Suy niệm Tin mừng tuần 3 Phục sinh



THỨ HAI TUẦN 3 PHỤC SINH

Ga. 6, 22-29

TẠI SAO THEO ĐỨC GIÊSU

Vậy khi dân chúng thấy Đức Giêsu cũng như các môn đệ không có ở đó, thì họ xuống thuyền đi Caphanaum tìm kiếm Người. Khi đã gặp thấy Người ở bên kia Biển Hồ, họ nói : "Thưa Thầy, Thầy đến đây bao giờ vậy ?" Đức Giêsu đáp : "Thật, tôi bảo thật các ông, các ông đi tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê. Các ông hãy ra công làm việc không phải vì của ăn hay hư nát, nhưng để có lương thực trường tồn đem lại phúc trường sinh, là thứ lương thực Con Người sẽ ban cho các ông, bởi vì chính Con Người là Đấng chính Thiên Chúa Cha đã ghi dấu xác nhận." (Ga. 6, 24-27)

Bài giảng về bánh hằng sống trong hội đường Caphanaum sau ngày phép lạ bánh hóa nhiều có lẽ là một tổng hợp các bài giảng ở nhiều nơi. Dân chúng ngạc nhiên khi thấy các môn đệ và Đức Giêsu ở Caphanaum vì họ không thấy Người xuống thuyền đi sang Caphanaum với các môn đệ, mà bây giờ lại thấy Người ở đây. Còn "Đức Giêsu khi thấy họ sắp bắt mình đem đi tôn làm vua, thì Người lánh mặt, đi lên núi một mình", mãi tới đêm, biển động vì gió thổi mạnh, các ông thấy Đức Giêsu đi trên mặt biển hồ đến gần thuyền … Ngay lúc đó thuyền đã tới bờ của miền Caphanaum.

Như thói quen, thánh Gioan sắp nối kết sự kiện phép lạ cụ thể này với ý nghĩa thần học : Họ tìm … họ ngạc nhiên vì không biết Người đến đây bằng cách nào ? Người đã đến đây bằng cách lạ lùng là đi trên mặt biển giữa đêm khuya gió to sóng lớn. Cũng thế, Đức Giêsu đã đến với họ không phải từ làng Nagiarét, như người ta biết, nhưng là từ trời mà người ta không biết, cũng như Người từ bờ hồ phía đông nơi bánh hóa nhiều, đi qua biển tới bờ hồ phía tây nơi miền Caphanaum.

Họ cố gắng tìm Đức Giêsu là điều đáng ca ngợi, còn đáng ca ngợi hơn nữa khi họ tìm Người trong đức tin, và liên kết với Người không vì của nuôi xác nhưng vì của ăn đời đời. Tuy nhiên, dân chúng vẫn tiếp tục đòi của vật chất, họ chú trọng đến manna nuôi sống cha ông họ hằng ngày trong sa mạc và so sánh với phép lạ hóa bánh ra nhiều để cầu mong Đức Giêsu cho họ được ăn như vậy. Còn Đức Giêsu, Người nhấn mạnh đến sự đói khát tinh thần, đến của ăn hằng sống cho linh hồn. Đó mới chính là sứ mệnh quan trọng của Người. Người đã hết sức nhẫn nại như đã nhẫn nại giải thích cho ông Nicôđêmô về sự tái sinh, cho bà ở Samari về nước trường sinh. Lúc này, Người cũng kiên nhẫn giải thích về bánh manna dựa vào thánh vịnh 78, 24 để dẫn họ tới bánh ban sự sống đời đời. Bài diễn thuyết này có thể hiểu như một giảng đạo có ba phần : Thiên Chúa đã ban Đức Giêsu là quà tặng của Thiên Chúa (câu 32-40), bánh bởi trời : Đức Giê-su đến từ trời (câu 41-50), để làm của ăn : như bánh ăn (câu 52-58).



THỨ BA TUẦN 3 PHỤC SINH

Ga. 6, 30-35

HÃY TIN

Đức Giêsu bảo họ : "Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói ; Ai tin vào tôi chẳng hề khát bao giờ !" (Ga. 6, 35)

"Hãy cho chúng tôi được ăn mãi thứ bánh đó".

"Hãy cho chúng tôi uống mãi thứ nước đó".

Lúc đó không còn phải vất vả lao khổ nữa ! Người Galilê cũng như người Samari chỉ biết có xin cho, xin cho để Chúa làm những phép lạ cho mình.

