Suy niệm Lời Chúa mỗi ngày - Tuần 3, năm chẵn



SUY NIỆM MỖI NGÀY 

TUẦN III


THỨ HAI

2Sm 5,1-7.10; Mc 3,22-30

Câu chuyện mà chúng ta vừa nghe từ thánh Marcô thuộc giai đoạn Chúa Giêsu bắt đầu nổi tiếng vì lời giảng dạy đầy uy quyền, vì các phép lạ, vì sự thu hút quần chúng của Chúa Giêsu. Bởi thế, càng ngày càng có thêm nhiều người tuốn đến với Ngài. Điều này khiến người nhà của Chúa Giêsu và các đối thủ lo sợ. Các ký lục tại Giêrusalem nghe tin đã không thể ở yên. Họ đã đến với mục đích đánh vào uy tín của Chúa và làm giảm lòng hâm mộ của quần chúng. Trong khi người bình dân tin rằng các phép lạ Chúa Giêsu làm là bởi Thiên Chúa, thì giới lãnh đạo lại gán các phép lạ cho việc Chúa Giêsu có quỉ ám hoặc cậy nhờ đến quyền phép của quỉ. Như chúng ta vừa nghe, Chúa Giêsu không trực tiếp trả lời là Ngài đã nhờ đâu mà trừ quỉ, nhưng Chúa Giêsu đã cho thấy Ngài đúng là “người mạnh hơn” đang đột nhập vào vương quốc của ma quỉ và đẩy lùi sự cai trị của nó. Theo Chúa Giêsu, ma quỉ vẫn đoàn kết với nhau, vẫn quyết liệt làm hại loài người, nhưng nay Thiên Chúa đã đến thiết lập Nước Trời, và chính Chúa Giêsu là Đấng Thiên Sai đã đến chiến thắng ma quỉ, như các tiên tri từng loan báo. Chúa Giêsu thắng quỉ không phải nhờ quỉ, mà nhờ có Thánh Thần ngự trong Ngài, nhờ Ngài trung thành với sứ mạng Thiên Chúa trao phó. Chỉ có Chúa Giêsu mới đẩy lùi được ma quỉ, mới là trung gian mang ơn cứu độ, nên kẻ không chịu tin vào Chúa Giêsu, không nhận các dấu chỉ Ngài tỏ ra, tức là phạm đến Chúa Thánh Thần, phạm tội “không thể tha được”, vì họ tự loại mình ra khỏi ơn cứu độ. Không thể tha nghĩa là vĩnh viễn mất ơn cứu độ.

Thế nhưng, câu trả lời của Chúa Giêsu giúp chúng ta thấy nguồn gốc của sức mạnh mà Chúa Giêsu có là do việc Chúa Giêsu có Thánh Thần, Ngài kết hợp với Thiên Chúa, Ngài trung thành với sứ mạng. Đây là điều nhắc chúng ta hiểu cho đúng về “sự đoàn kết” mà Chúa Giêsu nói tới: trên bình diện thiêng liêng hay trên bình diện Nước Trời, chỉ có sự “gắn bó, đoàn kết với Thiên Chúa” mới thực sự là nguồn sức mạnh. Các thứ đoàn kết khác, không phải là keo sơn với Thiên Chúa, chưa hẳn đã giúp người ta có sức mạnh.

Bằng chứng cụ thể nhất là ma quỉ đoàn kết với nhau, thế mà vương quốc của nó đã bị đe dọa và sụp đổ do sự có mặt của Đức Giêsu Kitô.

Rồi trong lịch sử dân Do Thái, tuy rằng thời vua Đavít mới lên ngôi, nhờ có sự đoàn kết giữa nhà vua với các chi tộc, vua Đavít đã dễ dàng đánh bại chư dân Giêbusê ở Giêrusalem để đưa đất nước đến sự phồn vinh hùng cường, nhưng nguyên sự đoàn kết chính trị ấy không giúp dân Do Thái đứng vững lâu. Đặc biệt, khi người ta đoàn kết trong tội, đoàn kết để mà sống ngược với giao ước, thì có đoàn kết, đất nước vẫn rơi vào diệt vong.

