Bài giảng đêm Vọng Phục Sinh của Đức Thánh cha Phanxicô



Thứ Bảy Tuần Thánh, ngày 8 tháng 4 năm 2023

Đêm sắp tàn và những tia nắng đầu tiên của bình minh ló dạng, các phụ nữ lên đường tiến về phía mộ Chúa Giêsu. Các bà đi với một trái tim bị xé nát, nghi ngại, lạc thần, bởi nỗi đau của cái chết đã cướp mất Người Yêu Dấu. Nhưng khi đến nơi, thấy mồ trống họ liền chuyển hướng. Bỏ lại ngôi mộ, họ chạy về loan báo cho các môn đệ một lộ trình mới: Chúa Giêsu đã sống lại và Người đang đợi các ông ở Galilê. Trong cuộc đời của những người phụ nữ này, Lễ Phục sinh đã diễn ra, có nghĩa là bước qua. Thực vậy, các bà đi từ hành trình ảm đạm đến ngôi mộ sang hành trình vui mừng đến với các môn đệ, để nói với các ông không những Chúa đã sống lại, mà còn có một mục tiêu phải đạt được ngay tức khắc, đó là Galilê. Cuộc hẹn với Đấng Phục Sinh là ở đó. Sự tái sinh của các môn đệ, sự sống lại của tâm hồn họ bước qua từ miền Galilê. Chúng ta cũng bước vào cuộc hành trình của các môn đệ đi từ nấm mồ đến Galilê.

Tin Mừng thuật lại rằng các phụ nữ “đi viếng mộ” ( Mt 28,1). Họ nghĩ rằng Chúa Giêsu đang nằm ở cõi chết và mọi sự chấm dứt vĩnh viễn. Đôi khi chúng ta cũng nghĩ rằng niềm vui gặp gỡ Chúa Giêsu thuộc về quá khứ, trong khi hiện tại chúng ta biết trước hết là những ngôi mộ bị niêm phong: là những nỗi thất vọng, cay đắng, ngờ vực của chúng ta, “chẳng còn gì để làm nữa”, “mọi thứ vẫn như cũ”, “tốt hơn hết là sống lần hồi” bởi vì “không có gì chắc chắn về ngày mai”. Chúng ta cũng vậy, nếu chúng ta từng bị đau đớn giày xéo, bị đè nén bởi nỗi buồn, tủi nhục vì tội lỗi, cay đắng vì thất bại hay bị quấy rầy bởi mối bận tâm nào đó, thì chúng ta đã nếm trải vị đắng của mệt mỏi và đã thấy tắt lửa niềm vui trong lòng.

Đôi khi, đơn giản là chúng ta cảm thấy mệt mỏi khi tiếp tục cuộc sống hàng ngày, mệt mỏi khi liều mình trước bức tường cao su của một thế giới mà luật của kẻ thông minh nhất và kẻ mạnh nhất dường như luôn thắng thế. Cũng có khi chúng ta cảm thấy bất lực và nản lòng trước quyền lực của sự dữ, trước những xung đột xé nát các mối quan hệ, trước logic của tính toán và thờ ơ dường như đang lèo lái xã hội, bệnh tham nhũng, bất công lan tràn, cho đến những cơn gió rét buốc của chiến tranh. Và một lần nữa, có lẽ chúng ta đã thấy mình đối mặt với cái chết, bởi vì nó đã cướp đi sự hiện diện êm đềm của những người thân yêu của chúng ta hoặc vì nó đã tiến sát với bệnh tật, tai họa của chúng ta, và chúng ta dễ dàng trở thành con mồi của thất vọng và làm cạn kiệt niềm hy vọng của chúng ta. Như thế, đối với những tình huống này hay tình huống khác, con đường chúng ta đi bị dừng lại trước những ngôi mộ, rồi chúng ta đứng khóc và tiếc nuối, cô đơn và bất lực tự lặp lại cái câu "tại sao" của mình. Đó là chuỗi câu hỏi “tại sao?”…

Thay vào đó, các phụ nữ trong ngày Phục sinh không nằm liệt trước mộ, nhưng Tin Mừng kể lại, “Các bà vội vã rời khỏi mộ, tuy sợ hãi nhưng cũng rất đỗi vui mừng, chạy về báo tin cho môn đệ Đức Giêsu hay” (c. 8). Họ mang theo tin vui sẽ làm thay đổi cuộc sống và lịch sử mãi mãi: Chúa Kitô đã sống lại! (c. 6). Đồng thời, họ tuân giữ và truyền lại lời dặn dò của Chúa, lời mời gọi của Người cho các môn đệ: hãy đến Galilê, vì ở đó họ sẽ được gặp Người (x. câu 7). Nhưng thưa anh chị em, hôm nay chúng ta tự hỏi: đi đến Galilê nghĩa là gì? Có hai điều: một mặt, đó là bước ra khỏi phòng tiệc ly bị đóng kín để đi đến vùng dân ngoại đang cư ngụ (x. Mt 4:15), là bước ra khỏi nơi ẩn náu để mở lòng cho sứ vụ, thoát khỏi sợ hãi để đi về phía tương lai. Và mặt khác - và điều này tuyệt vời - nó có nghĩa là quay trở lại nguồn gốc, bởi vì tất cả đều bắt đầu tại Galilê. Tại đó Chúa đã gặp và gọi các môn đệ đầu tiên. Vì thế, đi đến Galilê là trở về với ân sủng nguyên thủy, để phục hồi ký ức làm tái sinh niềm hy vọng, “ký ức về tương lai” mà chúng ta đã được Đấng Phục Sinh ghi dấu.

