Suy niệm mỗi ngày tuần 7 Thường niên



SUY NIỆM TUẦN VII THƯỜNG NIÊN

Thứ Hai

Hc 1,1-10; Mc 9,13-28

Câu chuyện đứa trẻ bị kinh phong là phần tiếp theo sau câu chuyện Chúa Giêsu biến hình trên núi (Mc 9,2-8). Trong khi các môn đệ còn ngây ngất với khung cảnh "thần tiên" và muốn lưu lại trên núi thì Chúa Giêsu bảo họ phải xuống núi, phải trở về với thực tại con người và cuộc sống của họ, bởi vì sứ mạng của họ là phục vụ con người, mà "phục vụ con người là phục vụ những vấn đề của họ" (Gioan Phaolô II), những vấn đề tình thương cũng rất phức tạp. Chính vì vậy, khi phục vụ con người, các môn đệ sẽ khám phá ra bản thân mình cùng với những giới hạn nhất định và sẽ nhận ra những điều cần thiết để có thể phục vụ tốt hơn. Chúng ta hãy cùng nhau suy niệm bài Tin Mừng này để hiểu rõ điều đó.

Giêsu gặp lại các môn đệ sau cuộc biến hình (Lc 9,37). Có lẽ họ đang ở trong tâm trạng buồn bã. Một người cha có đứa con bị kinh phong đến xin các môn đệ chữa cho. Vì Chúa Giêsu vắng mặt và vì người cha khẩn nài, nên họ đã đảm nhận trách nhiệm. Đàng khác, "xua trừ ma quỉ" cũng là một phần trong sứ vụ của họ (Mc 6,13). Thế nhưng nổ lực của họ đã không đem lại kết quả nào. Đối với các môn đệ, đây quả là một sự nhục nhã vì có sự chứng kiến của các ký lục và quần chúng vây quanh. Và nếu người ta tranh luận thì chắc hẳn không có gì khác hơn ngoài lý do của sự thất bại. Lý do ấy là gì? Marcô để cho những đọc suy gẫm và dành trả lời cho Chúa Giêsu ở phần cuối câu chuyện.

Chúa Giêsu xuất hiện thật đúng lúc. Nếu Tin Mừng Marcô không thể quan niệm về một Đức Giêsu cô độc, không có môn đệ vây quanh (đây là một chủ đề lớn của Tin Mừng thứ hai), thì cũng cho chúng ta thấy Ngài luôn đứng về phía các môn đệ. Ngài sẽ gỡ rối cho họ, đem họ ra khỏi tâm trạng buồn phiền.

Lập tức Ngài lên tiếng hỏi: "Các ngươi tranh luận gì với người ta?" (câu 16). Không môn đệ nào trả lời. Họ chưa đủ can đảm thú nhận thất bại. Chỉ có người cha đứa trẻ đáp lời: mô tả tình trạng bệnh tật của con ông cùng sự bất lực của các môn đệ Ngài: "Tôi đã nói với các môn đệ Thầy trừ quỉ nhưng họ không làm nổi" (câu 18).

Đối với Đức Giêsu thì lý do sâu xa là sự cứng lòng tin: "Ôi! Thế hệ cứng lòng tin và tà vạy" (câu 19). Lời khiển trách của Ngài nhằm đến mọi hạng người. Với các môn đệ, trong chỗ riêng tư (inter nos), Ngài sẽ cho thấy lý do thất bại của họ là vì không cầu nguyện (Mc = cầu nguyện và ăn chay 17,31). Với quần chúng, Ngài quở trách họ vì ham hố những điều kỳ diệu hơn là lòng yêu mến chiêm ngưỡng phép lạ để từ đó rút ra những bài học, những hệ luận liên quan đến con người và sứ mạng của Đấng làm phép lạ; với các ký lục, Ngài lên án thái độ soi mói chỉ trích thay vì tìm hiểu để hoán cải. Với người cha khốn khổ, Ngài cho thấy chỉ vì sự thất bại và bất lực của các môn đệ mà ông đã để cho niềm tin của mình bị lung lay, chao đảo ngay cả đối với chính Ngài.

Dầu vậy, Chúa Giêsu không thể nào giữ thái độ lạnh lùng trước lời van xin của người cha có đứa con trai duy nhất này (Lc 9,38). Ngài sẽ làm phép lạ, nhưng trước hết Ngài phải làm sống lại đức tin đang bị chao đảo trong tâm hồn ông. Thật vậy, đáp lại sự hoài nghi của ông: "Nếu Thầy có thể…" (câu 22), Đức Giêsu đã khẳng quyết: "Mọi sự đều có thể cho người tin" (câu 23). Đức Giêsu rõ ràng muốn với người cha rằng chẳng phải người chữa bệnh thiếu quyền năng làm phép lạ cho bằng là ông thiếu đức tin, một điều kiện thông thường nếu không nói là thiết yếu để có thể nhận được phép lạ. Điều chúng ta nên lưu ý ở đây là Đức Giêsu không đòi hỏi niềm tin của người bệnh nhưng lại đòi hỏi đức tin của người cha. Một điều kiện thật lạ lùng!

Hiểu được rằng việc lành bệnh của đứa con tùy thuộc vào thái độ của mình cho nên sau khi được soi sáng và được thúc đẩy bởi ân sủng, người cha đã tuyên xưng đức tin, dẫu đức tin ấy còn bất toàn: "Tôi tin, nhưng xin hãy đáp cứu lòng yếu tin của tôi" (câu 24). Thật là một lời tuyên xưng đẹp và đáng làm mẫu mực cho con người mọi thời. Một lời tuyên xưng khiêm nhường của một con người ý thức về chính mình khi đối diện với một "cảm trạng giới hạn" (une situation limite) tức là cái chết của đứa con.

Với lời tuyên xưng ấy, phép lạ đã xảy ra: Đức Giêsu quát bảo và truyền cho thần câm điếc phải ra khỏi đứa bé. Hiệu quả đã lập tức xảy ra. Thần ô uế không thể kháng cự nổi lời đầy uy quyền của Đức Giêsu. Một cố gắng cuối cùng của thần dữ là vật đứa bé lăn lóc trên mặt đất khiến mọi người ngỡ rằng em đã chết. Nhưng Đức Giêsu "cầm tay nó, cho nó chỗi dậy và nó đã đứng dậy" (câu 27). Marcô đã lựa chọn từ ngữ. Đây không phải là một từ bình thường nhưng ám chỉ mầu nhiệm phục sinh từ cõi chết (Mc 1,31 = Bà nhạc ông Phêrô chỗi dậy và phục vụ…). Chỉ mình Đức Giêsu là Đấng có khả năng giải thoát, cứu độ con người khỏi vòng cương tỏa của sự dữ ngõ hầu họ có thể trỗi dậy và đứng thẳng lên. Một cách kín đáo, Marcô muốn chúng ta xác tín điều ấy.

