Suy niệm Tin mừng Chúa nhật 6 Thường niên A



CHÚA NHẬT VI THƯỜNG NIÊN

Bài I : Hc 15, 16 - 21

Bensira, tác giả sách Huấn ca, là một hiền nhân Do Thái đã muốn đưa ra tất cả sức mạnh của truyền thống để đương đầu với các cái mới mẻ đầy đe dọa do văn minh Hy Lạp đem đến. Bởi thế, trong khi dân chúng đang có nguy cơ bị lôi kéo theo các trào lưu khôn ngoan ngoại giáo, thì ông đã muốn đưa ra một thứ khôn ngoan độc nhất với lề luật Môsê. Vì vậy, khác với những người đi trước, ông đã đặt phong trào khôn ngoan vào phong trào lề luật.

Lề luật biểu lộ thánh ý Thiên Chúa, qua đó con người có thể tìm gặp con đường giải thoát. Thánh ý Thiên Chúa muốn cho tất cả mọi người đều làm lành lánh dữ. Thế nhưng việc thi hành thánh ý ấy là tùy ở tự do con người. Ở đây tác giả gặp lại chủ đề lớn nhất trong sách khởi nguyên: vấn đề ân sủng và tự do. Thiên Chúa dựng nên con người là những nhân vị tự do nên Người đặt họ đứng trước hai ngã đường cần phải lựa chọn: một là con đường lành dẫn đến sự sống, hai là con đường dữ dẫn đến sự chết. Con người hoàn toàn được quyền làm chủ trên vận mạng của mình, chứ không phải là đồ chơi trong tay các thần minh như trong thần thoại ngoại giáo. Con người là sinh vật duy nhất trong các tạo vật có thể thưa “không” với Đấng tạo dựng mình. Đó là một sự cao cả của con người đồng thời là đầu dây nối của biết bao thảm cảnh mà con người không ngừng gặp phải trên suốt con đường lịch sử của mình, phúc cho những ai biết dùng tự do để đáp lại tiếng gọi của Người và thực hành thánh ý Người.

Người không bỏ mặc con người phải mò mẫn trong tối tăm, trái lại không ngừng giúp họ tìm ra con đường sự sống qua lề luật các ngôn sứ và đặc biệt qua Đức Giêsu Kitô là con đường duy nhất dẫn đến sự sống trường sinh.

Bài II : 1Cr 2, 6 - 16

Sau khi cho các tín hữu Corintô biết rằng Người đến với họ không phải với sự khôn ngoan của thời gian. Hôm nay Thánh Phaolô tiếp tục cho họ biết họ đang được khai tâm bằng thứ khôn ngoan nào. Đó là sự khôn ngoan đích thực, huyền nhiệm vẫn được giữ kín từ muôn đời nơi Thiên Chúa được mạc khải tiệm tiến qua lề luật và các ngôn sứ để rồi cuối cùng được mạc khải trọn vẹn qua Đức Giêsu Kitô.

Sự khôn ngoan đích thực của Thiên Chúa là con đường dẫn đến sự sống vĩnh cửu. Đó là một hồng ân Thiên Chúa chứ không phải là kết quả của con người. Vì thế, người thế gian ngay cả các vua chúa cũng không thể có được sự khôn ngoan ấy, trong khi đó Thiên Chúa lại ban nó cho những người hèn mọn và khiêm tốn[1]. Nói cách khác, sự khôn ngoan đích thực tự nó là một cái gì của Thiên Chúa, bí ẩn và mầu nhiệm, trí khôn loài người không thể dò xét được. Nó chỉ được Thánh Thần thông ban cho những ai biết vâng lời Chúa và thực hành tình yêu đối với Người như lời Thánh Kinh Cựu Ước đã chép: “Điều mắt chưa từng thấy, tai chưa từng nghe và lòng người chưa từng nghĩ tới, đó là tất cả những điều Thiên Chúa đã làm cho những ai yêu mến Người” [2].

Người tín hữu là những kẻ đã được Thánh Thần Đức Kitô khai tâm bằng thứ khôn ngoan ấy, nên họ cần phải đóng đinh sự khôn ngoan thế gian và để sống theo qui luật mới của Đức Kitô.

