Thiên Chúa kiên nhẫn và khoan dung

CHÚA NHẬT 16 THƯỜNG NIÊN A


GỢI Ý 

1. Khuynh hướng bất bao dung

Ngày Quốc tế khoan dung hoặc Ngày Khoan dung Quốc tế được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) tuyên bố vào năm 1995 để tạo ra nhận thức cộng đồng về những nguy cơ của việc không bao dung.

Bao dung là nhân từ, kiên nhẫn chịu đựng những điều xấu của người khác để dần dần tìm cách hoán cải họ. Bất bao dung là đòi trừng trị ngay những người xấu: một người làm gì đó có hại cho ta, ta trả đũa ngay. Do nóng vội, có khi ta không suy nghĩ kỹ xem biết đâu chính ta có gì sai lỗi nên người kia mới cư xử với ta như vậy. Khi người kia bị ta tấn công, họ cũng có thể cho là bị tấn công oan ức nên lại trả đũa ta. Thế là hai bên cứ leo thang. Thực ra có mấy ai hoàn toàn tốt, cũng như có mấy ai hoàn toàn xấu. Thái độ bất bao dung phát sinh từ suy nghĩ cho mình là tốt, hoàn toàn đúng và người ta là xấu, hoàn toàn sai.     

Trên bình diện cá nhân và khu xóm, bất bao dung khiến người ta khó sống chung hòa thuận với nhau. Trên bình diện quốc tế, bất bao dung dẫn đến những cuộc chiến tranh khu vực. Mà xung đột và chiến tranh chẳng mang lại ích lợi gì, chỉ toàn gây hại. Chính vì trên thế giới có quá nhiều cuộc chiến tranh khu vực cho nên Liên Hợp Quốc mới thấy cần đề ra một năm quốc tế về lòng bao dung. 

Muốn bao dung thì phải biết mình và biết người: biết mình cũng có lỗi lầm, và biết người cũng có những điều tốt. Muốn lấy cái rác trong mắt người ra thì trước hết phải lấy cái xà trong mắt mình đã.

2. Cái nhìn thiển cận.

 Thiển cận là chỉ thấy gần chứ không thấy xa, chỉ thấy bề ngoài mà không thấy bề trong. Do thiển cận nên người ta bất bao dung, mất kiên nhẫn.

Thiên Chúa có thể bao dung và kiên nhẫn vì Ngài vừa thấy hiện tại vừa thấy tương lai, vừa thấy bề ngoài vừa thấy bề trong.

3. Lành dữ cộng sinh

Nghe bài dụ ngôn "cỏ lùng" hôm nay, có người sẽ lấy làm lạ. Trong cuộc sống, làm gì có một nhà nông nào lại để lúa và cỏ lùng cùng tồn tại trong ruộng mình! Nhưng dụ ngôn là dụ ngôn, nghĩa là một cách nói ví von bóng gió để làm sáng tỏ một vấn đề.  

Vấn đề của dụ ngôn là lành dữ cộng sinh và lòng nhân từ cũng như sự nhẫn nại của Thiên Chúa. Kinh xưa có câu: "Hỡi kẻ lành là ai, kẻ dữ là ai?” Chúng ta ưa thích phân biệt lành dữ, chánh tà, trắng đen rõ rệt. Chánh phải loại trừ tà, lúa tốt phải được chăm sóc, cỏ dại phải nhổ đi. Cái lý do nhiên là vậy. Rất đơn giản. Nhưng cuộc sống không đơn giản như vậy.

Trong cuộc sống, có những lúc chánh tà không phân biệt rõ rệt. Cỏ lùng mọc chung với lúa tốt. Vả lại, cái mà ta gọi là kẻ dữ không giống như cỏ lùng. Cỏ lùng không thể biến thành lúa nhưng kẻ dữ có thể cải tà quy chánh, có thể hoán cải thành người tốt, nếu xã hội biết kiên nhẫn chờ đợi và tạo những điều kiện cho họ. Vả lại, kẻ lành, nếu không giữ mình, không liên tục làm điều lành, cũng có thể trở thành kẻ dữ. Vậy chẳng ai nên tự phong là lúa tốt, rồi loại trừ, lên án anh em là cỏ lùng. Có lần Chúa đã nói thẳng với những người tự phụ: “tôi nói thật bọn thu thuế, bọn gái điếm sẽ vào thiên đàng trước các ông kia đấy!"

