến Thầy. Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy và sẽ tỏ mình ra cho người ấy”.
Giuđa, không phải là Giuđa Iscariô, hỏi Người: “Lạy Thầy, tại sao Thầy phải tỏ mình ra cho chúng con, mà không tỏ mình ra cho thế gian?”
Đức Giêsu đáp: “Ai yêu mến Thầy, sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Chúng ta sẽ đến và ở lại với người ấy. Ai không yêu mến Thầy, thì không giữ lời Thầy. Và lời anh em nghe đây không phải là của Thầy, nhưng là của Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy.
Các điều đó Thầy đã nói với anh em, đang khi còn ở với anh em. Nhưng Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần, Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Người sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại tất cả những gì Thầy đã nói với anh em”.
Suy niệm
Trong Bài đọc I (Cv 14,5-18), sách Tông Đồ Công Vụ tường thuật câu chuyện Thánh Phaolô và Barnaba tại Lystra. Phaolô chữa lành một người què bẩm sinh, một dấu chỉ quyền năng từ Thiên Chúa, khiến dân chúng tưởng các ngài là thần linh. Tuy nhiên, Phaolô lập tức hướng đám đông khỏi những ngộ nhận mang tính ngẫu thần và mời gọi họ nhận biết một Thiên Chúa chân thật, Đấng Tạo Hóa:
“Chúng tôi cũng là những người phàm như anh em. Nhưng chúng tôi rao giảng Tin Mừng để anh em từ bỏ những ngẫu tượng hão huyền, mà trở về với Thiên Chúa hằng sống, Đấng đã tạo thành trời đất, biển cả và mọi sự trong đó”. (Cv 14,15)
Qua dấu chỉ chữa lành, Phaolô dẫn dân ngoại đến việc nhận biết Thiên Chúa là Đấng Tạo Thành vũ trụ, một Thiên Chúa không ẩn mình trong sấm sét hay huyền thoại, nhưng tỏ mình qua thiên nhiên, và cao cả hơn nữa, nơi Đức Giêsu Kitô.
Thánh Luca, tác giả sách Công Vụ, cố ý so sánh sứ vụ của Phaolô với Phêrô, cho thấy sự nối kết và hợp nhất giữa các tông đồ. Phép lạ Phaolô làm ở Lystra phản ánh phép lạ Phêrô chữa lành người què ở cửa Đền Thờ (Cv 3), nhấn mạnh rằng:
Dù Phêrô nói với dân Do Thái và Phaolô với dân ngoại, nhưng cả hai cùng rao giảng một Tin Mừng.
Cả hai đều sử dụng dấu chỉ (phép lạ) như ngưỡng cửa để mở ra con đường dẫn đến chân lý mạc khải.
Thánh Gioan Kim Khẩu từng viết: “Không phải phép lạ mà là Lời Chúa mới cứu độ con người. Phép lạ chỉ là cánh cửa mở vào mầu nhiệm” (In Act. Apost., Hom. XXXII, PG 60)
Nếu trong bài đọc I, dấu chỉ phép lạ mở ra cánh cửa đức tin nơi dân ngoại, thì trong Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu hé mở một mạc khải sâu hơn: Người sẽ không tỏ mình ra cho thế gian theo cách ngoạn mục, nhưng sẽ tỏ mình cho những ai yêu mến Người và giữ lời Người.
Mạc khải của Thiên Chúa không còn nằm trong các thị kiến, tiếng sấm hay lửa cháy như thời Xuất Hành, nhưng nơi một con người cụ thể: Đức Giêsu, Con Một của Chúa Cha. Đây là một chuyển hướng sâu xa của mạc khải Kitô giáo, từ tôn giáo của các dấu chỉ bên ngoài đến tương quan tình yêu nội tâm: “Ai yêu mến Thầy, sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở lại với người ấy”. (Ga 14,23)
Câu hỏi của Giuđa (Thađêô) phản ánh khát vọng cổ truyền của dân Israel mong đợi một Đấng Mêsia huy hoàng và công khai. Nhưng Đức Giêsu mời gọi các môn đệ đi vào chiều sâu nội tâm: dấu chỉ lớn lao nhất chính là sự hiện diện của Ba Ngôi Thiên Chúa trong tâm hồn người yêu mến và lắng nghe Lời.
Sự hiện diện của Đức Giêsu không khép lại nơi quá khứ, vì Ngài hứa ban Thánh Thần, Đấng sẽ dạy dỗ và làm cho môn đệ nhớ lại Lời Chúa. Thánh Thần nối kết mầu nhiệm Thiên Chúa với hiện tại của từng tín hữu.
“Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần... sẽ làm cho anh em nhớ lại tất cả những gì Thầy đã nói với anh em”. (Ga 14,26)
Nhờ Thánh Thần, Lời Chúa không bị đóng khung trong văn bản hay ký ức, nhưng trở nên sống động trong lòng người tín hữu hôm nay, làm bừng cháy tình yêu, đức tin, và thúc đẩy việc thi hành các giới răn của Chúa Giêsu. Chính nhờ Thánh Thần, chúng ta được dẫn vào sự sống và được thấy Thiên Chúa.
