Phải làm gì khi ai đó làm bạn thất vọng?


Phải làm gì khi ai đó làm bạn thất vọng?

Một suy tư theo ánh sáng đức tin Công giáo

Trong thế giới hôm nay, không khó để nhận ra rằng sự thất vọng đang trở nên phổ biến: các chính trị gia hứa hẹn rồi thất bại, các nhà lãnh đạo vấp ngã, người thân cận sai đường, bạn bè bỏ rơi, thậm chí chính những người trong gia đình cũng khiến ta tổn thương. Trong bối cảnh ấy, người tín hữu Công giáo không tránh khỏi cảm giác buồn bã, thất vọng và tự hỏi: Tôi phải làm gì khi có ai đó làm tôi thất vọng?

Đây không chỉ là câu hỏi cá nhân, mà còn là một câu hỏi thiêng liêng: Chúng ta, với tư cách là người môn đệ Đức Kitô, được mời gọi đáp lại như thế nào khi người khác phản bội niềm tin, làm tổn thương hay thất vọng chúng ta, dù ở mức độ cá nhân, cộng đồng hay toàn xã hội?

Đức Giêsu cũng từng thất vọng

Không ai thấu hiểu nỗi thất vọng nơi con người bằng chính Chúa Giêsu. Trong giờ phút hấp hối tại Vườn Cây Dầu, những người bạn thân nhất của Ngài không thể tỉnh thức nổi một giờ để cầu nguyện với Ngài (Mt 26,40). Phêrô, người từng mạnh mẽ tuyên bố trung thành đến chết, lại chối Chúa ba lần (Lc 22,61). Giuđa, một người được tuyển chọn, đã bán Thầy với giá của một người nô lệ (Mt 26,15).

Chúa Giêsu đã bị chính những người thân tín làm Ngài thất vọng. Nhưng Ngài đã đáp lại thế nào? Không phải bằng sự phẫn nộ, không phải bằng sự trả thù, cũng không bằng cách bêu xấu họ trước công chúng. Ngài yêu thương, tha thứ, và tiếp tục trao ban chính mình cho họ. Trên thập giá, trong cơn đau đớn cùng cực, Ngài còn cầu nguyện: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34).

Trong Cựu Ước, không thiếu những nhân vật phải đối diện với thất vọng lớn lao vì người khác.

Ông Giuse, con của tổ phụ Giacóp, bị chính anh em mình bán đi làm nô lệ. Họ đã phản bội tình thân và gây cho ông những năm tháng đen tối trong đất Ai Cập. Nhưng khi có cơ hội trả thù, ông lại tha thứ và nói: “Các anh toan hại tôi, nhưng Thiên Chúa lại định liệu để mang lại điều tốt” (St 50,20). Một cái nhìn đức tin giúp ông thấy được bàn tay Thiên Chúa cả trong nỗi thất vọng.

Môsê, người lãnh đạo dân Israel, bao lần bị dân trách móc, nghi ngờ và chống đối, dù ông đã hy sinh cả đời để dẫn họ ra khỏi ách nô lệ. Có lúc ông thưa với Chúa: “Con không thể một mình gánh lấy gánh nặng của dân này” (Ds 11,14). Tuy vậy, ông vẫn trung thành với sứ mạng và luôn cầu thay nguyện giúp cho dân.

Vua Đavít, người bị chính con trai mình là Absalôm phản bội, đã chọn không giết hại con, nhưng đau đớn thốt lên: “Absalôm, con ơi! Phải chi cha chết thay con!” (2 Sm 18,33). Trái tim người cha tan vỡ, nhưng không để lòng oán hận chiếm chỗ tình thương.

Những gương mặt này cho thấy: thất vọng là điều có thật, nhưng cách chúng ta đối diện với nó là điều quyết định linh đạo và đời sống thiêng liêng của mình. Không phủ nhận nỗi đau, nhưng vượt lên trên nỗi đau bằng lòng thương xót.

Đừng đầu hàng trước nỗi cay đắng

Thánh Phaolô, trong thư gửi tín hữu Êphêsô, đã đưa ra một lời khuyên mang tính chữa lành: “Đừng bao giờ chua cay gắt gỏng, nóng nảy giận hờn, hay la lối thoá mạ, và hãy loại trừ mọi hành vi gian ác” (Ep 4,31).

