Chúa Giêsu chấp nhận rủi ro

Rolf Kranz (CC BY-SA 4.0) via Wikimedia Commons


Peter John Cameron, OP

Chúa Giêsu nói với Thánh Catarina: Ta có khả năng ban cho con người tất cả những gì cần thiết cho cả linh hồn và thể xác của họ; nhưng Ta mong ước rằng họ cần đến nhau ...

Trong đoạn Tin mừng của Thánh Matthêu Chúa nhật tuần này chúng ta đọc thấy: Khi ấy Chúa Giêsu triệu tập 12 tông đồ; và tiếp sau đó: đây là tên của 12 vị tông đồ. Trong chớp mắt, những tín đồ này chuyển đổi từ “môn đệ” thành “tông đồ”. Đó là một sự chuyển đổi mà chúng ta mong muốn cho bản thân mình. Cuối cùng, mỗi tuần trong Kinh Tin Kính, chúng ta tuyên xưng Giáo hội là “tông truyền”.

Mầu nhiệm này được ghi lại trong một bức họa có từ thế kỷ 17 với tựa đề “Chúa Kitô, cây nho đích thực”. Nó là ví dụ điển hình cho lời tuyên bố của Chúa Giêsu vào đêm trước khi chịu chết (Ga 15, 1-8).

Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho…

Thầy là cây nho, anh em là cành.

Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái…

Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là: Anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy.

Nghệ nhân đã đồng hóa Chúa Kitô thân nho với cây thập giá. Các tông đồ trở thành những cành nho tiềm tàng đâm chồi từ thập giá. Thiên Chúa Cha đứng dưới chân cây thập giá, đang chăm bón cho rễ của nó, và Đức Trinh Nữ Maria đứng bên kia cây thập giá để tưới nước cho cây. Một cộng đoàn được tập hợp dưới cây thập giá là một nhóm các vị thánh lớn, bao gồm thánh Phanxicô Assidi và thánh Đôminicô, những người khao khát sự thánh thiện, được thể hiện trong thị kiến về Giáo hội mà họ nhìn thấy.

Rủi ro mà Chúa Kitô gánh chịu

Thánh Phaolô viết, Giáo Hội được xây dựng trên “nền tảng là các Tông Đồ” (Eph 2,20 ). Nhưng Chúa Giêsu quá mạo hiểm khi làm điều này. Nghĩa là Người đã thành lập Giáo hội Công giáo Rôma trên những người mỏng giòn, yếu đuối – là bạn và chứng nhân của Chúa Giêsu, được chính Chúa Kitô chọn và sai đi truyền giáo.

Nhà chú giải kinh thánh Erasmo Leiva-Merikakis nhận xét:

Đặc ân của sự kêu gọi không phải vì lợi ích của người được kêu gọi nhưng vì lợi ích của tất cả những người mà họ sẽ phục vụ. Mầu nhiệm này chứa đầy ý thức về sự bất xứng của mỗi vị Tông đồ, vì hoàn toàn không có gì phân biệt họ với sự tầm thường của dân chúng. Chỉ có sự tự do lựa chọn của Chúa Giêsu – do ân sủng thuần khiết – mới biện hộ cho việc họ biến đổi thành Tông đồ. Nguồn gốc ơn gọi của chúng ta nằm trong sự tự do lựa chọn tuyệt đối của Chúa Giêsu, chứ không phải trong bất kỳ phẩm chất hay tài năng cá nhân nào có sẵn trong chúng ta trước, quyết định mọi điều xảy ra sau đó trong vai trò môn đệ của chúng ta và hẳn là nguồn mạch không ngừng của sự ăn năn, ngạc nhiên và tạ ơn. “Lạy Chúa, tại sao Chúa chọn con, con là kẻ tội lỗi?”

Đây là sự khôn ngoan mà tất cả chúng ta cần tuân theo.

Sự phụ thuộc thánh thiêng

"Đường lối" của các Tông Đồ nặn đắp cho chúng ta một chân lý ở ngay cốt lõi của sự tồn tại của Giáo Hội (và điều đó được mô tả trong bức tranh)

Tuyên xưng rằng Giáo hội thực sự là tông truyền tức là tuyên xưng rằng Giáo hội phụ thuộc vào quyền năng thiêng liêng ngự trong Thiên Chúa Ba Ngôi, quyền năng này sau đó tự hạ trong nhân tính của Chúa Kitô, rồi vào quyền kép của thân thể tông truyền (quyền bí tích và tài phán), và cuối cùng là đến những người Kitô hữu. (Hồng y Charles Journet)

Thiên Chúa mặc khải một cách thần bí cho Thánh Catarina thành Siena:

Ta có khả năng ban cho con người tất cả những gì cần thiết cho cả linh hồn và thể xác của họ; nhưng Ta mong ước rằng họ cần đến nhau và họ là thừa tác viên của Ta trong việc phân phát các ân sủng và lòng quản đại mà chính họ đã nhận được từ Ta.

Trong Thánh lễ, khi chúng ta cầu nguyện rằng : “Lạy Chúa là Mục Tử hằng hữu, nhờ các Thánh Tông Ðồ, Chúa luôn che chở và giữ gìn”, chúng ta thấy phần lớn sự che chở đó bao hàm việc bảo vệ chúng ta khỏi tính kiêu căng, phù phiếm, cậy sức mình, tự cho mình là đúng, và tất cả những tật xấu liên quan đến nó. Sự phụ thuộc thiêng liêng mà chúng ta có vào các Tông đồ của Chúa Kitô giữ gìn chúng ta trong sự thanh khiết và bình an. Nó gìn giữ chúng ta thực sự. Bức tranh khẳng định một cách trực quan rằng nguồn gốc quyền lực và sức mạnh của các Tông đồ là sự đau khổ của Chúa Kitô bị đóng đinh, Đấng mà họ gắn bó chặt chẽ với nhau.

Sự giàu có của Tông đồ

Bản chất tông truyền của Giáo Hội chúc lành cho Dân Thiên Chúa với lòng thương xót lớn lao. Chúa truyền cho các Tông đồ phải thông ban ơn Chúa cho mọi người. Thánh Irênê (thế kỷ thứ 3) nhận xét:

Các Tông đồ, giống như một người giàu gửi tiền vào ngân hàng, đã trao hết vào tay Giáo hội tất cả những gì liên quan đến chân lý, để mọi người, bất cứ ai muốn, đều có thể múc nước sự sống từ Giáo hội.

G. Võ Tá Hoàng
Mới hơn Cũ hơn