Trong đời sống Hội Thánh và đời sống đạo đức cũng thế: chỉ khi cá nhân chúng ta gắn bó với Chúa, chúng ta mới có sức mạnh chiến thắng tội lỗi, chúng ta mới phục vụ Hội Thánh một cách có kết quả. Những khi chúng ta phân lìa với Đức Giêsu Kitô, sống ngược với sứ mạng Chúa trao phó, tức là không cộng tác với Thánh Thần đang ngự trong mình, chúng ta sẽ chẳng giúp ích gì cho Chúa và Hội Thánh.

Chúa Giêsu trên bàn thờ là Đấng đầy quyền năng Thánh Thần và đang ban sức mạnh cho Hội Thánh. Xin Chúa Giêsu cho chúng ta được kết hợp với Ngài để nhờ đó mà chúng ta luôn trung thành với Chúa và đắc lực làm việc cho Nước Trời.



THỨ BA

2Sm 6,12b-15.17-19; Mc 3,31-35

Trong mọi vấn đề, nếu muốn biết ý nghĩa hay lập trường của Thiên Chúa, chúng ta phải nhìn xem Chúa Giêsu đã làm gì và nghe xem Ngài đã nói gì. Vậy đối với liên hệ máu mủ ruột thịt, liên hệ anh em, Thiên Chúa nghĩ như thế nào? Câu Chúa Giêsu trả lời hôm nay thật là một mạc khải lớn lao cho chúng ta: ai làm theo ý Thiên Chúa thì người ấy là anh chị em và là Mẹ của Ngài. Câu trả lời trước hết giải tỏa mọi ước mơ hay phân bì của chúng ta khi không được thuộc về dòng họ hay huyết tộc của Chúa Giêsu hoặc khi chúng ta không được như người khác.

Trong cuộc sống, có thể nhiều lúc nghe về Chúa Giêsu, chúng ta thầm mong mình được là người trong dòng họ của Chúa, được sống cùng thời với Chúa Giêsu. Nhất là nhiều lúc chúng ta không thỏa mãn với gia đình hay giai cấp mà mình đang là phần tử. Chúng ta thầm mong mình được diễm phúc như người này, người nọ. Nhưng không bao giờ chúng ta thỏa mãn được trong hoàn cảnh cụ thể của mình: thế nào nó cũng có giới hạn, những thua thiệt so với mức mình mơ tưởng. Câu trả lời của Chúa Giêsu hôm nay là một Tin Mừng cho chúng ta: Chúa Giêsu không coi trọng liên hệ máu mủ, không lấy địa vị tự nhiên của chúng ta làm điều kiện và tiêu chuẩn bắt buộc phải có cho việc chúng ta trở nên anh em của Chúa Giêsu.

Điều kiện để chúng ta trở nên anh chị em của Chúa Giêsu nằm ở điểm khác: đó là việc chúng ta thực thi ý Cha của Ngài trên trời. Bởi vì Thiên Chúa muốn và chờ đợi việc mỗi người đáp lại tình thương của Chúa một cách ý thức và tự do, tự nguyện. Việc chúng ta sinh ra là người nghèo hay người giàu, thuộc về một nước văn minh hay lạc hậu, ở trong một gia đình khá giả hay cùng cực, việc chúng ta giỏi hay dốt, làm lớn hay kẻ thấp hèn trong xã hội: tất cả những chuyện ấy không đáng kể trước mặt Thiên Chúa. Đó là những chuyện do ngẫu nhiên đưa tới hoặc do sự an bài muôn hình vạn trạng của Thiên Chúa. Vấn đề cốt lõi là khi ở trong cảnh huống cụ thể của mình, người ta có ý thức và tự do đáp lại tình thương Chúa và thực thi ý Chúa hay không. Điều đó thì ở trong khả năng của mọi người. Kẻ thấp hèn, nghèo nàn, dốt nát cũng làm được. kẻ ở trong địa vị nào cũng làm được. Tất cả vấn đề nằm ở chỗ người ta có muốn nên anh chị em của Chúa hay không?