Qua bài dụ ngôn, Chúa dạy chúng ta lòng nhân từ, kiên nhẫn, và tin tưởng vào sự lành. Hãy tin rằng sự lành sẽ tuần tự triển khai tốt đẹp, mặc dầu có sự dữ kè bên. Sự lành thậm chí còn có sức cảm hóa được sự dữ. "Kẻ lành" Monica đã cảm hóa dược "kẻ dữ”  Augustinô và cả hai mẹ con cùng trở nên những vị thánh lớn trong Giáo Hội. 

4. Người đảng viên quốc xã Schindler

Những ai đã từng xem cuốn phim Schindlers List hẳn đều ghê tởm vai chính của phim đó, tên là Oskar Schindler, một đảng viên Đức quốc xã, đã từng giết hại rất nhiều người.

Thế nhưng nhiều người đã từng biết ông thì lại ca tụng ông như một ân nhân cứu mạng cho hàng ngàn người khỏi bị Đức quốc xã giết. Thậm chí có người còn nói: “Ông ta là cha, là mẹ và là niềm hy vọng độc nhất của chúng tôi”

Sự thật là thế nào? Sự thật, Oskar Schindler không phải là một vị thánh, mà là một con người với nhiều dằng co mâu thuẫn: trước hết ông là một người chồng bất trung đã bỏ vợ và chạy theo một cuộc sống ăn chơi thác loạn; ông cũng là một người công giáo nhưng lại không sống đạo; ông là đảng viên đảng Quốc xã Đức từng tích cực ủng hộ cuộc chiến tranh do đảng này phát động; chính ông đã thú nhận rằng ông hy vọng khi chiến tranh thắng lợi thì ông sẽ có hai cái rương đầy vàng; ông còn hành hạ nhiều người Do thái...

Nhưng bên trong ông lại có một con người khác. Đó là một người tốt. Nhiều lần đang cư xử như một người xấu ông lại hướng về bên trong con người tốt ấy. Thấy những tù nhân bị hành hạ tàn nhẫn, ông không chịu nổi và nhiều lần dám đứng lên bênh vực họ. Hai lần ông đã bị bỏ tù vì những hành động như thế. 

Sự thật về Oskar Schindler là như thế: vừa là quỷ dữ, vừa là thiên thần, trong lòng ông vừa có cỏ lùng vừa có lúa tốt.

5. Trái tim phân chia

Sau nhiều năm phải sống trong trại tập trung, văn hào Alexandre Solzhemtsyn đã nghiệm ra được những ý tưởng sau.

Tôi đã học được một bài học lớn nhờ những năm bị giam trong tù. 

Tôi đã hiểu một người trở thành xấu như thế nào và một người trở nên tốt như thế nào.

Tôi đã dần dần nhận ra rằng đường biên giới phân giai cấp hay các đảng phái chính trị, mà nằm ngay trong lòng mỗi người. 

Ngay trong những trái tim ngập tràn sự ác vẫn còn sót lại một đầu cầu nhỏ nối với sự thiện.

Và ngay trong trái tim tốt nhất của các trái tim vẫn còn tồn tại gốc rễ sự ác. 

6. Lời cầu nguyện khi đến mùa gặt

Khi đến mùa gặt, rơm rạ bị để qua một bên, trấu bị gió thổi đi, cỏ dại bị quăng vào lửa, và lúa tốt được cất vào kho.

Lạy Chúa, khi đến ngày chết của con, mùa gặt của đời con cũng diễn ra trước mặt Chúa.

Xin bàn tay khôn ngoan của Chúa hãy sàng sẩy và chọn ra những gì đáng giữ lại; nhưng đối với những gì không đáng giữ lại, xin hãy thổi đi bằng hơi thở nhân từ của Chúa.

Mới hơn Cũ hơn