Suy niệm mỗi ngày, Tuần 8 Thường niên, năm chẵn




SUY NIỆM TIN MỪNG MỖI NGÀY
TUẦN 8 THƯỜNG NIÊN

THỨ HAI

1Pr 1,3-9; Mc 10,17-27

Các bài đọc Lời Chúa hôm nay hướng chúng ta về đời sau. Đó là sự sống đời đời vinh phúc mà Chúa ban tặng làm cơ nghiệp cho những ai dám từ bỏ mọi sự để đi theo Chúa.

Câu chuyện người thanh niên giàu có là bài học liên quan đến cám dỗ đến của cải vật chất của chúng ta. Của cải làm cản trở con đường hoàn thiện của chàng thanh niên. Anh là người tốt, là người đạo đức, vì anh đã giữ các giới răn từ thuở bé. Một tín hữu bình thường có thể cho như thế là đủ và tự hài lòng với đời sống như vậy.

Nhưng chàng thanh niên giàu có này chưa yên tâm, anh muốn gặp Chúa Giêsu và xin Chúa chỉ giáo thêm. Anh muốn biết rõ hơn anh còn phải làm gì nữa ngoài những điều anh đã làm. Quả anh có thiện chí, anh sẵn sàng làm thêm nhiều việc khác nữa nếu cần để được hưởng sự sống đời đời.

Chúa Giêsu không đòi anh ta làm thêm điều gì ngoài sự từ bỏ của cải: “Ngươi chỉ thiếu một điều: đi đi! Có gì thì đem bán mà cho kẻ khó, và ngươi sẽ có một kho tàng trên trời, đoạn hãy theo Ta!”.

Có lẽ chàng thanh niên đã giật mình. Anh không nghĩ Chúa đòi một điều quá sức anh như thế. Anh sẵn sàng chu cấp lương thực cho Chúa Giêsu và các môn đệ. Anh sẵn sàng xây nhà thờ, bệnh viện, trạm xá… nhưng đem bán hết mà cho kẻ khó để bản thân chỉ còn hai bàn tay trắng quả là điều anh không thể làm. Anh không thể đi theo Chúa trong cảnh nghèo khó. Anh bỏ Chúa để rút lui, “sầm mặt”, “buồn sầu”.

Chấp nhận bỏ hết mọi sự, trở nên nghèo khó như Chúa, đi theo Chúa trên mọi nẻo đường Chúa đi, sống một cuộc đời lưu động không nhà cửa, không có gối gối đầu, không bám víu vào bất cứ thứ gì thuộc trần gian, chỉ đặt niềm tin tuyệt đối vào Chúa quan phòng, đó là lý tưởng, đó là sự hoàn thiện Phúc Âm.

Chàng thanh niên giàu có không vươn mình lên đến lý tưởng. Anh dừng lại ở mức đạo đức bình thường: tiếp tục giữ đủ các giới răn, thụ hưởng sự giàu có của mình.

Có thể coi đây là một sự thất bại của một ơn gọi. Chàng thanh niên không làm được điều ông Phêrô và các môn đệ đã làm. Họ đã từ bỏ mọi sự mà đi theo Chúa Giêsu. Chắc chắn chàng thanh niên giàu có sẽ mất hết những của cải mà anh muốn giữ. Anh sẽ vào thiên đàng cách vất vả giống như con lạc đà chiu qua lỗ kim. Chỉ có Chúa tốt lành quảng đại dùng quyền năng của Chúa mới kéo anh qua lọt.




THỨ BA

1Pr 1,10-16; Mc 10,28-31

Các bài đọc Lời Chúa hôm nay tiếp nối tư tưởng của ngày hôm qua: những điều kiện phải có để được Chúa ban thưởng đời này và đời sau.

Sau khi chàng thanh niên giàu có buồn sầu bỏ đi vì anh không có can đảm từ bỏ của cải anh có như Chúa đòi hỏi, ông Phêrô liên tưởng đến trường hợp của ông và của anh em trong nhóm môn đệ. Anh thanh niên tiếc của, tiếc cảnh giàu sang của mình, anh không sống được con đường hoàn thiện Phúc Âm, chứ còn ông Phêrô và các môn đệ khác, họ đã thực hiện được điều Chúa đòi hỏi. Ông Phêrô như muốn lưu ý Chúa Giêsu: “Này chúng tôi từ bỏ mọi sự mà đi theo Thầy”. Thánh Matthêu còn ghi rõ hơn nữa: “Này chúng tôi từ bỏ mọi sự mà đi theo Thầy, vậy thì phần thưởng chúng tôi sẽ ra sao?” (Mt 19,27).