Giờ đây đám đông đã rút lui. Giữa chốn riêng tư, các môn đệ mới dám hỏi Đức Giêsu về lý do sự thất bại của họ (câu 28). Đức Giêsu trả lời ngay: "Giống quỉ đó chỉ trừ được bằng cầu nguyện" (câu 29). Ý Chúa Giêsu muốn nói rằng các môn đệ thất bại vì đã quá tin vào mình, quá cậy dựa vào quyền năng họ đã lãnh nhận được (quả thực, họ cũng đã từng trục xuất được nhiều ma quỉ, Mc 6,13) mà quên đi nguồn gốc siêu nhiên của quyền năng ấy, đồng thời cũng quên rằng họ là những khí cụ, chỉ có thể làm được điều gì nếu có đức tin, lòng khiêm tốn và sự cầu nguyện. Từ đây, các môn đệ và những người kế nhiệm họ phải bắt chước Đức Giêsu. Cho dù có quyền năng tuyệt đối trên ma quỉ và dùng đến những phương tiện vật chất để chữa bệnh khi Ngài chữa người điếc và ngọng (Mc 7,31-37), chữa người mù Betsađa (8,22-26) thì trước đó Đức Giêsu đã "nhìn lên trời" (7,34) nghĩa là cầu nguyện.

Bài Tin Mừng này thật giàu ý nghĩa và nói chúng ta thật nhiều điều: chỉ có Chúa mới là Đấng giải thoát, cứu độ con người, biến sầu thương thành hoan hỷ. Thật đúng như lời Thánh Vịnh: "Ngài là Đấng cứu độ và là Đấng tôi cậy tin". Phần chúng ta chỉ là những khí cụ của Chúa, cho Chúa mượn bàn tay, khối óc, quả tim, sức lực, thời giờ và lòng nhiệt thành… của chúng ta mà thôi. Phải nhận thức ấy để sẽ không bao giờ dựa vào sức riêng của mình, bởi vì "ngoài Ta …chúng con sẽ chẳng làm được việc gì".

Hiểu như thế thì sách Huấn Ca hôm nay cũng muốn nói chúng ta một điều gì.

Bị lây nhiễm bởi tội Ađam, con người ít nhiều đều mang trong mình sự kiêu ngạo. Con người thích cậy dựa vào tài năng, sức riêng của mình để rồi nhiều khi phải lãnh lấy những hậu quả thật bẽ bàng.

Sách Huấn ca (nằm trong chiều hướng của các sách Khôn Ngoan) dạy chúng ta phải biết sống khôn ngoan. Muốn vậy phải biết nguồn gốc của khôn ngoan. "Chỉ có một Đấng là khôn ngoan" (c 8), là nguồn gốc của khôn ngoan mà thôi, đó là chính Chúa (c 9).

Để có được sự khôn ngoan, ta phải học nơi Lời của Chúa: "Nguồn mọi sự khôn ngoan chính là Lời Thiên Chúa trên cao" (câu 5). Thiên Chúa vạn vật cũng là nơi dấu sự khôn ngoan của Ngài (câu 2-3).

Và tột đỉnh của sự khôn ngoan, một sự khôn ngoan nghịch thường mà Thiên Chúa đã dùng để cứu con người mà Người đã tạo thành, đó là cái chết của Đức Kitô trên thập giá. Mầu nhiệm của sự khôn ngoan ấy đang diễn ra trên bàn thờ này.


Thứ Ba

Hc 2,1-13; Mc 9,29-36

Để cứu độ loài người, Đức Giêsu đã không đi con đường tắt, nhưng đã chấp nhận uống cạn chén đắng của thân phận làm người. Trước khi được phục sinh vinh quang, Ngài đã tự nguyện bước vào con đường khổ nạn, đó là quy luật cứu độ của Ngài mà người tín hữu cũng được mời gọi bước vào. Đó cũng là ý tưởng chính của hai bài đọc Kinh Thánh hôm nay mà chúng ta sẽ tuần tự suy niệm.

Trước tiên là bài Tin Mừng, đây là lần thứ hai Đức Giêsu nói với các môn đệ về cuộc khổ nạn của Ngài. Giáo huấn này, Ngài muốn dành riêng cho họ. Điều ấy chứng tỏ những điều Ngài sắp nói sẽ có một ý nghĩa lớn lao.

Ngài đã nói gì?: "Con Người sẽ bị nộp trong tay người đời. Họ sẽ giết Ngài nhưng sau ba ngày Ngài sống lại" (câu 31). "Bị nộp trong tay người đời": đây là điểm mới mẻ được Đức Giêsu bổ túc so với lời loan báo khổ nạn đầu tiên: "Con Người phải chịu nhiều đau khổ, bị hàng niên trưởng cùng ký lục phế thải, bị giết đi và sau ba ngày sẽ sống lại" (8,31). Gộp hai câu nói này lại với nhau, chúng ta sẽ có một lời loan báo đầy đủ về cuộc khổ nạn của Đức Giêsu. Lời loan báo này chứa đựng nhiều âm hưởng của Cựu ước mà chỉ với một sự phân tích chúng ta mới hiểu hết được những ý nhị của chúng.

Đức Giêsu sẽ bị nộp (8,31): dội lại lời của tiên tri Isaia (55,6.12) nói về số phận của người tôi tớ đau khổ, số phận mà Đức Giêsu sẽ phải đảm nhận để cứu độ loài người.

Đức Giêsu sẽ phải "chịu nhiều đau khổ" (8,31): có lẽ xuất phát từ Is 53,4.11, và một lần nữa đem chúng ta về lại với hình ảnh người tôi tớ đau khổ của Giavê. Chỉ trong một câu nói mà Đức Giêsu đã hai lần nghĩ đến hình ảnh này. Điều ấy chứng tỏ Ngài đã xác tín đến mức nào con đường phải đi và số phận nào đang chờ đợi Ngài.

Đức Giêsu sẽ bị người đời "phế thải" (8,31) tựa hồ số phận của viên đá bị người thợ xây loại bỏ, nói đến trong Thánh Vịnh 117/118,22 (Cv 4,11; Mc 12,10).

Đức Giêsu sẽ "bị nộp trong tay người đời" (9,31). Đây là số phận của Giêrêmia, vị ngôn sứ cô độc tuyệt đối (Gr 26,24). Như thế Ngài muốn liên kết với đại ngôn sứ đầu tiên đã bị bách hại. "Bị nộp trong tay người đời", theo Thánh Kinh, còn nói đến một viễn tượng đáng sợ, một số phận dữ dằn dành cho một tạo vật mà Đavít đã thấy kinh hãi vô cùng (Is 24,14; Hc 2,18). Và sau cùng, chắc hẳn Đức Giêsu đã nghĩ đến Giuđa Isriôt kẻ đã phản bội Ngài.

