Suy niệm Tin mừng Chúa nhật V Mùa chay

CHÚA NHẬT V MÙA CHAY




Gioan 11, 1-45

Có một người bị đau nặng, tên là Ladarô, quê ở Bêtania, làng của hai chị em cô Mácta và Maria. Cô Maria là người sau này sẽ xức dầu thơm cho Chúa, và lấy tóc lau chân Người. Anh Ladarô, người bị đau nặng, là em của cô. Hai cô cho người đến nói với Đức Giêsu: "Thưa Thầy, người Thầy thương mến đang bị đau nặng." Nghe vậy, Đức Giêsu bảo : "Bệnh này không đến nỗi chết đâu, nhưng là dịp để bày tỏ vinh quang của Thiên Chúa : qua cơn bệnh này, Con Thiên Chúa được tôn vinh."

Đức Giêsu quí mến cô Mácta, cùng hai người em là cô Maria và anh Ladarô.

Tuy nhiên, sau khi được tin anh Ladarô lâm bệnh, Người còn lưu lại hai ngày tại nơi đang ở. Rồi sau đó, Người nói với các môn đệ: "Nào chúng ta cùng trở lại miền Giu-đê !" Các môn đệ nói: "Thưa Thầy mới đây người Do thái tìm cách ném đá Thầy, mà Thầy lại còn đến đó sao ?"Đức Giêsu trả lời: "Ban ngày chẳng có mười hai giờ đó sao ? Ai đi ban ngày thì không vấp ngã, vì thấy ánh sáng của thế gian này. Còn ai đi ban đêm thì vấp ngã vì không có ánh sáng nơi mình !"

Người nói những lời này, sau đó người lại bảo họ :"Ladarô, bạn của chúng ta đang yên giấc; tuy vậy, Thầy đi đánh thức anh ấy đây.” Các môn đệ nói với Người :"Thưa Thầy, nếu anh ấy yên giấc được, anh ấy sẽ khoẻ lại." Đức Giêsu nói về cái chết của anh Ladarô, còn họ tưởng Ngài nói về giấc ngủ thường. Bấy giờ Người mới nói rõ :"Ladarô đã chết. Thầy mừng cho anh em, vì Thầy đã không có mặt ở đó, để anh em tin. Thôi, nào chúng ta đến với anh ấy." Ông Tôma, gọi là Đi-đy-mô, nói với các bạn đồng môn :"Cả chúng ta nữa, chúng ta cũng đi để chết với Thầy !"

Khi đến nơi, Đức Giêsu thấy anh Ladarô đã chôn trong mồ được bốn ngày rồi. Bêtania cách Giêrusalem không đầy ba cây số. Nhiều người Do thái đến chia buồn với hai cô Macta và Maria, vì em các cô mới qua đời. Vừa được tin Đức Giêsu đến, cô Macta liền ra đó Người. Còn cô Maria thì ngồi ở nhà. Cô Macta nói với Đức Giêsu :"Thưa Thầy, nếu Thầy có mặt ở đây, em con đã không chết. Nhưng bây giờ con biết: Bất cứ điều gì Thầy xin cùng Thiên Chúa, Người cũng sẽ ban cho Thầy." Đức Giêsu nói:"Em chị sẽ sống lại!" Cô Macta thưa :"Con biết em con sẽ sống lại, khi kẻ chết sống lại trong ngày sau hết." Đức Giêsu liền phán: "Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết. Chị có tin thế không ?"

Cô Macta đáp: "thưa Thầy, có. Con vẫn tin Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến thế gian."

Nói xong, cô đi gọi em là Maria, và nói nhỏ : "Thầy đến rồi, Thầy gọi em đấy !" Nghe vậy, cô Maria vội đứng lên và đến với Đức Giêsu. Lúc đó, Người chưa vào làng, nhưng vẫn còn ở chỗ cô Macta đã ra đón Người. Những người Do thái đang ở trong nhà với cô Maria để chia buồn, thấy cô vội vã đứng dậy đi ra, liền đi theo, tưởng rằng cô ra mộ khóc em.

