Suy niệm mỗi ngày, Tuần 9 Thường niên, năm chẵn



THỨ HAI

2Pr 1,1-7; Mc12,1-12

Thánh Marcô trong Tin Mừng hôm nay kể lại: sau khi nghe Chúa Giêsu nói dụ ngôn về các tá điền vườn nho, người Do Thái đã tìm cách bắt Chúa Giêsu.

“Có tật giật mình”. Người Do Thái nào nghe dụ ngôn này cũng giật mình. Họ là những người đầu tiên được Thiên Chúa tín nhiệm giao vườn nho cho trông nom, chăm sóc. Thế mà, họ đã không sinh trái, không giao nộp huê lợi, lại còn bắt bớ, bách hại các ngôn sứ là những người được Thiên Chúa sai đến để nhắc nhở họ, rồi lại bắt Con Thiên Chúa trói lại, lôi ra ngoài thành, treo Ngài trên thập giá. Nên Thiên Chúa phải giao Nước Thiên Chúa cho người khác để họ sinh huê lợi và giao nộp đúng kỳ hạn.

Hai lý do khiến con người không nộp huê lợi, hoặc là vì họ không có gì để nộp hoặc không muốn giao nộp. Người Do Thái không muốn giao nộp huê lợi, vì họ muốn giật lấy quyền làm chủ vườn. Chính vì muốn gian manh giật quyền làm chủ, họ đã che kín khuôn mặt tình yêu của Thiên Chúa bằng tâm địa gian manh của họ, bằng cách ma giáo đặt trên vai dân một ách thống trị nặng nề của lề luật và hà khắc của lễ tế nhân danh Thiên Chúa, với mục đích để đè bẹp con người, để “ngốn hết tiền bạc của bà góa”, để xua đuổi người nghèo ra khỏi hội đường, để ngăn chặn, không cho Nước Thiên Chúa ra khỏi bờ cõi Do Thái.

Tóm lại, họ đã ma mãnh giật mất của dân quyền được Thiên Chúa yêu thương. Mà bởi đã giật mất của Thiên Chúa quyền yêu thương Dân Ngài và giật mất của dân quyền được Thiên Chúa yêu thương, nên họ chỉ còn biết nghĩ tới mình, tới quyền lợi ích kỷ của mình. Bởi ích kỷ như thế, nên họ đã thành “lòng lang dạ thú” đối với cả Đấng đang làm ơn cho mình. Thế nên, Nước Thiên Chúa đã bị lấy lại mà giao cho người khác.

Thánh Phêrô trong bài đọc hôm nay bảo: “Kitô hữu là người được Thiên Chúa ban cho tất cả những gì là thiết yếu cho sự sống và đạo hạnh để cũng được thông chia bản tính thần linh của Người”. Thông chia bản tính thần linh của Thiên Chúa cũng là mang lấy trách nhiệm quản lý vườn nho của Thiên Chúa. Một khi được mang lấy trách nhiệm ấy, chúng ta phải làm cho Nước Thiên Chúa phát triển nơi bản thân chúng ta, và lan rộng cho đến mút cùng thế giới.

Nếu năm xưa người Do Thái đã trở thành những tá điền bất lương bởi vì họ đã giật lấy mất của dân quyền được Thiên Chúa yêu thương, thì nay, để nên những người quản lý trung thành, chúng ta phải trả lại cho loài người quyền được yêu thương ấy bằng chính cuộc sống yêu thương của chúng ta: chúng ta phải yêu thương như Thiên Chúa vẫn hằng yêu thương, phải tha thứ như Thiên Chúa vẫn hằng tha thứ, phải nên hiện thân của Thiên Chúa tình yêu đối với đồng loại của chúng ta. Như lời thánh Phêrô bảo: “Anh em phải gia tăng lòng nhiệt thành và phải lo sao để được thêm đức độ, thêm kiên nhẫn, thêm đạo đức và nhờ được thêm những nhân đức ấy mà lòng mến và tình huyenh đệ được gia tăng”. Như thế, tư cách của người quản lý Nước Thiên Chúa là trở thành hiện thân của Thiên Chúa tình yêu đối với đồng loại chúng ta. Chúng ta đã là tình yêu của Thiên Chúa đối với cha mẹ, vợ chồng, con cái, anh chị em, hàng xóm láng giềng của chúng ta chưa? Nếu chúng ta chưa nên hiện thân của tình yêu Thiên Chúa đối với anh em của chúng ta, Nước Thiên Chúa vẫn có thể bị giật mất khỏi tay chúng ta để sang tay cho kẻ khác.