Tin Mừng : Mt 5, 17 - 37

Khởi đầu bài giảng trên núi với các mối phúc thật, Chúa Giêsu xuất hiện trước mặt dân chúng như một nhà lập pháp mới. Vốn đã nhàm chán trước những điệu cũ rích và khắc khe của các luật sĩ, dân chúng chắc hẳn đang nóng lòng chờ đợi một cuộc thay cũ đổi mới. Ngược lại các Luật Sĩ và Biệt Phái, những người triệt để tôn thờ lề luật đến độ sẵn sàng bóp chết bất cứ một mầm mống tự do nào, lại lo sợ cho tiền đồ của luật pháp. Đối với họ tự do đồng nghĩa với vô trật tự, sáng kiến đồng nghĩa với nguy hiểm, nhân bản đồng nghĩa với vô thần.

Để đánh tan sự hiểu lầm có thể xảy ra và để xác định sứ mạng của mình, Chúa Giêsu đã tuyên bố: “đừng tưởng Ta đến để bãi bỏ lề luật và các ngôn sứ. Ta đến không phải để bãi bỏ mà là để kiện toàn”. Đối với luật cũ thái độ của Chúa Giêsu rõ rệt nhưng mềm dẻo. Nếu Người cương quyết chống đối các hư tục cổ truyền mà các Luật Sĩ và Biệt Phái đang duy trì, thì đối với lề luật Người đã không làm như vậy. Sở dĩ Người mạnh tay đập tan các hư tục là vì chúng trở thành gánh nặng và vô ích đè bẹp con người và choáng chỗ đứng của lời Chúa.

Cần phải trả lại cho lề luật giá trị và chỗ đứng thích hợp của nó. Qua thời gian, luật Chúa đã bị các Luật Sĩ xáo trộn, làm mất đi bậc thang giá trị giữa các khoản luật. Họ đã quá đặt nặng những điều phụ thuộc như nghi thức rửa tay trước khi ăn chẳng hạn, trong khi đó lại sao lãng những điều cốt yếu như niềm tin, sự công chính, lòng nhân từ... Họ qua câu nệ vào văn tự đến nỗi bóp chết tinh thần. Họ đã coi mọi khoản luật tôn giáo và luân lý, dân sự và phụng tự đều ngang nhau, mà không xếp đặt chúng theo đúng cương vị xung quanh một tâm điểm, một khoản luật chỉ còn một mớ danh từ tỉ mỉ và được các nhà luân lý giải thích quá tinh vi, thì việc tôn sùng lề luật sẽ khoác cho con người một gánh nặng không thể chịu nổi[3]. Tệ hơn nữa, họ còn muốn xây dựng sự công chính của con người không phải trên ân sủng, nhưng trên việc tuân giữ các giới luật và sự thực hành những việc thiện, làm như thế con người có thể tự công chính mình vậy. Đó là vấn đề mà Chúa Giêsu muốn giải quyết trong bài giảng hôm nay.

Luật cũ không bị bãi bỏ nhưng cần phải được làm cho trọn nghĩa, là phải bỏ đi những cái rườm rà và ngụy tạo vô bổ để đặt nó đúng vào tinh thần mà Thiên Chúa đã muốn khi ban nó cho loài người, làm trọn không có nghĩa là làm theo sát từng chữ trong bộ luật, nhưng làm theo đúng tinh thần của nó: theo nghĩa đó thì bất cứ một chi tiết nào cũng được gọi là quan hệ cả, mà tinh thần hay lề luật chính là tình yêu. Một khi chúng ta yêu mến Chúa chân thành thì bất cứ một cử chỉ nào nhỏ mọn nào cũng đều có giá trị. Ngược lại nếu chúng ta không thực tâm yêu mến Người thì cho dù chúng ta có làm hết mọi cử chỉ ấy thì cũng chẳng có giá trị gì.

