![]() |
The Cardinals Feel The Need To Be Supported By The Prayers Of All The Faithful. Photo: Desde La Fe |
Lịch sử dài hơn hai thiên niên kỷ của Giáo hội Công giáo đã chứng kiến rất nhiều mẫu người khác nhau được chọn làm Giáo hoàng, Giám mục Rôma và là người kế vị Thánh Phêrô. Có những vị xuất thân từ giới trí thức thần học, có những người từng là tu sĩ khổ hạnh, có những vị từng giữ chức vụ chính trị quan trọng ngoài đời, thậm chí có người khi được bầu làm Giáo hoàng vẫn chưa phải là linh mục hay giám mục. Tất cả những điều ấy cho thấy rằng việc bầu chọn Giáo hoàng không chỉ phản ánh những quy chuẩn luật định, mà còn là dấu chỉ của thời đại, bối cảnh lịch sử và đôi khi là sự can thiệp mầu nhiệm của Chúa Thánh Thần.
1. Luật Giáo hội và điều kiện để được bầu làm Giáo hoàng
Ngày nay, một quan niệm phổ biến cho rằng người được bầu làm Giáo hoàng phải là Hồng y. Tuy nhiên, điều đó không hoàn toàn đúng theo luật Giáo hội. Theo Bộ Giáo luật hiện hành, cụ thể là điều 332 §1, thì bất kỳ người nam nào đã được rửa tội, thuộc Giáo hội Công giáo và có đủ điều kiện lãnh nhận chức Giám mục đều có thể được chọn làm Giáo hoàng. Điều này có nghĩa là, trên phương diện lý thuyết, một người không phải là Hồng y, thậm chí không phải là linh mục, vẫn có thể được bầu làm Giáo hoàng. Và “vị nào đắc cử Giáo Hoàng mà đã có chức Giám mục, thì lãnh nhận quyền ấy ngay chính lúc ngài ưng nhận. Nhưng nếu vị đắc cử không có chức Giám mục, thì ngài phải được tấn phong Giám mục ngay lập tức” (Gl 332§1).
2. Các Giáo hoàng không phải là Hồng y
a. Đức Giáo hoàng Gioan XIX (1024-1032)
Một trường hợp đáng chú ý là Đức Gioan XIX, được bầu vào năm 1024. Trước đó, ngài là một người thế tục giữ chức quan chấp chính (consul) và thượng nghị sĩ của Rôma, và chưa hề chịu chức linh mục hay giám mục. Việc ngài trở thành Giáo hoàng là kết quả của ảnh hưởng gia đình: ngài là em trai của Giáo hoàng Bênêđictô VIII và được gia đình Tusculum vận động đưa lên ngôi Giáo hoàng như một hình thức kế vị chính trị. Ngài được phong chức linh mục và giám mục một cách vội vã để hợp thức hóa chức vụ, điều này gây ra nhiều tranh cãi trong Giáo hội thời bấy giờ[1].
b. Đức Giáo hoàng Grêgôriô X (1271-1276)
Một ví dụ khác là Đức Grêgôriô X, được chọn làm Giáo hoàng năm 1271, khi ngài đang ở Đất Thánh trong một cuộc Thập tự chinh. Lúc ấy, ngài là Giám mục nhưng không phải là Hồng y. Vì thế, sự chọn lựa của ngài đánh dấu một bước ngoại lệ trong lịch sử bầu Giáo hoàng, đồng thời nhấn mạnh tính linh hoạt của tiến trình bầu chọn – nơi mà sự thánh thiện và kinh nghiệm mục vụ có thể vượt trên danh hiệu giáo phẩm.