Câu chuyện về Đavít mà bài đọc I hôm nay kể lại cũng phần nào phù hợp với điều mà chúng ta đang nói: để làm đẹp lòng Thiên Chúa, không cứ gì phải là hạng nghèo hèn, người nhà quê, ông già bà cả. Không. Đavít ở địa vị làm vua một nước vẫn làm đẹp lòng Thiên Chúa được: khi rước Hòm Bia Chúa về Giêrusalem, vua như quên hẳn địa vị cao sang của mình để làm một người con thơ ngây chân tình nhảy vui trước mặt Thiên Chúa.

Vậy dù hiện nay đang thuộc gia đình thấp hèn hay địa vị hèn mạt đến đâu, chúng ta cũng không việc gì mặc cảm, bởi vì chúng ta vẫn có thể thực thi ý Chúa và nên anh em của Chúa. Chúng ta chỉ xin một điều với Chúa Giêsu – người anh của chúng ta – là Ngài giúp chúng ta ngày càng quảng đại đáp lại tình thương vô cùng của Cha đối với mỗi người trong chúng ta, nhất là càng quảng đại khi chúng ta đang được ở vào những điều kiện may mắn hơn kẻ khác.


THỨ TƯ

2Sm 7,4-17; Mc 4,1-20

Câu chuyện về Đavít hôm nay nói lên sự rộng rãi của Thiên Chúa. Vừa khi Đavít có ý làm cho Thiên Chúa một ngôi nhà để ở – sau khi vua đã ổn định bờ cõi quốc gia, làm chủ đất nước – thì qua miệng tiên tri Nathan, Thiên Chúa lập tức hứa sẽ cho nhà Đavít được tồn tại mãi mãi, sẽ cho hoàng tử của vua có một vương quốc vững mạnh và nếu vua còn phạm lỗi đến mức phải trừng phạt, Thiên Chúa cũng sẽ không rút lại lòng từ bi của Thiên Chúa. Thật vậy, phía Đavít chỉ mới có ý định làm một việc nghĩa, thì Thiên Chúa đã thưởng công gấp trăm, gấp ngàn cho nhà vua.

Mà chẳng phải vua thực hiện điều tốt trước rồi Thiên Chúa mới đáp lại sau. Không. Trước khi vua làm được điều gì đáng khen thì Thiên Chúa đã yêu thương rồi, đã “đem Đavít ra khỏi đồi cỏ lúc Đavít còn theo sau đoàn chiên, để đặt Đavít làm thủ lãnh Dân Người”.

Bài Tin Mừng còn cho thấy lòng rộng rãi của Thiên Chúa hơn nữa. Theo các nhà chú giải, thì đoạn Tin Mừng mà chúng ta nghe hôm nay gồm hai phần: một phần ghi chính những lời Chúa Giêsu giảng, một phần gồm sự giải thích sau này của thánh Marcô cho phù hợp với tình trạng của Hội Thánh. Phần nhất chấm dứt ở câu “ai có tai để nghe thì hãy nghe”. Chúa Giêsu giới thiệu một người gieo giống lạ thường, không giống các nông dân khác. Vì tuy hạt giống có thể hiếm và đắt, vậy mà ông ta cứ gieo thỏa mái, không cần biết đất tốt hay đất xấu và hạt rơi vào chỗ nào. Chúa Giêsu có ý mạc khải Thiên Chúa là Đấng rộng rãi, Người gieo Lời Người cho mọi người, không phân biệt ai, không cần biết Lời Người được đón nhận ra sao và có thể sinh hoa kết quả chăng? Thiên Chúa là Đấng yêu thương, yêu thương vô điều kiện.