Ông Phêrô không muốn bị thiệt thòi, ông đòi hỏi phần thưởng chăng? Hay ông chỉ muốn biết chắc rằng bản thân ông và các bạn không làm điều gì vô ích khi họ bỏ hết mọi sự mà đi theo Chúa Giêsu?

Chúa Giêsu không trách ông Phêrô. Điều đó chứng tỏ ông đã đặt câu hỏi cách thành tâm, mặc dầu phần nào nơi ông còn mang tinh thần vụ lợi khi theo Chúa Giêsu. Chúng ta có thể nghĩ, ông Phêrô hy sinh con tép để chờ bắt được con tôm. Nhưng đó cũng là điều chính đáng, ai dám đánh đổi tất cả mà không nắm chắc điều mình sẽ được. Ông Phêrô không muốn thả mồi bắt bóng.

Câu trả lời của Chúa Giêsu thật rõ ràng, thỏa mãn mọi thắc mắc của ông Phêrô, đánh tan mọi lo nghĩ nơi ông: “Quả thật, Ta bảo các ngươi: không ai bỏ nhà cửa, anh em chị em, cha mẹ, con cái, ruộng nương vì Ta và vì Tin Mừng, mà lại không lãnh lấy gấp trăm bây giờ ở đời này về nhà cửa, anh em và chị em, mẹ và con cái cùng ruộng nương… và sự sống đời đời trong thời sẽ đến”.

Con đường đi theo Chúa, ngoài những từ bỏ thông thường như trên, tức tài sản và người thân, trong thời bách hại, còn phải chịu “cấm cách và bắt bớ” nữa. Nhưng người môn đệ của Chúa nắm chắc tương lai huy hoàng của mình, sẽ không ngần ngại hy sinh tất cả vì Chúa. Dù phải “bỏ mạng” nếu cần, người môn đệ cũng phải sẵn sàng, vì đó là dấu chứng tỏ quyết liệt hơn cả của “tình yêu lớn nhất” dành cho Chúa.

Ước gì thánh lễ chúng ta cử hành đưa chúng ta vào mầu nhiệm tình yêu trao ban trọn vẹn của Chúa Giêsu, để đến lượt chúng ta, chúng ta cũng sẵn sàng trao ban trọn vẹn cho Chúa và cho anh em.


THỨ TƯ

1Pr 1,18-25; Mc 10,32-45

người Kitô hữu luôn tin vào tình yêu Thiên Chúa, tin thật mạnh mẽ để không bị lung lạc bởi những cám dỗ ở đời này. Chúa Giêsu Kitô đã rửa hết quá khứ xấu xa của họ bằng máu châu báu của Chúa. Chúa Giêsu Kitô đã giải thoát họ để họ được hưởng vinh quang phục sinh với Chúa. Mọi sự sẽ qua đi như hoa cỏ, nhưng cuộc sống hạnh phúc mai sau sẽ bất diệt. Cuộc sống ấy Chúa dành cho các môn đệ trung thành đi theo Chúa đến cùng, đến tận đỉnh cao của mầu nhiệm tử nạn.

Bài Tin Mừng hôm nay kể lại việc Chúa Giêsu và các môn đệ đi lên Giêrusalem. Thánh Marcô chỉ ghi lại một cuộc đi lên Giêrusalem duy nhất, và đó là chuyến đi cuối cùng. Chúa Giêsu đi lên Giêrusalem để hoàn tất sứ vụ cứu thế Chúa Ngài. Chúa Giêsu lên đón nhận cái chết đau đớn trên thập giá để giải thoát loài người khỏi sự chết đời đời.

Chúa Giêsu đi trước mọi người. Chúa đi như một người mục tử tốt, đi tiên phong vào nơi nguy hiểm còn các môn đệ thì đi theo sau. Hôm ấy không phải chỉ Nhóm Mười Hai đi theo Chúa Giêsu, nhưng còn có cả một đám đông dân chúng nữa. Các môn đệ thì “kinh hoàng”, dân chúng thì “sợ hãi”. Hẳn ai nấy điều biết mối nguy hiểm đang chờ đợi Chúa Giêsu ở Giêrusalem.

