Mối tương quan giữa Đức Maria và các Tông đồ như thế nào?

Pascal Deloche | Godong


Philip Kosloski

Đức Maria được các tông đồ yêu mến và quý trọng, vừa coi mẹ là mẹ của Chúa và cũng là mẹ của mình, người mà họ luôn hướng về.

Đức Trinh Nữ Maria, là Mẹ của Đấng Cứu Thế, Chúa Giêsu Kitô, là công cụ quyết định trong các biến cố sẽ thay đổi thế giới. Mẹ đã sinh ra Con Thiên Chúa, dưỡng nuôi và ở bên Người dưới chân thập giá. Tuy nhiên, sau cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu, Tân ước ghi lại rất ít các hoạt động của Đức Maria. Vậy Mẹ đã tham gia vào những ngày đầu của Giáo hội như thế nào? Làm thế nào Mẹ là một phần của sứ mệnh được Chúa Giêsu trao phó cho các tông đồ để truyền rao Tin mừng cho thế giới?

1. Manh mối từ Tân ước

Trước tiên, Chúa Giêsu giao mẹ của mình cho tông đồ Gioan, người môn đệ được yêu mến. Sự đồng thuận chiếm ưu thế vì rằng, vào thời điểm diễn ra cuộc khổ nạn, Thánh Giuse đã qua đời, để lại Chúa Giêsu là người chịu trách nhiệm chính trong việc chăm sóc Đức Maria. Đến lượt mình, khi chịu đóng đinh trên thập giá, Chúa Giêsu đã ủy thác cho Thánh Gioan chăm sóc mẹ của mình.

“Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giêsu nói với thân mẫu rằng: "Thưa Bà, đây là con của Bà." Rồi Người nói với môn đệ: "Đây là mẹ của anh." Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình” ( Ga 19, 26-27 ).

Người ta cho rằng, thời gian đầu, Thánh Gioan chăm sóc Đức Maria ở Giêrusalem, như đã nói trong sách Công vụ Tông đồ: “Bấy giờ các ông từ núi gọi là núi Ôliu trở về Giêrusalem. Núi này ở gần Giêrusalem, cách đoạn đường được phép đi trong ngày sabát. Trở về nhà, các ông lên lầu trên, là nơi các ông trú ngụ. Đó là các ông: Phêrô, Gioan, Giacôbê, Anrê, Philípphê, Tôma, Batôlômêô, Mátthêu, Giacôbê con ông Anphê, Simôn thuộc nhóm Quá Khích, và Giuđa con ông Giacôbê. Tất cả các ông đều đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện cùng với mấy người phụ nữ, với bà Maria thân mẫu Đức Giêsu, và với anh em của Đức Giêsu” ( Cv 1,12-14 ).

2. Thánh Luca: hiệp nhất trong lời cầu nguyện

Chúng ta thấy rằng rõ ràng Đức Maria đã hiện diện giữa các tông đồ trong giai đoạn đầu tiên của Giáo hội, hiệp nhất với họ trong lời cầu nguyện. Sự hiện diện trầm lặng của Mẹ có lẽ đã giúp khích lệ các tông đồ trong sứ mạng của họ.

Thánh Luca thuật lại rằng, “khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi, bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một” (Cv 2,1-3 ). Mặc dù không được đề cập rõ ràng, nhưng người ta tin rằng Đức Maria đã ở giữa các môn đệ trong ngày Lễ Ngũ Tuần, chứng kiến Chúa Thánh Thần ngự xuống trên tất cả những người đang hiện diện.

Sau biến cố này, không còn hoạt động nào của Đức Maria được nói đến trong Tân Ước, cho nên không ai biết chính xác điều gì đã xảy ra trong giai đoạn tiếp theo.

3. Thánh Gioan và Êphêsô

Một truyền thống đặt Thánh sử Gioan ở thành Êphêsô, nơi nhiều người tin rằng ngài đã đến sống cùng với Đức Mẹ - người ta cũng tin rằng sự kiện Đức Maria lên trời cũng diễn ra tại đó. Do đó, có thể Đức Trinh Nữ đã dành phần đời còn lại của mình để cầu nguyện trong thinh lặng và chiêm niệm.

Một truyền thống khác cho rằng Thánh Luca đã phỏng vấn Đức Maria để viết ra Phúc âm của ngài. Thực ra, chính Luca cũng khẳng định rằng ngài đã cẩn thận tra cứu đầu đuôi mọi sự để viết ra câu chuyện của mình, nhưng Luca không nhắc đích danh Đức Maria (x. Lc 1, 1-3 ). Tuy nhiên, một dấu hiệu cho thấy điều này có thể đã xảy ra là Phúc âm Luca đặc biệt đáng chú ý vì đề cập nhiều đến Đức Maria, bao gồm cả những câu chuyện mà chỉ Mẹ mới biết.

Cuối cùng, chúng ta biết rất ít về vai trò của Mẹ Maria giữa các tông đồ, nhưng chúng ta tin chắc rằng Mẹ đã ở đó và, với tư cách là mẹ của Đấng Mêsia, rất có thể Mẹ có một vị trí đặc biệt. Xét cho cùng, không phải là vô ích khi Giáo Hội khẩn cầu với Đức Maria là Nữ Vương các thánh Tông Đồ.

G. Võ Tá Hoàng

Mới hơn Cũ hơn