Một lời giải phóng khỏi sự dữ và tái tạo con người mới - suy niệm Chúa nhật 4 thường niên B



SUY NIỆM CHÚA NHẬT IV THƯỜNG NIÊN, NĂM B

Chúa nhật tuần trước chúng ta được mời gọi suy ngẫm về ơn gọi của Phêrô, Anrê, Giacôbê và Gioan. Cùng với bốn ngư phủ này, những người được Chúa Giêsu kêu gọi trở thành những tay chài lưới người, hôm nay chúng ta tiếp tục cuộc hành trình bắt đầu bằng việc đọc Tin Mừng Thánh Marcô. Trong đoạn Tin mừng hôm nay, Thánh sử kể cho chúng ta về Đấng Messia đến Capharnaum. Hôm đó là thứ Bảy và cũng như bao người Do Thái, Chúa Giêsu đến hội đường để cầu nguyện và đọc Kinh thánh. Vì, sau các kinh sư và kỳ lão, mọi người dân Israel đều có thể yêu cầu chia sẻ, nên Chúa Giêsu lên diễn đàn và giảng dạy với một uy quyền khiến những người có mặt phải kinh ngạc. Theo sau thẩm quyền giảng dạy là thẩm quyền hành động nhằm giải thoát một người bị quỷ ám. Ma quỷ là kẻ xâm nhập vào con người, mà con người là con Thiên Chúa. Lời của Con Thiên Chúa xua đuổi sự dữ và chấm dứt cuộc sống chung tàn khốc và hủy diệt.

Những người chứng kiến ​​cảnh tượng trong hội đường đều “sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có uy quyền, chứ không như các kinh sư”.

Chúa Giêsu giảng dạy như một người có thẩm quyền. Người có thẩm quyền là người không chỉ công bố tin mừng mà còn khiến nó xảy ra. Chúng ta có thể thấy điều này qua đoạn Kinh thánh sau: “Trong hội đường của họ, có một người bị thần ô uế nhập, la lên rằng : “Ông Giêsu Nazarét, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi ? Tôi biết ông là ai rồi : ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa !” Nhưng Đức Giêsu quát mắng nó : “Câm đi, hãy xuất khỏi người này !” Thần ô uế lay mạnh người ấy, thét lên một tiếng, và xuất khỏi anh ta” (Mc 1,23-26). Tin vui là Thiên Chúa ở giữa loài người và giải thoát họ bằng cách trả lại cho họ cuộc sống khỏe mạnh và thánh thiện.

Phúc âm (= Tin mừng), là chính Chúa Kitô, mà Ngài mang đến cho chúng ta là một lời dạy mới mẻ, không chỉ là điều chưa từng được nói trước đây hoặc chưa từng được nghe ở nơi nào khác. Đây không chỉ đơn giản là một sự mới lạ theo trình tự thời gian. Trong lời Chúa Giêsu, người ta cảm nhận được sự hiện diện của sự mới mẻ của Thiên Chúa, đó là một điều mới mẻ về chất lượng: một điều gì đó tái sinh và đổi mới.

Sự mới lạ của Chúa Giêsu đã xâm nhập vào thế giới: lời giảng dạy của Người không thể bị thu gọn thành một học thuyết, một bài học siêu phàm về thần học hay đạo đức để áp đặt lên đôi vai yếu đuối của con người. Điều mới lạ là chính Ngài, Đấng chỉ cần được chào đón như một sức mạnh giải phóng. Chúa Kitô, Đấng “mang đến mọi điều mới mẻ bằng chính mình” (Thánh Irênê thành Lyons) bằng Lời được công bố một cách đầy thẩm quyền, biểu lộ tình yêu của Thiên Chúa. Lời của Ngài là lời hoạt động và giải thoát những nạn nhân của sự dữ, tách họ ra khỏi quyền lực của Ác thần để phục hồi phẩm giá và tự do của họ với tư cách là con cái Thiên Chúa.