Đức Giêsu muốn liên kết những hình ảnh cũng như những con người đau khổ trong Cựu ước mà số phận dành cho họ thường là khắc nghiệt, để vẽ nên con đường Ngài sắp sửa tiến vào. Có thế ta mới hiểu được nỗi kinh sợ của Đức Giêsu trong vương Cây Dầu và nhận thức được rằng ơn cứu độ quả thật là hồng ân của một tình yêu bao la.

Đó là tâm sự Đức Giêsu muốn giãi bày với các môn đệ mà từ đây Ngài gọi là bạn (Ga 15,15). Tuy nhiên họ đã không hiểu được (9,32) và cũng chẳng quan tâm, bởi vì họ đang tranh luận sôi nổi "Ai là kẻ lớn nhất" trong Nước của Đức Giêsu (9,34). Đức Giêsu lợi dụng cơ hội này để giáo huấn họ về tinh thần của thập giá, về điều kiện để được gia nhập vào vương quốc của Ngài: "Ai muốn làm đầu thì hãy ở cuối hết mọi người và làm tôi tớ mọi người" (9,35). Và phải có thái độ của trẻ em (9,36): sống tùy thuộc vào kẻ khác. Người môn đệ của Đức Giêsu không nên cao vọng tự cứu lấy mình. Ơn cứu độ của Chúa lãnh nhận khi mang lấy khổ giá của Ngài.

Chính trong viễn tượng này, chúng ta có thể hiểu được lời của sách Huấn ca.

Cũng như các tiền nhân của ông, Ben Sira (hay Siracide) tác giả của cuốn sách này, đặc biệt ưu tiên đến phần thưởng cá nhân. Tuy nhiên đồng thời ông cũng đưa ra một giải thích có giá trị về việc thử thách.

Tai họa có thể đổ xuống trên người công chính cũng như kẻ bất nhân vô dạo (câu 1). Nhưng người công chính tức là kẻ tin vào Chúa (câu 6) hay sống trong sự kính sợ Chúa (câu 7) có thể tiến vào sự thử thách với niềm xác tín rằng Thiên Chúa thanh luyện họ (câu 5) như lửa thử vàng để rồi ban phần thưởng cho họ (c 3).

Ông Gióp đã từng phát biểu ý kiến này, tuy nhiên điểm độc đáo mà Ben Sira thêm vào là việc ông qui chiếu vào kinh nghiệm của dân Chúa và của các tổ phụ (câu 10): "Ai tin cậy vào Chúa mà phải thẹn thùng? Ai bền đỗ kính sợ Người mà đã bị bỏ rơi? Ai kêu khấn Người mà bị Người khinh khi". Kinh nghiệm ấy đã chứng tỏ rằng tin tưởng vào Chúa trong cơn thử thách sẽ luôn được Chúa thưởng công xứng đáng.


THỨ TƯ LỄ TRO

Ge 2,12-18; 2 Cr 5,20-6,2; Mt 6,1-6.16-18

Chúng ta bước vào Mùa chay với một nghi thức đặc biệt đó là “bỏ Tro”. Lễ nghi bỏ tro nay bắt nguồn từ những thế kỷ sơ khai Hội Thánh.

Ngày xưa, người ta chỉ được xưng tội một lần trong đời. Cho nên khi phạm tội, tội nhân dành đến lúc gần chết mới xưng tội và trong quãng thời gian sống, tội nhân ăn năn thống hối đợi chờ. Sau này tuy được phép xưng tội nhiều lần, mỗi lần trước khi xưng tội hối nhân phải ăn năn. Các tội nhân công khai còn phải trải qua kỷ luật đền tội công khai. Lễ nghi bỏ tro trong ngày thứ tư đầu mùa chay là vết tích của hình thức sám hối trên.

Ngày thứ Tư đầu Mùa chay, tội nhân công khai nào muốn dự lễ Phục sinh đến ghi tên đền tội và trong giờ kinh nhỏ, đến Nhà thờ Chính tòa, mình mặc áo vải thô, đi chân không, đứng ngoài cửa nhà thờ chờ đợi Đức Giám mục và đoàn tùy tùng đến. Ngài đến rắc tro trên đầu mỗi người và đọc công thức : “Hỡi người, hãy nhớ mình la bụi tro, mai sau sẽ trở về bụi tro”. Xong Đức Giám mục trao cho mỗi người một áo nhặm để họ mặc suốt Mùa chay. Cuối cùng Đức Giám mục khuyên họ phải gia tăng lời cầu nguyện, cố gắng ăn chay và rộng rãi bố thí. Sau nghi lễ bỏ tro, Đức Giám mục và đoàn tùy tùng đi vào nhà thờ, cửa nhà thờ đóng lại các tội nhân ở bên ngoài và Đức Giám mục tiếp tục đọc kinh và dâng lễ bên trong.

Ngày nay khắp nơi trong Giáo hội toàn cầu lễ nghi bỏ tro được áp dụng cho mọi người tín hữu. Bỏ tro trên đầu hay xức tro trên trán nói lên sự đau buồn, bộc lộ lòng thống hối ăn năn. Nhưng đó mới chỉ là hình thức. Hình thức này sẽ trống rỗng nếu sự sám hối không có trong đáy lòng. Tiên tri Joel đã chuyển Lời Chúa nói với mọi người : “Hãy xé lòng các người, đừng xé áo”.

Quả thật như thế, Mùa chay được coi như là mùa thuận tiện, bởi lẽ đó là dịp tốt để chúng ta nhớ lại những gì đã làm trong quá khứ, chúng ta hồi tỉnh hối lỗi, đổi đời và ra sức làm tốt hơn trong tương lai. Mốc thời gian này tuy có tính cách ước lệ, nhưng không phải do chính mình phát minh, mà là một sự can thiệp của Thiên Chúa và sự sắp xếp của Giáo hội. Ngoài ra những biến cố rủi ro có thể xảy ra cho chúng ta, dưới sự an bài của Thiên Chúa, như những lo âu, những đau khổ, những khắc khoải, những vấn nạn không giải đáp, những ngõ cụt không lối thoát, tuyệt vọng vì thất bại, bấy giờ chúng ta mới nghe một tiếng nói thì thầm trong nội tâm, một ánh sáng lóe lên trong đầu óc, giống như anh chàng thanh niên lãng tử sau khi đã tiêu xài hết nửa gia tài của cha già, bụng đói meo, muốn ăn cháo heo cũng không ai cho, bấy giờ anh mới hồi tâm và tự đáy lòng anh vang lên một lời : “Tôi phải đi về nhà cha tôi”. Đó là ý nghĩa sâu xa của lòng thật tình sám hối : “Muốn trở về” và lúc ấy Chúa sẽ quay lại nhìn ta và ôm ấp ta vào lòng lân tuất của Ngài.

