Đức Maria giống tổ phụ Apraham như thế nào ?

Apraham và Sara


Khi suy ngắm câu trả lời của Đức Trinh Nữ Maria với Tổng lãnh Thiên thần Gabriel lúc truyền tin, Thánh Gioan Phaolô II đã ghi nhận một điểm tương đồng lạ lùng với câu trả lời của Ápraham trong Cựu Ước.

Trong bài giảng dịp Lễ Truyền tin năm 2000, Thánh Gioan Phaolô II đã so sánh như sau: “Rõ ràng Đức Maria khác với Ápraham về nhiều mặt; nhưng sâu xa hơn, “người bạn của Thiên Chúa” (x. Is 41,8) và thiếu nữ thành Nazarét rất giống nhau”.

Sau đó ngài liệt kê nhiều điểm tương đồng giữa Ápraham và Đức Maria, bằng cách nhấn mạnh lòng trung thành của họ đối với lời mời gọi của Thiên Chúa.

“Cả hai đều nhận được một lời hứa tuyệt vời từ Thiên Chúa. Ápraham rồi sẽ trở thành cha của một người con, từ đó một đất nước rộng lớn sẽ được sinh ra. Đức Maria sẽ trở thành Mẹ của một Người Con, sẽ là Đấng Cứu thế, Đấng được Thiên Chúa xức dầu. Sứ thần Gabriel nói: “Này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai […] Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đavít, tổ tiên Người… và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận” (Lc 1, 31-33 ).

Đối với Ápraham và cả Đức Maria, lời hứa đến hoàn toàn bất ngờ. Thiên Chúa thay đổi dòng chảy cuộc sống hằng ngày của họ, làm đảo lộn nhịp điệu đã được thiết lập và những ước muốn bình thường của họ. Đối với Ápraham và cả Maria, lời hứa dường như không thể thực hiện được. Vợ của Ápraham, bà Sarah thì hiếm muộn, còn Maria thì vẫn chưa kết hôn: "Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!” ( Lc 1:34).

Trong cả hai tình huống, Ápraham và Đức Maria đều đáp lời Thiên Chúa cách quảng đại, cho dù không biết chính xác Thiên Chúa sẽ thực hiện lời hứa của mình như thế nào.

“Giống như Ápraham, Đức Maria cũng được yêu cầu thưa “vâng” với điều chưa từng xảy ra trước đây. Sara là một trong những người phụ nữ hiếm muộn đầu tiên trong Kinh thánh thụ thai nhờ quyền năng của Thiên Chúa, cũng vậy bà Êlisabét sẽ là người cuối cùng. Sứ thần Gabriel nói về Êlisabét để trấn an Đức Maria: “Kìa bà Êlisabét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng” (Lc 1,36).

Như tổ phụ Ápraham, Đức Maria cũng phải bước đi trong bóng tối, phó mình cho Đấng đã kêu gọi mình. Tuy nhiên, câu hỏi của Mẹ “điều ấy xảy ra thế nào được?” muốn nói rằng Đức Maria sẵn sàng thưa “vâng”, bất chấp sợ hãi và bất an. Mẹ Maria đã không thắc mắc liệu lời hứa ấy có thực hiện được hay không mà chỉ hỏi điều ấy sẽ xảy ra thế nào. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi Mẹ nói lời “xin vâng” của mình: “Tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1,38). Bằng những lời này, Đức Maria cho thấy mình là người con thực sự của Ápraham và trở thành Mẹ của Chúa Kitô và Mẹ của mọi tín hữu”.

Dù không thường xuyên so sánh Đức Maria với Ápraham, nhưng rõ ràng Mẹ là “người con thật sự của Ápraham” tiếp bước Ápraham trong việc đáp lời Thiên Chúa với một niềm tin trọn vẹn.

G. Võ Tá Hoàng



Mới hơn Cũ hơn