Một cách thức khác nữa để làm trọn lề luật là con người cần phải nội tâm hóa các đòi hỏi của nó. Thái độ trung thành đối với lề luật mà thôi thì chưa đủ, mà cần phải trung thành tận bên trong tinh thần. Trước mặt Thiên Chúa chỉ có những tâm tình bên trong mới là quan trọng, bởi vì chính những thái độ nội tâm ấy mới là đầu mối những hành động bên ngoài. Vì thế không cần gì phải giết người mới bị luận phạt, mà cả những lời nói, cử chỉ, ý nghĩa thù oán cũng đã đáng tội rồi, vì chúng ta có thể khiến cho anh em mình bị chết đi một cách nào đó, không cần gì phải ngoại tình thực sự bị bắt quả tang mới bị kết án, mà ngay cả những thèm khát bất chính cũng đã làm cho con người chúng ta ra ô uế rồi. Nếu không hủy diệt mầm móng sâu xa trong nội tâm ấy, thì con người vẫn không biến đổi thực sự được. Con người vẫn bị kết án trước mặt Thiên Chúa cho dù họ có thể thoát khỏi sự xét xử của tòa án thế gian, bởi vì thế gian chỉ xét đoán theo vẻ bên ngoài, còn Thiên Chúa nhìn thấy tận bên trong tâm hồn.

Bởi vậy, trong mối tương quan đối với Thiên Chúa, sự khôn ngoan thế gian không chỉ là kim chỉ nam cho cuộc sống con người được. Trước hết vì sự khôn ngoan ấy chỉ tác động bên ngoài mà ít khi biến đổi tận bên trong. Tệ hơn nữa trong nhiều điểm, quan niệm khôn ngoan theo thời gian ngược hẳn những đòi hỏi của luật Tin Mừng. Chẳng hạn tinh thần thế gian cổ võ sự phục thù, trong khi đó Tin Mừng dạy phải tha thứ, hòa giải, thế gian chủ trương mánh khóe sảo quyệt, trong khi đó Tin Mừng dạy phải sống thật thà, ngay chính. Sở dĩ chúng ta không thể sống theo sự khôn ngoan thế gian , nhưng phải sống theo sự khôn ngoan thần linh được mạc khải nơi Đức Kitô, là bởi vì chúng ta không phải trình diện trước tòa án thế gian, nhưng trước vị thẩm phán tối cao là Đức Kitô. Tính cách nghiêm trọng của cuộc trình diễn ấy khẳng định tính cách nghiêm trọng của sự lựa chọn mà mỗi người chúng ta phải thực hiện trước hai ngã đường: lành và dữ. Nếu mắt, tay hay một chi thể nào đó nên dịp tội cho chúng ta khiến chúng ta có thể bị hủy diệt toàn thân thì cần phải hy sinh nó đi, chúng ta không hiểu lời ấy theo nghĩa đen, nhưng phải biết khám phá ra mức độ nghiêm trọng của đòi hỏi hoàn thiện, đòi hỏi ấy không chỉ nghiêm trọng mà còn cấp bách nữa. Phải làm ngay những gì cần thiết trước khi chúng ta đi đến trước tòa Đức Kitô.

Tóm lại, Chúa Giêsu hoàn tất lề luật Cựu Ước bằng cách đưa nó vào chính nội tâm con người để từ trong chính nội cung sâu xa ấy, Chúa Thánh Thần sẽ tác động mãnh mẽ để biến đổi chúng ta thực sự và tận căn. Vả lại nếu lề luật là hồng ân của Thiên Chúa thì Thiên Chúa cũng ban cho chúng ta một sức mạnh nội tâm để chu toàn. Sức mạnh ấy là chính Chúa Thánh Thần[4], chính Người sẽ đổ tràn lòng mến vào lòng chúng ta[5] khiến cho việc thực thi giới luật của Thiên Chúa trở thành dễ dàng như một hoa quả tự nhiên của Chúa Thánh Thần[6]. Giờ đây vì ách nặng nề của văn tự cũ, chúng ta mang lấy ách nhẹ nhàng của Đức Kitô, bởi vì các giới luật của Người dù được đẩy mạnh đến mức độ triệt để nhưng lại tóm kết trong một thái độ duy nhất là tình yêu.

-------------------------
[1] Mt 11,25
[2] Is 52,15; 64,3; Gr 3,16; Ba 3,22. 37; Yb 28,21
[3] Mt 23,4
[4] Cv 1,8; Gn 16,13
[5] Rm 5,5
[6] Ga 5,16-23
Mới hơn Cũ hơn