Mỗi lần tham dự thánh lễ, là mỗi lần chúng ta được nên một với Đức Giêsu Kitô, Đấng là hiện thân của Thiên Chúa tình yêu. Ước gì hôm nay chúng ta cũng biết yêu thương như chính Chúa, để Nước Thiên Chúa mãi mãi phát triển trong đời ta, trong gia đình và trong thế giới này.


THỨ BA

1Pr 3,12-15a.17-18; Mc 12,13-17

Đã có lần, qua ngôn sứ Isaia, Thiên Chúa bảo: “Tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi”. Bài Tin Mừng hôm nay là một bằng chứng hùng hồn cho lời tuyên bố ấy của Chúa Giêsu. Biệt phái và những người thuộc nhóm Hêrôđê bởi ghen tức, đã nhiều lần gài bẫy Chúa Giêsu. Không biết đây là đòn thứ mấy, khá độc chiêu. Nếu Chúa Giêsu bảo không nộp thuế thì phạm đến đế quốc, mà nếu bảo nộp thuế thì phạm tội nối giáo cho giặc bóc lột dân Thiên Chúa và như thế cũng là phạm đến Thiên Chúa. Hả hê vì mánh lới này, họ chắc mẫm rằng Chúa Giêsu sẽ bị sa lưới. Nhưng tư tưởng của Thiên Chúa không phải là tư tưởng của người đời, nên cầm lấy đồng bạc ấy, Chúa Giêsu hỏi: “Hình và chữ này là của ai?”. Họ đáp: “Của hoàng đế”. Chúa bảo: “Của hoàng đế thì hãy trả cho hoàng đế; còn những gì là của Thiên Chúa thì hãy trả lại cho Thiên Chúa”. Thế là thay bị sa lưới, Chúa Giêsu lại mở ra cho chúng ta một con đường sống.

Tất cả vũ trụ và mọi của cải trên vũ trụ này đều là của Thiên Chúa. Mọi người trên trần gian này vì là tác phẩm của Thiên Chúa nên cũng thuộc về Thiên Chúa. Như thế, mọi sự mà chúng ta vẫn kể là của chúng ta như danh dự, địa vị, quyền lợi và cả mạng sống chúng ta nữa không phải là của chúng ta mà là của Thiên Chúa, đều phải trả về cho Thiên Chúa. Thế nên, Thiên Chúa là chủ mạng sống chúng ta, nghĩa là Thiên Chúa có toàn quyền trên đời sống của chúng ta, còn chúng ta chỉ là kẻ thừa hành, Thiên Chúa bảo sao chúng ta làm thế. Nhưng tội đã lọt vào thế gian, đã phá vỡ trật tự Thiên Chúa đã tạo dựng từ thuở ban đầu. Con người đã vùng lên, hất Thiên Chúa ra khỏi đời mình, để nhảy lên đòi làm Chúa mình và làm Chúa của anh em mình, đã gian manh chiếm lấy làm của riêng mình tất cả vũ trụ này là tài sản chung của tất cả loài người. Thế nên, chiến tranh đã một lần bùng nổ vẫn còn ân ỉ mãi trên hành tinh này.

Trước tình thế ấy, Đức Giêsu Kitô đã đến trần gian không phải để kết án, để tiêu diệt quân phiến loạn nhưng để tái lập trật tự muôn thuở. Chúa Giêsu đã trả lại cho Thiên Chúa mọi sự thuộc về Thiên Chúa: bản thân, danh dự, sự sống của Ngài xuất từ Thiên Chúa thì thuộc về Thiên Chúa, nên Chúa Giêsu đã trả hết về cho Thiên Chúa bằng cách hoàn toàn đặt mình trong sự vâng phục Thiên Chúa: “Con đến để thi hành ý Cha”. Chính nhờ Chúa Giêsu, Thiên Chúa lại có được một chỗ ở giữa Dân Người và loài người lại có được một chỗ ở nơi Thiên Chúa.

