Các bài suy niệm tuần 10 Thường niên

CÁC BÀI SUY NIỆM TUẦN 10 THƯỜNG NIÊN 



THỨ HAI

Đức Maria Mẹ Hội Thánh

St 3, 9-15.20 hay Cv 1, 12-14; Ga 19, 25-34

Đứng gần thập giá Đức Giêsu, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Maria vợ ông Cơlôpát, cùng với bà Maria Mácđala. Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giêsu nói với thân mẫu rằng : “Thưa Bà, đây là con của Bà.” Rồi Người nói với môn đệ : “Đây là mẹ của anh.” Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình.

Sau đó, Đức Giêsu biết là mọi sự đã hoàn tất. Và để ứng nghiệm lời Kinh Thánh, Người nói : “Tôi khát!” Ở đó, có một bình đầy giấm. Người ta lấy miếng bọt biển có thấm đầy giấm, buộc vào một nhành hương thảo, rồi đưa lên miệng Người. Nhắp xong, Đức Giêsu nói : “Thế là đã hoàn tất !” Rồi Người gục đầu xuống và trao Thần Khí.

Hôm đó là ngày áp lễ, người Do Thái không muốn để xác chết trên thập giá trong ngày sa-bát, mà ngày sa-bát đó lại là ngày lễ lớn. Vì thế họ xin ông Phi-la-tô cho đánh giập ống chân các người bị đóng đinh và lấy xác xuống. Quân lính đến, đánh giập ống chân người thứ nhất và người thứ hai cùng bị đóng đinh với Đức Giêsu. Khi đến gần Đức Giêsu và thấy Người đã chết, họ không đánh giập ống chân Người. Nhưng một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì, máu cùng nước chảy ra.

Thật đẹp khi lịch Phụng vụ của Giáo hội mừng kính Đức Trinh Nữ Maria liền sát với việc cử hành những mầu nhiệm trọng đại của công cuộc cứu độ. Kết thúc tuần bát nhật Giáng sinh, chúng ta ca tụng Mẹ là Mẹ Thiên Chúa nhập thể làm người. Ngày thứ Hai sau lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống là ngày khai sinh Giáo Hội, chúng ta cũng kính mừng thiên chức của Mẹ là Mẹ Hội Thánh. Thiên Chúa mời gọi Mẹ tham gia vào công cuộc cứu độ không phải bằng những danh hiệu, mà bằng cả cuộc sống theo sát Chúa Giêsu trong tin yêu và vâng phục. Nơi hang đá, Mẹ đã sinh Đấng Cứu Thế cho cả nhân loại. Giờ đây, dưới chân thập giá, Mẹ đón nhận những người tin vào Đức Kitô được qui tụ trong Hội Thánh làm con của Mẹ.

Đức Maria Mẹ Hội thánh trong sự kết hợp với Chúa Kitô.

“Đức Maria kết hợp với Chúa Kitô, đó là nền tảng vai trò của Mẹ đối với Giáo hội. Sự liên kết giữa Mẹ và Con trong công cuộc cứu rỗi được tỏ rõ khởi từ ngày truyền tin, Mẹ được kêu mời đón nhận thánh ý để Vương quốc cứu thế hiện diện. Mẹ Người cũng đã xuất hiện rõ ràng, và ngay từ đầu, trong tiệc cưới Cana, xin Con thi hành quyền năng cứu thế của Người, tức là Mẹ đã góp phần cơ bản vào việc ghi khắc đức tin trong cộng đồng đầu tiên của người tín hữu và Mẹ hợp tác trong sự bắt đầu xây dựng Nước Chúa, một nước đặt "mầm móng" và "khởi điểm" của mình trong Giáo hội. (x. LG 5).

