Thập giá là niềm hy vọng sau cùng của chúng ta - 22TNA

SUY NIỆM TIN MỪNG 

CHÚA NHẬT 22 THƯỜNG NIÊN A



Thật khó để bỏ qua cái bối rối và khó chịu khi nghe lại những lời của Chúa Giêsu: “Ai muốn theo Ta phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo Ta”. Chúng ta hiểu rất rõ phản ứng của Phêrô, sau khi nghe Chúa Giêsu nói về đau khổ và sự khước từ của những người đồng hương, đã “kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người : “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy !”. Nhà thần học Dietrich Bonhoeffer nói rằng phản ứng này của Thánh Phêrô “chứng tỏ rằng, ngay từ đầu, Giáo hội đã bị xúc phạm bởi Chúa Kitô đau khổ. Giáo hội không muốn Chúa áp đặt luật đau khổ lên mình”.

Trong xã hội ngày nay, vấn đề này xem ra là một thực trạng rất gần gũi đối với mỗi người chúng ta. Bởi chúng ta đang sống trong môi trường mà Leszek Kolakowsky gọi là "văn hóa thuốc giảm đau", một xã hội bị ám ảnh bởi việc loại bỏ đau khổ bằng ma túy, rượu chè và những cuộc chơi vô bổ.

Nếu chúng ta muốn làm sáng tỏ thái độ của người Kitô hữu là gì, chúng ta phải hiểu rõ thập giá bao gồm những gì đối với người Kitô hữu, vì có thể chúng ta đặt thập giá đó ở nơi mà Chúa Giêsu chưa bao giờ đặt nó.

Chúng ta dễ dàng gọi là “vượt qua” tất cả những gì khiến chúng ta đau khổ, ngay cả những đau khổ xuất hiện trong cuộc sống do tội lỗi của chính mình hoặc do lối sống sai lầm của mình gây ra. Nhưng chúng ta không được nhầm lẫn thập giá với bất kỳ những bất hạnh, thất bại hay khó chịu nào xảy ra trong cuộc sống.

Thập giá là điều hoàn toàn khác. Chúa Giêsu kêu gọi các môn đệ trung thành theo Ngài và phục vụ một thế giới nhân bản hơn, chính là vương quốc của Thiên Chúa. Đây là điều tiên quyết. Thập giá không gì khác hơn là sự đau khổ sẽ đến với chúng ta, kết quả của việc đi theo Chúa; số phận đau thương mà chúng ta sẽ chia sẻ với Chúa Kitô nếu chúng ta thực sự theo bước chân Người. Đó là lý do tại sao chúng ta không được nhầm lẫn việc “vác thánh giá” với những kiểu hành xác giả tạo hay điều mà P. Evdokimov gọi là chủ nghĩa khổ hạnh “rẻ tiền” và chủ nghĩa cá nhân.

Mặt khác, chúng ta phải hiểu đúng việc “từ bỏ chính mình” mà Chúa Giêsu yêu cầu khi mời gọi vác thập giá và đi theo Người. “Từ bỏ chính mình” không có nghĩa là hành xác, trừng phạt mình bằng mọi cách, và càng không có nghĩa là hủy bỏ chính mình hoặc tự hủy hoại chính mình. “Từ bỏ chính mình” là quên đi “cái tôi” của mình, xây dựng cuộc đời dựa trên Chúa Giêsu Kitô. Nói cách khác, “vác thập giá” có nghĩa là đi theo Chúa Giêsu, sẵn sàng chấp nhận sự bất an, xung đột, chối bỏ hoặc bách hại mà chính Đấng đã chịu chết trên thập giá gánh chịu.

Người tin vào Thiên Chúa không thể cảm nghiệm thập giá như một thất bại, mà là niềm hy vọng sau cùng. Ai mất mạng vì Chúa Kitô thì sẽ tìm lại được nó. Thiên Chúa Cha của Đức Giêsu Kitô đã cho làm cho Người sống lại, thì chính Ngài cũng sẽ làm cho chúng ta sống lại một cách trọn vẹn.

G. Võ Tá Hoàng
Mới hơn Cũ hơn