Nơi đâu con người biết trả về cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa, thì nơi ấy là “trời mới đất mới”. Chính vì thế mà, “trời mới đất mới” không phải là một vùng đất nào khác mà là chính vùng đất này sẽ được biến hình đổi dạng. Trời mới đất mới cũng không phải là một nơi ở mãi tận trời cao mà là chính bản thân chúng ta đã sang nhượng chủ quyền cho Thiên Chúa.

Thánh Phêrô bảo: “Đang khi mong đợi trời mới đất mới ấy, anh em hãy gắng sao để vô tì tích trước nhan Ngài”. Vo tì tích trước nhan Ngài nghĩa là không gian lận dành lấy cho mình, nhưng biết trả về cho Thiên Chúa tất cả những gì thuộc về Thiên Chúa.

Đức Giêsu Kitô là trời mới đất mới đã xuất hiện và đang mời gọi mọi người tiến về trời mới đất mới ấy. Ước gì, hôm nay khi được hợp nhất với Chúa, chúng ta cũng biết để Thiên Chúa hoàn toàn làm chủ và làm chủ đời chúng ta. Có như thế, đời chúng ta cũng sẽ là một trời mới đất mới đối với thế gian này.


THỨ TƯ

2Tm 1,1-3.6-12; Mc 12,18b-27

Con người có được sống lại thật chăng? Cuộc sống của thời sống lại ấy có khác với cuộc sống ở trần gian này chăng? Đó là những vấn đề muôn thuở, con người thường đặt ra, nhất là khi đứng trước người thân đang im lìm, bất động.

Có người cho rằng chết là hết. Người khác lại bảo: cuộc sống ở bên kia thế giới cũng giống như ở trần gian này nên họ đã cúng cơm cho người chết, đã dải tiền mãi lộ, đã cung cấp nhà cửa, dày dép…

Người Công Giáo thì tin rằng sự sống con người chỉ biến đổi chứ không mất đi. Nên chết là bước cuối cùng trong cuộc hành trình của con người tiến về nơi Thiên Chúa. Lúc ấy “trời cũ, đất cũ đã qua đi, người ta không cần gì nữa, không cần đèn đuốc, không cần ánh sáng mặt trời vì vinh quang Thiên Chúa chiếu trên thành và đèn soi thành chính là Con Chiên”. Thế nên chính lúc chết đi lại là lúc sự sống trào vọt viễn mãn nhất. Vì khi chết đi mới là lúc chúng ta được tham sự vào sự sống trường của Thiên Chúa.

Niềm tin ấy trở thành niềm hy vọng hồng phúc cho mọi Kitô hữu, nhưng lại làm cho người Sađucêô bực bội. Họ đã thắc mắc với Chúa Giêsu bằng một ví dụ khá độc đáo mà chúng ta vừa được nghe trong bài Tin Mừng hôm nay. Chúa Giêsu bảo: “Khi sống lại người ta không còn cưới vợ lấy chồng nữa nhưng người ta sẽ nên như những thiên thần”.

Người ta sẽ nên như những thiên thần mà thiên thần là gì chẳng có ai biết cả. Nếu có, thì cũng chỉ biết thiên thần là một loài thiêng liêng, không thân xác, không bị giới hạn bởi thời gian và không gian như chúng ta. Thế nên, sự sống lại vẫn là một cái gì đó khó hiểu, vượt mọi kinh nghiệm của chúng ta. Nó cũng khó hiểu như một số người đang dấn thân vì nó vậy.

Thánh Phaolô trong bài đọc I hôm nay bảo Timôthêô rằng: “Tôi đã đặt tay trên anh, để anh được dạn dĩ mà chứng cho Đức Kitô, nên anh đừng có hổ thẹn vì cớ anh là con của một kẻ tù tội. Chính vì Đức Kitô mà tôi phải khổ thế này đấy nhưng tôi không hổ thẹn vì tôi biết tôi đã tin vào ai và tôi cũng biết rằng Tin Mừng tôi rao giảng, tức là ơn cứu thoát mọi người để họ khỏi phải chết, sẽ còn được rao giảng mãi cho đến ngày Đức Kitô quang lâm”.

