Đức Maria Mẹ Giáo Hội




Sau khi tuyên bố Đức Maria là "thành phần trỗi vượt" là "kiểu mẫu" và "mẫu mực" của Giáo hội Công giáo được Chúa Thánh Thần chỉ dạy, dâng lên Ngài tình con thảo, như đối với một người Mẹ rất dấu yêu (LG 53), bản văn Công đồng không minh nhiên gán tước hiệu "Mẹ Giáo Hội" cho Đức Trinh Nữ rất thánh nhưng bản văn đó biểu thị không sai lầm một nội dung của nó khi lặp lại lời tuyên bố của Đức Giáo Hoàng Bênêdictô XIV trước đây đã hơn hai thế kỷ năm 1748, (Bullarium Romanum, series 2, 1, 2 n. 61, p 428). Tài liệu này mô tả những tình cảm con thảo của Giáo hội, qua đó Giáo hội nhìn nhận Đức Maria là người mẹ yêu quý nhất của mình, gián tiếp tuyên bố Mẹ là Mẹ Giáo hội.

Trong quá khứ tước hiệu này ít sử dụng, nhưng gần đây do sự chú ý nhiều hơn tới mầu nhiệm Giáo hội và mối tương quan của Đức Maria với Giáo hội, nên Đức Trinh Nữ rất thánh bắt đầu được kêu cầu như là "Mẹ Giáo Hội".

Trước Công Đồng Vatican II, kiểu nói này được Đức Lêô XIII sử dụng, ngài quả quyết rằng Đức Maria "đúng thật là Mẹ Giáo Hội" (Acta Leonis XIII, 15, 302). Tước hiệu này về sau được sử dụng nhiều lần trong các bài giảng Thánh Gioan XXIII và Phaolô VI.

Trong sự kết hợp với Chúa Kitô.

“Đức Maria kết hợp với Chúa Kitô, đó là nền tảng vai trò của Mẹ đối với Giáo hội. Sự liên kết giữa Mẹ và Con trong công cuộc cứu rỗi được tỏ rõ khởi từ ngày truyền tin, Mẹ được kêu mời đón nhận thánh ý để Vương quốc cứu thế hiện diện. Mẹ Người cũng đã xuất hiện rõ ràng, và ngay từ đầu, trong tiệc cưới Cana, xin Con thi hành quyền năng cứu thế của Người, tức là Mẹ đã góp phần cơ bản vào việc ghi khắc đức tin trong cộng đồng đầu tiên của người tín hữu và Mẹ hợp tác trong sự bắt đầu xây dựng Nước Chúa, một nước đặt "mầm móng" và "khởi điểm" của mình trong Giáo hội. (x. LG 5).

Trên Núi Sọ Đức Maria liên kết mình với hy lễ của Con và đã góp phần hợp tác tình mẫu tử của mình trong công trình cứu chuộc dưới hình thức đau đớn của sự sinh nở, sinh ra nhân loại mới. Và “Ðức Nữ Trinh cũng đã tiến bước trong cuộc lữ hành đức tin, trung thành hiệp nhất với Con cho đến bên thập giá, là nơi mà theo ý Thiên Chúa (x. Ga 19,25). Ðức Maria đã đau đớn chịu khổ cực với Con một của mình và dự phần vào hy lễ của Con, với tấm lòng của một người mẹ hết tình ưng thuận hiến tế lễ vật do lòng mình sinh ra. Và cuối cùng chính Chúa Giêsu Kitô khi hấp hối trên thập giá đã trối Người làm Mẹ của môn đệ qua lời này: "Thưa Bà, này là con Bà" (x. Ga 19,26-27; x. LG 58)

Dựa vào nền tảng trên, khi giảng dạy về thiên chức làm Mẹ của Đức Maria, các giáo phụ cũng đã làm rõ gương mặt và vai trò của mẹ bên cạnh Đấng Cứu Thế.

Theo Thánh Iréné, Đức Maria "trở nên nguyên nhân cứu rỗi cho toàn dòng giống loài người" (Haer 3, 22, 4; PG 7, 959), và lòng thanh sạch của Đức Trinh Nữ" tái sinh người ta trong Thiên Chúa" (Haer 4, 33, 11; PG 7, 1080). Điều đó được Thánh Ambrosiô lặp lại, người nói: "Một Trinh Nữ đã sinh ra Đấng cứu rỗi cho thế gian, một Trinh Nữ đã mang đến sự sống cho mọi sự" (EP 63, 33; PG 16, 1198). Và nhiều giáo phụ khác cũng lặp lại khi gọi Đức Maria "Mẹ của sự cứu rỗi" (Severian of Gabala, Or 6 in mundi creatiomen, 10; PG 54, 4, Faustus of Riez, Max. Bibl. Patrum VI, 620-621).

Thời trung cổ thánh Anselmô thưa với Đức Maria thế này: "Bà là Mẹ sự công chính hoá và những kẻ được công chính hoá, là Mẹ sự hoà giải và những kẻ được hoà giải, là Mẹ sự cứu rỗi và những kẻ được cứu rỗi" (Or 52, 8; PL 158, 957), đang khi nhiều tác giả gán cho Bà tước hiệu "Mẹ ân sủng" và "Mẹ sự sống"[1].

Ngày 21/11/1964, Đức Phaolô VI long trọng tuyên bố Đức Maria Là Mẹ Hội Thánh: "Để vinh danh Đức Trinh Nữ và để chúng ta được an ủi, chúng tôi tuyên bố Rất Thánh Maria là Mẹ Hội Thánh, tức là Mẹ của toàn thể Dân Kitô Giáo, cả giáo dân lẫn mục tử, thành phần gọi Người là một Người Mẹ rất yêu dấu; và vì thế chúng tôi truyền cho toàn thể dân Kitô Giáo hãy dâng lên Mẹ Thiên Chúa một niềm kính tôn hơn nữa và hãy nguyện cầu cùng Người bằng tên gọi rất ngọt ngào này" (AAS 1964, 37)[2].

Như vậy tước hiệu “Mẹ Giáo Hội” được Đức Phaolô VI tuyên bố, phản chiếu niềm xác tín sâu xa của người tín hữu Kitô, họ thấy nơi Đức Maria không những là người Mẹ của con người Chúa Kitô, mà còn của người tín hữu. Mẹ được nhìn nhận là Mẹ sự cứu thế, Mẹ sự sống và ân sủng, Mẹ những người được cứu chuộc và Mẹ kẻ sống, thì Mẹ cũng được gọi là Mẹ Giáo hội.

G. Võ Tá Hoàng

----------------------

[1] Gioan Phaolô II, Blessed virgin is mother of the church, General Audience, 17/09/1997

[2] Sđd
Mới hơn Cũ hơn