Để cụ thể hóa thái độ Xức tro, ăn năn sám hối, trong suốt mùa chay chúng ta hãy để ý làm ba việc mà Truyền thống Kitô giáo đã làm, kế thừa truyền thống Do Thái giáo, đó là cầu nguyện, ăn chay và bố thí.

Đối với Thiên Chúa, chúng ta là những thụ tạo trước Đấng tạo thành, chúng ta là những người con đứng trước người Cha, là những học trò đứng trước thầy, Đấng tạo thành, Cha, Thầy là những người sinh thành dưỡng dục chúng ta, chúng ta phải có bổn phận tin yêu và kính trọng. Bắt liên lạc với Chúa là chúng ta trở về với cội nguồn, kết hợp với Chúa là chúng ta được tiếp sức sống. Mà phương cách duy nhất để kết hợp với Chúa, là cầu nguyện. Cầu nguyện là chiếc cầu nối liền giữa trời và đất, là máng thông ơn và là hơi thở của linh hồn. Hơn lúc nào, Mùa chay thúc đẩy chúng ta gia tăng lời cầu để cho sự kết hiệp giữa Chúa và ta thêm gắn bó và như vậy chúng ta sẽ được sống và sống dồi dào.

Đối với chính mình, qua sự ăn chay, thân xác chúng ta sẽ nhẹ nhỏm, tinh thần chúng ta sẽ được bay lên cao, để chúng ta sống nhẹ nhàng thanh thoát, hướng lòng về trời và dứt bỏ những tính mê tật xấu đang trói ghì chúng ta dưới đất. Lời kinh tiền tụng thứ IV Mùa chay đã nhắc nhở chúng ta : “Khi chúng con giữ chay, Cha giúp chúng con chế ngự những thói hư tật xấu, nâng cao tâm hồn và ban sức mạnh cùng phần thưởng cao quý, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con”.

Còn Kinh Tiền tụng Mùa chay III lưu ý đến nghĩa vụ thứ ba đó là bố thí, đã dạy : “Khi giúp nuôi dưỡng những người thiếu thốn, chúng con biết noi theo lòng nhân hậu của Chúa”. Bố thí là một phần của mệnh lệnh chính cổ xưa nhất của lề luật. Thường thường bố thí gắn liền với những lễ nghi Phụng vụ, đem lại phần thưởng và sự thứ tha của Thiên Chua. “Nước dập tắt lửa hỏa hào, việc nghĩa xá đền tội lỗi” (Hc 3,30). Chính căn cứ vào việc bác ái đối với tha nhân mà Chúa sẽ phán xét chúng ta sau này (Mt 25).

Như vậy trong khi lãnh tro, chúng ta tự nhận mình yếu đuối lỗi lầm cần phải trở lại, đổi đời, để xin Chúa thêm sức cho chúng ta. Ước gì việc khai mạc Mùa chay này, giúp chúng ta bắt đầu sống một đời sống biết quan tâm đến người khác, nhất là những kẻ sống túng thiếu đói nghèo.

Qua việc ăn chay, chúng ta biết chế ngự nết xấu của mình và chia sẻ những gì chúng ta có cho tha nhân, biết nhìn nhận người khác như những anh em con cùng một cha chung của mình.

Cùng với toàn thể Giáo hội kêu gọi canh tân và hòa giải, chúng ta tha thiết nguyện xin Thiên Chúa là Cha chúng ta luôn đón nhận những người con đói khát, hoang đàng từ phương xa trở về và phục hồi cho chúng danh dự làm con của Chúa. Xin Chúa ban cho chúng ta quyết tâm thật lòng trở về trọn vẹn với Chúa, là suối nguồn, là cùng đích, là lẽ sống của đời chúng ta.


Thứ Tư

Hc 4,12-22; Mc 9,37-40

Người môn đệ muốn bước theo Chúa Giêsu hải học sống khiêm tốn, xóa bỏ bản thân mình (Mc 9,35) ngõ hầu có thể đối xử kính trọng và yêu thương mọi người, đặc biệt là những kẻ nghèo hèn, bé mọn: "Kẻ nào đón tiếp một trẻ nhỏ… vì danh Ta, tức là đón tiếp Ta" (Mc 9,37). Mỗi một con người , cho dầu là thấp kém đều là hình ảnh của Thiên Chúa, đều mang trong mình "nét rạng rỡ của vinh quang Thiên Chúa" (Hiến Chế Mục Vụ) nên phải được kính trọng. Dẫu vậy, người môn đệ chỉ có thể làm được việc này khi họ hành động nhân danh Đức Giêsu.

Đó là giáo huấn của Đức Giêsu muốn dành riêng cho môn đệ. Tuy nhiên, môn đệ Gioan (và có lẽ tất cả các môn đệ) dường như chưa thấm nhuần được tinh thần ấy: "Thưa Thầy, chúng tôi thấy người kia lấy danh Thầy mà trừ quỷ… và chúng tôi đã cố ngăn cản vì hắn không theo chúng tôi" (câu 38).

Gioan khi ấy chưa phải là môn đệ của tình yêu nhưng mới chỉ là "người con của sấm sét" (Mc 3, 17). Tinh thần của ông mang tính cục bộ, nên không thể chấp nhận một người lạ mặt "không theo chúng tôi" (Gioan nhấn mạnh hai lần) nghĩa là không thuộc nhóm của ông, lấy danh của Thầy mà trừ quỷ. Gioan đã ngăn cản người kia có lẽ để bảo vệ danh dự của Thầy hoặc muốn dành riêng cho cá nhân ông và nhóm của ông đặc quyền sử dụng danh Đức Giêsu. Gioan đã hành động và lòng chân thành và có lẽ ông nghĩ rằng sẽ được Đức Giêsu tán thưởng. Hành động của Gioan khác nào hành động của Phêrô trước đó: ngăn cản Đức Giêsu bước vào cuộc khổ nạn (Mc 8, 32).

Có lẽ, Đức Giêsu sẽ nói với Gioan như đã nói với Phêrô: "Ý tưởng của ngươi không phải là ý tưởng của Thiên Chúa mà là ý tưởng của loài người" (Mc 9,33). Thật vậy, Đức Giêsu dạy ông "chớ ngăn cản người ấy, vì không có ai nhân danh Ta làm phép lạ rồi lại có thể vội nói xấu Ta" (câu 39).

