Phải mất bao nhiêu ngày để bầu chọn một giáo hoàng


Trong thời gian gần đây, mật nghị - tức cuộc họp kín của các Hồng Y nhằm bầu chọn Tân Giáo hoàng - đã trở thành một tiến trình diễn ra trong vài ngày, đôi khi chỉ gói gọn trong vài giờ. Không còn là vấn đề kéo dài hàng tuần hay hàng tháng, việc bầu chọn vị kế vị Thánh Phêrô thường diễn ra rất nhanh chóng, được thúc đẩy bởi nhận thức sâu sắc rằng thế giới Công giáo, và cả không phải công giáo, đang cần một người lãnh đạo chắc chắn. Từ năm 1922 đến nay, đây là thời gian diễn ra các mật nghị đã đưa Giáo hội đến với bảy vị Giáo hoàng gần nhất: Piô XI, Piô XII, Phaolô VI, Gioan Phaolô I, Gioan Phaolô II, Bênêđictô XVI và Phanxicô.

Piô XI (1922)

Mật nghị đưa đến việc bầu chọn Đức Tổng Giám mục Milano, Achille Ratti, lên ngôi Giáo hoàng với tước hiệu Piô XI, kéo dài trong bốn ngày. Bắt đầu từ ngày 1 tháng 2 năm 1922 và kết thúc ngày 6 tháng 2, sau mười bốn vòng bỏ phiếu. Đây là một cuộc bầu cử không được đoán trước, bởi Ratti được xem là cầu nối giữa những người bảo thủ và những người muốn đổi mới trong Giáo hội.

Piô XII (1939)

Eugenio Pacelli, lúc bấy giờ là Quốc vụ khanh dưới triều Piô XI, đã được bầu chọn một cách nhanh chóng. Mật nghị bắt đầu ngày 1 tháng 3 năm 1939 và kết thúc chỉ sau một ngày – ngày 2 tháng 3 – chỉ sau ba vòng bỏ phiếu. Đây là một kỷ lục về tốc độ, phần lớn nhờ vào uy tín quốc tế vượt trội của Pacelli vào đêm trước thế chiến thứ hai.

Phaolô VI (1963)

Sau khi Đức Gioan XXIII qua đời, mật nghị bầu giáo hoàng dẫn đến việc bầu chọn Giovanni Battista Montini, tổng giám mục Milan, diễn ra từ ngày 19 đến 21 tháng 6 năm 1963, kéo dài hai ngày với sáu vòng bỏ phiếu. Montini được coi là người tiếp nối Công đồng Vatican II, vốn đã được khởi xướng bởi vị tiền nhiệm.

Gioan Phaolô I (1978)

Mật nghị diễn ra từ ngày 25 đến 26 tháng 8 năm 1978 là một trong những mật nghị nhanh nhất trong lịch sử hiện đại. Trong vòng chưa đầy hai mươi bốn giờ và bốn lần bỏ phiếu, các hồng y đã bầu chọn Albino Luciani, Thượng phụ Venezia, người lấy tên là Gioan Phaolô I. Dù chỉ tại vị vỏn vẹn 33 ngày, vị Giáo hoàng “chuyển tiếp” này đã để lại dấu ấn sâu sắc bằng sự hiền lành của mình, thay đổi diện mạo Giáo hoàng đương đại.

Gioan Phaolô II (1978)

Sau cái chết đột ngột của Đức Luciani, mật nghị lần thứ hai trong cùng năm 1978 được tổ chức từ ngày 14 đến 16 tháng 10, sau tám vòng bỏ phiếu. Kết quả là Karol Wojtyła, Tổng Giám mục Krakow, trở thành vị Giáo hoàng đầu tiên không phải người Ý sau hơn 450 năm. Đây là một mật nghị đầy kịch tính, phản ánh nhu cầu ổn định trong Giáo hội sau cơn chấn động bất ngờ.