Trên Núi Sọ Đức Maria liên kết mình với hy lễ của Con và đã góp phần hợp tác tình mẫu tử của mình trong công trình cứu chuộc dưới hình thức đau đớn của sự sinh nở, sinh ra nhân loại mới. Và “Ðức Nữ Trinh cũng đã tiến bước trong cuộc lữ hành đức tin, trung thành hiệp nhất với Con cho đến bên thập giá, là nơi mà theo ý Thiên Chúa (x. Ga 19,25). Ðức Maria đã đau đớn chịu khổ cực với Con một của mình và dự phần vào hy lễ của Con, với tấm lòng của một người mẹ hết tình ưng thuận hiến tế lễ vật do lòng mình sinh ra. Và cuối cùng chính Chúa Giêsu Kitô khi hấp hối trên thập giá đã trối Người làm Mẹ của môn đệ qua lời này: "Thưa Bà, này là con Bà" (x. Ga 19,26-27; x. LG 58)

Hội Thánh ngay từ buổi đầu khai sinh cho đến ngày nay và cho đến tận thế vẫn luôn có Mẹ là Hiền Mẫu đồng hành chăm sóc giữ gìn. Noi gương Mẹ và cùng với Mẹ chúng ta bước đi trong niềm vâng phục thánh ý Chúa trong cuộc đời mình để góp phần thánh hóa thế giới và đem ơn cứu độ cho con người. 

Trong sứ mạng là Mẹ Hội Thánh, mỗi lần hiện ra, Đức Ma-ri-a đều kêu gọi chúng ta lần chuỗi Mân côi để cầu cho hoà bình thế giới. Chúng ta gia tăng việc lần chuỗi Mân Côi của mỗi cá nhân, trong gia đình, cộng đoàn để đáp lại lời kêu gọi đó của Mẹ.

 

THỨ BA

1V 17,7-16; Mt 5,13-16

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Các con là muối đất. Nếu muối đã lạt, người ta biết lấy gì mà ướp cho mặn lại? Muối đó không còn xử dụng vào việc chi nữa, chỉ còn ném ra ngoài cho người ta chà đạp lên nó. Các con là sự sáng thế gian. Một thành phố xây dựng trên núi, không thể che giấu được. Và người ta cũng không thắp đèn rồi để dưới đáy thùng, nhưng đặt nó trên giá đèn, hầu soi sáng cho mọi người trong nhà. Sự sáng của các con cũng phải chiếu giãi ra trước mặt thiên hạ, để họ xem thấy những việc lành của các con mà ngợi khen Cha các con trên trời". 

Muối và ánh sáng là hai thứ không thiếu trong cuộc sống của con người. Thiếu hai thứ ấy, cuộc sống vừa lạt lẽo, buồn chán vừa tối tăm, vừa vô nghĩa.

Đối với người Ả-rập lãng du (Bédouin), muối là sản phẩm thiết yếu nhất. Còn đối với người Việt Nam của chúng ta thì muối vừa được dùng để nêm thức ăn, vừa giữ cho thức ăn khỏi hư thối, vừa làm cho thức ăn thêm đậm đà: ăn một miếng dưa hấu đã ngon, chấm thêm một ít muối, càng ngon hơn. Từ những đặc tính ấy, muối còn được dùng để chỉ một thực tại siêu linh hơn, tức là cái làm cho người ta nên người hơn: “Cá không ăn muối cá ươn”.

Muối đã cần cho cuộc sống đến thế, thì ánh sáng lại cần hơn gấp bội. Không có ánh sáng thì cảnh sắc có huy hoàng mấy cũng chẳng còn gì là huy hoàng, người có đẹp mấy cũng chẳng còn gì là đẹp. Vì thế cho nên, chúng ta dám nói rằng thiếu ánh sáng là thiếu tất cả.

Chúa Giêsu bảo các môn đệ của Ngài: “Các con là muối đất, là ánh sáng thế gian”. Lời ấy của Chúa Giêsu cũng có nghĩa là: các con là những thứ thiết yếu nhất của thế gian này. Thiếu các con thế gian sẽ lạt lẽo, tối tăm; thiếu các con cuộc sống sẽ chẳng gì đáng yêu nữa, đáng sống cả. Chắc chắn, khi nói như thế, Chúa Giêsu không nói như kiểu “con hát mẹ khen hay” đâu, vì đó không phải là lời khen mà là một lệnh truyền, một nhiệm vụ mà Chúa Giêsu đòi các tông đồ phải thực hiện, phải hoàn tất.

