Thánh lễ khai mạc triều đại của Đức Giáo hoàng Lêô XIV sẽ được cử hành vào Chúa nhật, ngày 18 tháng 5 lúc 10 giờ sáng (giờ địa phương) tại Quảng trường Thánh Phêrô. Đây là cột mốc chính thức đánh dấu khởi đầu sứ vụ mục tử của ngài với tư cách là Đấng kế vị Thánh Phêrô và Giám mục Giáo phận Rôma.
Sau đó một tuần, vào ngày 25 tháng 5, Đức Thánh Cha sẽ cử hành nghi thức nhận ngai tòa tại Vương cung Thánh đường Thánh Gioan Latêranô, nhà thờ Chính tòa của Giáo phận Rôma, và vì thế cũng là nhà thờ chính tòa của vị Giáo hoàng.
Một nghi thức gắn với truyền thống và cải cách
Thánh lễ ngày 18 tháng 5 được cử hành theo Sách Nghi thức Khởi đầu Sứ vụ Phêrô với tư cách là Giám mục Rôma. Sách nghi thức này do Đức Bênêđictô XVI chuẩn nhận năm 2005 và được cập nhật vào năm 2013.
Cha Juan José Silvestre, Giáo sư Phụng vụ tại Đại học Navarra, giải thích: “Nghi thức khởi đầu sứ vụ Phêrô ngày nay tương đương với lễ đăng quang Giáo hoàng ngày xưa. Kể từ sau Đức Phaolô VI, các Giáo hoàng không còn đội vương miện tiara nữa, mà thay vào đó, nghi lễ này chính thức đánh dấu sự khởi đầu sứ vụ của các ngài với tư cách là Đấng kế vị Thánh Phêrô.”
Một điểm nhấn quan trọng trong nghi lễ là việc trao dây pallium và nhẫn ngư phủ, hai biểu tượng giàu ý nghĩa thần học và mục vụ, khẳng định vai trò mục tử tối cao của Đức Tân Giáo hoàng.
Cầu nguyện, Rước kiệu và Kinh cầu Các Thánh
Nghi lễ trọng thể sẽ bắt đầu bên trong Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô, tại bàn thờ Tuyên xưng Đức Tin. Tại đây, Đức Lêô XIV sẽ dành ít phút cầu nguyện thầm lặng trước mộ Thánh Tông đồ Phêrô. Đồng tế và hiệp thông cùng ngài trong giây phút linh thánh này là các Thượng phụ của các Giáo hội Công giáo Đông phương hiệp thông trọn vẹn với Tòa Thánh.
Sau đó, Đức Thánh Cha sẽ dẫn đầu đoàn rước long trọng ra quảng trường để cử hành Thánh lễ ngoài trời. Trong lúc đó, kinh Laudes Regiæ, một hình thức cổ kính và trang trọng của Kinh Cầu Các Thánh sẽ được xướng lên. Đây là một thánh thi có nguồn gốc từ các nghi lễ hoàng gia thời xưa, từng được hoàng đế Charlemagne phục hồi trong lễ đăng quang của ông vào ngày Giáng Sinh năm 800.
“Laudes Regiæ” không chỉ mang âm hưởng long trọng, mà còn diễn tả một chân lý thần học cốt lõi: mọi quyền bính dưới thế đều phát xuất từ Thiên Chúa và phải được thi hành với lòng khiêm nhường và tinh thần phục vụ.
Dây Pallium và Nhẫn ngư phủ
Phần cao điểm của nghi lễ là việc trao hai biểu tượng truyền thống: dây pallium và nhẫn ngư phủ. Theo Cha Silvestre, đây chính là “hai biểu tượng chính đánh dấu sự khởi đầu triều đại giáo hoàng. Nếu trước đây là việc đội vương miện tiara – mũ ba tầng – thì giờ đây, hai biểu tượng quan trọng nhất là dây Pallium Giáo hoàng và Nhẫn Ngư Phủ.”