Khi đến gần Đức Giêsu, cô Maria vừa thấy Người, liền phủ phục dưới chân và nói :"“Thưa Thầy, nếu có Thầy ở đây, em con đã không chết." Thấy cô khóc, và những người Do thái đi với cô cũng khóc, Đức Giêsu thổn thức trong lòng và xao xuyến. Người hỏi:Các người để xác anh ấy đâu ?" Họ trả lời :"Thưa Thầy, mời Thầy đến mà xem." Đức Giêsu liền khóc, người Do thái mới nói :"Kìa xem !Ông ta thương anh Ladarô biết mấy !" Có vài người trong nhóm họ nói : "Ông ta đã mở mắt cho người mù, lại không làm cho anh ấy khỏi chết ư ?" Đức Giêsu lại thổn thức trong lòng. Người đi tới mộ. Ngôi mộ đó là một cái hang có phiến đá đậy lại. Đức Giêsu nói : "Đem phiến đa này đi" Cô Macta là chị người chết liền nói : "Thưa Thầy, nặng mùi rồi, vì em con ở trong mồ đã được bốn ngày." Đức Giêsu bảo: "Nào Thầy đã chẳng nói với chị rằng nếu chị tin, chị sẽ được thấy vinh quang của Thiên Chúa sao ?" Rồi người ta đem phiến đá đi. Đức Giêsu ngước mắt lên và nói:

"Lạy Cha, con cảm tạ Cha, vì Cha đã nhậm lời con. Phần con, con biết Cha hằng nhậm lời con, nhưng vì dân chúng đứng quanh đây, nên con đã nói để họ tin là Cha đã sai con."

Nói xong, Người kêu lớn tiếng "Anh Ladarô hãy ra khỏi mồ !" Người chết liền ra, chân tay còn quấn vải, và mặt còn phủ khăn. Đức Giêsu bảo : "Cởi khăn và vải cho anh ấy, rồi để anh ấy đi."

Trong số những người Do thái đến thăm cô Maria và được chứng kiến việc Đức Giêsu làm, có nhiều kẻ đã tin vào Người.


Trong câu truyện này Macta được mô tả đúng như cá tính của nàng. Khi Luca nói về Macta và Maria (10,38-42), ông đã cho biết một Macta năng động, còn Maria là người thích ngồi yên. Ở đây cũng vậy, ngay sau khi có tin báo Chúa Giêsu sắp đến, Macta đã đi đón Ngài, vì cô không thể ngồi yên một chỗ, trong khi Maria còn trì hoãn lại sau.

Lúc gặp Chúa, Macta thốt lên những lời tích chứa trong lòng mình. Trong Kinh Thánh, đây là một trong những câu nói đầy nhân tính hơn cả, lời cô nửa trách móc vì không cầm lòng được, nửa tin tưởng không hề lay chuyển. Cô nói :"Nếu Chúa có ở đây thì anh tôi đã không chết". Qua lời đó, chúng ta có thể đọc rõ tâm trí Macta. Cô muốn nói rằng: "Lúc được báo tin, sao Chúa không chịu đến ngay ? Bây giờ Chúa mới đến thì đã muộn mất rồi". Ngay sau khi thốt ra những lời ấy, tiếp theo là những lời nói trong đức tin, một đức tin thách thức mọi sự kiện, mọi kinh nghiệm. Cô nói bằng một niềm hi vọng trong tuyệt vọng: "Tuy nhiên, tôi biết rằng Thiên Chúa sẽ ban cho Chúa bất luận điều gì Chúa cầu xin".