Dưới mắt của những kẻ không tin thì đời của thánh Phaolô, của Timôthêô và của biết bao sứ giả Tin Mừng khác là một điều hoàn toàn khó hiểu. Họ làm đầu cộng đoàn, không phải để hưởng thụ, để được ăn trên ngồi trốc mà là để đón nhận tất cả những khốn đốn, hiểm nguy, đòn vọt, tù tội vì Đức Giêsu Kitô và vì đồng loại của mình.

Không ai lại dại dột đến độ dám chết vì một điều không có thật. Máu các thánh tử đạo, việc hiến toàn thân cho Thiên Chúa của các tu sĩ, việc dấn thân rao giảng Tin Mừng của các thừa sai… Suốt hơn hai ngàn năm lịch sử vẫn luôn luôn là một lời chứng hùng hồn nhất rằng sống lại là một sự thật, thật đến độ mà chúng ta có thể trông thấy, có thể sờ đụng được nơi biết bao người và nơi chính bản thân của chúng ta, thật đến độ dẫu người ta có thể chối bỏ nó, thì vẫn không sao có thể phủ nhận những người đang sả thân vì sự sống ấy.

Chúng ta có thể nói được rằng Kitô hữu là muân chứng của sự sống lại, nên bao lâu chúng ta sống mà lại không hướng về sự sống ấy, thì bấy lâu chúng ta chưa là Kitô hữu đích thực.

Mỗi lần tham dự thánh lễ là mỗi lần chúng ta được mời gọi hợp nhất với Đức Giêsu Kitô, Đấng là sự sống và là sự lại của chúng ta. Ước gì hôm nay khi được nên một với Đức Giêsu Kitô chúng ta cũng biết sống như Ngài để người ta có thể trông thấy và sờ đụng được sự sống ấy ngay trong đời của chúng ta hôm nay.


THỨ NĂM

2Tm 2,8-15; Marcô 12,28-34

Thánh Marcô trong Tin Mừng hôm nay kể lại chuyện một ký lục đến để hỏi thử Chúa Giêsu xem giới răn nào là giới răn quan trọng nhất. Chúa Giêsu trả lời: “Giới răn trọng nhất là hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng hết sức, hết linh hồn và hết trí khôn và yêu thương anh em như chính mình ngươi”.

Câu trả lời ấy của Chúa Giêsu thoạt nghe, chúng ta có cảm tưởng như “ông nói gà, bà nói vịt” vậy. Vì hễ nói tới giới răn, tới lề luật thì không còn là tình yêu nữa. Vợ chồng mà phải xin phép luật quy định cụ thể vợ phải làm gì, chồng phải làm gì thì đâu còn là vợ chồng nữa.

Câu hỏi của người ký lục chứng tỏ anh chẳng hiểu gì về đạo Thiên Chúa cả, vì anh vẫn chỉ loay hoay với một mớ những quy định về những việc phải làm và những điều không được phép làm. Vì quan niệm đạo là thế, nên biệt phái, luật sĩ, ký lục đã chia mười điều răn Thiên Chúa ra thành 613 điều luật. Giữ được bằng ấy điều đâu phải chuyện dễ. Thế nên người ký lục thiện chí này đã đến hỏi Chúa Giêsu xem điều nào là điều quan trọng nhất.

Chúa Giêsu đã gỡ anh ta ra khỏi tình trạng bối rối ấy. Chúa Giêsu bảo, đạo không phải là việc giữ luật, cũng không phải là những quy định ở ngoài con người, mà chính là cõi lòng con người dành cho Chúa và cho đồng loại của mình. Thiếu lòng yêu mến ấy là cốt lõi của đạo, thì luật chỉ làm khổ, chỉ đè bẹp con người mà thôi. Chính vì thế, mà Chúa Giêsu đã khẳng định: “Mến Chúa hết lòng và yêu nhau như chính mình” mới là điều quan trọng. Chỉ lo loay hoay giữ luật mà chẳng nghĩ gì tới Thiên Chúa và anh em vẫn chưa phải là thờ phượng Thiên Chúa đích thực.

