Suy niệm Tin mừng Tuần III Mùa chay



THỨ HAI TUẦN 3 MÙA CHAY

Lc. 4, 24-30

KHÔNG MỘT TIÊN TRI NÀO

Người nói tiếp : "Tôi bảo thật các ông : Không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình". (Lc. 4, 24)

Lại thêm một lần đòi dấu lạ. Con người nổi dậy chống Thiên Chúa, họ đòi Ngài phải chứng tỏ sứ vụ tiên tri của Ngài bằng cách làm hài lòng và thỏa mãn họ. Nhưng Thiên Chúa phải cúi phục trước con người sao ? Thiên Chúa ban ơn cứu độ, nhưng Ngài chỉ ban cho kẻ tin kính vâng lời Ngài, cho kẻ trông chờ trong kiên nhẫn âm thầm. Ngài đòi có đức tin, vâng lời nhận lãnh biết ơn đối với tất cả tâm tình của họ.

Dân làng Na-gia-rét không nhận biết Đức Giê-su, vì họ phán đoán hoàn toàn theo sở thích loài người. Đức Giêsu là ngôn sứ, Người hành động theo sứ mạng Thiên Chúa.

Không phải những đòi hỏi của người trần ấn định cho hành động của các ngôn sứ, của Đức Ki-tô, các ngài không hành động vì lợi riêng cho mình. Các ngài chỉ hành động theo ý Thiên Chúa. Ngôn sứ không được hành động theo quyết định bản thân mình, nhưng luôn luôn theo quyết định của Thiên Chúa, Đấng đã sai mình.

Thiên Chúa quyết định cho hai ngôn sứ : Ê-li-a và Ê-li-sê đến làm phép lạ cứu giúp những người lương dân, chứ không cứu người đồng hương. Đức Giêsu không hoàn toàn đến thực hiện ơn cứu độ cao cả cho quê hương mình, Người phải đi cứu độ những người dân xa lạ. Thiên Chúa dành cho mình có quyền tự do phân phát ơn cứu độ.

Không ai có thể đòi quyền được ơn cứu độ. Quả thật như vậy, không ai được phép đòi có quyền đó, phải tin ơn cứu độ mình được là nhưng không. Nước Thiên Chúa mà Đức Giêsu rao giảng và thực hiện ơn cứu độ cho những người Thiên Chúa yêu thương. Ơn cứu độ là một ân huệ chứ không do công lao mình làm. Nhưng đó là ân huệ chúng ta được quyền hưởng vì Đức Giêsu đã chết cho chúng ta, và chúng ta phải sống hoàn toàn theo ý Cha của Người, đó là điều kiện căn bản, còn chúng ta vẫn có tự do đón nhận hay từ chối ơn cứu độ.

Nhờ Đức Giê-su, Thiên Chúa đến viếng thăm dân Ngài và ban các ân huệ dồi dào, xưa kia Ngài cũng ban cho dân như vậy qua các ngôn sứ, số phận các ngôn sứ thế nào thì số phận Đức Giêsu cũng vậy. 



THỨ BA TUẦN 3 MÙA CHAY

Mt. 18, 21-35

THA THỨ VÔ BỜ

Bấy giờ ông Phê-rô đến gần Đức Giêsu mà hỏi rằng : "Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần ? Có phải đến bảy lần không ?" Đức Giêsu đáp : "Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng đến bảy mươi lần bảy ." (Mt. 18, 21-22)

Khi Phê-rô hỏi : "Nếu anh em cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha thứ mấy lần ? Có phải bảy lần không". Thế là ông tốt lắm rồi. Ông đã vượt mức luật cũ : "Mắt đền mắt, răng đền răng". Còn chúng ta, có ai đã tha thứ đến bảy lần chưa ?

Những trường phái Rabbi đã định mức tha thứ thế nào ? Tha cho vợ mấy lần, cho con cái, cho anh chị em mấy lần ? Họ cãi nhau xem phải ấn định mấy lần, phải tha thứ, luật của trường phái nào mới đúng ? Nhưng Đức Giêsu không đứng đầu trường phái nào, với Người, không có mức nào hết, vì Người không tự đóng khuôn vào khu vực số lượng nhiều hay ít. Chúng ta muốn được Thiên Chúa tha thứ vô cùng thì chúng ta phải biết tha thứ không tính toán.

