Nhạc Bình Ca là gì?



Nhạc Bình Ca là gì?

Là toàn bộ thể loại nhạc đơn âm được tích hợp vào các dạng thức của các cử hành phụng vụ trong Giáo hội latinh theo nghi lễ Rôma. Bình Ca phát triển mạnh vào thời kỳ đầu của Kitô giáo, đạt đỉnh cao vào thời Trung cổ, bị gián đoạn với sự xuất hiện của nhạc đa âm và của chủ nghĩa nhân văn.

Nhạc Bình Ca hay còn gọi là nhạc Grêgôriô, là tên của Giáo hoàng Grêgôriô Cả (590-604), người được cho là đã cải cách, tổ chức và hệ thống hóa kho tàng âm nhạc khổng lồ này, khi các yếu tố thế tục hoặc ngoại lai đe dọa làm mất đi sự thuần khiết của những bài thánh ca, vì ảnh hưởng của nhiều hoạt động con người trong chính Giáo hội và việc thích nghi chậm chạp với các ngôn ngữ bản địa. Bình Ca không chỉ là soạn thảo một số bài hát mới mà còn kiểm tra lại và tái hợp tất cả những bài có sẵn trong “Antiphonarius Cento”. Bộ tuyển tập này được kết buộc vào bàn thờ Thánh Phêrô bằng một dây xích vàng, bị đánh cắp trong các cuộc xâm lược của những người man-di. Thế nhưng một số bản sao của nó được cất giữ và lan truyền ở các quốc gia Châu Âu, đặc biệt ở Anh, Pháp, Thụy Sĩ, nhờ các nhà truyền giáo và các vị vua có quyền lực như Pipino và Carlo Magno, muốn giữ lại những thúc đẩy về tính độc đáo và độc lập nhờ tính phổ cập của nghi lễ rôma nơi vùng đất của họ. Bất kể độ chính xác mơ hồ của truyền thuyết về hai ca sĩ Petrus và Romanus, được Giáo hoàng Andriano I gửi đến Carlo Magno vào năm 790, người đầu tiên dừng chân ở Metz và người thứ hai dừng lại ở tu viện Thụy Sĩ - S.Gallo , cả hai góp phần tạo nên hai trường phái nổi tiếng cho nhạc Bình ca. Có điều chắc chắn là trong các trình bày đa dạng tồn tại ở các quốc gia khác nhau người ta dễ dàng nhận thấy dấu vết của một nguồn duy nhất và có thể nói là uy tín.

Khởi đầu của phụng vụ Kitô giáo, có hai kiểu, hai nguyên tắc hát phân biệt, người xưa gọi là “accentus” (hát theo âm tiết) và “concentus”: Cách đầu tiên liên quan đến một bản văn trang trọng, trong đó việc ngâm tụng diễn ra hoàn toàn trên một nốt nhạc được lặp lại trong thời gian dài (ví dụ : Thánh vịnh); cách thứ hai liên quan đến một bản văn được chuyển thành một bài hát thực sự (ví dụ: thánh thi, thánh ca).

Vì Bình Ca dành riêng cho giọng hát, nên nó không chú trọng đến khái niệm "cung điệu" (được hiểu là một thang âm có tần số được xác định tuyệt đối). Cấu trúc của nó được bố trí theo “điệu thức”, được xác định qua nhiều phương diện khác nhau, thông qua vị trí mà các nửa cung mi - fa và si – đô chiếm giữ trong thang âm.

Các đặc điểm cơ bản của nhạc Bình Ca là đơn âm, nhịp điệu tự do, thể diatonic và đồng âm, tất cả hòa quyện với nhau một cách cân bằng tối đa mà không cần bất kỳ sự hỗ trợ của nhạc cụ nào (kể cả âm thanh của đàn organ, dù mang tính thiêng liêng).

Một điểm đặc biệt khác […] là, vào thời cổ đại, không cho phép bất kỳ sự tham gia nào của nữ giới.

G. Võ Tá Hoàng
Tham chiếu: Grande Enciclopedia della musica classica; 2° Vol.
Armando Curcio Editore; Roma; 1982 Fonte: Grande Dizionario Enciclopedico U.T.E.T., Pietro Fedele
Mới hơn Cũ hơn