Sự kiện “Thiên Chúa yêu thương một cách vô điều kiện” này tạo ra hai phản ứng. Có những kẻ như biệt phái, luật sĩ luôn đề cao công nghiệp, đề cao việc giữ luật, sẽ không chấp nhận một vị Thiên Chúa yêu vô điều kiện, yêu quá dễ dãi, không đòi phía con người phải có dấu gì làm bằng chứng cho lòng mến. Về hạng này, Chúa Giêsu bảo “họ nghe mà không hiểu, nhìn mà không thấy”. Còn phản ứng thứ hai là nhiều tín hữu sẽ tự nhủ: Chúa yêu vô điều kiện rồi, thế nào mình cũng được cứu rỗi và lên thiên đàng rồi, bởi đó, chúng ta hãy sống thỏa mải, sống buông thả. Thánh Marcô viết phần giải thích dụ ngôn của Chúa là để cảnh cáo thứ luận điệu ấy. Ngài muốn nói rõ rằng: đúng là Thiên Chúa rộng rãi và yêu thương vô điều kiện, nhưng chúng ta phải coi chừng cách đón nhận Lời Chúa và tình thương của Chúa. Phải coi chừng kẻo mình trở thành kẻ nghe hời hợt, hay kẻ dễ thay đổi khi gặp thử thách, hay mình quá lo lắng việc đời và khi đó, hạt giống Lời Chúa không sinh hoa kết quả được. Chúa rộng lượng, không phân biệt ai, không loại trừ ai, nhưng phía chúng ta cũng phải biết giữ lấy Lời Chúa và làm sinh lợi thì mới có kết quả tốt.

Vậy Thiên Chúa luôn rộng rãi, còn phía chúng ta có khi hẹp hòi hoặc để phí tình thương Chúa. Chúng ta hãy xin cho mình được trở nên mảnh đất tốt cho Lời Chúa, bằng thái độ chân thành đón nhận, suy gẫm và phát huy mọi Lời của Chúa.


THỨ NĂM

2Sm 7,18-19.24-29; Mc 4,21-25

Vua Đavít, như bài đọc I vừa mô tả, ông thật là một con người đáng để chúng ta nhìn ngắm và khâm phục. Đavít là gương mẫu cho chúng ta về nhiều điểm: trước hết, ông là con người có đức tin, biết “đặt mình trước Thiên Chúa”, rồi ông biết tạ ơn, ngợi khen Thiên Chúa sau khi nhận được lời hứa cho triều đại ông vững bền qua các thế hệ – biết cầu nguyện từ những niềm vui xảy đến cho mình – nhất là biết khiêm tốn, biết nhìn nhận quyền tối thượng của Thiên Chúa. Chỉ có điều là theo lời kinh mà nhà vua thổ lộ cùng Thiên Chúa, có thể nói ông chỉ mới chăm chú nhìn vào ân huệ Thiên Chúa ban cho mình, chỉ mới lặp đi lặp lại lời xin Thiên Chúa thực hiện điều Người đã hứa, chứ ông chưa diễn tả một mong muốn đền đáp lại Thiên Chúa của phía mình. Ông chưa hứa là phần mình sẽ xử sự ra sao cho xứng với tình thương lớn lao đó của Thiên Chúa.

Về điểm này, vua Đavít chưa thể sánh được so với Chúa Giêsu. Chúa Giêsu chính là người tận tình đền đáp Thiên Chúa. Bởi vì những lời trong đoạn Tin Mừng hôm nay, tuy là những khuyên răn được dành cho mọi người đi theo và nghe Chúa giảng dạy, nhưng trước hết, có lẽ những lời đó là sự giới thiệu gián tiếp về chính Chúa Giêsu. Câu nói về việc “đặt đèn trên giá cao” ám chỉ đến việc Chúa Giêsu đã chu toàn sứ mạng rao giảng về Nước Trời, phục vụ Nước Trời bất chấp những khó khăn cản trở từ bên ngoài. Chúa Giêsu giống như cái đèn được Cha thắp lên, chẳng lẽ lại để úp cho tắt đi ngay. Dù thân nhân và đối thủ ngăn cản, Chúa Giêsu cứ nhất quyết đi hết con đương mà Chúa Cha đã vạch ra cho Ngài. Và chính vì Chúa Giêsu đã tận tụy như thế, chính Ngài kiên tâm đào luyện các tông đồ mà sứ điệp của Ngài ban đầu bị dấu kín, về sau đã được đưa ra ánh sáng, nghĩa là được loan truyền khắp nơi. Chúa Giêsu chính là con người quảng đại, “đong đầy đấu”, cho Thiên Chúa qua việc đem hết con người, thời giờ, sức lực của mình để phục vụ Nước Trời, nên cuối cùng đã được Cha trên trời tôn vinh, phục sinh, tuôn đổ muôn ơn, để giống như kẻ “đã có còn được cho thêm”.

