Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế

Chúa nhật lễ Chúa Thăng Thiên
Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế
Mt 28,16-20




Bốn mươi ngày sau khi sống lại, Chúa Giêsu về trời trước cái nhìn ngỡ ngàng của các môn đệ. Trước khi rời bỏ thế gian, Chúa Giêsu trao phó cho các môn đệ nhiệm vụ rao giảng Tin mừng cho tất cả mọi loài thọ tạo, Chúa nói : "Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, Con và Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế." (Mt 28,19-20). Đó là sứ mạng truyền giáo mà Chúa Giêsu đã trao lại cho Giáo hội của người, và qua Giáo hội tất cả chúng ta cũng phải thi hành sứ mạng đó một cách tin tưởng, để tất cả mọi người nhận ra Tin mừng và đón nhận sự sống đời đời.

Việc lên trời của Chúa mời gọi chúng ta nâng tâm hồn lên các thực tại trên trời, tách chúng ra khỏi thực tại trần thế, dựa theo những lời chúng ta đã nghe trong Bài đọc II, ở đây thánh Phaolô Tông đồ giúp chúng ta nhận ra : "Đâu là niềm hy vọng anh em đã nhận được, nhờ ơn Người kêu gọi, đâu là gia nghiệp vinh quang phong phú anh em được chia sẻ cùng dân thánh, đâu là quyền lực vô cùng lớn lao Người đã thi thố cho chúng ta là những tín hữu." (Eph 1,18-19); Mặt khác chúng ta được kêu mời không phải ở lại mãi trong cuộc sống trơ lì, trong sự chờ đợi cách bị động ngày Chúa trở lại, nhưng là xây dựng vương quốc Thiên Chúa trên cuộc sống hiện tại này.

Chúa Giêsu đã về cùng Cha, còn chúng ta vẫn sống nơi trần thế. Đôi mắt của các môn đệ không thể rời khỏi hình ảnh vị Thầy của họ trong khi Ngài đã khuất dần trước cái nhìn đăm chiêu hướng về trời cao. Đó là hình ảnh xác thực nhất về mối tương quan của chúng ta với thiên giới. Ở trong thâm sâu của mọi khao khát, của mỗi hành vi, cũng như ở thâm sâu của tội lỗi có chuyển động tự nhiên này, là nỗi nhớ quê hương, hướng về sự thiện, lòng canh cánh hướng về quê hương trên trời. Cho nên không có gì làm chúng ta thỏa mãn, dù cho những niềm vui to lớn nhất được tạo ra ở thế gian thì những mong ước vươn cao, vươn xa và vĩ đại hơn cũng không thể thiếu được. Vì tất cả chúng ta đã được tạo ra để hướng về trời.

Cho nên, chúng ta có thể nói rằng sứ điệp của ngày lễ trọng này có thể tóm tắt trong những lời sau : dưới ánh sáng của việc Chúa Thăng Thiên, chúng ta được mời gọi nâng cao tâm hồn lên Trời và đứng vững đôi chân trên đất, để cho mình được sử dụng để truyền bá Tin mừng cho toàn thể thế giới.

Cần phải suy niệm và hành động. Hai yếu tố này luôn đi đôi với nhau. Số phận của thế giới này không được cải thiện trong những buổi thảo luận, hội họp, trong các dự án, nhưng bằng cách nâng tâm hồn lên Thiên Chúa và múc lấy từ nơi Người ánh sáng và sức mạnh để hành động và để phổ biến điều tốt đẹp cho thế gian. Thế giới này đầy dẫy những những sáng kiến : các dự án tăng lên thật nhiều, sức mạnh bị làm cho suy yếu, nhưng những điều đó không cải thiện được gì. Cần duy nhất một điều là trở về với Thiên Chúa, con tim hướng về Người, nghĩ đến việc lành của chúng ta, chúng sẽ có hiệu lực trong sự hiệp nhất với Thiên Chúa.

Việc lên trời không tách Chúa Giêsu ra khỏi Giáo hội. Ngay cả khi về trời, Chúa Giêsu vẫn tiếp tục hiện diện với chúng ta. Người đã hứa với chúng ta bằng những lời rất an ủi : "Và đây thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế" (Mt 28,20). Cách đặc biệt, Chúa Giêsu vẫn tiếp tục sống với chúng ta trong Bí tích Mình và Máu Người, và không bao giờ bỏ chúng ta mồ côi.

