Tin mừng và việc sử dùng tiền bạc: ai giữ “túi tiền” của các môn đệ?




Chúa Giêsu và các môn đệ của Ngài có nhận tiền không? Họ đã dùng tiền đó như thế nào? Ai là người giữ tiền? Chúng ta xem thử Tin mừng nói gì về điều này.

Độc giả Alessandro Lastrucci: Chúa Giêsu và các môn đệ của Ngài có nhận tiền không? Tôi đọc thấy rằng dường như Giuđa là “thủ quỹ” nắm giữ túi tiền quyên góp được. Số tiền đó được sử dụng như thế nào? Nó có được ban phát cho người nghèo không? 


Linh mục Francesco Carensi, Giáo sư Kinh thánh trả lời.

Để trả lời cho câu hỏi mà độc giả đặt ra, trước hết chúng ta tham khảo chương 12 của Tin mừng Gioan. Một cử chỉ được bà Maria làng Bêtania thực hiện đó là xức lên chân Chúa Giêsu một loại dầu rất quý và đắt tiền. Việc này đã làm cho Giuđa phản ứng, ông đã trách mắng người phụ nữ này vì lãng phí tiền bạc, mà theo ông số tiền đó có thể dùng cho những người nghèo chứ không để dùng hoang phí cho một loại dầu thơm đắt tiền cách vô lý như vậy.

Thánh sử Gioan lưu ý, thực ra Giuđa không quan tâm đến người nghèo mà vì ông là tên trộm, là người giữ túi tiền và đã lấy những gì có trong đó. Chúng ta có thể nhận ra rằng, Giuđa thuộc nhóm 12, là người có trách nhiệm quản lý tiền bạc. Từ những gì đọc được trong Tin mừng, chúng ta thấy rằng các môn đệ có ngân quỹ, và số tiền này không chỉ được sử dụng cho những nhu cầu hằng ngày của họ mà còn để giúp đỡ những ai sống trong cảnh nghèo khó.

Một chứng từ khác trong Tin mừng Luca, chương 8, cho thấy: “Sau đó, Đức Giêsu rảo qua các thành phố, làng mạc, rao giảng và loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Cùng đi với Người, có Nhóm Mười Hai và mấy người phụ nữ đã được Người trừ quỷ và chữa bệnh. Đó là bà Maria gọi là Maria Mácđala, người đã được giải thoát khỏi bảy quỷ, bà Gioanna, vợ ông Khuda quản lý của vua Hêrôđê, bà Susanna và nhiều bà khác nữa. Các bà này đã lấy của cải mình mà giúp đỡ Đức Giêsu và các môn đệ” (c. 1-3).

Vậy là các môn đệ của Chúa Giêsu được giúp đỡ về vật chất, không chỉ là lương thực mà có cả tiền bạc.

Có người có thể cảm thấy phẫn nộ, nhân danh ý thức hệ bần cùng, rằng ngay cả nhóm các môn đệ cũng tập trung vào tiền bạc. Rõ ràng là không ai trong chúng ta sống bằng không khí cả. Nhưng Chúa Giêsu luôn cảnh báo các môn đệ đừng để tiền bạc tấn công tâm hồn. Quyến luyến với tiền bạc là cội rễ của mọi điều tệ hại. Chính Chúa Giêsu cũng đã nhận thấy điều này, Ngài mời gọi các môn đệ đừng mang theo gì trên đường nhưng hãy sống với những gì mà Chúa Quan Phòng ban cho trong cuộc sống của họ. Tiền bạc không thể là thần tượng để rồi hy sinh mạng sống mình vì nó nhưng là phương tiện để chia sẻ cho người khác.

Chúa Giêsu đã nói rất rõ: chúng ta không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của được; lòng gắn bó với thực tại này có nghĩa là hy sinh cuộc đời của chúng ta cho một thứ ngẫu tượng vốn không bao giờ giữ được lời hứa cứu rỗi.

Vấn đề này cũng được tìm thấy trong cộng đoàn Kitô giáo tiên khởi, được mô tả trong sách Công vụ Tông đồ, qua đó tất cả những ai có “ruộng đất nhà cửa, đều bán đi, lấy tiền” (Cv 4,5) đặt dưới chân các tông đồ. Tiền ấy lần lượt được phân phát cho người nghèo. Nhưng có một trường hợp có vẻ bình dị nhưng nó cho thấy rằng, khi tâm hồn thực sự gắn bó với tiền bạc có thể tạo ra những cử chỉ ích kỷ, ngay cả trong cộng đoàn kitô hữu đầu tiên, chẳng hạn như trường hợp của Annania và Saphira.