Chúa Giêsu nói thẳng: "Anh ngươi sẽ sống lại". Macta đáp: "Tôi biết rõ anh tôi sẽ sống lại cùng với mọi người vào ngày cuối cùng". Đây là một điểm đáng cho chúng ta lưu ý. Trong Kinh Thánh có một sự kiện hết sức lạ lùng là, trên thực tế, các thánh đồ thời Cựu Ước không có niềm tin vào sự sống lại sau khi chết. Vào thời cổ, người Do Thai tin rằng linh hồn của tất cả mọi người, thiện cũng như ác, đều xuống âm phủ (Sheol) như nhau. Âm phủ đã bị dịch sai là hỏa ngục (vhell), vì âm phủ không phải là chỗ người ta chịu khổ hình, đau đớn, mà là xứ của bóng tối, mọi người đều phải đến đó như nhau. Tại đó họ sống một cuộc đời mơ hồ, mờ mịt, không có sức lực, không có niềm vui, như những bóng ma vậy. Đó là niềm tin của một phần Cựu Ước. "Chốn tử vong ai nào nhớ Chúa ? Nơi âm phủ, ai ngợi khen Ngài ?" (Tv 6,6). Tác giả thánh vịnh nói về những kẻ bị giết nằm trong mồ mả mà Chúa không còn nhớ đến, là kẻ bị truất khỏi tay Chúa: "Con nằm đây giữa bao nhiêu người chết, như các tử thi vùi trong mồ mả, đã bị Chúa quên đi, và không được tay Ngài săn sóc "(87,6). "Chúa đâu làm phép lạ cho người đã mạng vong, âm hồn đâu chỗi dậy ca tụng Chúa bao giờ ? Trong mồ mả, ai nói về tình thương của Chúa ? Cõi âm ty ai kể lại lòng thành tín của Ngài ? Những kỳ công Chúa nơi tối tăm ai rõ ?Đức công chính Ngài, chốn quên lãng ai hay ?" (87, 11-13). "Không phải người đã chết, hay mọi kẻ bước vào cõi thinh lặng ngàn thu sẽ ca tụng Đức Chúa" (113,17). Nhà Giảng Viên nói cách chua chát : "Mọi việc tay ngươi làm được, hãy làm hết sức mình, vì dưới âm phủ, là nơi ngươi đi đến, chẳng có việc làm, chẳng có mưu kế, cũng chẳng có tri thức, hay là sự khôn ngoan "(Gv 9,10). Chính sự bi quan của Êzêkia đã khiến vua tin rằng : "Vì ở chốn tử vong, không người ca tụng Chúa; và trong nơi âm phủ chẳng ai ngợi khen Ngài. Kẻ xuống mồ cũng dứt niềm trông cậy vào lòng Chúa tín trung" (Ed 38,18). Xứ chết là xứ của vắng lặng, xứ bị bỏ quên, nơi cái bóng của người ta bị phân cách nhau, cũng như bị phân cách với Thiên Chúa. Như Mofadien đã viết : "Ít có điều lạ lùng hơn thế trong suốt chiều dài của lịch sử tôn giáo, tức là qua nhiều thế kỷ người ta đã sống những cuộc đời cao quí, làm nhiệm vụ và chịu đau khổ, mà chẳng có chút hi vọng gì về phần thưởng trong tương lai".

Họa hoằn lắm mới có người trong Cựu Ước dám nhảy vọt một bước bằng đức tin. Tác giả thánh vịnh kêu lên : "Thân xác con cũng nghỉ ngơi an toàn, vì Chúa chẳng đành bỏ mặc con trong chốn âm ty, không để kẻ hiếu trung này hư nát trong phần mộ. Chúa sẽ dạy con biết đường về cõi sống, trước thánh nhan ôi vui sướng tràn trề, ở bên Ngài hoan lạc chẳng hề vơi" (15, 9-11). "Thật con ở với Chúa luôn, tay con Ngài nắm chẳng buông chẳng rời. Dắt dìu khuyên nhủ bao lời, một mai đưa tới rạng ngời vinh quang" (Tv 72, 23-24). Niềm tin quả quyết của tác giả thánh vịnh, ấy là khi con người đã thật sự thông hiệp với Thiên Chúa thì cả sự chết cũng không thể phá vỡ mối liên hệ đó. Ông cảm thấy sợi dây liên kết chặt chẽ giữa Thiên Chúa với người ấy sẽ tồn tại vượt thời gian. Nhưng ở thời điểm đó nó chỉ là một bước nhảy tuyệt vọng của đức tin hơn là một sự xác tín vững vàng. Cuối cùng trong Cựu Ước có một niềm hi vọng bất tử mà chúng ta thấy nơi Gióp: "Tôi biết Đấng Cứu Chuộc tôi hằng sống, và ngày tận thế tôi sẽ từ bụi đất sống lại; da tôi sẽ lại bọc thân tôi, và trong xác thịt, tôi sẽ thấy Chúa tôi. Chính tôi sẽ thấy Người và mắt tôi sẽ nhìn Người, chớ không ai khác" (14, 7-12). Ở đây, chúng ta thấy trong Gióp, mầm sống thật của niềm tin- vào sự bất tử của người Do thái.

Lịch sử của dân Do thái là lịch sử của những tai họa, lưu đầy, nô lệ và thất bại. Thế nhưng họ vẫn có một niềm tin không gì lay chuyển, họ là một dân tộc thuộc riêng về Thiên Chúa. Thế gian này không thể hiện được, và sẽ chẳng bao giờ thể hiện được điều đó. Cho nên điều không thể tránh được là họ kêu gọi đến thế giới mới, để bù đắp cho sự thiếu sót của thế giới cũ. Họ tiến tới chỗ nhận thức rằng, nếu muốn kế hoạch của Thiên Chúa được thực hiện hoàn toàn, sự công chính của Thiên Chúa được thành tựu, tình yêu thương của Ngài được thỏa mãn, cần phải có một thế giới khác, một cuộc đời khác. "Những câu đố nát óc không phải là màn chót trong tấn thảm kịch của loài người" (Galloway). Chính cảm thức đó đã đưa người Do thái đến niềm tin quyết rằng, phải có đời sau.