Nếu thiên nhiên và các phép lạ là những dấu chỉ mở lối, thì Thánh Thể là đỉnh cao của mọi dấu chỉ. Chính nơi bàn thờ hôm nay, Đức Giêsu lại tỏ mình qua bánh và rượu,đơn sơ nhưng sống động, là dấu chỉ của một tình yêu không thể lầm lẫn.
Như Phaolô đã không để phép lạ dẫn người ta đến tôn thờ ngẫu tượng, hôm nay chúng ta cũng không để Thánh lễ trở thành một nghi thức khô khan. Mỗi cử hành phụng vụ là một cuộc gặp gỡ sống động với Đấng Phục Sinh, Đấng tỏ mình ra qua tình yêu tự hiến.
Lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta:
Hãy học biết cách nhận ra dấu chỉ của Thiên Chúa: nơi thiên nhiên, nơi Lời Chúa, và nhất là nơi Thánh Thể.
Hãy để Thánh Thần làm sống động Lời Chúa trong lòng ta, để ta không chỉ nghe nhưng còn giữ và sống Lời ấy.
Hãy trở thành “dấu chỉ sống động” của Tin Mừng trong đời thường, qua tình yêu, tha thứ, phục vụ, sự hiện diện yêu thương.
Lạy Chúa Giêsu,
Chúa đã không chọn cách tỏ mình ra với thế gian bằng những vinh quang hào nhoáng,
nhưng bằng tình yêu khiêm hạ và lời mời gọi bước vào tương quan với Chúa.
Xin dạy con nhận ra những dấu chỉ tình yêu của Chúa trong đời thường,
để con không tìm kiếm những phép lạ bên ngoài,
nhưng biết giữ lời Chúa và để Thánh Thần dẫn dắt cuộc đời con.
Xin cho mỗi Thánh lễ con tham dự là một cuộc gặp gỡ thật sự với Chúa,
Đấng đang hiện diện, đang yêu thương, và đang kêu gọi con sống vì Nước Trời.
Amen.
THỨ BA, TUẦN V PHỤC SINH
Cv14,19-28 – Ga 14, 27-31a
“Thầy để lại bình an cho anh em. Thầy ban cho anh em bình an của Thầy; Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi! Anh em đã nghe Thầy bảo: ‘Thầy ra đi và đến cùng anh em’. Nếu anh em yêu mến Thầy, thì hẳn anh em sẽ vui mừng vì Thầy đi về cùng Chúa Cha, bởi vì Chúa Cha cao trọng hơn Thầy. Giờ đây, Thầy nói với anh em trước khi sự việc xảy ra, để khi xảy ra, anh em tin. Thầy sẽ không còn nói nhiều với anh em nữa, vì thủ lãnh thế gian đang đến. Nó không có quyền gì trên Thầy. Nhưng để cho thế gian biết rằng Thầy yêu mến Chúa Cha và làm đúng như Chúa Cha đã truyền dạy, nên Thầy nói: ‘Chúng ta đứng dậy, đi khỏi đây thôi’”.
Suy niệm
Bước vào đoạn Tin Mừng hôm nay, chúng ta được đưa vào phần cuối của bài diễn từ từ biệt trong bữa Tiệc Ly. Đức Giêsu biết giờ của Ngài đã đến. Những lời Ngài nói không chỉ là lời an ủi, mà còn là sự mặc khải cuối cùng, mở ra một cuộc vượt qua: từ trần thế về cùng Chúa Cha, từ sự chết đến vinh quang Phục Sinh.
Ngài không để lại của cải, không vương quyền, không di sản chính trị, nhưng để lại cho các môn đệ bình an: “Thầy để lại bình an cho anh em. Thầy ban cho anh em bình an của Thầy” (Ga 14,27).
Trong tiếng Do Thái, “shalom” là một lời chào quen thuộc, nhưng nơi Đức Giêsu, “shalom” không chỉ là sự an lành nhất thời mà là hồng ân cứu độ, là sự hòa giải sâu xa giữa con người với Thiên Chúa, và là sự an tâm nội tại giữa thử thách.
Thánh Augustinô giải thích: “Bình an đích thực là sự yên nghỉ của trật tự thiêng liêng, là khi ý chí con người thuận theo Thiên Chúa” (Confessiones, XIX,13).
Vì vậy, bình an mà Đức Giêsu ban không đến từ thế gian, đầy biến động và quyền lực, mà đến từ Chúa Cha, là sự bình an của chính Ngài đã có với Chúa Cha: sự phó thác, vâng phục và yêu mến đến tận cùng.
“Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi” (Ga 14,27).
Khi Thầy ra đi, các môn đệ dễ rơi vào sợ hãi, lạc hướng, như chiên không người chăn. Nhưng Đức Giêsu trấn an họ: hãy vui mừng vì Ngài về với Chúa Cha, đó là sự tôn vinh nhân tính của Ngài.
“Nếu anh em yêu mến Thầy, thì hẳn anh em sẽ vui mừng vì Thầy đi về cùng Chúa Cha”.