Chúa Giêsu biết rõ mối nguy hiểm ấy, Chúa báo trước cho các môn đệ mọi sự sắp xảy đến cho Ngài ở Giêrusalem. Chúa Giêsu sẽ bị nộp cho các thượng tế và ký lục, Chúa sẽ bị kết án tử, bị trao cho dân ngoại, bị nhạo báng, bị khạc nhổ vào đầu vào mặt, bị đánh đòn và bị giết, ba ngày sau Chúa sẽ sống lại, nhưng Chúa Giêsu vẫn cứ tiên lên.

Trong tình trạng nguy kịch như thế, các môn đệ vẫn cứ suy tính những chuyện thế gian. Ông Giacôbê và ông Gioan bận tâm đến những địa vị cao trọng. Các môn đệ khác cũng mơ tưởng những địa vị ấy nên mới phẫn uất với hai ông. Quả họ chẳng hiểu gì cả. Chúa Giêsu nói đến “chén đắng” và thứ “thánh tẩy” mà Chúa sắp phải uống phải chịu, chắc chắn các ông chưa hiểu gì nhưng vẫn cứ trả lời cách dễ dàng các ông uống được, chịu được tất cả.

Chúa uốn nắn tư tưởng của các môn đệ. Họ còn nhìn Nước Trời theo tổ chức một nước thế gian. Họ chờ đợi được làm lớn để truyền lệnh cho người khác, được ăn trên ngồi trốc và có kẻ hầu người hạ. Chúa Giêsu dạy họ làm ngược lại những gì thế gian làm: làm lớn, làm đầu thì phải phục vụ, phải hầu hạ, phải làm tôi tớ mọi người. Bản thân Chúa Giêsu đã làm tôi tớ mọi người đến độ hy sinh cả tính mạng vì loài người. Bài học này Chúa Giêsu còn lặp lại một lần nữa vào tối thứ Năm Tuần Thánh, vào cuối bữa tiệc ly.

Bí tích bàn thờ chúng ta tiếp tục cử hành tái diễn lại biến cố Chúa thí mạng sống mình để phục vụ sự sống của chúng ta. Chúng ta sốt sắng đi theo Chúa, đi vào mầu nhiệm tự hủy của Chúa để Chúa biến đổi chúng ta trở thành những con người mới theo hình ảnh của Ngài.


THỨ NĂM

1 Pr 2,2-5.9-12; Mc 10,46-52

Câu chuyện Chúa Giêsu chữa anh mù ở thành Giêricô làm rõ thêm vai trò Thiên Sai Cứu Thế của Chúa Giêsu. Ba năm về trước, tại hội đường làng Nazareth, Chúa Giêsu đã đọc đoạn sách ngôn sứ Isaia cho dân chúng nghe và tiếp đó Chúa Giêsu tuyên bố: “Hôm nay đã ứng nghiệm đoạn sách này nơi tai các ngươi” (Lc 4,21).

Đoạn sách mà Chúa Giêsu đọc hôm đó như sau: “Thần Khí ngự trên tôi, bởi Người đã xức dầu cho tôi, Người đã sai tôi đi đem Tin Mừng cho người nghèo khó, ban bố ân xá cho kẻ tù đày, cho người đui mù được thấy, cho kẻ bị áp bức được giải oan, loan báo năm hồng ân của Chúa”.

Anh mù Báctimê không được diễm phúc nhìn thấy quang cảnh ngày đại lễ, anh không có may mắn lên Giêrusalem mừng lễ vượt qua. Trong khi người người tấp nập lên Giêrusalem dự lễ, anh vẫn chỉ cứ ngồi bên vệ đường chờ đợi lòng hảo tâm của người qua lại, có chăng là vào những dịp như thế, anh xin được nhiều của bố thí hơn vì có nhiều người đi qua lại con đường đó hơn.

Hôm ấy có Chúa Giêsu đi qua, anh không thấy Chúa, nhưng anh nghe tiếng ồn ào huyên náo, anh nghe những lời xì xầm bàn tán. Chắc chắn anh đã nghe nói về Chúa Giêsu là Đấng làm được những điều kỳ diệu, và lần này Chúa đang đi ngang qua nơi anh ngồi. Anh tràn trề hy vọng, đức tin của anh đã mở ra, lòng anh đã bừng sáng dù mắt anh vẫn còn mù tối. Anh kêu gào lòng thương xót của Chúa Giêsu, bất chấp những lời quát mắng của những người xung quanh. Càng lúc anh càng la to hơn: “Giêsu con Đavít, xin thương xót tôi! Lạy Con Đavít, xin thương xót tôi!”