Tin Mừng được gửi đến cho chúng ta hôm nay để chúng ta đón nhận nó bằng cách cầu xin cho mình được tẩy sạch tội lỗi và biến lời của Thánh Bernard thành Clairvaux thành lời của chúng ta: “Tôi đã phạm tội trọng, khiến lương tâm xáo trộn nhưng nó sẽ không lay động tôi vì tôi nhớ đến những vết thương của Chúa. Do đó, nếu tôi nghĩ đến một phương thuốc mạnh mẽ và hiệu quả như vậy, tôi sẽ không còn lo lắng bởi bất kỳ căn bệnh nào, dù ác tính đến đâu… Vì vậy, công nghiệp của tôi là lòng thương xót của Thiên Chúa, mãi mãi Ngài vẫn là Đấng đầy lòng thương xót” (Bài giảng số 61).

Quyền năng của Chúa Kitô là uy quyền của một con người giàu lòng thương xót và nhân đạo. Trong khi các kinh sư “giảng dạy” với mối bận tâm giải thích Lề Luật và xây dựng một nền giáo lý, thì Chúa Giêsu “giảng dạy” bằng cách cho thấy sự mới mẻ của cuộc đời của Ngài là “sự viên mãn” của Lề Luật. Từ đó xuất hiện một “uy lực” tạo ra sự kinh ngạc. Vấn đề ở đây không chỉ nói đến một “học thuyết” tốt hơn, sâu sắc hơn mà còn nói đến sức mạnh biến đổi cách nhân từ cho những ai mở lòng đón nhận nó. Lời của Chúa Kitô là một lời mạnh mẽ, đồng thời ngọt ngào, có tác dụng chữa lành và giải thoát khỏi tội lỗi.

Gặp gỡ tình yêu có thẩm quyền.

Chuỗi thời gian lặp đi lặp lại ở Capharnaum bị phá vỡ – trong hội đường thời đó và trong nhà thờ ngày nay – bởi cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu thành Nazarét với những người dân địa phương, trong số đó có một người bị thần ô uế ám. Mọi người đều ngạc nhiên và bắt đầu thắc mắc: “Thế nghĩa là gì ? Lời giảng dạy thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho cả các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh !”

Ngay cả hôm nay, trong phụng vụ, chúng ta cũng được mời gặp gỡ Thiên Chúa, Đấng đến với chúng ta bằng lời của Ngài, ra lệnh bằng uy quyền, để giải thoát chúng ta khỏi quyền lực của ma quỷ là kẻ xúi giục chúng ta, lấy đi những gì phép rửa đã ban cho chúng ta.

Để cướp linh hồn của con cái Thiên Chúa, ma quỷ gieo rắc sự nghi ngờ nơi con người bằng cách khiến họ nghĩ rằng Thiên Chúa không phải là Cha mà là kẻ thù của nhân loại chúng ta.

Ma quỷ là “thần ô uế” vì nó muốn làm nhơ bẩn cái nhìn của chúng ta bằng cách làm ô nhiễm nó tận gốc rễ; một cái nhìn đen tối không còn nhìn thấy tình yêu của Thiên Chúa, đánh mất đi lý do để ca ngợi Chúa và do đó xa cách Ngài.

May thay, ngay cả ngày nay Chúa Kitô cũng đi vào “nơi chúng ta tụ họp” để cầu nguyện và đến gặp chúng ta. Ngài “dạy dỗ một cách có thẩm quyền” trong các buổi cử hành phụng vụ, qua việc rao giảng và công bố Lời Chúa.

Chúng ta cần “thẩm quyền” của Chúa Giêsu, khác với “thẩm quyền” của “các kinh sư”. Ngài không nói một cách hảo huyền, tòa giảng của Ngài không ở xa nhưng bên cạnh những người nghèo và tội nhân. Chúa Kitô là Đấng có thẩm quyền vì Ngài đã mang dung mạo của Thiên Chúa đến trần gian, trao thân mình của Ngài cho Chúa Cha và đã “bao bọc” quyền toàn năng của Ngài trong lòng thương xót.