Tình yêu bao giờ cũng đòi hỏi hy sinh. Càng hy sinh cho người mình yêu bao nhiêu, thì càng hạnh phúc bấy nhiêu. Thánh Phaolô trong bài đọc I hôm nay đã nói: “Chỉ vì Thiên Chúa, chỉ vì muốn cho mọi người được phúc cứu độ trong Đức Giêsu Kitô mà tôi phải khổ thế này đây: phải mang xiềng xích, và bị kể như kẻ gian phi”. Và ngài khuyên người môn đệ thân tín nhất của ngài cũng như tất cả chúng ta rằng: “Nếu ta cùng đau khổ với Chúa Kitô, ta sẽ cùng Ngài thống trị, nếu ta cùng chết với Chúa Kitô, ta sẽ cùng Ngài phục sinh”. Đó không phải là một lạc quan tếu đâu mà đó chính là quy luật của tình yêu. Tình yêu bao giờ cũng mời gọi hai người nên một nhưng họ chỉ có thể nên một khi cả hai cùng chết đi đối với chính mình để người kia hoàn toàn sống trong mình.

Như thế, qua phụng vụ Lời Chúa hôm nay, Thiên Chúa muốn cho chúng ta thấy rằng Thiên Chúa muốn được nên một với chúng ta để chúng ta cũng được sống lại như Chúa. Nhưng để có thể cùng sống lại với Chúa, chúng ta phải cùng chết với Ngài. Đó mới là cốt lõi của đạo, cốt lõi của lòng tin Kitô giáo. Bỏ mất điều cốt lõi ấy, Kitô giáo sẽ chỉ là một tổ chức mà hễ đã là tổ chức thì bao giờ cũng có nguy cơ đè bẹp con người và như thế, cũng là chống lại Thiên Chúa.

Mỗi lần tham dự thánh lễ, là mỗi lần chúng ta được thực sự nên một với Chúa, đó là kết quả của tình Chúa yêu thương chúng ta. Ước gì hôm nay chúng ta cũng biết đáp lại tình Chúa bằng cách hết lòng yêu Chúa, yêu người, để tình ấy ngày một mặn nồng, thắm thiết hơn.


THỨ SÁU

2Tm 3,10-17; Mc 12,35-37

người Do Thái, nhất là người biệt phái, ký lục và luật sĩ trong bài Tin Mừng hôm nay không chấp nhận Đức Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa. Họ lập luân rằng: chiếu theo Thánh Kinh thì Đức Kitô phải là con Đavít. Đáp lại, Chúa Giêsu bảo: “Các ông không đọc thấy trong Thánh Kinh, chính Đavít đã phải gọi Ngài là Chúa sao?”.

Ngày xưa, người Do Thái không chấp nhận Đức Kitô là Thiên Chúa thật, còn ngày nay thì ngược lại, người ta không chấp nhận Đức Kitô là người thật. Đó là hai sai lầm tai hại đã khiến thánh Phaolô phải tuyên xưng rõ ràng: “Phaolô, nô lệ của Đức Kitô, được tách riêng ra để giảng Tin Mừng của Thiên Chúa, Tin Mừng về Con của Người xuất từ dòng dõi Đavít theo xác phàm, đã được đặt làm Con Thiên Chúa quyền năng theo Thần Khí”.

Đức Kitô là Thiên Chúa thật và cũng là người thật. Đó là lòng tin không bao giờ lay chuyển của Kitô giáo. Quá nhấn tới thiên tính mà bỏ quên nhân Ngài đều là những sai lầm tai hại.

Chúa Giêsu là Thiên Chúa thật như thánh Gioan bảo: “Từ khởi thủy đã có Ngôi Lời, và Ngôi Lời là Thiên Chúa”. Nhưng Lời đã thành xác phàm, nghĩa là đã thành người giống chúng ta hoàn toàn trừ tội lỗi. Đức Giêsu làm người thật như chúng ta và với chúng ta để cùng đồng hành với chúng ta, để quy tụ mọi người lại trong tình huynh đệ và để đưa chúng ta về nơi hạnh phúc, nghĩa là đưa chúng ta vào tận trong Thiên Chúa. Như chính Đức Giêsu đã bảo: “Trong nhà Cha Ta có nhiều chỗ ở, Thầy đi để dọn chỗ cho anh em”. Dĩ nhiên, “chỗ” ở đây không phải là một nơi chốn nào cả mà là chính cõi lòng của Thiên Chúa.