Khi bạn tha thứ, bạn đừng nhìn vào sức nặng của xúc phạm, nhưng hãy nhìn vào Thiên Chúa và nhìn lại cuốn sổ ghi lỗi của bạn. Chỉ có kẻ vô tội mới được phép luận tội và tha thứ thôi. Tất cả chúng ta đều là kẻ có tội và được thương xót tha thứ, cho nên chúng ta đo lòng thương xót của mình đối với kẻ có nợ chúng ta là tự phụ. Chúng ta cần nhớ bài học này : Theo đức tin, trước nhất chúng ta phải luôn luôn nhìn lên Chúa trước khi xét đoán anh em mình, và lúc đó chúng ta sẽ được đầy lòng nhân hậu khoan dung êm ái và yêu thương.

Lời của Đức Giêsu ban đầu có vẻ kỳ dị, nhưng nhìn kỹ, thì thấy khôn ngoan biết bao … Trong thế giới pháp chế trói buộc nặng nề này, không còn quan tâm đến con tim, thì tốt lành biết bao khi được nghe những bài diễn văn về lòng thương yêu tha thứ. 


THỨ TƯ TUẦN 3 MÙA CHAY

Mt. 5, 17-19

TRUNG TÍN GIỮ ĐIỀU NHỎ NHẤT

"Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ luật Mô-sê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải làđể bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn.Vì, Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng không thể qua đi được, cho đến khi mọi sự được hoàn thành". (Mt. 5, 17-18)

Ý Thiên Chúa và sách thánh đã viết ra đều phải được kiện toàn. Cho nên Đức Giêsu nói : "Thầy đến không phải để bãi bỏ, nhưng để kiện toàn". Điều mới Đức Giêsu thực hiện, không hoàn toàn khác biệt, mà là kiện toàn luật đã có. Lề luật và lời các tiên tri viết về mặc khải của Thiên Chúa, không phải đã hoàn tất. Ý Thiên Chúa tỏ ra qua lề luật và lời tiên tri được bày tỏ dần dần cho đến thời Đức Giêsu ngự đến.

Lề luật và lời các tiên tri có một ý nghĩa mới nhờ mặc khải của Đức Giêsu Ki-tô. Chính Đức Giêsu đã tuyên bố chắc chắn về những mặc khải cuối cùng của Thiên Chúa, Người đã kiện toàn mặc khải cho chúng ta từ nay cho tới mãi mãi. Sự kiện toàn này của Đức Giêsu không cho phép quay lại quá khứ do loài người đặt ra như Mô-sê cho phép rẫy vợ, như cấm chữa bệnh trong ngày Sa-bát. Sự kiện toàn này của Đức Giêsu không cho phép chỉ làm những điều luật đã viết trước đó.

Luật tiếp tục tồn tại, nhưng được kiện toàn những gì luật còn thiếu sót cho đến khi Đức Giêsu kiện toàn lần chót. Sự kiện toàn bắt đầu mặc khải từ khi Chúa Giêsu giảng dạy vì Người là lời Thiên Chúa. Đức Giêsu không phải chỉ kiện toàn lề luật bằng lời dạy, mà còn bằng chính bản thân Người, bằng chính đời sống Người, bằng chính sự nhập thể và cuộc đời tại thế của Người.

Chúng ta phải giữ những điều răn nhỏ mọn nhất với quyết tâm cam kết toàn diện con người chúng ta, với tình yêu mến hảo hạng. Như vậy mới giải thoát chúng ta khỏi mọi kiêu căng của lòng trí, khỏi thứ trí thức tôn giáo hay khỏi cái lối thuần túy giữ "đạo tại tâm", bỏ lơ, trễ nải với lối sống giữ đạo khiêm tốn hiện tại thường ngày.

Chúng ta biết quan tâm giữ cặn kẽ những điều nhỏ mọn, thì chúng ta được đánh giá để xếp hạng trong nước trời, không phải chúng ta được đánh giá theo ý tưởng, hay theo khuynh hướng bản thân, theo tính tình mỗi người … mà theo toàn bộ, toàn bộ trao phó cho chúng ta tất cả những điều nhỏ nhất, tất cả đều quan trọng đối với nước trời. 