Chúa Giêsu không nói nhân danh Thiên Chúa giống như các kinh sư đã làm. Ngài là Thiên Chúa. Ngài ngự vào trong tâm hồn và chữa lành nó bằng uy quyền của mình. Chỉ có Ngài mới có thể chữa lành chúng ta khỏi điều ác bằng cách thanh lọc nguồn gốc của những thái độ xấu xa của chúng ta.

Điều quan trọng là tâm trí chúng ta hướng về Chúa Kitô, tức là cùng với anh chị em mình, quay về với Ngài. Cuộc hành trình bắt đầu vào Chúa Nhật này sẽ kết thúc trên Thập Giá. Chúng ta bước đi với cái nhìn hướng về Chúa Kitô, Đấng từng bước dẫn chúng ta nhận ra căn tính của Ngài.

Chúng ta hãy ngạc nhiên trước cuộc gặp gỡ không thể tưởng tượng được với một Thiên Chúa không đè bẹp con người, nhưng trao ban chính mình, yêu thương và giải phóng con người để họ có thể sống.

Hãy biến sự kinh ngạc của thính giả thời đó trở thành của chúng ta.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Thánh Marcô viết: “Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có uy quyền, chứ không như các kinh sư. Mọi người đều ngạc nhiên, gần như không thể tin được, nhận thấy trong lời của Ngài sức mạnh vượt trội của ân sủng, như Thánh Luca cũng đã viết: “Mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người” (Lc 4,22).

Khi gặp gỡ Chúa Kitô, thái độ cần có là thái độ lắng nghe đầy kinh ngạc. Việc lắng nghe đòi hỏi một bầu không khí im lặng nội tâm và căng tràn sự kinh ngạc, một dấu hiệu của lòng khao khát hiểu biết, trong đó thái độ đón nhận và dâng hiến được nảy sinh và phát triển.

Điển hình cho thái độ đón nhận và dâng hiến này đến từ những người sống đời tận hiến, những người làm chứng cho những gì Thánh Phaolô nói trong bài đọc thứ hai của Thánh lễ hôm nay

Thánh Phaolô viết: Thưa anh chị em, tôi muốn anh chị em không phải bận tâm lo lắng điều gì. Đàn ông không có vợ thì chuyên lo việc Chúa : họ tìm cách làm đẹp lòng Người. Còn người có vợ thì lo lắng việc đời : họ tìm cách làm đẹp lòng vợ, thế là họ bị chia đôi. Cũng vậy, đàn bà không có chồng và người trinh nữ thì chuyên lo việc Chúa, để thuộc trọn về Người cả hồn lẫn xác. Còn người có chồng thì lo lắng việc đời : họ tìm cách làm đẹp lòng chồng. Tôi nói thế là để mong tìm ích lợi cho anh chị em, tôi không có ý gài bẫy anh chị em đâu, nhưng chỉ muốn đề nghị với anh chị em một điều tốt, để anh chị em được gắn bó cùng Chúa mà không bị giằng co” (1 Cor 7, 32-35).

Ngày nay có quá nhiều điều khiến chúng ta sao lãng mối quan hệ với Chúa và chỉ thỏa mãn những nhu cầu vật chất của mình. Giáo huấn của Thánh Phaolô và chứng từ của những người sống đời tận hiến cho thấy một con đường có thể thay thế cho những ai quan niệm tình yêu chỉ trong khung trời của thời gian hiện tại và tính vật chất. Việc lạm dụng từ ngữ tình yêu và những ý nghĩa khác nhau của nó khiến chúng ta hiểu rằng thật khó để lựa chọn con đường đúng đắn để sống trong tình yêu Thiên Chúa và để yêu thương tất cả anh em mình một cách trinh khiết bất chấp những giới hạn và thiếu sót.

G. Võ Tá Hoàng
Mới hơn Cũ hơn