Chúng ta có thể nói được rằng vì yêu thương chúng ta, Thiên Chúa đã từ bỏ Cha của Ngài để đến ở với chúng ta, mang chung với chúng ta một dòng giống, một kiếp làm người. Mà Chúa Giêsu với Cha vẫn luôn luôn là một, nên chính lúc làm người như chúng ta, Chúa Giêsu đã cho chúng ta được thực sự nên một với Thiên Chúa, đến độ, sau khi Chúa Giêsu làm người, chết và sống lại, trong Thiên Chúa đã có thêm một thành phần mới, đó là nhân tính của Đức Kitô. Đức Giêsu Kitô cũng là người như chúng ta, nên chúng ta cũng có thể và dám khẳng định rằng loài người đã được nên một thành phần trong Thiên Chúa, đã được đưa vào tận trong Thiên Chúa. Chỗ ở của chúng ta là ở đó. Tên tuổi của chúng ta cũng đã được khắc ghi ở đó. Chúng ta từ đó xuất ra, sẽ lại phải quay về đó. Như thế, Thiên Chúa đã làm người thật như chúng ta để chúng ta cũng được nên như Thiên Chúa.

Đó là niềm tin mà chúng ta phải mang trong lòng, phải diễn tả ra trong cuộc sống, vf ơp sẵn sàng bảo vệ đến cùng. Nếu trước đây, người Do Thái kết án Đức Kitô, chỉ vì Đức Kitô đã sống đúng tư cách là Con Thiên Chúa, thì hôm nay, chắc chắn, Kitô hữu vì là thân mình của Đức Kitô cũng sẽ bị bắt bớ, bách hại như Đức Kitô. Thánh Phaolô trong bài đọc I hôm nay đã diễn tả: “Tất cả những ai muốn sống đạo trong Đức Kitô sẽ phải chịu bắt bớ hết thảy”. Người ta bắt bớ Kitô hữu là vì người ta không muốn thấy và cũng không muốn cho ai thấy cùng đích của cuộc đời làm người là chính Thiên Chúa, là vì đời sống Kitô hữu là một lời tố cáo sự bất chính của họ, và nhất là Kitô hữu bị bắt bớ vì không có sự lột xác nào không rướm máu, không có cuộc sinh ra nào không đau đớn nên những đau khổ người tin phải chịu là tất yếu của một lần lột xác để thành một con người mới, là một tất yếu của một lần sinh hạ để thành Con Thiên Chúa.

Thiên Chúa đã làm người như chúng ta để chúng ta được nên như những Thiên Chúa. Nên bao lâu chúng ta chưa lột xác để thành Con Thiên Chúa, chưa từ bỏ mình để sống cho Thiên Chúa thì bấy lâu chúng ta vẫn đang phung phí phẩm giá, tư cách, cũng như ý nghĩa của cuộc đời làm người. Vậy hôm nay, khi được nên một với Đức Kitô, chúng ta hãy để Ngài hoàn toàn làm Chúa của chúng ta, có như thế chúng ta đã thành Con Thiên Chúa ngay từ hôm nay rồi.



THỨ BẢY

2Tm 4,1-8; Mc 12,38-44

Chúa Giêsu bảo: “Hãy coi chừng các ký lục, họ ưa chỗ nhất trong hội đường, tiệc tùng. Họ ngốn cả nhà cửa của các bà góa”.

Theo Chúa Giêsu, ký lục là những kẻ đã lạm dụng Thiên Chúa làm bình phong để tìm kiếm mình, tìm kiếm địa vị, danh dự và tiền bạc, đã lạm dụng Thiên Chúa để đàn áp, bóc lột người khác. Chính vì ý đồ đó, họ đã luôn cho mình là công chính, thích được người ta bái chào nơi công cộng, xích chỗ nhất trong hội hè, tiệc tùng, đã biến luật yêu thương của Thiên Chúa thành một ách đè nặng trên Dân Người. Cõi lòng của con người chính là nơi ở của Thiên Chúa, thế mà họ đã hất Thiên Chúa ra khỏi cõi lòng của mình, để nhảy lên làm Chúa mình, nên mọi hành vi của họ đều là những hành vi gian dối, điêu ngoa.