Thứ tôn giáo dễ dãi, mê tín dị đoan, ỷ nại, vị kỷ. Thứ tôn giáo làm suy thoái con người cầu đảo, ném tất cả mọi tham vọng của mình vào Thiên Chúa. Họ lợi dụng Thiên Chúa. Họ quên rằng Thiên Chúa đặt đường lối cho họ đến gặp Ngài, đường lối của Thiên Chúa không thể theo đường lối của chúng ta. Ngài luôn luôn đòi ta phải ăn năn sám hối trở về với Ngài để "ý Cha được thể hiện dưới đất cũng như trên trời". Cũng không phải trên trời phải như dưới đất.

Người Do thái cũng không lầm khi tin Đức Giêsu : "Chúng tôi phải làm gì để thực hiện những việc Thiên Chúa ?". Và Đức Giêsu cũng chẳng lầm khi trả lời : "Việc Thiên Chúa muốn là hãy tin vào Đấng Thiên Chúa sai đến". Làm là gì ? làm ở đây là thực hiện đức tin, là việc nội tâm, là tự tạo mình để tỏ lòng tin, tự đón nhận tận đáy lòng thuận theo chương trình của Thiên Chúa. Thuận theo, vâng phục là một ơn phải cầu xin cho mình chỉ thực hiện trong chân lý, chúng ta phải chứng tỏ chúng ta chân thật trước tôn nhan Chúa, phải vượt qua những ước muốn hời hợt phàm trần bên ngoài như lối cầu xin "xin cho chúng tôi được bánh đó mãi mãi". Để tiến tới lối cầu xin những điều cần thiết sâu thẳm : xin ánh sáng chân lý chiếu soi, xin được can đảm hy sinh, xin được tận tâm hiến thân. Tận đáy nền của việc cầu nguyện là gắn bó, cam kết, hiệp nhất.

Như thế toàn diện đời sống chúng ta mới có thể đến với Đức Kitô, sống với Người làm cho chúng ta trở nên con Thiên Chúa.

Cầu nguyện không phải là trốn trách nhiệm, nhưng xin Chúa giúp mình làm tròn trách nhiệm. Cầu xin hòa bình không phải xin phép lạ, chính là xin để mọi người sáng suốt, can đảm và khả năng xây dựng hòa bình.

Manna là bằng chứng Thiên Chúa ở với Môsê. Bánh hóa nhiều có nghĩa là chính Đức Giêsu là bánh từ Chúa Cha ban cho thế gian được sống vô cùng hơn của ăn vật chất, vì nhờ đức tin vào Người, chúng ta được tham dự vào chương trình Thiên Chúa. Thay vì rước Thánh Thể như một bánh ảo thuật, tín hữu phải nhìn thấy Đức Giêsu đến ban tặng tình yêu cho ta được làm bạn với Người để giải khát cơn đói chân lý, đói sự sống của ta, cho ta được hiệp thông với Thiên Chúa.


THỨ TƯ TUẦN 3 PHỤC SINH

Ga. 6, 35-40

SỨC MẠNH PHỤC SINH

Vì tôi từ trời mà xuống không phải là để làm theo ý tôi, nhưng là để làm theo ý Đấng đã sai tôi, mà ý của Đấng đã sai tôi là tất cả những kẻ Người đã ban cho tôi, tôi sẽ không để mất một ai, nhưng sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết. Thật vậy, ý của Cha tôi là tất cả những ai thấy người Con, và tin vào người Con thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết. (Ga. 6, 38-40)

Chúng ta đã nhấn mạnh đến giá trị tương quan giữa hai ngôi vị như của nuôi con người : Người ta chỉ có thể sống khi có sự tương quan với nhau, có sự cần tới nhau. Nói cách khác, ai có thể nuôi người khác được thì mới giải thoát được chính mình, mới gắn bó với người khác được.

Đức Giêsu, qua dấu chỉ tấm bánh, quả quyết với chúng ta rằng Người là một thứ của nuôi. Chính Người cam kết với chúng ta rằng : Người ban chính mình cho chúng ta, rằng : Chính mình Người là bằng chứng tình yêu gắn bó của Chúa Cha đối với chúng ta.

Hôm nay, Người cắt nghĩa rõ ràng Người được Đức Chúa Cha nuôi sống, Người sống nhờ Chúa Cha, cho chúng ta có sự sống của Người trong chúng ta. Thiên Chúa đã cam kết với chúng ta và cho chúng ta thấy dấu chỉ của sự cam kết này là chính Đức Giêsu Kitô đến dẫn đưa chúng ta đến sự sống lại : "Tất cả những ai thấy Chúa Con và tin ở Người thì được sống đời đời, và Ta, Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại ngày sau hết".