THỨ NĂM TUẦN 3 MÙA CHAY

Lc. 11, 14-23

ĐUỔI QUỶ

"Rồi Đức Giêsu trừ một tên quỉ, và nó là quỉ câm. Khi quỉ xuất rồi, thì người câm nói được. Đám đông lấy làm ngạc nhiên. Nhưng trong số đó có mấy người lại bảo : "Ông ấy dựa thế quỉ vương Bê-en-dê-bun mà trừ quỉ." (Lc. 11, 14-15)

Theo một số ý kiến chú giải thời nay thì những người quỷ ám trong Tin mừng là bệnh nhân của cảm cúm. Sự đuổi quỷ của Đức Giêsu được giải thích khéo léo hóa thành vô nghĩa. Những người bị quỷ ám, hầu hết được họ giải thích là những người mắc bệnh động kinh, bệnh thần kinh hay bị ám ảnh bởi hình ảnh quỷ ma trong họ, người bị quỷ câm trong Tin mừng hôm nay đơn giản chỉ là bệnh câm thôi, không bị quỷ ám nào hết.

Theo ý kiến số đông thời đại đó, một nửa bị quỷ thần ám hại cần phải cải cách và Tin mừng đã đến thanh tẩy những thần thoại chồng chất trong đời sống dân Ít-ra-en.

Cách giải thích đó có thật hữu ích không ? Tin mừng có thanh tẩy phong tục tin tưởng vào quỷ thần không ?

Thứ nhất, giải thích của một số người quá ngang ngược với cách trừ quỷ rõ ràng của Chúa, biến Chúa thành nạn nhân của hạng trí thức dổm. Thực ra, thời đại của Đức Giêsu đã có nhiều người khá thông minh để nhận định về thế giới quỷ thần.

Thứ đến, họ muốn kéo nhân loại ra khỏi những sức mạnh siêu nhiên để khỏi nỗi lo sợ bị phán xét về tội con người.

Theo ý số đông trên mặt đất này, có đầy những sự xấu xa, nếu chỉ gán tội cho loài người thôi thì thật bất công, phải tin rằng còn có ma quỷ ném đá dấu tay đã gây ra tội lỗi nữa. Sự hỗn độn của nhân loại được chia thành nhiều loại : loại người ăn nhậu nhồi nhét quá lẽ một bên, loại đói ăn túng cực một bên. Đó không phải do Thiên Chúa Cha dựng nên, cũng không phải hoàn toàn do con người tổ chức thiết kế những thứ ô nhục đó. Cần phải nhìn nhận rằng có hàng triệu người thiện chí hoạt động, tổ chức lấy lại quân bình phân chia của cải vũ trụ, tuy có vô ích.

Thật bất công tin rằng tính dã man do lòng dạ con người bình thường sinh ra, khi thấy nhiều người sống trên hành tinh này ném hàng tấn bom lân tinh xuống dân lành mà lương tâm lầm lạc của họ vẫn bình an. Nhận có tội lỗi, chính là tin có một Thiên Chúa có thể giải thoát chúng ta khỏi thế lực quỷ dữ mà con người không thể tự giải thoát được. Đức tin đòi chúng ta liên tục cầu nguyện xin Chúa giải thoát chúng ta khỏi tay quỷ dữ. Không có Thiên Chúa, chúng ta liều mình bị quỷ dữ ám hại đời đời. 



THỨ SÁU TUẦN 3 MÙA CHAY

Mc. 12, 28-34

MỘT CÂU HỎI, HAI CÂU ĐÁP

"Thưa Thầy, trong mọi điều răn, điều răn nào đứng đầu ?" Đức Giêsu trả lời : "Điều răn đứng đầu là : nghe đây, hỡi Ít-ra-en, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi. Điều răn thứ hai : Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Chẳng có điều răn nào khác lớn hơn các điều răn đó". (Mc. 12, 28b-31)

"Một luật sĩ hỏi Đức Giêsu : Giới răn nào trọng nhất ? Người đáp : Anh phải yêu mến Thiên Chúa, là Chúa anh và yêu mến người lân cận anh, không còn giới răn nào lớn hơn hai điều đó".