Thật ra vào thời Chúa Giêsu, những người theo phái Sađốc vẫn không chịu tin có một đời sống khác sau khi chết, nhưng các đạo sĩ Do thái giáo và đa số người Do thái thì tin. Họ bảo: Chính ở phút lâm chung của con người, hai thế giới của thời gian và của đời đời đã gặp nhau và bắt tay nhau. Họ bảo những kẻ chết được nhìn xem Thiên Chúa, họ không chịu gọi những kẻ ấy là kẻ chết, mà gọi là người sống. Theo cách trả lời của cô Macta, rõ ràng cô đã bày tỏ được cao điểm đức tin của dân tộc mình.

Lúc Macta công bố niềm tin của Do thái giáo chính thống trong cuộc đời hầu đến, thình lình Chúa Giêsu đưa niềm tin ấy đến một ý nghĩa mới mẻ, sống động hơn. Ngài phán: "Ta là Sự Sống Lại và là Sự Sống, kẻ nào tin Ta thì sẽ sống, mặc dầu đã chết rồi. Còn ai sống và tin Ta thì không hề chết". Chúa Giêsu muốn nói gì? Có thể dành cả một đời người để suy gẫm cũng chưa hiểu hết câu đó, nhưng chúng ta cố gắng lãnh hội phần nào ý nghĩa câu nói trong phạm vi có thể được.

Chắc chắn Chúa Giêsu không nghĩ về đời sống thể xác, vì theo phương diện thể xác, một người tin Chúa Giêsu không bao giờ chết, quả là một điều không đúng sự thật. Kitô hữu cũng trải qua sự chết thể xác như một người. Như vậy, chúng ta phải đào sâu hơn là chỉ hiểu về phương diện thể xác.

1. Chúa đang nghĩ sự chết do tội lỗi, Ngài muốn nói: "Cho dù có người đã chết trong tội lỗi, vì cớ tội mình mà đánh mất tất cả ý nghĩa sống của đời mình, Ta vẫn có thể khiến người ấy sống lại". Đây là lời Chúa hứa, Ngài có thể khiến một cuộc đời đã chết trong tội lỗi được sống lại. Lịch sử đã chứng nghiệm rất nhiều trường hợp. Chirgwin nêu ra một dẫn chứng hiện đại của Tokichi Ishii. Ishii có thành tích giết người khó ai sánh kịp, anh ta đã giết cả đàn ông, đàn bà, trẻ con một cách vô cùng tàn bạo. Bất cứ ai cản trở bước anh đều bị loại trừ không thương tiếc. Trong khi Ishii ở trong ngục chờ chết, có hai phụ nữ người Gia-nã-đại đến viếng thăm, cố gắng bắt chuyện với anh qua song sắt, nhưng anh nhìn họ như con thú nằm trong chuồng nhìn ra. Cuối cùng, họ không cố gắng nữa, tặng anh quyển Kinh Thánh rồi bỏ đi, với hi vọng sách ấy thành công trong chỗ thất bại của họ. Anh bắt đầu đọc Kinh Thánh, và khi đã bắt đầu thì không dừng lại được nữa. anh cứ đọc, đến câu truyện Chúa Giêsu bị đóng đinh, đọc đến câu : "Lạy Cha, xin tha cho chúng, vì chúng không biết việc mình làm..." Những lời ấy là tan vỡ lòng anh, anh nói: "Tôi ngưng đọc, tôi bị đánh trúng tim, tôi có thể bảo đó là tình yêu của Chúa Cứu Thế chăng ? Tôi có thể gọi đó là lòng thương xót chăng ? Tôi không biết phải gọi là gì cả, tôi chỉ biết một điều là tôi tin, và tấm lòng cứng cỏi của tôi đã được biến đổi." Về sau, khi viên cai ngục đến dẫn người tử tội ấy ra pháp trường, ông đã không thấy con người cứng cỏi, tàn bạo như ông chờ đợi, mà thấy một người đang mỉm cười rạng rỡ, vì kẻ sát nhân đã được tái sinh, Chúa Giêsu đã khiến Ishii sống lại.