c. Đức Giáo hoàng Celestinô V (7/1294 - 12/1294)
Một trường hợp khác lạ thường là Đức Celestinô V – một ẩn sĩ và tu sĩ sống ẩn dật, được chọn làm Giáo hoàng trong hoàn cảnh Giáo hội bế tắc vì không chọn được người kế vị suốt hơn hai năm. Ngài miễn cưỡng chấp nhận vai trò này, dù thiếu mọi chuẩn bị về mặt hành chính hay chính trị. Chỉ sau năm tháng trên ngôi vị, ngài xin thoái vị, trở thành một trong những vị Giáo hoàng hiếm hoi trong lịch sử tự ý từ chức. Hành động của ngài, tưởng như cá biệt, lại trở thành gợi ý quan trọng trong thời hiện đại, đặc biệt sau khi Đức Bênêđictô XVI viếng mộ ngài – một cử chỉ mang nhiều biểu tượng trước khi chính Đức Bênêđictô cũng từ chức năm 2013.
3. Từ đâu có các Hồng y? – Một phẩm trật “mới” trong lịch sử
Ngày nay, người Công giáo đã quen với việc Hồng y là những người có quyền bầu Giáo hoàng và là thành phần ưu tú của Giáo triều. Tuy nhiên, “chức vị Hồng y” không phải là điều luôn hiện diện trong Giáo hội.
Nguyên từ “cardinalis” trong tiếng Latinh có nghĩa là “cốt lõi, then chốt” hay “bản lề”. Ban đầu, đây là một danh hiệu để chỉ những giáo sĩ giữ vai trò then chốt trong Giáo phận Rôma, bất kể chức linh mục, phó tế hay giám mục. Chỉ đến thế kỷ XI, chức vị Hồng y mới dần được xác lập như một danh hiệu đặc biệt với quyền bầu Giáo hoàng, bắt đầu bằng Sắc lệnh của Đức Nicolas II năm 1059 – quy định rằng chỉ các Hồng y Giám mục mới có quyền bầu Giáo hoàng. Sau này, quyền đó mở rộng cho cả Hồng y linh mục và Hồng y phó tế, như ta thấy ngày nay.
Sự thiết lập Hồng y đoàn vì thế là một bước tiến trong việc tạo nên cơ chế chọn lựa người kế vị Thánh Phêrô một cách có tổ chức hơn, nhưng không có nghĩa là người không phải Hồng y thì không thể làm Giáo hoàng.
4. Các linh mục, thậm chí người đã lập gia đình, từng là Giáo hoàng
Lịch sử Giáo hội sơ khai cũng cho thấy sự đa dạng đáng ngạc nhiên trong việc chọn lựa vị kế vị Thánh Phêrô. Nhiều vị Giáo hoàng đầu tiên chỉ là linh mục (presbítero) hoặc thậm chí phó tế (diácono), bởi vì vào thời ấy, Giám mục Rôma không bắt buộc phải là người được tấn phong giám mục trong cách hiểu hiện đại.
Điển hình nhất là chính Thánh Phêrô – vị Giáo hoàng tiên khởi – được biết là đã lập gia đình, vì Tin Mừng cho biết Chúa Giêsu đã chữa lành mẹ vợ của Phêrô (x. Mt 8,14-15). Mặc dù truyền thống tin rằng ngài đã sống đời độc thân hoặc ly thân với vợ sau khi theo Chúa Kitô, nhưng việc ngài từng lập gia đình là điều không thể chối cãi. Điều này cho thấy Giáo hoàng, dù là chức vụ cao nhất trong Giáo hội, vẫn nằm trong lằn ranh nhân tính rất rõ nét.
5. Ngày nay, liệu một người không phải là Hồng y có thể được bầu làm Giáo hoàng không?
Trên thực tế, khả năng một người không phải là Hồng y được bầu làm Giáo hoàng ngày nay là cực kỳ thấp – gần như không thể xảy ra. Tất cả các Giáo hoàng trong 500 năm qua đều là Hồng y trước khi được bầu. Điều này một phần là vì cơ chế Hồng y đoàn đã phát triển thành một cơ cấu chặt chẽ, nơi các Hồng y quen biết nhau, đánh giá lẫn nhau và thường chọn người trong số mình để tiếp tục công cuộc cai quản Giáo hội.