Tình yêu đích thực không giữ lấy người mình yêu cho riêng mình, nhưng chấp nhận sự chia ly vì điều tốt đẹp hơn, chính là ý Cha.
“Sự bình an Kitô giáo không phải là thoát ly đau khổ, nhưng là sự hiện diện của Thiên Chúa trong giữa những sóng gió”. (ĐGH Phanxicô Bài giảng, 4.5.2020)
Do đó, sự nhát đảm là dấu chỉ của thiếu niềm tin. Cũng như Thiên Chúa đã nói với Giôsuê: “Hãy can đảm lên, đừng sợ, vì Ta ở với ngươi” (Gs 1,9), thì hôm nay, Chúa Giêsu cũng nói với chúng ta như thế, giữa thời đại đầy bất ổn.
Can trường làm chứng giữa thế gian
Bài đọc I (Cv 14,19-28) là minh chứng sống động cho lời dạy của Đức Giêsu. Phaolô, tông đồ không đi theo Chúa từ đầu, nhưng lại là chứng nhân can trường nhất.
Dù bị ném đá đến gần chết tại Lystra, ông vẫn tiếp tục lên đường, củng cố đức tin các tín hữu, và công bố một sự thật: “Chúng ta phải chịu nhiều gian khổ mới được vào Nước Thiên Chúa” (Cv 14,22).
Sự bình an không đồng nghĩa với vắng bóng thử thách, nhưng là lòng can đảm được nuôi dưỡng bởi niềm hy vọng phục sinh.
Thánh Phaolô là mẫu gương cho lời Đức Giêsu: “Chúng ta đứng dậy, đi khỏi đây thôi!” (Ga 14,31).
Không dừng lại trong sợ hãi, không trú ẩn trong tự vệ, nhưng lên đường trong sứ mạng, bất chấp sự bách hại, rào cản hay cái chết.
Cao điểm của bài Tin Mừng là lời tuyên bố của Chúa Giêsu: “Thế gian phải biết rằng Thầy yêu mến Chúa Cha và làm đúng như Chúa Cha đã truyền dạy” (Ga 14,31).
Ngài sắp chịu khổ hình, không phải vì Sa-tan có quyền gì trên Ngài, mà vì tình yêu vâng phục dành cho Chúa Cha và kế hoạch cứu độ.
Ngài ra đi, không phải như kẻ thất trận, nhưng như Chiên Vượt Qua tự nguyện. Ngài ra đi để mở đường cho chúng ta bước theo, mang thập giá mình mà không xao xuyến, nhát đảm.
Thánh lễ là đỉnh cao của đời sống Kitô hữu, và là nơi ta được đụng chạm đến sự hiện diện bình an của Đấng Phục Sinh.
Chúng ta không chỉ nghe về sự bình an, mà còn đón nhận bình an ấy trong lời chúc “Bình an của Chúa ở cùng anh chị em”, và trong chính Mình Máu Thánh Ngài, hiến trao vì yêu mến Chúa Cha và nhân loại.
Hãy sống như những Kitô hữu can trường, như những người đã từng “đứng dậy và đi khỏi đây”, mang lấy sứ mạng yêu thương trong thế giới bất an.
Lạy Chúa Giêsu,
là Đấng đã yêu thương chúng con đến cùng và để lại cho chúng con bình an đích thực. Xin ban cho chúng con một tâm hồn không xao xuyến, một đức tin vững vàng và một trái tim biết vui mừng khi Thầy lên đường về cùng Cha.
Xin cho chúng con biết sống can trường như Thánh Phaolô, không lùi bước trước gian khổ, nhưng mạnh mẽ lên đường, thi hành sứ mạng Chúa trao, để thế gian nhận biết chúng con là môn đệ của Thầy.
Lạy Chúa, xin ban cho Hội Thánh và mỗi người chúng con, trong từng thánh lễ, được kín múc sức sống Phục Sinh, và trở nên những người kiến tạo bình an trong một thế giới đầy bấp bênh.
Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.
THỨ TƯ TUẦN V PHỤC SINH
Cv 15,1-6 và Ga 15,1-8
“Khi ấy, Chúa Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi; còn cành nào sinh hoa trái thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn. Anh em được thanh sạch rồi nhờ lời Thầy đã nói với anh em. Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em.
Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy. Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được. Ai không ở lại trong Thầy thì bị quăng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo. Người ta nhặt lấy, quăng vào lửa cho nó cháy đi. Nếu anh em ở lại trong Thầy, và lời Thầy ở lại trong anh em, thì muốn gì, anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý. Điều làm Cha Thầy được tôn vinh là: anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy”.
Suy niệm
Khi tuyển chọn dân Israel, Thiên Chúa không chỉ chọn họ vì một phẩm chất nào đặc biệt, nhưng hoàn toàn vì tình yêu và sáng kiến của Người. Qua trung gian Môsê, Người ban Lề Luật để hướng dẫn dân sống công chính, yêu mến Thiên Chúa và cư xử công bằng với nhau. Luật Môsê không phải là gánh nặng hay hình thức trừng phạt, nhưng là “đường lối huấn luyện trong công chính” (x. 2Tm 3,16), nhằm giúp con người ý thức về sự yếu đuối và cần đến lòng thương xót của Thiên Chúa.