Dây pallium, làm từ lông chiên, biểu thị hình ảnh Đức Giáo hoàng như người mục tử mang đoàn chiên trên vai mình. Nhẫn ngư phủ, khắc hình Thánh Phêrô đang thả lưới trên thuyền cùng với tên của Đức Giáo hoàng, mang ý nghĩa thần học sâu sắc, đồng thời được dùng để đóng ấn các văn kiện chính thức.
Từ giây phút này, Đức Lêô XIV sẽ từ bỏ nhẫn giám mục cũ để chính thức mang Nhẫn Ngư Phủ, biểu tượng của thừa tác vụ Tông tòa.
Tiếp theo là nghi thức tuyên hứa trung thành của đại diện Hồng y Đoàn. Một số hồng y, đại diện cho toàn thể Hồng y Đoàn sẽ bày tỏ lòng tôn kính, vâng phục và sự hiệp thông trọn vẹn Giáo hội trước mặt Đức Giáo hoàng.
Công bố Tin mừng song ngữ: Đông và Tây giao hòa
Một nét đặc trưng của Thánh lễ khai mạc triều đại Giáo hoàng là việc công bố Tin Mừng bằng cả tiếng Hy Lạp và tiếng Latinh. Việc này nhấn mạnh vai trò của vị Giáo hoàng như “Đấng kế vị Thánh Phêrô là Giáo hoàng của cả Giáo hội Công giáo Đông phương và Giáo hội Công giáo Latinh.”
Sau thánh lễ khai mạc
Sau Thánh lễ khai mạc tại Đền thờ Thánh Phêrô, Đức Lêô XIV sẽ tiếp tục chuỗi nghi thức nhận tòa tại các Vương cung Thánh đường khác ở Rôma:
- Thứ Ba, ngày 20 tháng 5: Viếng thăm và nhận tòa tại Vương cung Thánh đường Thánh Phaolô ngoại thành. Tại đây, Đức Giáo Hoàng sẽ cầu nguyện trước mộ Thánh Phaolô, vị “Tông đồ dân ngoại”.
- Chúa nhật, ngày 25 tháng 5: Nhận tòa tại Vương cung Thánh đường Thánh Gioan Latêranô, nhà thờ Chính tòa của Giáo hoàng, trong cùng ngày với buổi đọc kinh Regina Caeli.
- Cùng ngày: Viếng thăm Vương cung Thánh đường Đức Bà Cả, nơi gắn liền với lòng sùng kính Đức Mẹ và là nơi Đức Giáo hoàng Phanxicô thường xuyên cầu nguyện. Tại đây, Đức Lêô XIV sẽ tôn kính bức linh ảnh Salus Populi Romani, Đức Bà bảo vệ dân thành Rôma.
Tính phổ quát và quan hệ ngoại giao
Tính chất phổ quát của triều đại giáo hoàng được thể hiện rõ nét trong Thánh lễ khai mạc. Đây là giây phút Đức Thánh Cha được nhìn nhận chính thức như mục tử của toàn thể Giáo hội hoàn vũ.
Sẽ có sự hiện diện của các nguyên thủ quốc gia và đại diện ngoại giao trong thánh lễ này. Đâ là một dấu chỉ cho mối liên hệ ngoại giao rộng mở của Tòa Thánh. Dĩ nhiên, Tòa Thánh có quan hệ ngoại giao với hơn 180 quốc gia, vì vậy việc các quốc gia cử phái đoàn đến tham dự là điều hoàn toàn tự nhiên.
Thánh lễ khai mạc sứ vụ Phêrô của Đức Lêô XIV không chỉ là một nghi lễ phụng vụ, mà còn là sự khẳng định bản chất hiệp thông và tính kế thừa của Giáo hội Công giáo. Qua từng chi tiết – từ việc cầu nguyện nơi mộ Thánh Phêrô, việc nhận pallium và nhẫn ngư phủ, đến công bố Tin Mừng bằng hai ngôn ngữ – đều vang vọng sứ mạng không ngừng của Giáo hội: rao giảng Tin Mừng cho mọi dân tộc và dẫn dắt đoàn chiên về nguồn suối sự sống.
G. Võ Tá Hoàng