Thánh Tôma Tông đồ, trong nhiều khía cạnh, là hình ảnh phản chiếu chân thực của mỗi người chúng ta trong cuộc gặp gỡ với Đức Kitô phục sinh. Chúng ta thường muốn tin rằng mình luôn vững lòng tin và không nghi ngờ. Nhưng sẽ thành thật và khiêm nhường hơn nếu chúng ta thừa nhận rằng đức tin của mình vẫn còn non yếu và chưa đạt đến mức hoàn toàn tín thác. Đồng thời, chúng ta cũng nên xét lại thái độ của mình trước những ơn lành mà người khác nhận được còn mình thì không.
Khi Chúa Giêsu hiện ra lần đầu tiên với các Tông đồ, Tôma lại không có mặt. Khi ông trở về và nghe các anh em thuật lại rằng họ đã được thấy Chúa, ông hẳn cảm thấy hụt hẫng và buồn bã vì đã bỏ lỡ một biến cố trọng đại. Tuy nhiên, thay vì vui mừng vì Chúa đã sống lại và hiện ra với các Tông đồ, tâm trạng hụt hẫng ấy đã dẫn ông tới tâm trạng cay đắng và cứng lòng. Đó là cám dỗ của lòng ganh tỵ, một nỗi buồn trước những điều tốt lành người khác nhận được mà mình thì không. Lẽ ra Tôma nên hân hoan trước việc anh em mình đã được gặp Đấng Phục Sinh, nhưng ông lại để nỗi buồn chiếm lấy tâm hồn và thốt lên lời cứng cỏi:
“Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh, và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi sẽ không tin.” (Ga 20,25)
Tại sao Tôma lại vắng mặt trong cuộc hiện ra ấy?
Có thể là do thánh ý nhiệm mầu của Thiên Chúa: nhờ sự vắng mặt ấy, Tôma trở thành một dấu chỉ, một mẫu gương, cả trong yếu đuối lẫn phục hồi đức tin, cho chính chúng ta. Qua biến cố này, chúng ta học được bài học quý giá: hãy biết vui mừng khi người khác được Chúa ban ơn, ngay cả khi ta không được chia phần, và đừng để lòng ganh tỵ khiến ta đánh mất niềm tin.
Nếu Tôma hiện diện trong lần hiện ra đầu tiên, có lẽ ông đã dễ dàng tin hơn. Nhưng chính sự vắng mặt ấy lại là cơ hội để ông được dẫn vào một hành trình đức tin sâu hơn, một cơ hội mà, đáng tiếc, lúc đầu ông chưa biết nắm bắt.
Vậy còn chúng ta thì sao?
Khi chứng kiến người khác được Chúa chúc phúc, ta phản ứng thế nào? Rất nhiều người phản xạ bằng cách so sánh và tự hỏi: “Tại sao họ được còn tôi thì không?” Đó chính là cơn cám dỗ của lòng đố kỵ, thứ cảm xúc nhẹ nhàng nhưng ăn sâu vào lòng người và khó nhận ra. Chính vì vậy, Thánh Tôma được ban cho chúng ta như một tấm gương cảnh báo: đừng để lòng ghen tỵ làm mờ đục đôi mắt đức tin.
Dù vậy, Tôma không phải là người xấu. Chính Chúa Giêsu đã yêu thương và hiện ra lần nữa chỉ để gặp riêng ông. Trong lần gặp gỡ này, Tôma đã thốt lên lời tuyên xưng tuyệt vời, mà Giáo hội vẫn dùng trong phụng vụ Thánh Thể: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” (Ga 20,28)
Lời tuyên xưng này không chỉ là sự xác tín về sự phục sinh của Chúa Giêsu, mà còn là đỉnh cao của đức tin cá nhân, một tiếng kêu từ trái tim khiêm tốn và được hoán cải. Tuy nhiên, sau đó, Chúa Giêsu nhẹ nhàng khiển trách ông: “Vì đã thấy Thầy nên anh tin. Phúc thay những ai không thấy mà tin!” (Ga 20,29)
Lời khiển trách ấy không phải để chê trách, nhưng để khơi dậy nơi Tôma (và nơi mỗi người chúng ta) một cuộc xét mình về nguồn gốc của sự cứng lòng, có thể bắt đầu từ chính lòng ganh tỵ, từ việc không chấp nhận rằng Thiên Chúa có thể ban ơn cho người khác trước khi ban cho mình.
Hôm nay, Giáo hội tôn kính Tôma như một trong mười hai Tông đồ, và là một vị thánh vĩ đại trong Nước Trời. Chính nơi những vết thương của ông, nơi yếu đuối của ông, mà Thiên Chúa đã gieo mầm ơn cứu độ cho cả thế hệ mai sau. Câu chuyện của Tôma trở thành gương soi để ta khám phá lòng mình:
– Tôi có cảm thấy buồn khi người khác được chúc phúc còn tôi thì không?
– Tôi có thể vui mừng thật lòng trước những ơn lành của người khác không?
– Đức tin của tôi có đang bị tổn thương bởi những cảm xúc giấu kín như đố kỵ, so sánh, tự ti?
Hãy để chính những giây phút xét mình ấy dẫn ta đến với lời cầu nguyện chân thành: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!”
Khi ấy, ta không chỉ là người thấy rồi mới tin như Tôma, mà còn bước vào hàng ngũ những người được Chúa gọi là "phúc thay", vì đã tin bằng con tim khiêm tốn và phó thác.
Lạy Chúa Giêsu nhân lành, Chúa không ngừng tuôn đổ muôn phúc lành xuống trên thế gian này. Xin dạy con biết mở lòng ra để vui mừng với những ai đang nhận lãnh ân huệ từ Chúa, mà không để lòng con rơi vào đố kỵ, so đo. Xin ban cho con một đức tin khiêm nhường như thánh Tôma, để dù không thấy Chúa tận mắt, con vẫn xác tín mà thưa lên: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!”
Xin Chúa giúp con biết nhận ra và tạ ơn vì từng ân sủng Chúa ban trong đời con và trong đời của anh chị em con, vì tất cả đều phát xuất từ trái tim quảng đại của Chúa. Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa. Amen.
G. Võ Tá Hoàng