Trước lòng tin của anh, Chúa đã cho anh được lành. Thế là anh ta được nhìn thấy ánh sáng, anh nhìn thấy Chúa Giêsu, nhìn thấy mọi người. Còn gì vui bằng! Anh như quên hết mọi sự, từ bỏ cảnh ngòi ăn xin vệ đường, từ bỏ cái quá khứ đen tối. Từ đây anh có thể đứng lên, bước vào giữa đường để cùng bước đi với mọi người, hai mắt nhìn thẳng về phía trước, anh đăm đăm nhìn Đấng là Ánh Sáng đi trước anh. Thánh Marcô nói: “Anh theo Người lên đường”.

Chúng ta cũng giống như anh mù Batimê, chúng ta đã được Chúa xót thương, chúng ta đã được Chúa đưa ra khỏi chốn tối tăm và dẫn vào ánh sáng huyền diệu của Ngài. Vậy chúng ta hãy bắt chước anh mù, cùng lên đường đi theo Chúa Giêsu để tôn vinh Ngài.


THỨ SÁU

1Pr 4,7-13; Mc 11, 11-26

Nghe đoạn Tin Mừng hôm nay, hẳn chúng ta không khỏi ngạc nhiên và thắc mắc: tại sao cây vả phải khô héo cách vô tội? Tại sao Chúa Giêsu nhân từ, hiền lành, mà lại có những hành động thô bạo giữa thanh thiên bạch nhật? Chúng ta đi tìm giải đáp cho những thắc mắc ấy bằng những soi sáng của Lời Chúa.

Trước hết chúng ta tìm hiểu chuyện cây vả: Chúa Giêsu và các môn đệ nghỉ đêm ở Bêtania, sáng hôm sau, thầy trò bỏ Bêtania đi Giêrusalem. Chúa đói, Chúa thấy xa xa một cây vả có lá, có lẽ cây vả “có lá” là dấu hiệu có trái, vì cây nảy lộc và trổ bông kết trái cùng một lúc. Chúa đến cây vả ấy tìm trái nhưng vẫn chỉ có lá. Thế là Chúa chúc dữ cho cây vả ấy và hôm sau đi ngang qua đấy, cây vả đã chết khô.

Chúng ta cảm thấy khó hiểu. Chúa vẫn thường lui tới nhà chị em Mattha, Maria và Lazarô nghỉ ngơi mỗi lần đi lên Giêrusalem. Bình tường mấy chị em vẫn tiếp đãi Chúa tử tế, chẳng lẽ hôm ấy Chúa không được ăn sáng trước khi ra đi, chẳng lẽ thầy trò không mang lương thực đi đường nên Chúa phải đói. Thánh Marcô còn ghi một câu khó hiểu hơn nữa: “vì không phải là mùa trái” vậy Chúa bị lầm sao? Chúa không biết đó chưa phải là mùa dẻ ra trái? Và khoảng cách từ vùng ngoại ô Bêtania vào thành phố Giêrusalem chỉ có mấy cây số, giải quyết cơn đói bằng ít hạt dẻ không phải là điều quan trọng.

Ý nghĩa chuyện cây vả chính là bài học Chúa Giêsu muốn dạy các môn đệ. Nhìn thấy cây vả bị chúc dữ mà chết khô, các môn đệ ngạc nhiên. Đó là cơ hội Chúa cho họ thấy sức mạnh của đức tin. Người tin vào Thiên Chúa mà cầu nguyện kêu xin, Thiên Chúa sẽ thực hiện cách lạ lùng. Chẳng có gì mà Thiên Chúa không làm được. chẳng những bắt cây vả chết khô mà truyền cho ngọn núi đổ nhào xuống biển cũng vẫn được. Nhưng phải cầu nguyện với lòng tin tưởng, trong tâm hồn bình an vì đã tha thứ cho anh em và bản thân mình đã được Chúa tha thứ.