Như đã nói, Gioan hành động vì lòng chân thành, nhưng ông chỉ nhìn thấy bên ngoài của hành động ấy mà thôi. Thực tế, Đức Giêsu không phiền trách ông như đã khiển trách Phêrô, nhưng Ngài muốn dạy ông (và các môn đệ) một bài học thật sâu xa: không nên nhìn con người theo vẻ bên ngoài nhưng phải nhìn thấy cái ý tưởng bên trong của họ, nếu không, vô tình các ông đã dập tắt thiện ý của họ "tim đèn còn leo lét" (Is 42, 3) vậy.

Lịch sử còn đó cho chúng ta suy gẫm. Thời các tông đồ, có ít người trừ tà rong đường, gốc Dothái, cũng đã thử kêu danh Đức Giêsu trên những người có quỉ dữ ám, mà rằng: "Vì Đức Giêsu ông Phaolô rao giảng ta truyền cho cá ngươi phải ra" (Cv 18,13). Hành động của họ đã kỳ lạ, nhưng cũng chưa kỳ lạ như câu chuyện tiếp theo: "Bảy người con của ông Sêva, thượng tế Do Thái nào đó, đã thử làm như thế". Nhưng thần dữ nói với chúng: "Đức Giêsu tao biết và Phaolô tao cũng tường. Nhưng còn bay, bay là ai?". Người bị thần dữ ám kia nhảy chồm lên chúng và đè cả lũ xuống mà ra sức hành hung, làm chúng phải bỏ nhà ấy mà chạy trốn mình trần với nhiều thương tích" (Cv 18,14-16). Dẫu vậy, kết quả xảy ra là: "Danh Chúa Giêsu đã được hiển vinh" (Cv 18,17).

Gioan chắc hẳn cũng nghe biết những câu chuyện này và chắc hẳn giờ đây ông không còn ngăn cản những người không cùng "nhóm mười hai" của ông nhân danh Đức Giêsu mà hành động nữa, bởi vì ông đã thấm nhuần giáo lý của Thầy: phải biết nhìn nhận ý hướng tốt lành bên trong của một con người.

Thật vậy, việc sử dụng danh Đức Giêsu để trừ quỉ sẽ được ứng nghiệm suốt đời các tông đồ. Đó không phải là một công thức có tính cách ma thuật, bởi vì việc gọi đến danh thánh của Ngài luôn giả thiết một niềm tin. Đó là một cách thế xác quyết rằng người trừ tà không hành động nhân danh mình nhưng hoàn toàn tin tưởng vào quyền năng cứu độ của Đức Giêsu. Kêu gọi đến danh Đức Giêsu là làm cho chính bản thân Ngài được hiện và tác động.

Chính đức tin, chứ không phải những công thức đọc, đã đem lại quyền năng cho họ. Chính vì thế các môn đệ không nên cảm thấy không bị xúc phạm khi nghe thấy danh Đức Giêsu đã đem lại những hậu quả tốt lành bên ngoài hành vi hoạt động của họ. Người môn đệ phải khiêm tốn học lại bài học của Đức Giêsu:"Không có ai nhân danh Ta làm phép lạ rồi lại có thể vội nói xấu Ta. Vì ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta" (câu 39-40).

Có lẽ khi ấy Đức Giêsu chưa ban cho các môn đệ ơn phân định các thần trí và xét đoán cách xác thực sứ mạng tông đồ. Ngày nay, với ơn của Thánh Thần, chúng ta biết tiêu chuẩn để đánh giá công việc của một người đó là hành động của họ có cổ võ và phục vụ cho sự hiệp nhất không?


Thứ Năm

Hc 5,1-10; Mc 9,41-50

Bài Tin Mừng hôm nay tổng hợp những giáo huấn của Đức Giêsu trong nhiều hoàn cảnh khác nhau. Bản văn không có một chủ đề nào nhưng lại bao hàm rất nhiều vấn đề. Những vấn đề này chắc hẳn Đức Giêsu đã gặp thấy trong cuộc sống của con người và Ngài đã biến chúng thành những chất liệu để giảng dạy. Thế mới biết rằng chính cuộc sống, chính sự tương giao nhân loại, cũng là nơi Chúa muốn đối thoại, ngỏ lời với chúng ta. Hôm nay chúng ta hãy bình tâm để xem Chúa muốn dạy ta điều gì?

Thông thường, người ta hay kinh bỉ những người "phận nhỏ" cũng như coi thường những việc xem ra lặt vặt. Họ có biết đâu chính những công việc ấy lại là đường dẫn tới sự sống bất diệt mai sau. Đọc Tin Mừng Mathêu chương 25, chúng ta sẽ học được một bài học rất hay: phán xét của Chúa Giêsu gây ra ngỡ ngàng cho mọi người. Chúa đâu có đòi hỏi những gì cao xa để con người có thể biện minh là không thể thực hiện được. Ngài chỉ tra hỏi chúng ta về những điều rất ư là bình thường vẫn diễn ra hằng ngày trong chính cuộc sống: "Có bao giờ Ta đói các ngươi cho ăn! Ta khát các ngươi đã cho uống? Ta là khách lạ mà các ngươi đã tiếp rước? Ta mình trần mà các ngươi đã cho mặc? (25,35-36). Người ta sẽ đáp lại thế nào?: "Lạy Chúa, có bao giờ chúng tôi thấy…". Đúng vậy, người không có tình yêu cư ngụ bên trong, sẽ chẳng bao giờ thấy được việc gì, huống hồ là những điều nhỏ mọn. Vì thế, điều Chúa dạy chúng ta hôm nay cũng không được xem thường: "Kẻ nào cho các ngươi uống một bát nước, vì danh nghĩa các ngươi thuộc về Đức Kitô thì quả thật Ta bảo các ngươi: sẽ không mất phần thưởng của nó" (câu 41). Một chén cơm, một bát nước… cũng chẳng làm nên "cơ nhục" gì, nhưng đối với người đói ăn, kẻ khát uống… thì đã là một hồng ân vô giá rồi. Cái làm nên giá trị của một con người trước mặt Chúa chẳng phải là vì công việc ấy vĩ đại cho bằng là sự vĩ đại của tâm hồn kẻ ấy: phục vụ hạnh phúc của tha nhân. Thánh Têrêsa Giêsu đã đi vào cõi bất diệt bằng con đường nhỏ. Ngài đã làm những công việc nhỏ với một tình yêu phi thường. Chắc Chúa sẽ nói với Têrêsa thế này: Hỡi ngươi đã trung tín trong việc nhỏ, hãy lãnh lấy cơ nghiệp Chúa đã dành cho ngươi. Quả là một bài học thấm thía cho chúng ta.