Bênêđictô XVI (2005)

Khi Đức Gioan Phaolô II qua đời, các Hồng Y nhóm họp ngày 18 tháng 4 năm 2005. Mật nghị lần này diễn ra hết sức ngắn gọn: chỉ hai ngày, kết thúc vào ngày 19 tháng 4, sau bốn vòng bỏ phiếu. Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, niên trưởng Hồng Y đoàn, được bầu chọn nhanh chóng nhờ uy tín thần học vượt trội và nhu cầu mạnh mẽ về tính liên tục với triều đại giáo hoàng trước. Khói trắng đã bốc lên từ ống khói Nhà nguyện Sistina ngay trong ngày bỏ phiếu thứ hai. (Nguồn: Peter Seewald, Benedetto XVI. Una vita, và La Civiltà Cattolica)

Phanxicô (2013)

Tám năm sau, với việc Đức Bênêđictô XVI từ nhiệm, các Hồng Y tụ họp vào ngày 12 tháng 3 năm 2013. Lần này cũng vậy, việc phân định cũng diễn ra mau chóng: đến ngày 13 tháng 3, sau năm vòng bỏ phiếu, Đức Jorge Mario Bergoglio, Tổng Giám mục Buenos Aires, được chọn làm Giáo hoàng. Ngài là vị Giáo hoàng Dòng Tên đầu tiên và là người Nam Mỹ đầu tiên trong lịch sử. Đức Phanxicô đã khẳng định mình là người có khả năng nối kết nhiều khuynh hướng khác nhau trong Hồng Y Đoàn, vào thời điểm Giáo hội cần đơn giản hóa ngôn ngữ và mở ra những con đường mới.

Mật nghị ngắn nhất từng được ghi nhận chỉ kéo dài mười giờ, diễn ra vào đêm 31 tháng 10 đến sáng ngày 1 tháng 11 năm 1503, ngay sau cái chết của Đức Piô III. Trong thời gian kỷ lục, các Hồng Y đã bầu chọn Giulio II – tên thật là Giuliano della Rovere (1443–1513), làm Giáo hoàng thứ 216 của Giáo hội Công giáo. Là một trong những nhân vật lừng danh của thời Phục Hưng, Đức Giulio II là người bảo trợ quan trọng cho Michelangelo và Raphael, khởi công xây dựng Đền Thờ Thánh Phêrô, đồng thời sáng lập Bảo tàng Vatican và đội Vệ binh Thụy Sĩ.

Ở chiều ngược lại, mật nghị dài nhất trong lịch sử kéo dài suốt 2 năm 9 tháng, tức 1.006 ngày, diễn ra tại Viterbo từ ngày 29 tháng 11 năm 1268 đến ngày 1 tháng 9 năm 1271. Một giai đoạn căng thẳng, bị chi phối bởi những tranh chấp chính trị và xung đột gay gắt giữa các phe phái trong Giáo hội cũng như giữa các vua chúa châu Âu. Tình thế chỉ được tháo gỡ khi Hoàng đế Rudolf I của dòng họ Habsburg can thiệp, dẫn đến việc chọn lựa Tedaldo Visconti, sau này trở thành Giáo hoàng Grêgôriô X. Chính từ mật nghị bất tận này mà những cải cách quan trọng đã ra đời. Đức Grêgôriô X ban hành sắc lệnh Decretum de electione papae, quy định rằng các Hồng Y phải bị nhốt kín “cum clave” ở một nơi biệt lập, bị cắt đứt với thế giới bên ngoài và sống trong điều kiện hết sức nghiêm ngặt.

Thực tế, trong mật nghị Viterbo, để buộc các Hồng Y đưa ra quyết định, chính quyền địa phương đã cắt giảm khẩu phần ăn và… tháo luôn mái nhà, khiến các vị Hồng Y phải chịu đựng mưa gió, nắng cháy trong suốt quá trình phân định!

Ngày nay, mặc dù có những thay đổi về cơ cấu, nhân sự và tính chất toàn cầu của Giáo hội, các mật nghị vẫn giữ được nét uy nghi, bí nhiệm và sự hiệu quả trong tiến trình chọn lựa người kế vị Thánh Phêrô. Nhanh chóng nhưng không hời hợt; mang tính phân định sâu xa nhưng cũng phản ánh thực tại thời đại – đó chính là một trong những nét độc đáo của truyền thống Công giáo kéo dài hơn hai thiên niên kỷ.

G. Võ Tá Hoàng
Mới hơn Cũ hơn