Tuy nhiên, theo thời gian, nhiều người đã biến lề luật trở thành mục tiêu thay vì phương tiện. Các kinh sư và biệt phái thời Chúa Giêsu quá chú trọng hình thức, coi việc tuân giữ Luật như thành tích đạo đức để khoe khoang, và họ tin rằng nhờ công trạng giữ luật mà được cứu độ. Thánh Âugutinô đã từng cảnh tỉnh: “Thiên Chúa không chọn bạn vì bạn tốt lành, nhưng bạn trở nên tốt lành vì được Thiên Chúa chọn”.
Ơn cứu độ không phải là thành quả của công trạng, nhưng là hồng ân, là biểu hiện của lòng nhân hậu vô biên của Thiên Chúa.
Trong bài đọc I hôm nay (Cv 15,1-6), Giáo hội sơ khai đứng trước một khúc quanh quan trọng: một số người gốc Do Thái đòi hỏi các tân tòng gốc dân ngoại phải chịu cắt bì và tuân giữ Luật Môsê như điều kiện để được cứu độ. Đây không chỉ là chuyện tranh luận luật lệ, mà là hỏi lại nền tảng của niềm tin Kitô giáo:
Ơn cứu độ đến từ luật hay từ Chúa Giêsu Kitô?
Thánh Phaolô đã mạnh mẽ phản đối cách nhìn ấy. Ngài nhận ra rằng chính hành động của Chúa Thánh Thần nơi các tín hữu ngoại giáo là bằng chứng rằng Thiên Chúa đã đón nhận họ mà không cần điều kiện Luật Môsê. Trong thư gửi tín hữu Rôma, ngài khẳng định: “Con người được nên công chính nhờ đức tin chứ không phải nhờ việc làm theo Luật” (Rm 3,28).
Hành động của thánh Phaolô thể hiện thái độ hiệp nhất: mặc dù xác tín về quan điểm, ngài vẫn lên Giêrusalem để cùng thảo luận với các tông đồ. Điều này nói lên tinh thần hiệp hành và phân định cộng đoàn, không hành động đơn độc, nhưng trong sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần và sự hiệp thông với Hội Thánh.
Chúa Giêsu trong Tin Mừng hôm nay mạc khải một hình ảnh sâu sắc về mối tương quan giữa Người và các môn đệ: Người là cây nho, chúng ta là cành. Cành không thể tự sinh trái nếu không gắn liền với thân nho. Cũng vậy, đời sống đức tin không thể tách rời khỏi sự kết hiệp mật thiết với Đức Kitô.
Đây chính là lời cảnh tỉnh dành cho tất cả mọi Kitô hữu, dù là người giữ luật hay không giữ luật: Điều cốt yếu không phải là hình thức, mà là sự gắn bó với Đức Kitô, và hoa trái đức tin thể hiện qua đời sống.
Thánh Gioan Kim Khẩu từng nhấn mạnh: “Không ai được cứu nhờ giữ nghi thức, nhưng nhờ lòng tin sống động”.
Chúng ta không được cứu nhờ cắt bì, mà nhờ được kết hợp với Chúa Giêsu trong đức tin và đức ái.
Thánh Phaolô, dù là người được mạc khải riêng và đầy ơn Thánh Thần, vẫn chọn trở về với cộng đoàn Giáo hội, về Giêrusalem, để tham khảo và hiệp thông với các Tông đồ. Sự hiệp hành không làm mất cá tính ngôn sứ, nhưng giúp Phaolô thực hiện sứ mạng cách hiệu quả hơn. Điều này mở ra một nguyên lý quan trọng cho đời sống Giáo hội hôm nay: hiệp hành không đối lập với sáng tạo, mà là môi trường nuôi dưỡng và hướng dẫn nó.
“Trái tim Phúc Âm là vẻ đẹp cứu độ trong Đức Kitô đang chiếu sáng trên cuộc đời người nam nữ tội lỗi và yếu đuối. Lời mời gọi của chúng ta không phải là áp đặt luật lệ, mà là chia sẻ một cuộc sống được biến đổi nhờ tình yêu”. (EG 36)
Là những Kitô hữu thuộc “dân ngoại”, những người không thuộc về dân Do Thái cũ, chúng ta được mời gọi sống trong tâm tình tạ ơn. Chúng ta không có công trạng nào để được cứu độ; tất cả là hồng ân. Chính vì thế, điều Thiên Chúa đòi hỏi nơi ta là ở lại trong Đức Kitô, nghĩa là sống lời Chúa, gắn bó với Bí tích Thánh Thể và đời sống cộng đoàn, để đời sống chúng ta có thể sinh hoa trái tình yêu, công chính và bình an.
Lạy Chúa Giêsu là cây nho thật,
Chúa đã mời gọi chúng con gắn bó với Chúa để được sống và sinh hoa trái.
Xin cho chúng con biết từ bỏ sự kiêu ngạo vì công trạng cá nhân,
biết tin tưởng phó thác nơi lòng thương xót và ân sủng của Chúa.