Chúa Giêsu dạy chúng ta làm tốt những điều nhỏ. Ngài lại dạy chúng ta biết ưu ái với những ai phận nhỏ. Cụ thể là trẻ em. Tin Mừng làm chứng Đức Giêsu thường yêu trẻ em một cách rất đặc biệt, trong khi các môn đệ của Ngài tìm cách xua đuổi. Trẻ em có một chỗ đứng đặc biệt trong trái tim của Đức Giêsu đến độ Ngài không ngần ngại lấy trẻ em như gương sáng để giáo huấn môn đệ. Có lẽ Chúa biết rằng trẻ em là tương lai của xã hội và của Giáo Hội Ngài. Yêu thương trẻ em bao nhiêu, đặt niềm hy vọng vào trẻ em bấy nhiêu thì Ngài lại kết án những kẻ làm gương xấu cho chúng: "Kẻ nào nên cớ vấp phạm cho một người nào trong các trẻ nhỏ đã tin này thì thà kẻ ấy bị khoanh cối lửa kéo tròng vào cổ và quang xuống biển còn hơn" (câu 42).

Gương xấu là điều đáng nguyền rủa, bởi suy cho cùng nó chống lại hay ít ra nó cũng đi ngược lại với Tin Mừng của Chúa Giêsu và có thể làm cho Tin Mừng trở thành trò cười. Thật vậy, sau này, có lần Phaolô đã nói với các tín hữu Rôma rằng: vì các ngươi mà Tin Mừng bị bêu diễu nơi các dân ngoại. Gương xấu làm ô nhiễm môi trường sống của con người, trở thành vết dầu loang như tội nguyên tổ ban đầu vậy. Chính vì vậy, hình phạt dành cho họ phải ngang bằng với hậu quả mà họ gây ra: Khoanh cối lừa vào cổ mà quăng xuống biển. Đây là hình phạt mà người Rôma thực hành và họ đã đem vào Palestine cùng với việc đóng đinh trên thập giá. Trong ý tưởng của Đức Giêsu, có lẽ Ngài nghĩ rằng không muốn thấy sự hiện hiện của họ trên mảnh đất của người đời nữa!

Con người là yếu đuối, vì thế chính mình có thể gây ra cớ vấp phạm. Chính vì thế, với một ngôn từ mạnh bạo, Đức Giêsu dạy chúng ta: "Nếu tay ngươi làm ngươi vấp phạm thì hãy chặt nó đi… nếu chân ngươi… hãy chặt nó đi… nếu mắt ngươi… hãy móc nó đi…" (câu 43-48).

Đôi tay của chúng ta có thể làm điều xấu. Đôi chân của chúng ta có thể dẫn chúng ta đến những nơi chốn chẳng nên bước vào. Và mắt chúng ta có thể thu nhẫn những hình ảnh thiếu trong sạch làm nhơ uế tâm hồn.

Chúa dạy phải "chặt, móc…" là bởi vì sự sống đời đời là cao quí nhất. Phải đấu tranh triệt để với chính mình, không cho phép mình sống dễ dãi, buông thả. Đấy sẽ là cuộc chiến gian khổ vì không có chiến tuyến nào khó đánh và khó thắng cho bằng bản thân mình. Phải cương quyết cắt đứt mọi nguyên nhân dẫn ta đến cửa hỏa ngục. Chẳng phải là điều dễ đâu! Bởi vì đó là một sự từ bỏ anh hùng.

Khi thực hiện điều ấy, chúng ta cảm thấy như "bị muối bằng lửa" vậy (câu 49), như bị thanh luyện trong lửa, như bị đưa ra xét xử vậy. Có lẽ Đức Giêsu cũng muốn nói với chúng ta rằng: rồi một ngày nào đó, chúng ta sẽ phải đối diện với Đấng thẩm phán để trả lẽ về những việc chúng ta đã làm, đặc biệt là những cớ vấp phạm.

Tất cả những bài học Chúa dạy trên đây phải là cơ họi giúp người Kitô hữu tra hỏi về chính mình cũng như về ý nghĩa sự hiện của họ trong cuộc sống này. Cũng như muối có giá trị gìn giữ thức ăn khỏi bị hư thối, đồng thời thêm hương vị cho món ăn, người tin Chúa có sứ mạng đấu tranh với mọi sự dữ, sự ác… đã làm băng hoại thế giới này, đồng thời họ phải sống thế nào để cho đời mình có ý nghĩa và thêm hương vị: "Hãy có muối nơi các ngươi…" (câu 50).

Bài sách Huấn Ca cũng dạy ta những bài học rất cụ thể:

"Đừng chiều theo bụng dạ và sức lực con để đi theo các đam mê của lòng con" (câu 2): bởi vì con người là yếu đuối.

"Đừng nói: ai thắng nổi tôi… tôi phạm tội nào có gì xảy đến cho tôi vì Giavê là Đấng bao dung. Đừng ỷ vào ơn tha thứ để chồng chất thêm tội… Đừng hoàn việc trở lại với Người…" (câu 3-6): bởi vì Thiên Chúa sẽ là Đấng thẩm phán.

Con người là yếu đuối và sai lầm (errare humanum est). Hãy đến với Chúa Giêsu trên bàn thờ này để được sự nâng đỡ của Ngài mà sống tốt hơn.


Thứ Sáu

Hc 6,5-17; Mc 10,1-12

Hôn nhân và tình bạn: hai vấn đề mà Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta suy nghĩ.

Trước hết là hôn nhân mà vấn đề sôi bỏng của nó là việc ly dị. Một thảm trạng của xã hội và của gia đình vì nó gây ra biết bao hậu quả xấu! Chúng ta cám ơn người biệt phái kia đã đặt vấn đề với Chúa Giêsu, nhờ đó chúng ta được soi sáng: "Thưa Thầy có được phép rẫy vợ không?".

Một vấn đề thời sự của thời Đức Giêsu mà có lẽ ai cũng biết, đó là không phải việc rẫy vợ cho bằng là việc bỏ chồng của hai người phụ nữ khét tiếng Salômê và Hêrôđiađê mà Kinh Thánh từng nhắc đến. Salômê em Hêrôđê đại đế đã bỏ chồng mình là Kostabar và Hêrôđiađê đã ly di với với Hêrôđê Philip để ngang nhiên nhận bạo vương Hêrôđê làm chồng bất chấp sự can gián của Gioan Tẩy Giả.

Đưa vấn đề thời sự ấy ra hỏi Chúa Giêsu, người biệt phái không buồn để được Ngài soi sáng cho bằng là để thử Ngài, để đưa Ngài vào sự bối lối và nhất là để xem Ngài có trung thành với luật của Thiên Chúa không?

Đức Giêsu, vị "Chúa của hoàn cảnh" (Strthaman), chẳng những không bối rối mà còn chộp lấy cơ hội để giải thích cho người có âm mưu đen tối kia hiểu rõ luật của Thiên Chúa hơn.

