Cv 14,21-27; Kh 21,1-5; Ga 13,31-35
Là con người, chúng ta luôn bị cuốn hút bởi những điều mới mẻ. Một mẫu xe mới vừa ra mắt? Kiểu tóc mới? Vải ren mới? Đôi giày mới?... Những thiết bị điện tử và công nghệ mới nhất? Điện thoại mới, ứng dụng mới...? Trên truyền hình, đầy dẫy những quảng cáo giới thiệu các sản phẩm mới.
Các bài đọc hôm nay đều xoay quanh những điều mới: một Giêrusalem Mới, trời mới đất mới, và một điều răn mới. Bài đọc I, trích từ sách Công vụ Tông đồ, thuật lại cách các cộng đoàn Kitô hữu sơ khai đã giúp nhau đổi mới nội tâm qua tình yêu agápe, phản ánh tình yêu agápe của thánh Phaolô và Barnaba.
Bài đọc II, trích sách Khải Huyền, cho chúng ta thấy Thiên Chúa đổi mới Hội Thánh bằng sự hiện diện sống động của Ngài nơi các tín hữu, trong cộng đoàn giáo xứ và trong phụng vụ. Đoạn Tin Mừng hôm nay mặc khải bí quyết của sự đổi mới trong đời sống Kitô hữu: đó là sự trung thành thực hành điều răn mới của Chúa Giêsu: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,35).
Tuy nhiên, để có thể thông phần vào đời sống mới mà Thiên Chúa ban tặng cho dân Người qua Con Một của Người, chúng ta cần thực hiện một điều kiện. Điều kiện đó chính là điều mà Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ trong Tin Mừng hôm nay.
Hôm nay, Chúa Giêsu cũng mời gọi mỗi người chúng ta thực hiện một điều kiện mới mà Người gọi là “Điều Răn Mới”. Chính điều răn mới này là phương thế mà Chúa Giêsu sử dụng để hình thành nơi chúng ta một Dân Mới dành riêng cho Chúa Cha.
Trên cơ sở lời dạy của Chúa Giêsu, tôi xin gợi ý ba điểm để chúng ta cùng suy niệm:
Thứ nhất: Đây là một điều răn. Không phải là một gợi ý, không phải là một lời đề nghị, càng không phải là một chọn lựa tùy ý. Trước hết và trên hết, đây là một mệnh lệnh. Là điều răn, nó đòi buộc chúng ta phải hoàn toàn vâng phục. Nói cách khác, yêu thương nhau là một nghĩa vụ đối với mỗi Kitô hữu.
Thứ hai: Chúa phán “Hãy yêu thương nhau”. Người không nói: “Yêu thương nhau khi người khác ngừng xúc phạm bạn”, hoặc “Yêu thương khi người khác biết yêu bạn, làm điều tốt cho bạn, hay khi họ dễ thương, giàu có, đáng mến.” Không. Chúa chỉ đơn giản nói: “Hãy yêu thương nhau” – một lệnh truyền không điều kiện, không giới hạn. Nói cách khác, yêu là mãi mãi.
Thứ ba: Chúa nói “Hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.” Ở đây, Chúa Giêsu nhắc lại cho chúng ta biết rằng yêu thương là dấu chỉ căn bản của người môn đệ Chúa. Không phải phụng vụ hay nghi lễ, nhưng chính tình yêu là cốt lõi và linh hồn của đời sống Kitô hữu.
Có lần người ta hỏi thánh Bênađô : “Thước đo của tình yêu là gì?”, ngài trả lời: “Thước đo của tình yêu là yêu mà không đo lường.” Chính Chúa Giêsu đã sống một tình yêu không giới hạn, không tính toán. Do đó, chúng ta cũng phải yêu thương không theo khả năng giới hạn của con người, hay dựa vào việc người khác có đáp trả lại tình yêu ấy không, nhưng phải yêu như Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta.
Có một câu chuyện kể rằng: Một người đàn ông bước ra khỏi văn phòng vào sáng ngày lễ Giáng Sinh và bắt gặp một cậu bé nghèo đang chăm chú nhìn chiếc xe mới của ông với ánh mắt ngưỡng mộ. Cậu hỏi:
– "Chiếc xe này là của chú à?"
Người đàn ông đáp:
– "Đúng rồi, em trai của chú tặng nhân dịp Giáng Sinh. Chú vừa mới nhận sáng nay."
Cậu bé mở to mắt, thốt lên:
– "Chú nói là... có người tặng cho chú mà chú không phải trả đồng nào sao?"
Người đàn ông gật đầu:
– "Đúng vậy, là quà tặng của em chú."
Cậu bé thở dài một cách đầy cảm động rồi nói:
– "Ôi, cháu ước gì..."
Người đàn ông nghĩ rằng cậu bé sẽ nói tiếp: “Cháu ước gì cháu cũng có một người anh như vậy.” Nhưng thay vào đó, cậu bé nói: – "Cháu ước gì cháu có thể trở thành một người anh như vậy, để có thể tặng chiếc xe này cho em trai cháu."
Người đàn ông sững sờ. Đứa trẻ ấy đã hiểu được điều cốt lõi của “Điều Răn Mới” mà Chúa Giêsu trao cho các môn đệ trong bài Tin Mừng hôm nay: “Hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.”
Tình yêu chân thật không hệ tại ở việc “nhận lấy”, nhưng ở việc “trao ban.”
Yêu thương là đặc điểm nổi bật của Kitô giáo, dựa trên điều răn của Chúa Giêsu (Ga 13,34). Chính Người còn nhấn mạnh thêm rằng: nhờ vào tình yêu này mà người ta nhận ra chúng ta là môn đệ đích thực của Người (Ga 13,35). Thánh vịnh 133 cũng xác nhận điều này: “Kìa xem anh em chung sống một nhà, thật là tốt đẹp, thật là vui sướng!”
Nền tảng của tình yêu Kitô giáo chính là sự tự hiến trọn vẹn của Chúa Giêsu: hiến dâng mạng sống để xoá bỏ hậu quả của tội lỗi nhân loại. Vì thế, điều răn yêu thương không chỉ dừng lại ở lời nói, nhưng bao hàm cả sự hy sinh, sẵn sàng sống vì người khác, đặt nhu cầu của người khác lên trên nhu cầu của bản thân. Chỉ khi đó, chúng ta mới thực sự làm cho Chúa Kitô hiện diện giữa thế giới này.
Tình yêu vị tha và hy sinh ấy đã được thể hiện sống động nơi đời sống của thánh Phaolô và Barnaba trong bài đọc II hôm nay. Dù Chúa Giêsu không còn hiện diện hữu hình, dù bị bách hại, loại trừ trong hành trình truyền giáo đầu tiên, các ngài vẫn kiên vững trong đức tin và rao giảng Tin Mừng tại nhiều thành phố và dân tộc. Khi trở về Antiôkhia, các ngài loan báo rằng: “Thiên Chúa đã mở rộng cửa đức tin cho các dân ngoại” (x. Cv 14,27).
Anh chị em thân mến
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta bước vào một lối truyền giáo mới, đó là con đường của tình yêu. Qua hành động, cử chỉ, lối sống yêu thương cụ thể, căn tính Kitô hữu của chúng ta sẽ được người khác dễ dàng nhận ra và xác nhận.