Vậy những lời của đoạn Tin Mừng hôm nay giới thiệu Chúa Giêsu như Đấng chẳng những biết ơn Thiên Chúa vì diễm phúc Người ban, vì sứ mạng Người trao phó, mà còn đền đáp Thiên Chúa một cách tận tình bằng cả cuộc sống lăn xả vì Tin Mừng Nước Trời. Về điểm này, Chúa Giêsu vượt xa vua Đavít ngày xưa.

Chính vì thế, Chúa Giêsu mới mời gọi người ta đi vào tâm tình mở ngõ cho Thiên Chúa và biết ơn Người bằng việc nghe lời Thiên Chúa, nghe thật nhiều thật kỹ và biết quảng đại truyền bá lời mình nghe như Chúa Giêsu đã truyền bá, vì người ta chỉ thực sự nghe Lời Thiên Chúa khi biết loan truyền cho kẻ khác.

Những lời của Chúa Giêsu cũng là lời mời gọi chúng ta hôm nay:

Hãy biết Thiên Chúa đang yêu thương chúng ta.

Hãy chuyên chăm lắng nghe Lời Chúa, hãy biết để cho mình được vị Thiên Chúa “kín ẩn” nắm bắt, tác động, hãy biết khám phá ra “bí ẩn” của Người, để sau đó làm cho mình nên tôi tớ của vị Thiên Chúa ấy, qua việc nỗ lực làm cho nhiều người khác khám phá ra vị Thiên Chúa ấy.

Chúa Giêsu trong mầu nhiệm bàn thờ là Đấng đã sống chết vì sứ mạng, đã quảng đại cho đi, cho đi đến cả mạng sống mình, xin Chúa Giêsu dẫn chúng ta ngày càng tiến thêm trên con đường và lối sống đó của Chúa, để chúng ta nên đoàn con biết ơn và đáp đền Thiên Chúa một cách cân xứng.


THỨ SÁU

2Sm 11,1-4a.5-10a.13-17; Mc 4,26-34

Trong hai dụ ngôn về Nước Trời mà chúng ta vừa nghe, Chúa Giêsu tỏ ra thật lạc quan, tin tưởng, Chúa Giêsu như nắm chắc được tương lai tốt đẹp của Nước ấy. Vì theo dòng thời gian, Nước Trời sẽ tự nhiên lớn mạnh, như hạt giống tự nhiên nẩy mầm và dần dần trở thành cây lớn, như hạt cải ban đầu nhỏ tí dần dần cũng mọc thành cây lớn. Sở dĩ, Chúa Giêsu lạc quan như vậy, vì Nước Trời là việc của Thiên Chúa, việc thuộc quyền năng và tình thương của Thiên Chúa. Đã nói đến quyền năng thì có nghĩa không có sức mạnh, ảnh hưởng hay gian khó nào có thể cản trở dự định của Thiên Chúa được. Chúa muốn thiết lập Nước Trời để đem sự hiện diện cõi trời vào giữa lòng cuộc sống nhân loại, để tuôn đổ ơn cứu độ đổi thay số phận con người thì nhất định ý muốn đó của Chúa sẽ thành tựu. Còn nói đến tình thương của Thiên Chúa thì có nghĩa là Thiên Chúa sẽ vượt thắng mọi yếu hèn, sai lỗi của con người là những lực cản không cho Nước Trời hiển trị. Thiên Chúa sẽ thắng sự tội. Thậm chí chính từ tội lỗi của con người, Thiên Chúa vẫn có thể kéo ra sự lành, để ngay giữa dòng tội lỗi, Nước Trời tiếp tục xuất hiện và lớn mạnh.