Sách Tông đồ Công vụ kể: “Có một người tên là Anania cùng với vợ là Saphira bán một thửa đất. Ông đồng ý với vợ giữ lại một phần tiền, rồi đem phần còn lại đặt dưới chân các Tông Đồ. Ông Phêrô mới nói: "Anh Anania, sao anh lại để Satan xâm chiếm lòng anh, khiến anh lừa dối Thánh Thần, mà giữ lại một phần giá thửa đất? Khi đất còn đó thì nó chẳng còn là của anh sao? Bán đi rồi thì anh chẳng có quyền sử dụng tiền bán đó sao? Sao anh lại rắp tâm làm việc ấy? Anh đã không lừa dối người phàm, mà lừa dối Thiên Chúa." Nghe những lời ấy, Anania ngã xuống tắt thở. Tất cả những ai nghe kể lại chuyện này đều rất sợ hãi. Các thanh niên đến liệm xác ông và đem đi chôn.

Khoảng ba giờ sau, vợ ông đi vào mà không hay biết chuyện đã xảy ra. Ông Phêrô lên tiếng hỏi: "Chị nói cho tôi hay: anh chị bán thửa đất được bấy nhiêu, phải không? " Chị ta đáp: "Vâng, được bấy nhiêu thôi." Ông Phêrô liền nói: "Sao anh chị lại đồng lòng với nhau để thử thách Thần Khí Chúa? Kìa những người đã chôn cất chồng chị còn đứng ở ngoài cửa, họ sắp khiêng cả chị đi đấy! " Lập tức bà ta ngã xuống dưới chân ông Phêrô và tắt thở. Khi vào, các thanh niên thấy bà đã chết, liền khiêng đi chôn bên cạnh chồng” (Cv 5, 1-11).

Vấn đề này cũng sẽ được lặp lại ngay trong Giáo hội, nơi thân phận loài người mỏng giòn bị cám dỗ bởi ham muốn chiếm giữ ưu vị của mình hơn là muốn sống theo Phúc âm với một cuộc sống hướng về Nước Chúa, một cuộc sống được chia sẻ với người khác, cách đặc biệt nếu họ đang cần những của cải bạn sở hữu. Đây không phải là một nghĩa cử mà tấm lòng nhân hậu của chúng ta có thể làm mà đúng hơn đó làm nghĩa vụ công bình. Ngay cả thánh Phaolô, trong các thư của mình, đã yêu cầu sự trợ giúp tài chính cho các Giáo hội đang sống trong hoàn cảnh túng thiếu. 

“Về việc quyên tiền giúp các người thuộc dân thánh, tôi đã truyền dạy cho các Hội Thánh ở Galát như thế nào, thì anh em cũng làm như vậy. Ngày thứ nhất trong tuần, mỗi người trong anh em hãy để riêng ra những gì đã may mắn thu góp được, chứ đừng đợi khi tôi đến rồi mới quyên. Khi tới, tôi sẽ cử những người được anh em chấp thuận đi Giêrusalem, mang thư và quà anh em đã rộng rãi quyên tặng. Và nếu xét là tôi nên đi, thì họ sẽ cùng đi với tôi” (1 Cor 16, 1-4).

Để thông điệp này được thực hiện hóa trong thời đại của chúng ta, có một số tài liệu của huấn quyền. Trong sách Giáo lý của Giáo hội Công giáo năm 1992, trong số các điều khoản mà Giáo hội đã thêm vào, đó là “nghĩa vụ đóng góp cho các nhu cầu vật chất của Giáo hội, tùy theo khả năng của mình".

Vì vậy, từ thời Chúa Giêsu cho đến nay, các môn đệ đang sống giữa thế gian này cũng được mời gọi để quản lý của cải thế gian. Nhưng trong Tin mừng, Chúa Giêsu dạy chúng ta biết sử dụng của cải thế gian như một phương tiện để sống, Ngài muốn chúng ta thoát khỏi luận lý thế gian đó là chiếm hữu cho những mục đích ích kỷ và để gia tăng quyền lực. Con người luôn bị cám dỗ bởi thứ ngẫu tượng này; đôi khi lấy lý do dùng tiền bạc cho mục đích tốt để có thể biện minh cho những phương tiện không phù hợp với Tin mừng nhằm tăng thêm sự giàu có, được gọi là pecunia non olet [tiền không thối], chúng ta có nguy cơ phản bội Tin mừng.

G. Võ Tá Hoàng chuyển ngữ
Mới hơn Cũ hơn