Xin cho chúng con luôn sống trong sự kết hiệp với Chúa qua việc lắng nghe Lời Chúa,
cử hành Thánh Thể và sống bác ái với anh chị em,
để đời sống chúng con trở nên hoa trái dồi dào,
làm vinh danh Thiên Chúa và mang Tin Mừng đến cho mọi người.
Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.
THỨ NĂM, TUẦN VI PHỤC SINH
Cv 15, 7-21 – Ga15, 9-11
“Như Cha đã yêu mến Thầy, Thầy cũng đã yêu mến anh em. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy. Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người. Những điều ấy, Thầy đã nói với anh em, để niềm vui của Thầy ở trong anh em, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn”.
Suy niệm
Lời mời gọi của Chúa Giêsu: “Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy” không chỉ là một lời khuyên đạo đức, mà là mệnh lệnh sống còn của người môn đệ. Tình yêu của Đức Giêsu không khởi đi từ con người, nhưng bắt nguồn từ Chúa Cha: “Như Cha đã yêu mến Thầy, Thầy cũng đã yêu mến anh em”.
Khi yêu mến con người, Đức Giêsu đã yêu như Cha yêu, một tình yêu nhưng không, vô điều kiện, dám chết cho người mình yêu (x. Ga 15,13). Thánh Gioan Tông đồ đã xác tín: “Tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta trước” (1 Ga 4,10).
Ở lại trong tình yêu là sống kết hiệp với Đức Kitô
“Ở lại” nơi tình yêu ấy là ở lại trong tương quan sống động với Chúa, như cành nho kết hiệp với thân nho (x. Ga 15,5). Điều kiện của sự lưu lại ấy là sự tuân giữ các giới răn: “Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy”.
Sự tuân giữ này không mang tính nô lệ mà phát xuất từ tình yêu. Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu đã sống chiều sâu của tình yêu này khi chị chọn sống trung tín trong từng việc nhỏ mọn hằng ngày, như một “con đường thơ ấu thiêng liêng” nơi tình yêu là động lực duy nhất. Chị nói: “Chúa không đòi chúng ta làm những điều lớn lao, nhưng là yêu mến Ngài trong những việc nhỏ bé” (Thánh Têrêsa Lisieux, Lịch sử một tâm hồn).
Niềm vui mà Chúa Giêsu nói tới không phải là niềm vui dễ dãi hay chóng qua, nhưng là niềm vui phát sinh từ việc sống trọn vẹn trong thánh ý Thiên Chúa. Chính Chúa Giêsu đã cảm nghiệm niềm vui này khi Ngài nói: “Lương thực của Thầy là thi hành ý Đấng đã sai Thầy” (Ga 4,34).
Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II từng nói: “Không có gì đẹp hơn là được gặp gỡ Đức Kitô và chia sẻ tình bạn với Ngài” (Tông huấn Novo Millennio Ineunte, số 1). Đó là niềm vui mà người môn đệ được mời gọi sống và chia sẻ, một niềm vui trọn vẹn vì được ở trong tình yêu của Thầy và bước theo Ngài.
Từ trải nghiệm sâu xa với tình yêu cứu độ của Đức Giêsu, các tông đồ, đặc biệt là thánh Phêrô, đã nhận ra rằng ơn cứu độ không hệ tại ở việc giữ luật Môsê, như nghi lễ cắt bì, nhưng là nhờ lòng tin vào Đức Kitô. Phêrô tuyên bố mạnh mẽ trong Công đồng Giêrusalem: “Chính nhờ ân sủng của Chúa Giêsu, mà chúng ta tin mình được cứu độ, cũng như họ vậy”. (Cv 15,11)
Câu nói này đánh dấu một bước ngoặt trong hành trình của Giáo hội sơ khai. Giáo hội dần hiểu rằng, cội nguồn của ơn cứu độ không nằm ở nghi thức hay di sản Do Thái giáo, nhưng ở Đức Kitô, Đấng đã chịu chết và sống lại vì nhân loại.
Thánh Phaolô sau này sẽ triển khai rõ hơn: “Tất cả đều đã phạm tội và bị tước mất vinh quang Thiên Chúa, nhưng nay được công chính hóa nhưng không nhờ ơn Người, do việc cứu chuộc trong Đức Giêsu Kitô” (Rm 3,23-24).
Giáo hội không xóa bỏ giá trị của lề luật, nhưng hiểu rõ rằng, lề luật cũ đã hoàn tất nơi Đức Kitô. Chính nhờ Thánh Thần, Giáo hội tiến bước trong sự thật trọn vẹn.
Giáo hội, được xây trên nền tảng các tông đồ, là nơi tiếp tục nói lời yêu thương của Đức Kitô cho mọi thế hệ. Như thánh Inhaxiô Antiôkia từng viết: “Nơi đâu có Giám mục, nơi đó có Giáo hội, cũng như nơi nào có Đức Kitô, nơi đó có Hội Thánh Công Giáo” (Thư gửi giáo đoàn Smyrna, số 8).