Nhìn lại lịch sử cứu độ, chúng ta thấy Chúa Giêsu thật đã có lý để lạc quan. Vì sự thật đến nay, Nước Trời đã lớn mạnh đáng kể giữa trần gian qua sự có mặt của Hội Thánh chúng ta, “một thứ cây lớn khiến chim trời từ muôn phương có thể đến núp bóng”, qua số đông đảo Kitô hữu. Sự thành công của Nước Trời còn tỏ lộ ra qua tác động của ơn Chúa qua các tín hữu: đời sống của đa số “người có đạo” nói chung đã được thay đổi, đã có nhiều đức tính tốt và nói đến người Công Giáo chúng ta, nhiều người ngoài sẵn sàng quí mến, tin tưởng vì biết chúng ta là người tốt. Đúng là ban đầu nhỏ bé, nay Nước Trời đã phát triển khắp nơi và có mặt trong đời sống mọi người, trong xã hội với nhiều ảnh hưởng tốt lành.

Thế nhưng mặt khác, khi nhìn vào thực tế đời người, chúng ta thấy Nước Trời cũng chưa hẳn đã lớn mạnh đúng mức và sự lớn mạnh của nó không phải bao giờ cũng dễ dàng. Nước Trời nhiều lúc không giống như hạt giống được gieo xuống đất. Hạt giống thì dễ mọc thành cây, còn Nước Trời lắm khi chỉ phát triển nơi con người được Thiên Chúa phải vất vả tác động và con người phải liên lỉ cố gắng. Thật vậy, mọi lúc Thiên Chúa phải can thiệp nơi chúng ta và chúng ta phải canh chừng chính mình, vì bên cạnh Nước Trời, nơi chúng ta lại có nhiều mầm mống sự tội đang nằm sẵn và lớn dần, nơi chúng ta có sự tự do cao quí do Thiên Chúa ban phú, nhưng lại là sự tự do có thể phạm tội, nếu chúng ta không biết sử dụng đúng đắn. Trường hợp vua Đavít, mà bài đọc I hôm nay nói đến, đó là một bằng chứng. Đang là một con người gương mẫu về lòng đạo hạnh khiêm tốn, về tinh thần cầu nguyện, Đavít bỗng nhiên đầu hàng trước những đam mê xấu nơi mình, phạm một lúc cả tội bất công với kẻ khác và tội ngoại tình. Đã thế lại còn định giả hình, làm như mình không phạm tội, bằng cách mời người chồng về, thu xếp cho gặp vợ, và khi không thành công, đã nhẫn tâm giết kẻ đạo hạnh. Đavít là một con người thấp hèn được Thiên Chúa thương cất nhắc lên địa vị cao vời nhất nhưng đã phạm một thứ tội tầy đình, tội điển hình.

Nước Trời nơi mỗi người chúng ta hiện giờ đang lớn dần, nhưng trong đấu tranh với bao nhiêu sức cản trở của ma quỉ, đam mê xác thịt. Thiên Chúa vẫn tin tưởng và tiếp tục đặt để Nước Trời nơi chúng ta. Xin Chúa Giêsu Thánh Thể là chính hiện thân Nước Trời giúp chúng ta hằng ngày góp phần nhỏ bé của mình vào việc làm cho Nước Trời hình thành dần dần nơi cá nhân của chúng ta để rồi từ nơi chúng ta tỏa lan ra xã hội xung quanh đang sống.



THỨ BẢY

2Sm 12,1-7a.10-17; Mc 4,35-40

Theo các nhà nghiên cứu Thánh Kinh, đoạn Tin Mừng theo thánh Marcô mà chúng ta nghe hôm nay không đơn sơ như chúng ta tưởng, mà chứa đựng rất nhiều chữ hoặc nhiều chi tiết đầy ý nghĩa bóng bẩy và thâm thúy. Đoạn này nằm trong phần thánh Marcô muốn kể lại việc người ta thắc mắc về con người và tư cách của Chúa Giêsu. Ở đây, thánh Marcô dường như muốn giới thiệu trước về Chúa Giêsu như là Đấng chiến thắng ma quỉ nhờ cuộc khổ nạn phục sinh của Ngài.

