Những tật xấu và các nhân đức. Bài cuối : Khiêm tốn

Bài giáo lý của ĐTC Phanxicô về những tật xấu và các nhân đức

Bài cuối cùng : Khiêm tốn


Anh chị em thân mến!

Chúng ta kết thúc loạt bài giáo lý này bằng cách tập trung vào một nhân đức không nằm trong bảy nhân đức cột trụ và đối thần, nhưng lại là nền tảng cho đời sống Kitô hữu: đó là nhân đức khiêm nhường. Nó là đối thủ lớn nhất của một trong những tật xấu chết người là sự kiêu ngạo. Trong khi tính kiêu ngạo và kiêu căng làm trương phồng trái tim con người, khiến chúng ta phô trương nhiều hơn những gì mình có, thì khiêm tốn đưa mọi thứ trở lại với bình diện đúng đắn của nó: chúng ta là những thụ tạo tuyệt vời nhưng có giới hạn, với những ưu điểm và khuyết điểm. Ngay từ đầu, Kinh Thánh nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta là cát bụi và sẽ trở về cát bụi (xem St 3,19). Quả thực, từ “Khiêm tốn” bắt nguồn từ mùn đất, nghĩa là đất. Tuy nhiên, những ảo tưởng về sự toàn năng thường nảy sinh trong lòng con người, vốn rất nguy hiểm và khiến chúng ta tổn thương rất nhiều.

Để giải thoát chúng ta khỏi tính kiêu căng, chỉ cần dành chút thời gian chiêm ngưỡng bầu trời đầy sao để tìm ra thước đo phù hợp, như Thánh Vịnh nói: “Ngắm tầng trời tay Chúa sáng tạo, muôn trăng sao Chúa đã an bài, thì con người là chi, mà Chúa cần nhớ đến, phàm nhân là gì, mà Chúa phải bận tâm?” (8,4-5). Khoa học hiện đại cho phép chúng ta mở rộng tầm nhìn nhiều hơn và còn cho phép chúng ta cảm nhận được nhiều hơn những điều bí ẩn xung quanh chúng ta và nơi chúng ta đang sống.

Phúc cho ai giữ được trong lòng những nhận thức về sự nhỏ bé của mình! Những người này được bảo vệ khỏi tật xấu tồi tệ: kiêu ngạo. Trong các Mối Phúc, Chúa Giêsu bắt đầu : “Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó, vì nước trời là của họ” (Mt 5, 3). Đó là Mối Phúc thứ nhất vì nó là nền tảng cho những mối phúc tiếp theo: hiền lành, thương xót, sự trong sạch của tâm hồn nảy sinh từ cảm giác nhỏ bé bên trong đó. Khiêm tốn là cửa ngõ dẫn đến mọi nhân đức.

Trong những trang đầu tiên của Tin Mừng, sự khiêm nhường và tinh thần nghèo khó xem như là nguồn gốc của mọi sự. Lời loan báo của thiên thần không xảy ra ở cổng thành Giêrusalem, mà xảy ra tại một ngôi làng hẻo lánh ở Galilê, tầm thường đến nỗi người ta nói: “Ở Nazareth có gì hay đâu?” (Ga 1,46). Nhưng chính từ đó thế giới được tái sinh. Người nữ anh hùng được chọn không phải là một nữ hoàng lớn lên trong nhung lụa mà là một cô gái vô danh: Maria. Chính Maria là người đầu tiên ngạc nhiên khi thiên thần mang đến cho Mẹ sứ điệp của Thiên Chúa. Và trong bài ca ngợi khen của Maria, sự kinh ngạc này lại nổi bật lên: “Linh hồn ngợi khen Thiên Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi. Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới” (Lc 1,46-48). Thiên Chúa - có thể nói - bị thu hút bởi sự nhỏ bé của Đức Maria, trên hết là sự nhỏ bé nội tâm. Và Người cũng bị thu hút bởi sự nhỏ bé của chúng ta khi chúng ta chấp nhận nó.

Từ giờ trở đi, Đức Maria sẽ tránh xa ánh đèn sân khấu. Quyết định đầu tiên của Mẹ sau khi nhận được tin báo của sứ thần là đi giúp đỡ, đi phục vụ người chị họ của mình. Đức Maria đi về vùng núi Giuđa để thăm bà Êlisabét: giúp đỡ chị của mình trong những tháng cuối của thai kỳ. Nhưng ai nhìn thấy cử chỉ này? Không ai cả, nếu không phải là Thiên Chúa. Từ nơi kín đáo này, Đức Trinh Nữ dường như không bao giờ muốn xuất hiện. Như khi có tiếng của một người phụ nữ từ đám đông tuyên bố hạnh phúc của mình: “Phúc thay dạ đã cưu mang Thầy và vú đã cho Thầy bú!” (Lc 11,27). Nhưng Chúa Giêsu trả lời ngay: “Đúng hơn là phúc cho ai lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa” (Lc 11,28). Ngay cả sự thật thiêng liêng nhất của cuộc đời Mẹ - là Mẹ Thiên Chúa - cũng không trở thành lý do để Mẹ khoe khoang trước mặt người đời. Trong một thế giới được đánh dấu bằng việc theo đuổi vẻ bề ngoài, để chứng tỏ mình vượt trội hơn những người khác, Đức Maria theo hướng ngược lại, quyết tâm bước đi với sức mạnh duy nhất của ân sủng Thiên Chúa.

Chúng ta có thể tưởng tượng rằng Mẹ cũng trải qua những thời điểm khó khăn, những ngày mà đức tin của Mẹ lớn dần trong bóng tối. Nhưng điều này không bao giờ làm lung lạc lòng khiêm nhường của Mẹ, mà trong Đức Maria, đó là một nhân đức rắn như đá. Tôi muốn nhấn mạnh điều này: khiêm nhường là một nhân đức rắn chắc. Chúng ta hãy nghĩ đến Maria: Mẹ luôn nhỏ bé, luôn cởi bỏ bản thân, thoát khỏi những tham vọng. Sự nhỏ bé này là sức mạnh bất khả chiến bại của Mẹ: trong khi những ảo tưởng về một Đấng Mêsia khải hoàn đã bị tan vỡ thì chính Mẹ vẫn ở dưới chân thập giá. Chính Đức Maria sẽ quy tụ đoàn chiên là các môn đệ trong những ngày trước Lễ Ngũ Tuần, những người đã không thể canh thức với Chúa Giêsu dù chỉ một giờ, và đã bỏ rơi Người khi cơn bão ập đến.

Thưa anh chị em, sự khiêm nhường là tất cả. Đó là điều cứu chúng ta khỏi Ác Thần và khỏi nguy cơ trở thành đồng phạm của hắn. Và sự khiêm nhường là nguồn gốc của hòa bình trên thế giới và trong Giáo hội. Ở đâu không có sự khiêm nhường thì ở đó có chiến tranh, có bất hòa, có chia rẽ. Thiên Chúa đã nêu gương cho chúng ta về điều này nơi Chúa Giêsu và Mẹ Maria, để nó trở thành ơn cứu rỗi và hạnh phúc cho chúng ta. Và khiêm nhường chính là con đường, con đường dẫn tới ơn cứu độ.

G. Võ Tá Hoàng





Mới hơn Cũ hơn