"Người lên trời không phải để lìa xa thân phận yếu hèn của chúng con, nhưng để chúng con là chi thể của Người, tin tưởng được theo Người đến nơi mà chính Người là Đầu và là Thủ lãnh của chúng con đã đến trước". (Kinh Nguyện Thánh Thể). Cho đến hôm nay, chúng ta vẫn thường nghĩ đến vinh quang mà chúng ta đang chờ đợi trên trời. Nơi Chúa Giêsu Phục sinh và lên Trời chúng ta chiêm ngưỡng vinh quang đó, và cũng sẽ là mục đích tối hậu của chúng ta. Thánh lễ hôm nay dạy cho chúng ta biết rằng, chúng ta không được tạo dựng cho thế gian, nhưng cho nước trời. Chỉ nơi đó tâm hồn của chúng ta mới tìm thấy được bình an đích thực. Ở dưới thế này luôn luôn có những điều gây ra đau khổ, và Thiên Chúa cho phép nó để làm cho chúng ta luôn khát khao hướng đến quê trời.

Nhiều lần chúng ta sống như thể chúng ta phải ở lại đây mãi mãi. Chúng ta không nghĩ đến đời sống vĩnh cửu, vì thế dễ làm cho chúng ta có nguy cơ không chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ Chúa Giêsu hằng sống. Thánh Phaolô, trong bài đọc thứ hai, đã cầu nguyện xin Chúa Giêsu chiếu sáng đôi mắt tâm hồn (x. Eph 1,18) để chiêm ngưỡng vinh quang dành cho những ai Người đã kêu gọi. Chúng ta cầu xin Thiên Chúa khai mở đôi mắt chúng ta, để từ đây, chúng ta có thể hướng về mục đích đời mình.

Hành trình dương thế của chúng ta có thể so chiếu với một cuộc lên cao lâu dài : Chúng ta phải đạt tới đỉnh, và điều đó đòi hỏi sự dấn thân không mỏi mệt của chúng ta. Đi xuống thì rất dễ, khi lên sẽ khó hơn nhiều, nhưng chúng ta được mời gọi đạt tới đỉnh của tình yêu Thiên Chúa. Hành lý nhẹ bao nhiêu, thì sự thành công để chinh phục đỉnh núi cao dễ dàng bấy nhiêu. Thánh Phanxicô Assisi đã muốn sống trong sự nghèo khó, để không bị ngăn trở bởi bất cứ điều gì trong cuộc sống, nhờ đó có thể đạt tới sự hoàn thiện vì Nước Trời.

Khởi đầu cuộc hành trình thì dễ dàng, nhưng càng gần tới đỉnh bao nhiêu, càng lên cao bao nhiêu dốc sẽ đứng hơn rất nhiều, hơi thở sẽ nhiều hơn gấp bội. Mệt mỏi tăng dần và nhiều hơn nữa, nhưng mong muốn đạt được đỉnh cao tăng mãi không ngừng, và cuối cùng khi đạt đến đỉnh, lòng bạn tràn ngập niềm vui. Xem ra, càng khó khăn bao nhiêu thì chúng ta càng hạnh phúc vui sướng bấy nhiêu. Đôi mắt vui mừng vì từ lúc đó nó được mở ra để chiêm ngưỡng những điều kỳ diệu xung quanh, và thế giới dưới chân xem ra quá nhỏ bé. Ta muốn lưu lại đó một thời gian và ta chợt hiểu rằng thế gian này không bao giờ có thể xoa dịu được cách trọn vẹn con tim khát khao của chúng ta.

Được mời gọi nhìn lên cao, nhiều lần chúng ta không thành công trút bỏ cái nhìn khỏi mặt đất. Chúng ta hãy học từ các thánh, các ngài trải qua rất nhiều những thử thách và cám dỗ, các ngài leo lên rất nhiều đỉnh cao và đã lên được đỉnh cao chói lói của tình yêu Thiên Chúa. Người ta kể rằng, khi còn là một đứa trẻ, thánh Phanxicô de Sales là người rất cừ, tất cả đều bén rể từ những suy nghĩ của ngài, và khi cha ngài hỏi về những gì ngài đang suy nghĩ, ngài trả lời : "Con nghĩ đến Chúa và Chúa sẽ làm cho con thành vị thánh".

Chúng ta cũng nghĩ đến Chúa. Đời sống cầu nguyện được định nghĩa cách đúng đắn là "nâng tâm trí lên Thiên Chúa". Mỗi khi chúng ta cầu nguyện thực sự, chúng ta sẽ nâng tâm trí và tâm hồn mình mình lên, gỡ bỏ chúng khỏi những ràng buộc của thế gian này.

Chúng ta hãy nghĩ đến Thiên Chúa và hãy giữ cho tâm hồn mình luôn hướng nhìn về đỉnh cao, là chính Chúa, đích điểm của những khát khao và mong đợi.

G. Võ Tá Hoàng
Mới hơn Cũ hơn