Không cần phải đi đến mức tận cùng như Ishii, người ta vẫn có thể ích kỷ đến độ trở thành một kẻ chết trước nỗi thiếu thốn của người khác. Người ta có thể trở thành vô tri, vô giác như một kẻ đã chết trước sự đau khổ của đồng bào. Người ta có thể dấn thân vào việc bất lương, bất pháp đến độ chẳng còn biết vinh nhục gì nữa. Một người có thể lâm vào địa vị tuyệt vọng đến độ tê liệt, bất động, đó là sự chết tâm linh. Lịch sử đã chứng minh, Ngài đã từng khiến triệu triệu người như thế sống lại. Ngày nay, khi được Ngài chạm đến, quyền phép ngàn xưa ấy vẫn không suy giảm chút nào.

2. Chúa Giêsu cũng nghĩ đến cuộc đời sẽ đến, Ngài làm sống lại niềm xác tín rằng, chết chưa phải là hết. Những lời cuối cùng của Edward," Người Xưng Tội" là "xin đừng khóc, tôi không chết đâu, vì đang lúc tôi rời bỏ xứ của kẻ chết này, tôi tin mình sẽ trông thấy phước hạnh của Chúa trong xứ của những người sống". Chúng ta gọi thế giới này là xứ sở của những người sống, nhưng thật ra phải gọi là xứ sở của những người đang chết. Nhờ Chúa Giêsu, chúng ta biết khi cái chết đến, chúng ta không ra khỏi xứ của Người sống, nhưng đi vào xứ của kẻ sống. Nhờ Chúa Giêsu, chúng ta biết mình đang trên hành trình, không phải về hướng mặt trời lặn, nhưng về phía mặt trời mọc. "Cái chết là khung cửa mở vào đường đi lên trời" (Mary webb). Theo nghĩa xác thật nhất, chúng ta không ở trên con đường đi đến sự chết, mà đang trên con đường đến với sự sống.

Làm thế nào để việc ấy có thể xảy ra ? Nó xảy ra khi chúng ta tin nhận Chúa Giêsu. Tin Chúa Giêsu nghĩa là chấp nhận tất cả những gì Chúa đã phán, xem đó là sự thật, là chân lý tuyệt đối, và neo chặt đời mình vào đó bằng một niềm tin trọn vẹn. Khi làm như vậy chúng ta được bước vào hai mối liên hệ mới:

- Với Thiên Chúa : khi tin Thiên Chúa vốn đúng như những gì Chúa Giêsu từng nói về Ngài, chúng ta tin tuyệt đối vào tình thương của Thiên Chúa, tin chắc rằng trên hết mọi sự, Thiên Chúa là Đấng Cứu Độ. Sự sợ chết tiêu tan, vì chết có nghĩa là đến với Đấng yêu thương linh hồn mình, trên thế gian này chẳng bao giờ có một Đấng giống như vậy.

- Với đời sống: khi chúng ta chấp nhận lối sống của Chúa và dấn thân vào đó, lấy các mệnh lệnh Ngài làm luật lệ, chúng ta nhận thức rằng Ngài luôn có mặt để trợ giúp chúng ta sống cuộc đời mà Ngài truyền dạy ta phải sống, thì đời sống trở thành một cái gì hết sức mới mẻ. Nó được mặc lấy vẻ đẹp mới, sức mạnh mới. Có thể nói, khi chúng ta chấp nhận đường lối sinh hoạt của Chúa Giêsu làm nếp sống cho chính mình, lúc ấy cuộc đời mới đáng cho chúng ta tiếp tục. Nó trở thành một điều đẹp đẽ đáng yêu đến nỗi, chúng ta không thể nào nghĩ được rằng nó sẽ kết thúc cách dở dang.

Khi tin nhận Chúa Giêsu, tiếp nhận những gì Ngài phán dạy về Thiên Chúa, về đời sống, và khi neo chặt mọi sự vào đó, chúng ta thật sự được sống lại, được giải phóng khỏi sự sợ hãi, vốn là đặc tính của đời sống không có Chúa. Chúng ta được hồi sinh từ cõi chết của tội lỗi, đời sống sẽ trở nên vô cùng phong phú, đến độ không thể nào chết được, và sẽ nhận thấy, chết chỉ là để chuyển tiếp qua một đời sống cao cả hơn.
Mới hơn Cũ hơn