Chuyện cây vả không ra cho trái bị khử trừ liên hệ đến việc Chúa Giêsu thanh tẩy đền thờ sau đó. Đền thờ là nhà cầu nguyện, nhưng đã bị xúc phạm, bị biến chất vì những hành vi sai trái của những kẻ lợi dụng. Họ biến nơi thánh thiện ấy thành nơi buôn bán. Họ chớp cơ hội để làm giàu. Chúa Giêsu còn nói mạnh hơn nữa: họ đã làm cho đền thờ thành “hang trộm cướp”. Và điều đó Chúa không chấp nhận được. Chúa Giêsu đến sửa sang mọi sự. Và lòng nhiệt thành thánh thiện đã thúc bách Chúa hành động mạnh tay: đuổi người buôn bán, lật nhào bàn ghế của phường đổi bạc, của quân bán bồ câu…

Tất cả những thứ đó không còn ý nghĩa nữa, chúng cũng chung số phận với cây vả không có trái. Chúa đến thiết lập nghi lễ mới, lế tế mới. Chúa lật đổ những thứ cũ kĩ như tiền bạc và chim bồ câu là những thứ dâng cúng trong đền thờ của đạo cũ. Từ nay lế tế là chính lòng con người, là trái tim của con người: lòng bác ái yêu thương, lòng tha thứ khoan dung, lòng chính trực, lòng thanh sạch, lòng sám hối, lòng vâng phục thánh ý Thiên Chúa, xứng hợp với hy tế mới là chính Đức Kitô.


THỨ BẢY

Gđ 17,206-26; Mc 11,27-37

Chúa Giêsu quyết bảo vệ sự thanh sạch và thánh thiện của đền thờ. Những hành động của Chúa Giêsu hẳn đã làm mất lòng nhiều người, nhất là những người bị cản trở trong nghề làm ăn. Tuy nhiên, nguy hiểm cho Chúa Giêsu hơn cả chính là giới lãnh đạo Do Thái giáo. Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy các thượng tế, ký lục, và hạng niên trưởng đã ra mặt đối đầu với Chúa Giêsu.

Ngay trong bài Tin Mừng hôm qua, thánh Marcô ghi rõ nhóm người ấy đã tìm cách làm sao hại Chúa Giêsu rồi. Họ chưa dám ra tay chỉ vì họ sợ dân chúng, bởi vì dân chúng tín nhiệm vào Chúa Giêsu: “Dân chúng hết thảy đều kinh ngạc về giáo huấn của Ngài” (Mc 11,18). Hôm nay, họ cũng sợ dân chúng nên không dám trả lời câu hỏi của Chúa Giêsu đặt ra về ông Gioan Tẩy Giả: “Họ ngại sợ dân chúng, vì mọi người đều coi Gioan thực là một tiên tri”. Họ trách né, không dám nhìn nhận sự thật. Trong sự bàn tính giữa họ với nhau, họ đã tự tố cáo họ không tin vào ông Gioan. họ gỡ kẹt cho mình bằng một câu trả lời giả dối: “Chúng tôi không biết”.

Chúa Giêsu không trực tiếp trả lời cho các thượng tế và ký lục liên quan đến quyền hành động của Chúa, vì Chúa biết họ đã sẵn ý đồ âm mưu hại Chúa Giêsu, họ cố chấp và đóng cửa lòng mình lại rồi, họ không có khả năng nhìn nhận sự thật nên Chúa Giêsu có nói ra sự thật họ cũng không tin.

Có thể nghĩ họ đặt câu hỏi vì tự ái. Chính họ nắm giữ quyền hành ở đền thờ, những gì được phép hoặc không được phép đều do họ định đoạt. Họ có thể bán chỗ, cho buôn bán trong đền thờ để thu lợi, hoặc những tay buôn bán ấy cũng là người của họ. Vậy đối với họ, Chúa Giêsu là ai mà dám tự đuổi những người buôn bán và còn đi lại trong đền thờ để giảng dạy?

Đối với chúng ta ngày nay, chúng ta không còn thắc mắc về quyền hành của Chúa Giêsu như những người thượng tế và ký lục Do Thái. Chúa Giêsu là Thiên Chúa, Chúa Giêsu có quyền bính tối cao trên mọi uy quyền. Chúa Giêsu có sứ mạng đến đổi mới mọi sự. Tế tự cũ, đền thờ cũ, đạo cũ đã trở nên cây vả già cỗi, bề ngoài cành lá xum xuê nhưng không còn khả năng sinh trái. Đã đến lúc những gì không sinh hoa kết quả sẽ ra khô héo.

Phần chúng ta, chúng ta hãy để Chúa tự do hành động. Chúa Giêsu lật đổ cái ngổn ngang không cần thiết trong chúng ta và biến chúng ta trở nên một đền thờ xứng đáng cho Chúa chiếm ngự.

Mới hơn Cũ hơn