Tóm lại, bất kỳ ai chấp nhận liên đới với chính mình Đức Kitô đều được chúc phúc, được hưởng sức mạnh cứu độ của Người. Đời sống nhân loại của mình sẽ đi tới vô cùng để được tham dự vào đời sống của Thiên Chúa.

Sự mặc khải này đã làm cho chúng ta hôm nay thấy rằng tiếp xúc với Đức Giêsu Kitô là sức mạnh sự sống lại giúp ta bày tỏ lòng cảm tạ Thiên Chúa. Chúng ta phải biết rằng Đức Giêsu là quà tặng của Chúa Cha ban cho ta để Người đến tái tạo sự hợp nhất con người với Thiên Chúa, để tiêu diệt sự chết và tỏ bày sự sống lại.

Hành động tạ ơn của chúng ta có thể tô điểm cho ta thấy những sự lạ lùng để ý thức sự trung tín, vâng lời và sẵn sàng hiến dâng của Đức Giêsu Kitô đối với Đức Chúa Cha, Đấng đã sai Người đến thực hiện kế hoạch trao ban sự sống đời đời cho loài người.



THỨ NĂM TUẦN 3 PHỤC SINH

Ga. 6, 44-51

TÔI LÀ BÁNH HẰNG SỐNG

Tôi là bánh trường sinh. Tổ tiên các ông đã ăn manna trong sa mạc, nhưng đã chết. Còn bánh này là bánh từ trời xuống. Ai ăn bánh này thì sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống. (Ga. 6, 48-51)

Tiếp theo bài giảng của Đức Giêsu về bánh ban sự sống dẫn đưa chúng ta chiêm ngắm một tiến độ khác trong hoạt động của Đức Giêsu, chúng ta nhớ đến những tiến triển của bài giảng này dần dần đào sâu đến đoạn này.

Lúc đầu là bánh hóa nhiều. Phép lạ nuôi một đoàn dân chúng dẫn họ đi tìm Đấng đã làm phép lạ. Rồi Đức Giêsu rời xa họ, để vào nơi thanh vắng đêm khuya và hôm sau trở lại với các môn đệ bên kia bờ hồ. Tới đây, Người tiếp tục bài giảng sâu hơn, ý nghĩa hơn. Sự thay đổi nơi chốn thể hiện ý nghĩa thay đổi của bài giảng.

Đức Giêsu đồng hóa mình với thứ bánh mới. Ai liên kết với Người sẽ được sống. Đức Giêsu mặc khải mục đích của sự liên kết này là : Cho con người được sống lại. Hôm nay Người nói cho ta biết : Người sẽ trở nên nguồn sống lại cho chúng ta bằng cách nào ? Bằng cách hiến thịt mình cho chúng ta ăn. Ở cảnh này, Đức Giêsu còn nói rõ hơn : "Bánh Tôi ban tặng, chính là thịt Tôi đây để cho thế gian được sống".

Cho tới nhà Tiệc ly, Đức Giêsu nói : "Đây là mình Tôi bị nộp vì anh em". Tất cả hoạt động của Người, tất cả mọi sự in ấn trong thịt máu Người với những lao khổ, chống đối, những thao thức, những bước đi cho tới lúc chết : Tất cả là hồng ân ban tặng cho chúng ta.

Đức Kitô đã là Người hiến thân cho tha nhân, không phải chỉ trong ý tưởng hay tinh thần mà còn trong hành động cụ thể sống động để lấy thân xác mình là quà tặng cho muôn dân. Như vậy, ai kết hợp với Người là kết hợp với sự sống mạnh mẽ của Người và biểu lộ ra bằng thân xác, biến thân xác mình thành quà tặng ban sự sống như Đức Giêsu.

Phần chúng ta, được thông phần thịt máu Người và được tham dự sự sống lại của Người, đó là thực hiện thánh ý và việc làm của Đức Kitô để sẵn sàng hiến thân mình làm quà tặng cho tha nhân theo gương Người, với tất cả lao khổ, thống khổ của ta để làm tôi tớ mọi người.

Tế lễ của chúng ta là thực hiện những điều đó.



THỨ SÁU TUẦN 3 PHỤC SINH

Ga. 6, 52-59

NGÔN NGỮ LỄ HY SINH

Người Dothái liền tranh luận với nhau. Họ nói : "Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được". Đức Giêsu nói với họ : "Thật, tôi bảo thật các ông, nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết. (Ga. 6, 5254)

Những vấn nạn về tiệc Thánh Thể, về Mình và Máu Thánh Đức Kitô vẫn khó giải đáp. Chúng ta hiểu theo ngôn ngữ thực tế ư ? "Ăn thịt Ta và uống máu Ta" là vây quanh một xác chết, là tiêu hóa những miếng thịt của một cơ thể loài người từ hai ngàn năm nay sao ? Dứt khoát là không.