Cũng trong bài Tin Mừng hôm nay, Thiên Chúa còn đưa ra một hạng người khác tồi tệ không kém ký lục. Khi quan sát người ta dâng cúng tiền vào đền thờ, thấy một bà góa nghèo chỉ dâng hai xu teng, Chúa Giêsu bảo: “Bà này đã dâng cúng nhiều hơn cả, vì bà đã dâng hết của độ thân cho Thiên Chúa, còn những người kia chỉ dâng những của thừa thãi”.

Thiên Chúa không đói, cũng không khát tiền bạc, của cải, nếu có chăng, là khát cõi lòng và tình yêu của chúng ta mà thôi. Thế mà thay vì phải dâng tất cả cõi lòng mình cho Thiên Chúa, thì con người lại chỉ dâng cho Thiên Chúa những thứ mà Thiên Chúa đã quá dư thừa, đã thế lại còn hả hê, tự mãn về những thứ ấy nữa. Thiên Chúa, Đấng đã cho chúng ta mọi sự, cho chúng ta cả sự sống của Người, chỉ cần chúng ta dâng lại cho Thiên Chúa sự sống của chúng ta, để Thiên Chúa biến nó thành bất tử như Người.

Xưa kia, vì tính toán với Thiên Chúa, vì coi mình, coi của cải của mình hơn Thiên Chúa, Cain đã chỉ dâng cho Thiên Chúa những gì là sâu sia, hư thối. Ông đã không có lòng với Thiên Chúa mà vì không có lòng với Thiên Chúa, nên chẳng bao lâu sau, ông đã thành một tên sát nhân, giết chết em ruột của mình.

Như thế, lạm dụng Thiên Chúa để tìm kiếm địa vị, danh dự, tiền bạc, tính toán hơn thiệt với Thiên Chúa, coi mình, coi tiền bạc hơn Thiên Chúa đều là sát nhân và tự sát. Một khi đã coi mình hơn Thiên Chúa, họ sẽ bị thánh Phaolô cảnh cáo: “Nhếch nhác với đạo lý thuần lương, sẽ chạy theo đủ mọi thứ đam mê, sẽ bỏ Lời Chúa, tin theo những điều nhảm nhỉ”.

Những người như thế thời nào cũng có. Nên thánh Phaolô bảo chúng ta: “Hãy rao giảng Lời Chúa, hãy ứng phó lúc thuận, lúc nghịch, hãy khiển trách, hãy khuyên lơn, hãy hết tình đại lượng và dụng tâm dạy dỗ”. Để có thể hoàn thành nhiệm vụ ấy, chúng ta không phải chỉ dâng cho Thiên Chúa một tí tiền của, một ít khả năng thừa thãi, không chỉ dâng cho Thiên Chúa một tình yêu hờ hững, một cõi lòng giá băng, trái lại, chúng ta phải dâng cho Thiên Chúa hết mọi sự, dâng với lòng hăm hở, biết ơn và yêu mến chân thành, rồi lại còn phải niềm nở đợi chờ mọi ý định của Thiên Chúa và mau mắn thực thi ý định ấy. Khi đã dám dâng hết mọi sự cho Thiên Chúa, chắc chắn, chúng ta cũng nhận lại được gấp trăm ngay ở đời này làm một với sự sống đời đời ngay tư hôm nay. Vì đong đấu nào, sẽ được đong lại bằng đấu ấy.

Chưa dám dâng hết mọi sự cho Thiên Chúa, chúng ta cũng sẽ không nhận được gì nơi Thiên Chúa, không phải vì Thiên Chúa dè sẻn với ai dè sẻn với Chúa đâu mà bởi vì khi ấy lòng chúng ta không còn có chỗ để nhận lãnh ơn của Thiên Chúa. Chúa Giêsu vẫn đang ban mình cho chúng ta thánh lễ này, vậy chúng ta hãy dâng hết “của độ thân” của chúng ta cho Chúa, để có thể được hưởng sự sống đời đời ngay từ hôm nay.
Mới hơn Cũ hơn