Như thế, đã là môn đệ của Chúa Giêsu, chúng ta phải nên ánh sáng cho thế gian thấy được đâu là ý nghĩa, là cùng đích của cuộc sống của con người. Cùng đích và ý nghĩa ấy đã một lần sáng lên trong cuộc khổ nạn và phục sinh của Chúa Giêsu Kitô, hiện nay cũng phải sáng lên trong đời sống của chúng ta, để nhân loại này biết rằng cùng đích của đời người là ở nơi Thiên Chúa va là chính Thiên Chúa. Chỉ khi biết được cùng đích của loài người là được đời đời ở trong Thiên Chúa, chúng ta mới không thất vọng trước những tàn phai của cuộc sống, mới an tâm trước thế sự thăng trầm, mới hoàn thành thanh thản trước sự chết. Để có thể vừa chu toàn nhiệm vụ cao cả, vừa nặng nề ấy là nên ánh sáng thế gian và muối đất cho đời, chúng ta phải sống như thể đang trông thấy, đang sờ đụng được Thiên Chúa, đồng thời, chúng ta còn phải cho người khác cũng trông thấy, cũng sờ đụng được Chúa trong chính đời sống của chúng ta bằng cách sống, yêu thương như Chúa Giêsu đã sống và đã yêu.

Người đàn bà Serepta hôm nay đã thể hiện được phần nào tư cách và địa vị là muối đất và là ánh sáng thế gian. Bà đã tin tưởng vào Thiên Chúa đến độ đã giao phó sinh mạng bà và con bà trong tay Thiên Chúa, đã yêu thương tha nhân đến độ dám chia sẻ tất cả của độ thân của bà. Không tin tưởng Thiên Chúa như bà, không yêu thương tha nhân như bà, chúng ta vẫn chỉ là một loại muối mất tác dụng, một chiếc đèn khô dầu leo lét trong gầm gường chẳng có lợi cho ai.

Người đàn bà Serepta thật đáng cho chúng ta noi gương, nhưng chỉ Đức Giêsu Kitô mới thật là lý tưởng, là sự sống của chúng ta. Chúa Giêsu Kitô mới là muối đất, là ánh sáng thế gian đích thực. Mỗi lần tham dự thánh lễ là mỗi lần chúng ta để cho Lời và Thánh Thể Chúa muối ướp và tỏa sáng trên chúng ta. Ước gì ánh sáng ấy sẽ còn tỏa sáng mãi trên chúng ta từ nay tới muôn đời.

 

THỨ TƯ

1V 18,20-39; Mt 5,17-19


 Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Các con đừng tưởng Thầy đến để huỷ bỏ lề luật hay các tiên tri: Thầy không đến để huỷ bỏ, nhưng để kiện toàn. Vì Thầy bảo thật các con: Cho dù trời đất có qua đi, thì một chấm, một phẩy trong bộ luật cũng không bỏ sót, cho đến khi mọi sự hoàn thành. Bởi vậy, ai huỷ bỏ một trong những điều luật nhỏ mọn nhất, và dạy người khác làm như vậy, sẽ kể là người nhỏ nhất trong Nước Trời; trái lại, ai giữ và dạy người ta giữ những điều đó, sẽ được kể là người cao cả trong Nước Trời".

Qua đoạn Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu bảo: “Ta đến không phải để bãi bỏ nhưng để làm trọn lề luật và các ngôn sứ”. Thế mà sao Chúa Giêsu vẫn cứ thường xuyên vi phạm lề luật, vi phạm hưu lễ? Chúa Giêsu không chỉ chống lại lề luật mà còn chống lại cả những kẻ bảo vệ luật đến độ Chúa đã bị họ coi là một hiểm họa cần phải thủ tiêu ngay.