Đức Giêsu đã thiết lập Giáo hội không chỉ để gìn giữ chân lý, mà còn để truyền thông tình yêu và niềm vui cứu độ. Mỗi Thánh lễ mà chúng ta tham dự là cử hành mầu nhiệm tình yêu này: Đức Giêsu tiếp tục trao ban chính mình để đưa ta vào sự hiệp thông với Chúa Cha và với nhau.
Trong Bí tích Thánh Thể, Ngài trở thành “bánh bởi trời”, nuôi dưỡng tâm hồn và làm cho chúng ta nên một trong tình yêu của Ngài.
Lời mời gọi sống Tin Mừng hôm nay
Sống Tin Mừng hôm nay là sống trong tình yêu của Đức Giêsu, một tình yêu dẫn đến sự tuân phục, niềm vui và sự sống viên mãn. Như thánh Augustinô từng nói: “Hãy yêu đi rồi làm gì thì làm”, không phải vì tình yêu cho phép ta tùy tiện, nhưng vì khi yêu thật, ta chỉ còn mong sống đẹp lòng người mình yêu.
Giữa thế giới nhiễu nhương, lắm chia rẽ và bạo lực, chứng tá của người Kitô hữu chính là “ở lại trong tình yêu” và trở nên người loan báo niềm vui, niềm vui của Tin Mừng.
Như lời Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nói: “Sự sống của người Kitô hữu không phải là một chuỗi những bổn phận, nhưng là một câu chuyện tình. Và tình yêu ấy đòi hỏi chúng ta ra khỏi chính mình để bước vào cuộc phiêu lưu của ân sủng”. (Tông huấn Evangelii Gaudium, số 3)
Lạy Chúa Giêsu,
Chúa đã yêu chúng con bằng tình yêu đến cùng. Xin cho chúng con biết ở lại trong tình yêu ấy, bằng cách trung tín sống theo các điều răn Chúa mỗi ngày.
Xin cho niềm vui của Chúa đong đầy tâm hồn chúng con, để giữa thế giới hôm nay, chúng con có thể trở thành những người mang ánh sáng Tin Mừng, sống yêu thương, hiệp nhất và hy vọng.
Xin Thánh Thần giúp chúng con nhận ra tiếng Chúa trong Giáo hội, trong huấn giáo của các tông đồ và trong lương tâm chân thành của mình.
Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.
THỨ SÁU, TUẦN V PHỤC SINH
Cv 15,21-31 và Ga 15,12-17
Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.
Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy.
Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy đã nghe nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết.
Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái và hoa trái của anh em tồn tại, hầu tất cả những gì anh em xin cùng Chúa Cha nhân danh Thầy, thì Người ban cho anh em. Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau”.
Suy niệm
Lời Đức Giêsu trong Tin Mừng hôm nay vang lên như trái tim của toàn bộ mầu nhiệm Phục Sinh: “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình”. Tình yêu ấy không chỉ là một cảm xúc cao quý, mà là một hành động cụ thể, thí mạng, hy sinh, hiến mình.
Trong ánh sáng của Phục Sinh, ta hiểu rằng tình yêu ấy chính là động lực và cùng đích của đời Kitô hữu. Đức Bênêđictô XVI từng khẳng định: “Tình yêu là ánh sáng , và cuối cùng, chỉ có tình yêu mới khả dĩ soi sáng thế giới và con người, để mang lại ý nghĩa cho cuộc sống” (Deus Caritas Est, số 39)
Câu chuyện trong Công vụ Tông đồ 15,21-31 cho ta thấy tình yêu Phục Sinh không dừng lại nơi cá nhân mà lan tỏa vào trong cộng đoàn Hội Thánh. Từ sự xung đột tiềm ẩn về việc giữ luật Môsê, các Tông đồ đã họp nhau lại để cầu nguyện, phân định và đưa ra một quyết định hiệp nhất, không áp đặt gánh nặng không cần thiết lên dân ngoại. Họ đã viết thư với lòng chân thành và gửi Banaba cùng Phaolô đến an ủi, củng cố các tín hữu.
Chính nơi đây, lòng bác ái trở nên nguyên tắc hiệp nhất của Giáo hội. Như Thánh Gioan Kim Khẩu dạy: “Không gì có thể khiến Giáo hội được vững mạnh cho bằng lòng bác ái. Nó là xi măng kết dính các viên đá sống động lại với nhau”.
Chúa Giêsu Phục sinh không chỉ ban lệnh truyền yêu thương, mà còn ban Thánh Thần, là tình yêu của chính Ngài, để những ai thuộc về Ngài có thể sống điều ấy. Câu chuyện biến đổi Saolô thành Phaolô là một ví dụ điển hình. Từ một kẻ bắt đạo, ông trở thành tông đồ nhiệt thành, không tiếc thân mình để loan báo Đấng đã yêu thương ông.
“Khi bạn để cho mình được Đức Kitô yêu thương và tha thứ, bạn sẽ được biến đổi. Bạn sẽ có một trái tim biết yêu như trái tim của Ngài”.
Lòng bác ái không chỉ là chuyện lớn lao của các vị thánh tử đạo, nhưng là đời sống mỗi ngày của người Kitô hữu. Mỗi lần ta từ bỏ ý riêng, sở thích cá nhân, mỗi lần ta kiên nhẫn, tha thứ, cầu nguyện chung, hòa giải, là ta sống tình yêu thí thân.