Vì vậy, đây là điều mà Chúa Phục Sinh thực hiện: Ngài thúc đẩy chúng ta tiến tới, thoát ra khỏi cảm giác thất bại, lăn tảng đá khỏi mồ mà chúng ta thường giam hãm niềm hy vọng của mình, nhìn về tương lai với lòng tin tưởng, bởi vì Chúa Kitô đã sống lại và đã đổi hướng của lịch sử. Nhưng để làm được điều này, Chúa Phục sinh đưa chúng ta trở lại quá khứ ân sủng của chúng ta, khiến chúng ta trở lại Galilê, nơi bắt đầu câu chuyện tình của chúng ta với Chúa Giêsu, nơi tiếng gọi đầu tiên của chúng ta được thực hiện. Nói cách khác, Ngài yêu cầu chúng ta sống lại khoảnh khắc đó, hoàn cảnh đó, kinh nghiệm mà trong đó chúng ta đã gặp gỡ Chúa, đã cảm nghiệm được tình yêu của Người và nhận được một cái nhìn mới và rạng ngời về chính chúng ta, về thực tại, về mầu nhiệm của cuộc sống. Thưa anh chị em, để được phục sinh, để bắt đầu lại, để tiếp tục cuộc hành trình, chúng ta cần trở về Galilê, nghĩa là, không trở về với một Chúa Giêsu trừu tượng, lý tưởng, nhưng trở về với ký ức sống động, ký ức cụ thể và rung động của cuộc gặp gỡ đầu tiên với Người. Vâng, để bước đi, chúng ta phải ghi nhớ, để có hy vọng chúng ta cần phải nuôi dưỡng ký ức. Và đây là lời mời: hãy ghi nhớ và hãy bước đi! Nếu bạn tìm lại được tình yêu, sự kinh ngạc và niềm vui được gặp Chúa thuở ban đầu, bạn sẽ tiếp tục bước đi. Hãy ghi nhớ và bước đi.

Hãy nhớ Galilê của anh chị em và đi về phía Galilê của mình. Đó là “nơi” mà anh chị em đã gặp gỡ Chúa Giêsu đời thường, nơi mà Ngài không còn là một nhân vật lịch sử như những người khác mà đã trở thành con người của cuộc sống: không phải là một Thiên Chúa xa xôi mà là Thiên Chúa ở gần, Đấng hiểu biết bạn và yêu bạn hơn bất kỳ ai khác. Anh chị em hãy nhớ đến Galilê của anh chị em, nhớ đến tiếng gọi của anh chị em, đó là Lời Chúa mà trong một thời điểm chính xác đã nói chính xác về anh chị em; về kinh nghiệm mạnh mẽ trong Chúa Thánh Thần, về niềm vui lớn nhất của sự tha thứ mà anh chị em cảm nhận được sau lần xưng tội, về khoảnh khắc cầu nguyện mãnh liệt và khó quên, về ánh sáng chiếu rọi bên trong và biến đổi cuộc đời, về cuộc gặp gỡ và về cuộc lữ hành… Mọi người đều biết Galilê thật sự của mình ở đâu. Mỗi người đều biết nơi phục sinh nội tâm của chính mình, nơi khởi đầu, nơi hình thành, nơi đã thay đổi mọi thứ ở đâu. Chúng ta không thể để lại nó trong quá khứ, Đấng Phục Sinh mời gọi chúng ta đến đó mừng lễ Phục Sinh. Hãy ghi nhớ Galilê của mình, hãy nhớ lấy nó, hãy làm sống lại nó hôm nay. Trở lại với cuộc gặp gỡ đầu tiên, chúng ta hãy tự hỏi việc đó xảy ra như thế nào, xây dựng lại bối cảnh, thời gian và nơi chốn, sống lại cảm xúc và cảm giác đó, hồi tưởng lại màu sắc và hương vị của nó. Bởi vì, anh chị em biết không, chính khi chúng ta quên đi mối tình đầu ấy là lúc chúng ta quên đi lần gặp gỡ đầu tiên vốn đã bắt đầu đọng lại trong tâm hồn chúng ta. Và giống như các môn đệ, anh chị em đã trải qua nỗi buồn, mọi thứ dường như không tiến triển, với một niềm hy vọng bị niêm phong bằng đá tảng. Nhưng hôm nay, thưa anh chị em, sức mạnh Phục sinh mời gọi chúng ta lăn đi những tảng đá thất vọng và ngờ vực. Thiên Chúa, chuyên gia lật đổ những nấm mồ tội lỗi và sợ hãi, muốn soi sáng ký ức thánh thiện của anh chị em, ký ức đẹp đẽ nhất của anh chị em, hãy hiện tại hóa cuộc gặp gỡ đầu tiên với Chúa. Hãy ghi nhớ và hãy bước đi: trở lại với Người, tìm lại ơn phục sinh của Chúa nơi anh chị em. Hãy trở về Galilê, trở về với Galilê của mình.

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy theo Chúa Giêsu đến Galilêa, hãy gặp gỡ Người và tôn thờ Người ở đó, nơi Người đang chờ đợi mỗi người chúng ta. Chúng ta hãy làm sống lại vẻ đẹp của giây phút chúng ta tuyên xưng Người là Chúa của cuộc đời chúng ta, sau khi khám phá ra Người còn sống. Chúng ta hãy trở lại Galilê, Galilê của mối tình đầu: mọi người hãy trở lại Galilê của chính mình, Galilê của lần gặp gỡ đầu tiên và từ đó chúng ta sống lại trong cuộc sống mới!

G. Võ Tá Hoàng chuyển ngữ

Mới hơn Cũ hơn