Chúng ta thấy đây là toàn thể mầu nhiệm nhập thể : Con Thiên Chúa làm người để làm vinh quang Thiên Chúa bằng cứu độ nhân loại. Chính khi giải thoát con người khỏi vòng nô lệ mà chúng ta làm sáng danh Chúa. Anh em của chúng ta là mọi người, đó là con đường độc nhất nối kết chúng ta với Chúa Cha. Lý do này đủ giúp ta yêu người với hết trái tim ta. Câu đáp này của Đức Giêsu là một lời giải phóng cho người luật sĩ và cả cho chúng ta nữa. Nơi dân Do thái, tôn giáo được phát triển ngày càng theo chiều chủ nghĩa thuyết duy luật lệ, nghĩa là cứ giữ luật lệ nhiều là được cứu rỗi. Luật Tôra có 613 điều. Người ta không thể làm sao tóm tắt lại cả được, cũng không biết đâu là bến bờ, không biết đi về đâu nữa.

Nếu Đức Giêsu mạnh mẽ chống đối biệt phái, chỉ vì thái độ tôn thờ pháp luật đã trói buộc con người. Tình yêu của Thiên Chúa đã bị hóa thành vong thân làm hủy hoại con người.

Ngôi lời Thiên Chúa đã hóa thành xác thân. Tình yêu của con người không đòi buộc phải thoát xác. Mỗi khi Giáo hội tập họp mọi người để cử hành Thánh lễ trước sự hiện diện của Thiên Chúa và mọi người là để nói lên rằng chỉ có những con người đoàn kết trong tình yêu mới thực sự làm sáng danh Thiên Chúa.

Có người nói : "Phúc cho tôi có Thiên Chúa như lòng tôi mong, cho tôi biết chịu đựng thân phận làm người". Đúng lý hơn cho ai nói rằng : "Hạnh phúc biết bao khi Thiên Chúa cho tôi có nhiều người anh em, nhờ đó, tôi có thể yêu mến Thiên Chúa biết chừng nào". 



THỨ BẢY TUẦN 3 MÙA CHAY

Lc. 18, 9-14

ĐỪNG BẮN NGƯỜI BIỆT PHÁI

Đức Giêsu còn kể dụ ngôn sau đây với một số người tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người khác : "Có hai người lên đền thờ cầu nguyện. Một người thuộc nhóm Pha-ri-sêu, còn người kia là người thu thuế…" (Lc. 18, 9-10)

Người biệt phái này không đến nỗi xấu, ông ăn chay hai ngày một tuần, ông dâng cúng một phần mười hoa lợi kiếm được … Thật là một viên ngọc quý mà chẳng có ai trong giáo xứ có thể làm được như vậy. Đừng khiển trách ông đứng cầu nguyện, đó là thói quen của người Do thái. Ông khoe khoang không ai bằng, đáng nực cười. Ông chẳng có chút gì là nhân đức, ông cảm ơn Chúa đã sống như thế.

Đến lượt người thu thuế, ông không dám bốc thơm mình. Đáng lẽ ra, ông vừa đứng xa xa sấp mình xuống đất run rẩy cầu nguyện, ông vừa lo trả tiền của lại cho những người nghèo đã bị ông bóc lột thì tốt hơn. Nhưng người thu thuế đã mang tiếng là hạng làm giàu bằng cách lạm thu.

Chúng ta cũng hèn nhát chê người biệt phái : "Tôi không giả hình như hạng cuồng tín đó. Tôi có nhiều lỗi, tôi khô khan cứng cỏi với người khác, tôi lười biếng … Nhưng tôi không mắc nợ ai". Đó cũng là cách nói như hạng biệt phái, chẳng có gì tốt cả. Bài học lịch sử này không phải là so sánh hai hạng người, làm thế là đáng ghét, nhưng chính là để nhắc nhở chúng ta đến lời thánh Phao-lô dạy chúng ta : "Chính nhờ đức tin làm cho chúng ta nên công chính, không có đức tin, chúng ta không đáng gì trước mặt Thiên Chúa".

Đặc biệt, trường hợp người thu thuế làm sáng lên trong chúng ta một niềm hy vọng tuyệt vời, là những kẻ tội lỗi đừng bao giờ thất vọng và phải luôn hy vọng vào lòng thương xót tha thứ của Thiên Chúa. Đức Giêsu luôn ban ơn cho những người thấy mình vô tài bất lực, thấy mình chẳng đáng công gì, chẳng có thể đền bù được tội lỗi mình, vì Đức Giêsu đã nói : "Tôi đến không phải cứu chữa những người khỏe mạnh, nhưng cứu chữa những người bệnh tật". Đừng bao giờ thấy mình hơn người khác, kẻo đi vào vết chân biệt phái.
Mới hơn Cũ hơn