Là người thông luật, may ra ông chỉ trích được một cấu trong sách Thư Luật (24,1): Cầm lấy lại một người đàn bà đã bị rẫy và nói đến việc viết ly thư, chứ không có chỗ nào nói rõ cho phép ly dị. Chính ông cũng không phủ nhận điều ấy (câu 4).

Dựa vào chỗ đó, Đức Giêsu đã làm cho ông hiểu rằng: chỉ có lòng dạ lỳ lợm của người ta mà Môsê đã miễn cưỡng nhượng bộ. Điều ấy không thể tồn tại mãi, bởi vì Nước Thiên Chúa đã đến rồi, con người phải dùng sức mạnh mà vào, phải trở về với Thiên Chúa và lệnh truyền ban đầu của Người: "Là nam là nữ Người đã dựng nên chúng. Bởi thế mà người đàn ông sẽ bỏ cha mẹ mình, và cả hai chúng sẽ nên một thân xác. Vậy điều gì Thiên Chúa đã phối hợp thì loài người không được phân ly" (câu 7-8).

Cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và người biệt phái đến đây dã chấm dứt và vấn đề cũng ngã ngũ. Hôn nhân là một định chế khôn ngoan của Thiên Chúa và định chế ây không cho phép người ta ly dị. Mục đích của Người thật ra cũng chỉ để bảo vệ sự bền vững và hạnh phúc của hôn nhân mà thôi. Sự tan rã của hôn nhân có nguyên nhân sâu xa không thể phủ nhận, đó là lòng dạ lỳ lợm của con người mà ra.

Vấn đề người biệt phái đặt ra cho Đức Giêsu là một vấn nạn có tính cách lý thuyết. Còn đối với các gia đình Kitô hữu chúng ta hôm nay, nó phải trở thành vấn đề cụ thể. Đi vào cuộc đời hôn nhân, thật ra là đi vào chương trình Chúa đã an bài. Chúa đã tạo dựng nên con người có nam có nữ và đã liên kết hai phái tính lại trong hôn nhân để họ được hạnh phúc, để người này trở nên sự nâng đỡ và trợ lực quí giá cho người kia trong mọi cảnh ngộ của cuộc đời. Bao lâu chúng ta còn bước đi trong đường lối của Chúa, tuân theo thánh ý của Người, thì bấy lâu Thiên Chúa vẫn luôn hiện diện giữa chúng ta để chúc phúc lành cho chúng ta.

Việc ly dị ngày nay đang lan tràn, gia đình Kitô hữu cũng nên biết để cảnh giác, bởi vì nó là nguyên nhân dẫn sự đổ vỡ hạnh phúc. Và sự cảnh giác nào cần thiết hơn cho bằng cảnh giác chính mình và lòng dạ của mình như Chúa Giêsu đã vạch trần cho ta thấy. Lòng dạ ta là đền thờ Chúa ngự hay nơi trú ẩn của tội lỗi? Chính Chúa Giêsu nói: tất cả những xấu xa như ngoại tình, dâm dật… mà ta mang trong tư tưởng hay đã thể hiện trong hành động đều phát xuất không phải do ngoại cảnh cho bằng là từ bên trong ta mà ra.

Cho nên khi thiết lập bí tích Hôn Nhân thì đồng thời Chúa cũng đã thiết lập các bí tích khác để nâng đỡ hôn nhân. Bí tích Hòa Giải là nơi Chúa thanh luyện tâm hồn ta. Và Thánh Thể là sự trợ lực vô giá cho sự bền vững của hôn nhân, giúp chúng ta thắng vượt những cám dỗ đang trực tiếp đe dọa trực tiếp gia đình.

Không những đề cập đến tình yêu trong hôn nhân, Lời Chúa hôm nay còn muốn chúng ta suy nghĩ về tình bạn. Lời Chúa quả thật là: "Nguồn mạch của sự khôn ngoan" (Hc 1,5) chiếu dọi ánh sáng trên mọi vấn đề của cuộc sống. Ai cho mình là khôn ngoan thì phải biết múc lấy nguồn sống nơi nguồn vô tận ấy. Giờ đây, chúng ta hãy xem Chúa dạy chúng ta về tình bạn.

Con người phải những cần một mái ấm để sống (tình yêu hôn nhân) nhưng còn cần có những người bạn để nâng đỡ cuộc đời của ta và làm cho cuộc đời ta trở nên phong phú. Biết sống tình bạn cho tốt, ta cũng sẽ sống tốt trong tình yêu hôn nhân. Cho nên đây không phải là hai vấn đề khác biệt nhau, không liên quan đến nhau, nhưng ta sẽ gặp thấy tình bạn trong tình yêu. Có thể nói sống tình bạn là cách thế giúp chúng ta biết sống tình yêu.

Sách Huấn Ca hôm nay rất thực tế khi nhận định rằng con người ta cần có nhiều bạn hữu. Ăn nói ngọt ngào và duyên dáng là cách thế lôi kéo nhiều người đến với ta.

Tuy nhiên, người bạn tâm phúc mới là điều sách Khôn Ngoan này muốn đề cập tới. Bởi vì thường tình sẽ có hai loại bạn: bạn đồng bàn và bạn trung tín (câu 10,11,12,13). Người bạn thứ nhất chỉ đến với ta khi "thịnh vượng" (câu 11). Nhưng khi gặp tai ương hoạn nạn, họ liền trở mặt và lánh xa ta (câu 11,12). Đó là loại bạn ta cần dè chừng và xa lánh như kẻ thù vậy (câu 13). Loại bạn thứ hai, bạn trung tín, là bạn ta phải kiếm tìm. Gặp được người bạn này chẳng khác nào gặp thấy một "kho tàng" (câu 11), một điều "vô giá" mà vàng bạc chẳng mua được (câu 15). Loại bạn này, vì thế, không dễ tìm và chỉ dành cho những ai biết "kính sợ Chúa" (câu 16). Bạn trung tín luôn dìu dắt nhau lên cao: "Vì nó sao bạn nó cũng bạn" (câu17).

Về tình bạn, có lẽ chúng ta sẽ chẳng gặp thấy nơi đâu có những lời thâm thúy như Lời Chúa hôm nay. Hiểu như vậy, thì tình yêu và tình bạn là hai điều rất gần gũi nhau.

Xin sức mạnh của Chúa mà chúng ta sắp tiếp nhận giúp chúng ta biết sống tốt hai mối tình này.


Thứ Bảy

Hc 17,1-14; Mc 10,13-16

Đức Giêsu và trẻ em, đây là câu chuyện mà Tin Mừng hôm nay muốn chúng ta đặc biệt quan tâm.

