Đức Giáo hoàng Lêô XIV ra mắt tài khoản Instagram, kế thừa @Pontifex

Hình cắt từ trang instagram chính thức của Đức Leo XIV


Đức Giáo hoàng Lêô XIV chính thức tiếp nối di sản kỹ thuật số của các vị tiền nhiệm

(Vatican, 13/5/2025) – Đức Giáo hoàng Lêô XIV đã chính thức tiếp nối di sản truyền thông kỹ thuật số của các vị tiền nhiệm khi tiếp quản tài khoản @Pontifex trên mạng xã hội X (trước đây là Twitter) với 52 triệu người theo dõi, và thiết lập một sự hiện diện mới trên Instagram. Quyết định này được Bộ Truyền thông xác nhận vào ngày 13 tháng 5 năm 2025, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong chiến lược tiếp cận cộng đồng của triều đại giáo hoàng của ngài.

Di sản truyền giáo kỹ thuật số

Mạng truyền thông xã hội của Giáo hoàng được khởi sự từ năm 2012, khi Đức Bênêđictô XVI, lúc ấy đã 84 tuổi, đăng dòng tweet đầu tiên của Giáo hoàng:

“Các bạn thân mến, tôi rất vui khi được kết nối với các bạn qua Twitter. Cảm ơn sự phản hồi nồng nhiệt của các bạn. Tôi chúc lành cho tất cả các bạn từ tận đáy lòng”.

Thông điệp dài 140 ký tự này, được đăng ngày 12 tháng 12 năm 2012, mở ra một kỷ nguyên truyền thông kỹ thuật số cho Tòa Thánh.

Đức Giáo hoàng Phanxicô sau đó đã mở rộng đáng kể sự hiện diện trực tuyến này khi cho ra mắt tài khoản Instagram @Franciscus vào ngày 19 tháng 3 năm 2016, với thông điệp: “Hãy cầu nguyện cho tôi” dưới một hình ảnh trang nghiêm của ngài đang cầu nguyện.

Trong suốt 12 năm triều đại giáo hoàng của mình, Đức Phanxicô đã đăng gần 50.000 thông điệp, gần như mỗi ngày, đưa ra những suy tư về hòa bình, công lý và việc chăm sóc công trình tạo dựng. Riêng trong năm 2020, các thông điệp của ngài đã đạt tới con số 27 tỷ lượt xem.

Bài đăng đầu tiên của Giáo hoàng Lêô XIV

Vào ngày 8 tháng 5, không lâu sau khi được bầu chọn, Đức Giáo hoàng Lêô XIV đã ban phép lành Urbi et Orbi đầu tiên trước công chúng, trong đó ngài gửi gắm một thông điệp hòa bình tạo nên tông điệu cho sự hiện diện kỹ thuật số của mình. Chỉ vài ngày sau, tài khoản Instagram mới của ngài cũng được chia sẻ, với bài đăng đầu tiên kèm theo những hình ảnh mang tính biểu tượng từ những ngày đầu triều đại giáo hoàng, cùng với dòng chữ:

“Bình an ở cùng anh chị em! Đây là lời chào đầu tiên của Đức Kitô Phục Sinh, vị Mục Tử nhân lành đã hiến mạng sống mình cho đoàn chiên của Thiên Chúa. Tôi cũng ước mong lời chào bình an này đi vào tâm hồn anh chị em, đến với gia đình anh chị em, đến với tất cả mọi người, ở bất cứ nơi đâu, đến với tất cả các dân tộc, đến toàn thể trái đất”.

Thông điệp này tóm tắt phần cốt lõi sứ mạng mục vụ của ngài, báo hiệu ý định của ngài muốn tiếp tục dùng truyền thông xã hội như công cụ loan báo tin mừng toàn cầu, giống như các vị tiền nhiệm của ngài.

Gìn giữ quá khứ, xây dựng tương lai

Trong khi tài khoản @Pontifex trên X vẫn tiếp tục là tiếng nói chính thức của Giáo hoàng, song Vatican đã chọn hướng tiếp cận khác cho Instagram. Tài khoản @Franciscus nổi tiếng của Đức Giáo hoàng Phanxicô từng thu hút hơn 10 triệu người theo dõi, sẽ không được chuyển giao cho người kế vị. Thay vào đó, nó sẽ được truy cập như một kho lưu trữ tưởng niệm với tên gọi Ad Memoriam trên trang Vatican.va, nhằm bảo tồn kho tàng truyền giáo kỹ thuật số của một vị Giáo hoàng vốn đã đánh giá cao hình thức tiếp cận này.

Tài khoản Instagram mới của Đức Lêô XIV – mang tên @Pontifex – Pope Leo XIV – đã nhanh chóng đạt 9,4 triệu người theo dõi chỉ trong vài giờ sau khi ra mắt, mở ra một chương mới cho truyền thông giáo hoàng trong thời đại số.

Chặng đường phía trước

Khi đảm nhận vai trò mục tử trong không gian kỹ thuật số, Đức Giáo hoàng Lêô XIV thừa hưởng một “giảng đài toàn cầu” vô cùng mạnh mẽ, được đặt ở vị trí độc đáo để chia sẻ những thông điệp về đức tin, lòng trắc ẩn và niềm hy vọng đến một thế giới đang tìm kiếm ý nghĩa của nó.

Với tư cách là tiếng nói mới nhất của Giáo hội trong không gian kỹ thuật số, Đức Lêô XIV bước tiếp trên con đường mà các vị tiền nhiệm đã nhận ra tiềm năng lớn lao của các phương tiện này trong việc tiếp cận con tim và lý trí của con người trên khắp hoàn cầu, để hoàn thành sứ mạng rao giảng Tin Mừng của Giáo hội cho mọi thế hệ.

G. Võ Tá Hoàng
Mới hơn Cũ hơn