Ngược lại với lối giải thích trên, người ta hiểu theo nghĩa biểu tượng : "Ăn thịt Ta và uống máu Ta" chỉ là nhớ đến thịt và máu Đức Giêsu, tức là nhớ đến đời sống của Người, đến sinh hoạt của Người để gợi cảm hứng.

Đối với tôi, lời Đức Kitô rất rõ nét và súc tích. Tôi yêu lối giải thích cho bạn về lời Đức Kitô theo ngôn ngữ tế lễ hy sinh. Chúng ta được linh ứng theo lối giải thích của Kinh thánh để hiểu sự phân phát Mình thánh Đức Kitô.

Sự thông phần trong các lễ hy sinh, có sự phân phát của ăn cho các người tham dự. Của ăn đó là thịt con chiên hay con bê. Người ta lấy máu nó rảy trên dân chúng và dành một phần thiêu nó trên bàn thờ, một phần phân phát cho người dự lễ.

Phần dâng lên thì thuộc về Thiên Chúa với lời chúc tụng của dân chúng, điều đó có nghĩa là dân chúng nhận biết hồng ân Thiên Chúa và những việc lạ lùng Ngài làm cho dân.

Nhưng việc tế lễ đó không chỉ là do động lực của con người. Thiên Chúa tự mình nêu lên ý nghĩa cho những cử chỉ hy tế này. Hy tế trình bày quyền phép của Thiên Chúa trong hành động và khêu gợi cho con người đến tham dự.

Nguyên lý quan trọng nhất của tế lễ Thánh Thể không phải chúng ta làm cho Thiên Chúa xuống trong những dấu chỉ, nhưng chính Thiên Chúa đến với chúng ta, cho chúng ta được ở trong Ngài, cho chúng ta được liên kết với Ngài, được giao ước với Ngài.

Chúng ta vẫn còn được mời gọi tham dự vào tế lễ Thánh Thể này.



THỨ BẢY TUẦN 3 PHỤC SINH

Ga. 6, 60-69

NHỮNG KẺ CÒN LẠI

Vậy Đức Giêsu hỏi Nhóm Mười Hai : "Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi sao?" Ông Simon Phêrô liền đáp : "Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai ? Thầy mới có những lời đem sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa." (Ga. 6, 67-69)

Trong Tin mừng theo thánh Gioan, sau một phép lạ hay một dấu chỉ là tiếp đến một bài giảng giải thích ,thính giả hay khán giả tiếp thu với thái độ lựa chọn trước đức tin, chấp nhận hay từ chối lời chứng của Đức Kitô. Lúc đầu thường bày tỏ thái độ hăng hái theo Đức Giêsu, sau đó lại tỏ ra bất mãn về sự đòi hỏi phải tin vào Đức Giêsu.

Phúc cho ai biết đi theo Người vì họ không thể chống cự lại mạc khải của Đức Kitô : Phúc cho họ vì họ không biết thoái thác ! Phúc cho họ biết chọn lựa rõ ràng và không bị cuốn theo lười biếng !

Phúc hơn nữa cho ai sau khi nghe một loạt những lời của Đức Giêsu mà không còn bỏ Người ra đi, vì họ biết chỉ có một lý do độc nhất là sống theo Đức Giêsu và đặt hết tin tưởng và hy vọng của mình vào Người.

Bài giảng về bánh hằng sống được đọc lại cho chúng ta nghe trong tuần đã dẫn đưa các môn đệ phải biết chọn lựa theo Đức Giêsu. Có phải sự chọn lựa này đặt trên nền tảng lý luận tỉ mỉ kỹ lưỡng không ? Không cần thiết đâu, chỉ cần ưng thuận theo Đức Kitô với lòng cảm mến hơn là lý trí. Chúng ta nhận biết một người nào đó, chúng ta liên đới với họ, và không muốn rời họ. Những người lính được sai đi bắt Người đã nói : "Không có ai ăn nói như người này bao giờ".

Trái lại, nhiều người đã bị cám dỗ bỏ trốn theo lý trí, quyền lợi, luật lệ khi phải quyết định .

Bài giảng của Đức Giêsu cùng một mạch văn phản ảnh toàn thể tinh thần Tin mừng : Một tinh thần thuần túy điên dại trước mắt thế gian, nhưng lại là sự khôn ngoan trước mắt Thiên Chúa.

Những người còn lại theo Đức Giêsu đã đặt tin tưởng hoàn toàn vào Người.
Mới hơn Cũ hơn