Thông thường, trong một xứ đạo chẳng hạn, người ta thường quan tâm đến người lớn và thanh niên. Cũng đúng thôi, bởi vì người lớn với sự khôn ngoan và kinh nghiệm, có thể đóng góp nhiều ý kiến hay ho. Còn giới thanh niên, vốn sẵn sự hăng nồng và sức mạnh của tuổi trẻ có thể đỡ đần chúng ta trong những công việc nặng nhọc. Tuy nhiên đứng về phương diện giáo dục, thì trẻ em phải là mối bận tâm hàng đầu của chúng ta, đến độ phải dồn năng lực, thời giờ… để huấn luyện chúng. Lý do là vì trẻ em còn nhiều yếu đuối, dại dột và lại là tuổi tiếp thu dễ dàng những lời chỉ bảo, giáo huấn của chúng ta.

Về điểm này, chúng ta có một gương mẫu tuyệt vời là Đức Giêsu. Cả ba sách Tin Mừng Nhất Lãm đều thuật lại câu chuyện này với đôi chút khác biệt nhau. Cách riêng, Đức Giêsu của Tin Mừng Marcô mà chúng ta vừa nghe đọc xem ra có thái độ ưu ái đặc biệt đối với trẻ em, nếu chúng ta so sánh với hai Tin Mừng kia. Ngoài những điểm giống nhau, thì đây là những điểm riêng của Marcô: Đức Giêsu phật ý khi thấy các môn đệ quát rầy chúng (câu 13) nghĩa là ngăn cản chúng đến gần Ngài. Điểm thứ hai: Đức Giêsu bồng ẵm chúng, đoạn đặt tay và chúc lành cho chúng (câu16).

Hai điểm khác biệt này đã làm nổi bật Đức Giêsu của thánh Marcô: yêu thương trẻ em và chấp nhận bị quấy rầy. Trong trái tim của Đức Giêsu, có chỗ cho mọi hạng người. Rồi đây, đối với trẻ em, Marcô sẽ viết: "Đức Giêsu nhìn người ấy (thanh niên) và đem lòng yêu mến" (10,21).

Tương lai của xã hội và của Giáo Hội chính là trẻ em. Có nhìn nhận điều ấy thì chúng ta mới biết đối xử và quan tâm đúng mức đối với những kẻ "chưa biết phân biệt tay phải với tay trái" này.

Tuy nhiên, giáo huấn của Đức Giêsu không dùng lại ở đó. Trẻ em chỉ là một hình ảnh mà nhân cơ hội này Ngài muốn chuộc lấy mà dạy dỗ các môn đệ, dẫn họ đến một ý nghĩa sâu xa hơn.

Để thấy được ý nghĩa này, một lần nữa chúng ta nên so sánh một chút với Tin Mừng Matthêu để được sáng tỏ hơn:

Matthêu viết: "Hãy để mặc các trẻ và đừng ngăn cản chúng đến với Ta vì Nước Trời thuộc về những người như thế" (19,14).

Marcô cũng viết giống như thế, nhưng ông thêm một câu: "Ta bảo các ngươi: ai không đón nhận lấy Nước Thiên Chúa như một trẻ nhỏ, thì sẽ không được vào trong đó" (câu 15).

Chúng ta dễ nhận ra sự khác biệt quan điểm giữa hai thánh sử. Matthêu nhắm một ý hướng hữu thể học (orientation ontologique) nghĩa là những điều kiện tâm hồn phải có để khả dĩ đi vào Nước Trời. Có thể kể đến những điều kiện này: đơn sơ, chân thật, khiêm tốn, trong trắng, dễ dạy và tin tưởng. Lấm láp bụi trần, người lớn tuổi sẽ đánh mất đi những đức tính tốt này. Muốn có được, họ phải tái sinh. Như vậy, tư tưởng của Matthêu rất gần với quan điểm của Tin Mừng thứ tư: đáp lại sự ngạc nhiên của ông Nicôđêmô về việc tai sinh, Đức Giêsu nói với ông: "Quả thật, quả thật, tôi bảo ông, ai không sinh bởi nước và Thần Khí, thì không thể vào được Nước Thiên Chúa" (Ga 3,5). Tái sinh là điều kiện để vào Nước Trời. Sau này, Thánh Phaolô sẽ dạy chúng ta rằng: về những sự xấu xa… thì chúng ta phải giống như trẻ nhỏ vậy.

Khác với Matthêu, Marcô lại chỉ muốn nói đến cung cách đón nhận, cách thế đón nhận Nước Trời: đón nhận như trẻ em.

Marcô đã giới thiệu Nước Trời như một hồng ân và một nơi chốn (Pirot-Clamer). Xét như một hồng ân, con người phải tiếp nhận, đón nhận với sự tươi mát và đơn sơ như một trẻ em nghĩa là không tính toán, cũng chẳng lý luận, trái lại hoàn toàn tín thác mà không chút do dự nào. Như vậy chủ đích của Marcô mang một ý hướng tâm lý học (orientation psychologique). Hồng ân Nước Trời mà Đức Giêsu nói đến còn là những lời mà Ngài rao giảng. Chúng ta phải có thái độ của kẻ "khi nghe thì đón lấy lời" (Lc 8,13). Sau cùng xét như một nơi chốn: con người chỉ có thể vào Nước Trời khi chấp nhận bước vào Giáo hội của Đức Giêsu.

Thế là câu chuyện của Đức Giêsu tiếp đón các trẻ em đã dẫn chúng ta đến những ý nghĩa thật sâu xa: đứng trước hồng ân Nước Trời, chẳng những con người cần phải tái sinh để tìm lại được những thái độ tốt đã mất đi (Mt) nhưng lại còn phải học cách đón nhận hồng ân ấy với lòng biết ơn.

Cần phải đọc thêm bài sách Huấn Ca để thấy rằng: Thiên Chúa đã dựng nên con người theo hình ảnh của Người (câu 3), ban cho con người sức mạnh của Người để thống trị thế giới; trí khôn để lý giải các công việc của Người (câu 5); một tấm lòng để có thể suy nghĩ (câu 6); được đầy đủ tri thức thông hiểu để phân biệt lành dữ (câu 7); lòng kính sợ để thấy sự lớn lao của công việc Người làm (câu 8)… Nghĩa là Thiên Chúa đã ban cho chúng ta tất cả mọi sự đến độ chẳng còn tiếc nuối gì với chúng ta. Thái độ cần phải có của con người là biết cảm tạ và đón nhận hồng ân của Người.

Đức Giêsu sẽ là gương mẫu cvủa chúng ta. Với thái độ của một trẻ em, Đức Giêsu đón nhận mọi sự từ Chúa Cha với lòng yêu mến và vâng phục tuyệt đối, ngay cả chén đắng của Cha nữa: "Chén Cha đã ban cho Ta, Ta lại không uống sao?" (Ga 18,11). Thái độ cao cả ấy của Đức Giêsu giờ đây đang tái diễn nơi bàn thờ.
Mới hơn Cũ hơn