Tại sao Chúa Giêsu có hai gia phả khác nhau?



Hỏi: Thưa Cha, con đang tham gia một nhóm học Kinh Thánh tại giáo xứ, và khi chúng con chuẩn bị bắt đầu đọc Tân Ước, con thắc mắc: Tại sao lại có hai gia phả khác nhau của Chúa Giêsu trong Tân Ước?

Trả lời: Cảm ơn bạn vì một câu hỏi rất hay! Hai gia phả của Chúa Giêsu trong Tân Ước, được tìm thấy trong Matthêu 1,1–17 và Luca 3,23–38, khác nhau vì mỗi gia phả phục vụ những mục đích thần học và lịch sử riêng biệt, phản ánh đối tượng độc giả và trọng tâm thần học khác nhau của hai sách Tin Mừng.

Gia phả của Matthêu (Mt 1,1–17) được viết chủ yếu cho độc giả Do Thái. Matthêu nhấn mạnh căn tính của Chúa Giêsu là Vị Vua Mêsia xuất thân từ dòng dõi Đavít và Ápraham. Gia phả này lần theo dòng dõi của Chúa Giêsu qua thánh Giuse, cha nuôi hợp pháp của Người, nhằm khẳng định quyền hợp pháp của Chúa Giêsu trên ngai vàng Đavít.

Matthêu sắp xếp phả hệ thành ba nhóm, mỗi nhóm mười bốn thế hệ (từ Ápraham đến Đavít, từ Đavít đến thời lưu đày, và từ lưu đày đến Chúa Giêsu), nhằm nhấn mạnh sự quan phòng của Thiên Chúa và việc ứng nghiệm các lời tiên tri (x. 2 Sm 7,12–16).

Mặt khác, Gia phả của Luca (Lc 3,23–38) được viết cho độc giả là dân ngoại. Luca nhấn mạnh sứ mạng phổ quát của Chúa Giêsu và sự liên đới của Người với toàn thể nhân loại. Gia phả này truy nguyên dòng dõi của Chúa Giêsu ngược lên đến Ađam, để cho thấy Chúa Giêsu là “Ađam mới”, là Đấng Cứu Độ của toàn thể nhân loại (x. Rm 5,12–21; 1 Cr 15,45). Gia phả của Luca có vẻ lần theo dấu huyết thống qua Đức Maria, làm nổi bật nhân tính thật sự và nguồn gốc thần linh của Chúa Giêsu.

Matthêu lần theo dòng dõi hợp pháp thông qua thánh Giuse, là cha nuôi của Chúa Giêsu. Theo luật Do Thái, cha nuôi có thể truyền lại các quyền, bao gồm cả quyền thừa kế hợp pháp. Thánh Luca có lẽ đã trình bày dòng dõi huyết thống của Đức Giêsu qua Đức Maria, như được gợi ý bởi cụm từ “thiên hạ vẫn coi Người là con ông Giuse” (Lc 3,23), ngụ ý đến một dòng dõi khác. Matthêu cho thấy Chúa Giêsu là hậu duệ của Đavít qua Salômôn, thuộc dòng hoàng tộc. Trong khi đó, Luca truy nguyên dòng dõi từ Đavít qua Nathan, một người con ít được biết đến hơn, có thể là tổ tiên của Đức Maria.

Cả hai phả hệ đều nhấn mạnh những chân lý thần học khác nhau: Matthêu liên kết Chúa Giêsu với lịch sử và lời tiên tri của người Do Thái, còn Luca nhấn mạnh đến tính phổ quát của ơn cứu độ và nhân tính của Chúa Giêsu. Cả hai phả hệ đều khẳng định Chúa Giêsu là Đấng Mêsia, ứng nghiệm lời tiên tri nói trong Cựu Ước về người con của Đavít và dòng dõi Ápraham (x. St 12,3; 2 Sm 7,12–13). Gia phả của Luca nhấn mạnh sự liên kết của Chúa Giêsu với toàn thể nhân loại, không chỉ riêng dân Do Thái. Khi đặt hai bản gia phả lại với nhau, chúng cùng xác nhận quyền thừa kế hợp pháp của Đức Giêsu đối với ngai vàng nhà Đavít, đồng thời khẳng định mối liên hệ huyết thống của Người với nhân loại.

Tóm lại, hai gia phả tuy khác nhau về chi tiết nhưng chúng bổ sung cho nhau chứ không mâu thuẫn. Cả hai cùng làm nổi bật hai bản tính của Đức Giêsu: vừa là Con Thiên Chúa, vừa là Con Người, Đấng hoàn tất các lời hứa của Thiên Chúa dành cho Israel và đồng thời mở rộng ơn cứu độ đến toàn thể nhân loại.

G. Võ Tá Hoàng
Nguồn https://www.hprweb.com/

Mới hơn Cũ hơn