Trước hết, chúng ta gặp chữ “biển” là chữ người Do Thái thường dùng để chỉ “chỗ hỗn mang, từ đó xuất phát những sức mạnh đối nghịch với Thiên Chúa và con người”. Theo Thánh Kinh, biển cùng với sự chết và hỏa ngục biến mất để cuộc tạo dựng mới của Thiên Chúa khởi sự.

Rồi đoạn Tin Mừng này ở nhiều điểm giống chuyện Giôna đi tàu vượt biển ngày xưa, khiến người ta nghĩ đến việc Chúa Giêsu sẽ phải chiến đấu chống lại quyền lực sự chết và sẽ phải chảy qua trận bão táp đe dọa Chúa Giêsu là cuộc tử nạn.

Chi tiết “Chúa Giêsu nằm ngủ” gợi đến sự chết hoặc hoặc sự vắng bóng của Ngài.

Chi tiết “chỗi dậy” gợi đến việc Ngài phục sinh. Và lời Chúa Giêsu đe biển, bắt nó im đi, giống với lời Ngài vẫn sử dụng khi trừ quỉ, lời đó diễn tả việc Chúa Giêsu chiến thắng trên ma quỉ sau khi Chúa Giêsu được phục sinh.

Tóm lại chủ đích của thánh Marcô qua đoạn Tin Mừng này là giới thiệu Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa đã chiến thắng ma quỉ, để khởi đầu cuộc tạo dựng mới của Thiên Chúa. Giờ đây Chúa Giêsu là Chúa vũ hoàn, đang cùng các tông đồ là Hội Thánh của Ngài sang bờ biển bên kia, tức miền đất của lương dân để mang ơn cứu độ cho muôn dân nước.

Dĩ nhiên đàng sau đoạn Tin Mừng này đầy ý nghĩa tượng trưng đó, chúng ta gặp sự thật vui mừng là Chúa Giêsu đã thực sự cứu độ chúng ta. Nhờ chiến thắng sau cuộc khổ nạn phục sinh của Chúa Giêsu, Chúa Giêsu đã làm Chúa thống trị trên muôn loài muôn vật. Quyền Chúa của Ngài thi thố ra đối với nhiều đối tượng: đối với thiên thần, đối với ma quỉ, đối với vũ trụ vạn vật, đối với loài người. Nhưng chắc chắn, đối với Chúa Giêsu, không có chiến thắng nào khiến Chúa Giêsu vui mừng cho bằng chiến thắng nơi con người. Việc Chúa Giêsu khuất phục được bão táp của biển khơi không khiến Chúa Giêsu vui bằng khi khuất phục được “biển lòng” con người. Chỉ hành vi của con người – như ngoan ngoãn mở ra trước lời Chúa hay ơn Chúa, như quyết tâm sửa đổi đời sống… đã đủ khiến Chúa Giêsu rộn vui hơn khi có được trăm ngàn chiến công trong các lãnh vực khác. Chắc chắn tâm tình chân thành hối lỗi của vua Đavít sau khi vua phạm tội ngoại tình và giết người mà bài đọc I vừa kể lại, đó là nguồn vui cho Thiên Chúa. Qua những tâm tình của vua Đavít và của bao con người trong dòng lịch sử, Thiên Chúa và Chúa Giêsu vui mừng vì thấy tình thương và ơn thiêng của mình không hư luống trong nhân loại.

Ngày nay, Chúa còn phải khuất phục nhiều thêm nữa. “Bão táp và biển động” chẳng những còn có nơi kẻ ngoại là người thuộc bờ bên kia, mà có ngay nơi chúng ta, những người đã ở trong Hội Thánh.

Xin Chúa Giêsu Thánh Thể mở rộng lòng mọi người để Chúa được vào ngự trị với quyền Chúa của Ngài. Còn bản thân chúng ta, ước gì chúng ta ngày càng nên giống Mẹ Maria, trở nên sự chiến thắng cho Chúa qua việc chúng ta đón Chúa đến, chúng ta gắn bó với Chúa, sống cho Chúa, chết đi cho mọi đam mê thế tục nơi mình.
Mới hơn Cũ hơn