Giáo hội sơ khai đã làm chứng điều này qua sự đồng tâm, đồng lòng giữa các cộng đoàn. Và hôm nay, dấu chỉ hiệp nhất trong gia đình, trong nhà thờ, trong cộng đoàn… cũng là thước đo tình yêu Phục Sinh đang sống động trong chúng ta.
Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rằng: “Chúng ta không thể yêu thương Thiên Chúa nếu không yêu thương tha nhân; và chúng ta không thể yêu thương tha nhân nếu không cố gắng xây dựng hiệp thông”. (Tông huấn Christus Vivit, số 163)
Đức Giêsu không gọi chúng ta là tôi tớ, nhưng là bạn hữu, không phải vì chúng ta xứng đáng, nhưng vì Ngài chọn gọi như vậy. Là bạn hữu, nghĩa là được chia sẻ trái tim của Chúa, được biết những điều Ngài biết, và được mời gọi sống giống như Ngài: dám yêu, dám thí thân.
Cũng như cộng đoàn Giêrusalem đã vượt qua chia rẽ để đạt được sự hiệp nhất, người Kitô hữu hôm nay cũng được mời gọi bước qua những khác biệt, định kiến, tổn thương, để xây dựng một cộng đoàn yêu thương trong Chúa Kitô.
Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh,
Chúa đã yêu chúng con đến cùng, đến mức thí mạng sống mình vì chúng con. Xin đổ vào lòng chúng con tình yêu thí thân ấy, để chúng con biết sống không phải cho chính mình, nhưng cho Chúa và cho anh em.
Xin giúp chúng con biết dẹp bỏ ý riêng, sống bác ái và xây dựng sự hiệp nhất trong gia đình, trong cộng đoàn và trong Hội Thánh.
Xin cho chúng con trở thành những bạn hữu đích thực của Chúa, biết yêu như Chúa yêu.
Amen.
Gợi ý thực hành
Dành 1 phút thinh lặng mỗi ngày để xét mình: hôm nay tôi đã yêu thương thế nào? Tôi có dám từ bỏ mình vì người khác chưa?
Trong cộng đoàn, gia đình: hãy là người khởi xướng một hành động nhỏ để duy trì sự hiệp nhất, lời xin lỗi, lời mời gọi, lời chúc lành.
Khi tham dự Thánh lễ, hãy ý thức rằng tiếng hát chung, kinh nguyện chung là biểu hiện của tình yêu hiệp nhất trong Chúa.
THỨ BẢY TUẦN V PHỤC SINH
Cv 16,1-10 – Ga15,18-21
"Nếu thế gian ghét anh em, anh em hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước. Nếu anh em thuộc về thế gian, thì thế gian đã yêu thích cái gì là của nó. Nhưng vì anh em không thuộc về thế gian, và Thầy đã chọn anh em khỏi thế gian, nên thế gian ghét anh em.
Hãy nhớ lời Thầy đã nói với anh em: tôi tớ không lớn hơn chủ. Nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em; nếu họ đã giữ lời Thầy, họ cũng sẽ giữ lời anh em.
Nhưng họ sẽ làm tất cả những điều ấy chống lại anh em vì danh Thầy, bởi họ không biết Đấng đã sai Thầy”.
Suy niệm
Lời Chúa hôm nay vang lên trong bối cảnh đầy thử thách: “Thế gian ghét anh em” (Ga 15,18). Đức Giêsu không hề tô vẽ một viễn tượng dễ dàng cho các môn đệ. Trái lại, Ngài thẳng thắn cảnh báo họ về thực tế sẽ đối diện: sự thù ghét, hiểu lầm và bách hại. Nhưng tại sao? Vì họ được “Thầy chọn khỏi thế gian”.
Cụm từ “thế gian” trong Tin Mừng Gioan không chỉ là thế giới tạo vật hay nhân loại nói chung, nhưng mang sắc thái thần học đặc biệt: một thế giới sống trong bóng tối, chống lại ánh sáng của Thiên Chúa (x. Ga 1,10-11). Thế gian ấy là hình ảnh của một trật tự sai lạc, do con người và các thế lực phản Kitô tạo nên.
Đức Giêsu không cầu xin Chúa Cha đưa các môn đệ ra khỏi thế gian, nhưng “giữ họ khỏi ác thần” (Ga 17,15). Họ được sai đến với thế gian như chính Ngài, để làm muối, làm ánh sáng (x. Mt 5,13-16). Vấn đề đặt ra không phải là tránh né thế gian, mà là sống trong đó với tinh thần thuộc về Thiên Chúa.
“Không ai có thể là tôi tớ của Thiên Chúa nếu vẫn tiếp tục sống theo tinh thần thế gian”.
Sống khác biệt: nguồn cơn bị thù ghét
Nguyên nhân của sự thù ghét không nằm ở những lỗi lầm luân lý của người môn đệ, nhưng ở cái khác biệt sâu xa mà họ mang trong căn tính. Cái khác biệt ấy chính là sự đồng hình đồng dạng với Thầy Giêsu, Đấng bị thế gian từ chối.