Không cần phải dẫn đến cay đắng khi thất vọng, nhưng khi cảm thấy bị tổn thương, điều tự nhiên là ta muốn phản ứng: chỉ trích, phê phán, rút lui hay thậm chí trả thù. Nhưng đức tin mời gọi một phản ứng khác: đừng để nỗi đau định nghĩa con người bạn; hãy để lòng thương xót làm điều đó.

Điều đó không có nghĩa là làm ngơ sự thật, hay dung thứ sự bất công. Người Công giáo không được mời gọi giả vờ như không có gì xảy ra. Nhưng chúng ta được mời gọi nhìn thẳng vào tổn thương, đem nó đến trước mặt Thiên Chúa, và tha thứ, không phải vì người khác xứng đáng, mà vì chúng ta đã được tha thứ trước.

Kinh Thánh khẳng định rằng: “Ẩn thân bên cạnh Chúa Trời, còn hơn ẩn náu nơi người trần gian” (Tv 118,8). Con người sẽ sai lầm. Các định chế có thể sụp đổ. Ngay cả các vị lãnh đạo thiêng liêng có lúc cũng vấp ngã. Nhưng Thiên Chúa thì không bao giờ thất vọng chúng ta. Khi bị tổn thương vì ai đó, hãy nhớ rằng Thiên Chúa không bao giờ phản bội. Ngài luôn ở đó, luôn trung tín. Đặt niềm tin vào Chúa là đặt nó trên nền đá vững bền.

Sống ân sủng trong một thế giới thiếu lòng khoan nhân

Trong thời đại của “văn hoá loại trừ”, nơi mà người ta sẵn sàng huỷ bỏ nhau chỉ vì một lỗi lầm, thì người Công giáo được mời gọi sống điều ngược lại: ân sủng. Một ân sủng âm thầm, kiên trì, biết đợi chờ sự đổi mới nơi người khác và chính nơi mình.

Chúng ta không được mời gọi bao che cho lỗi lầm, nhưng cũng không được đóng cánh cửa của lòng nhân từ. Hãy để cho trái tim mình luôn rộng mở, như trái tim Chúa đã mở ra cho Giuđa đến giây phút cuối, như trái tim tha thứ của Chúa dành cho Phêrô khi gặp lại ông sau Phục Sinh.

Vài gợi ý cụ thể từ đời sống thiêng liêng

- Cầu nguyện thay vì phán xét: Khi ai đó làm bạn tổn thương, hãy dành một khoảng lặng để cầu nguyện cho họ. Thánh nữ Têrêsa Calcutta từng nói: “Nếu bạn phán xét một người, bạn không còn thời gian để yêu thương họ”.

- Tìm đến Lời Chúa: Lời Kinh Thánh như gương soi tâm hồn và là nguồn chữa lành. Những đoạn như Tv 55, Tv 34, hoặc sách Gióp, sách Giêrêmia có thể an ủi rất nhiều trong lúc thất vọng.

- Nhìn lại bản thân: Chúng ta cũng từng làm người khác thất vọng. Việc ý thức điều này giúp ta dễ tha thứ và khiêm tốn hơn.

- Tìm hướng dẫn thiêng liêng: Đôi khi ta cần ai đó giúp mình đọc ra thánh ý Chúa nơi những tổn thương. Một linh hướng, một người bạn đạo đức, hay vị linh mục có thể là khí cụ của Chúa.

- Đặt hy vọng vào Đấng không bao giờ thất hứa: Thay vì mong chờ sự hoàn hảo nơi con người, hãy nuôi dưỡng lòng cậy trông nơi Thiên Chúa. Như lời sách Ai Ca viết: “Lượng từ bi ĐỨC CHÚA đâu đã cạn, lòng thương xót của Người mãi không vơi. Sáng nào Người cũng ban ân huệ mới. Lòng trung tín của Người cao cả biết bao!” (Ac 3,22-23)

G. Võ Tá Hoàng

Mới hơn Cũ hơn