Tuy nhiên, Giáo hội luôn có khả năng tạo nên bất ngờ. Việc Đức Bênêđictô XVI từ chức – điều chưa từng xảy ra trong gần 600 năm – là một bằng chứng cho thấy “không có gì là không thể” trong sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Và như thế, trong tương lai, không ai có thể nói chắc rằng sẽ không có một người “ngoài Hồng y đoàn” bước vào ngôi vị kế vị Thánh Phêrô.
6. Một sự thật bất biến: “Habemus Papam
Dù là Hồng y, tu sĩ, linh mục hay giám mục, mỗi khi vị tân Giáo hoàng được chọn, thì Giáo hội hoàn vũ đều hân hoan vang lên lời loan báo huyền thoại từ ban công Đền thờ Thánh Phêrô: “Habemus Papam!” – “Chúng ta đã có Giáo hoàng!”
Đó không chỉ là một nghi lễ cổ kính, mà là một lời nhắc rằng Giáo hội vẫn đang được hướng dẫn – không bởi con người, mà bởi Chúa Thánh Thần, Đấng hoạt động âm thầm nhưng hiệu quả trong lịch sử Giáo hội.
7. Tính linh hoạt và mầu nhiệm trong việc chọn người kế vị Thánh Phêrô
Qua các thế kỷ, việc chọn Giáo hoàng vừa phản ánh bối cảnh thời đại, vừa là dấu chỉ sự trung tín của Thiên Chúa đối với Giáo hội. Từ các vị Hồng y lỗi lạc nơi học viện đến các ẩn sĩ sống ẩn dật, từ người lãnh đạo có tầm vóc chính trị đến những mục tử thôn quê, mỗi vị Giáo hoàng đều góp phần vào công trình cứu độ bằng chính bản thân và bối cảnh riêng biệt.
Chức vụ Giáo hoàng là một ơn gọi cao cả và đầy thách đố, đòi hỏi sự khiêm tốn, khôn ngoan, lòng đạo đức và sự tự hiến trọn vẹn. Và dù xuất thân từ đâu, người được chọn luôn được mời gọi bước theo gương Thánh Phêrô – Đấng đã yêu mến và phục vụ Chúa Kitô đến tận cùng.
Và hôm nay, hơn bao giờ hết, thế giới vẫn cần một Giáo hoàng, bởi Giáo hoàng chính là tiếng nói của lương tâm giữa một thế giới đang chứng kiến sự suy yếu của các hệ phái chính trị. Ngài là người dám đối diện với quyền lực bất công, bênh vực người nghèo bị bỏ rơi, lên tiếng cho công trình tạo dựng đang bị tổn thương. Qua sự hiện diện và giáo huấn của mình, vị Giáo hoàng nhắc nhớ rằng: có những vấn đề – đặc biệt là những vấn đề liên quan đến phẩm giá con người và sự sống chung – không thể giải quyết chỉ bằng kỹ thuật hay chính sách, mà cần đến ánh sáng Tin Mừng, lòng nhân ái và một viễn tượng vượt lên trên lợi ích cục bộ.[2]
Chúng ta cùng dâng lời cầu nguyện, xin Chúa Thánh Thần tuôn đổ ánh sáng khôn ngoan và ân sủng trên mật nghị Hồng y sắp tới, để mọi sự được diễn ra trong thánh ý Chúa. Xin Người hướng dẫn các vị Hồng y trong việc chọn lựa vị kế nhiệm thánh Phêrô – một vị mục tử theo trái tim Thiên Chúa, có thể tiếp tục dẫn dắt Giáo hội và toàn thể nhân loại bước đi trên hành trình canh tân, hiệp nhất và thánh thiện
G. Võ Tá Hoàng
----------------------------------
[2] https://giaophanvinhlong.net/tai-sao-the-gioi-van-can-den-mot-giao-hoang.html
[3] https://es.aleteia.org/2025/05/04/cuando-un-papa-no-es-cardenal-sigue-siendo-posible