Trong khi thế gian chạy theo quyền lực, vinh quang, khoái lạc, thì người môn đệ lại bước theo một con đường hoàn toàn nghịch chiều: nghèo khó, khiêm hạ, tha thứ, hiến thân vì tha nhân. Chính lối sống này trở nên sự lên án âm thầm nhưng dứt khoát đối với trật tự sa đọa của thế gian. Do đó, họ trở thành “cái gai” trong mắt thế gian.
“Tôi tớ không lớn hơn chủ… Nếu họ đã ghét Thầy, họ cũng sẽ ghét anh em” (Ga 15,20).
Nguy cơ của sự hòa hoãn với thế gian
Trong một xã hội hiện đại có xu hướng thế tục hóa và tương đối hóa chân lý, người môn đệ dễ rơi vào cám dỗ hòa hoãn với thế gian để “sống yên ổn”. Nhưng Tin Mừng không cho phép thái độ thỏa hiệp này. Nếu sống như thế gian, họ sẽ được thế gian yêu quý. Nhưng lúc đó, họ không còn là chứng nhân nữa.
Công đồng Vatican II cảnh báo điều này rất rõ trong Sắc lệnh Presbyterorum Ordinis về sứ vụ linh mục:
“Các linh mục không thể phục vụ nhân loại nếu sống xa cách những hoàn cảnh thực tế của nhân loại. Nhưng chính thừa tác vụ của họ, vì mang một danh nghĩa đặc biệt, đòi buộc họ không được chiều theo tinh thần thế tục. Họ không thể là thừa tác viên của Đức Kitô nếu không là chứng nhân và là người ban phát một đời sống khác với đời sống thế tục”.
(Presbyterorum Ordinis, số 3)
Nói cách khác, người môn đệ không được biến mình thành một “ghetto” đạo đức khép kín, cũng không được hoà tan vào thế gian đến mức đánh mất căn tính Tin Mừng.
Bài đọc Công vụ hôm nay (Cv 16,1-10) giúp chúng ta nhìn thấy chân dung sống động của một môn đệ đã sống trọn vẹn giáo huấn của Đức Giêsu: Thánh Phaolô. Kể từ giây phút gặp Đức Kitô trên đường Đamas, ngài không ngừng tiến bước trên con đường loan báo Tin Mừng, dù gặp muôn vàn khổ cực, thậm chí suýt chết vì bị ném đá (x. Cv 14,19).
Bất chấp bách hại, Phaolô luôn giữ ngọn lửa sứ vụ cháy bỏng. Ngài đi khắp nơi, thiết lập và củng cố các cộng đoàn đức tin, hành động dưới sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, biết lắng nghe và phân định theo sự soi dẫn từ trên cao. Trong đoạn sách hôm nay, khi được soi sáng “hãy sang Makêđônia giúp chúng tôi”, Phaolô lập tức thi hành mà không chần chừ.
“Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1Cr 9,16).
Phaolô không hoạt động độc lập nhưng luôn trong hiệp thông với các Tông đồ. Ngài là mẫu gương của người môn đệ biết dung hòa giữa ơn riêng và sự vâng phục Hội Thánh. Người môn đệ đích thực không chống lại thế gian bằng bạo lực, nhưng bằng một đời sống thánh thiện và kiên trì làm chứng cho sự thật.
Kết cục của đời người môn đệ không phải là thành công hay thất bại theo tiêu chuẩn thế gian, nhưng là sự kết hợp ngày càng sâu xa với mầu nhiệm Thập giá và Phục sinh của Đức Kitô. Mọi khổ đau, bị khước từ và thất bại của họ trở thành con đường để hiểu biết thâm sâu hơn về thánh ý Chúa Cha, như chính Đức Giêsu đã từng làm khi “vâng phục cho đến chết” (Pl 2,8).
Mỗi Thánh lễ chúng ta tham dự là sự tái hiện mầu nhiệm này. Khi cử hành Thánh Thể, chúng ta không chỉ tưởng nhớ, nhưng thực sự tham dự vào sự sống và hiến tế của Đức Kitô. Đây là nguồn sức mạnh, là nơi người môn đệ kín múc ân sủng để kiên vững giữa bách hại, và trung thành với căn tính Tin Mừng của mình.
Lạy Chúa Giêsu,
Chúa đã không xin Cha đưa các môn đệ ra khỏi thế gian, nhưng giữ gìn họ khỏi ác thần. Xin ban cho chúng con can đảm sống giữa thế gian này mà không thuộc về nó.
Xin cho chúng con đừng thỏa hiệp, đừng sợ hãi, cũng đừng khép kín, nhưng dám sống Tin Mừng trong mọi hoàn cảnh, kể cả giữa bách hại, nhục nhã và hiểu lầm.
Nguyện xin mầu nhiệm Thập giá và Phục sinh trở nên ánh sáng dẫn đường, sức mạnh nâng đỡ, và đích điểm cuộc đời chúng con.
Nhờ lời chuyển cầu của Đức Maria, Mẹ của các Tông đồ,
chúng con nguyện xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.
Amen.