Nếu đạo chỉ là một mớ những điều phải làm và không được phép làm thì đúng là Đức Giêsu Kitô vi phạm luật thật. Rất may, cả Do Thái giáo lẫn Kitô giáo đều không phải thế mà là một tương quan tình yêu sống động giữa Thiên Chúa và loài người; là một mối tình Thiên Chúa đang mời chúng ta cùng Thiên Chúa thực hiện. Nên điều căn cốt nhất cả Do Thái giáo và Kitô giáo đều là Thiên Chúa và loài người nên một: nên một sự sống, một tình yêu, một kế hoạch yêu thương, một ước mơ, một hạnh phúc… Đó mới là đạo. Lề luật chỉ có khả năng giúp con người khỏi sa đọa, chỉ tình yêu mới có khả năng cứu độ và thánh hóa loài người. Thế thì Đức Giêsu Kitô đâu có phá luật mà trái lại, Ngài còn hoàn chỉnh lề luật nữa là khác. Chúa Giêsu yêu mến Thiên Chúa đến độ, mọi sự của Chúa là của Chúa thật, song Ngài đã dâng hết về cho Cha đến độ Ngài đã để cho Cha hoàn toàn sử dụng Ngài. Cha muốn Ngài hy sinh chết, Ngài vẫn sẵn sàng vâng ý Cha ngay. Nếu yêu là sống cho và sống vì người mình yêu đến độ đời người chỉ còn một đợi chờ duy nhất, đợi chờ ý muốn của người mình yêu; chỉ còn một hành động duy nhất, hành động theo ý của người mình yêu, thì ai có thể yêu mến Thiên Chúa bằng Chúa Giêsu? Nếu tình yêu làm cho hai người nên một, thì ai có thể nên một với Thiên Chúa như Chúa Giêsu? Chúa Giêsu đã nên một với Cha đến độ không ai có thể phân biệt được hành động nào là của Thiên Chúa, hành động nào là hành động của chính Chúa Giêsu.

Loài người được dựng nên là để được hiệp nhất với Thiên Chúa như thế đấy. Nên vào cuối đời của Chúa Giêsu, Ngài đã tha thiết nói lên với Cha ao ước ấy của Ngài: “Lạy Cha, những kẻ Cha đã ban cho con, con muốn rằng con ở đâu thì chúng cũng được ở đó với con,… để hết thảy chúng nên một như Cha ở trong con và con ở trong Cha. Xin Cha cho chúng nên một như chúng ta là một”. Không hoàn toàn nên một với Đức Giêsu Kitô như thế, chúng ta vẫn chưa được cứu độ, vẫn chưa phải là người có đạo.

Cốt lõi của đạo là nên một với Thiên Chúa. Thế mà người Do Thái lại đã đồng hóa đạo với lề luật, đồng hóa việc giữ đạo với giữ luật; tai hại hơn cả là họ đã biến Thiên Chúa thành một thứ lề luật. Đó là tôn thờ ngẫu tượng. Khi coi lề luật là cứu cánh của đạo, người Do Thái đã hoàn toàn từ bỏ vị Thiên Chúa đích thực để chạy theo Baal, một thần linh do chính họ tưởng tượng ra. Êlia đã đập đổ Baal rồi, nhưng người Do Thái thời Chúa Giêsu cũng như loài người hôm nay vẫn cứ bám theo các ngẫu tượng kiểu ấy.

Cốt yếu của lề luật là yêu mến Thiên Chúa như Chúa Giêsu. Vậy hôm nay, khi được nên một với Đức Giêsu Kitô trong thánh lễ này, chúng ta hãy cầu xin cho nhau ơn biết để Chúa Kitô sống trong chúng ta, có như thế, như Êlia hôm nay, chúng ta mới có thể đập tan những ngẫu tượng.

 

THỨ NĂM

1V 18,41-46; Mt 5,20-26

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Nếu các con không công chính hơn các luật sĩ và biệt phái, thì các con chẳng được vào Nước Trời đâu. 

"Các con đã nghe dạy người xưa rằng: 'Không được giết người. Ai giết người, sẽ bị luận phạt nơi toà án'. Còn Thầy, Thầy sẽ bảo các con: Bất cứ ai phẫn nộ với anh em mình, thì sẽ bị toà án luận phạt. Ai bảo anh em là "ngốc", thì bị phạt trước công nghị. Ai rủa anh em là "khùng", thì sẽ bị vạ lửa địa ngục. Nếu con đang dâng của lễ nơi bàn thờ mà sực nhớ người anh em đang có điều bất bình với con, thì con hãy để của lễ lại trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em con trước đã, rồi hãy trở lại dâng của lễ. Hãy liệu làm hoà với kẻ thù ngay lúc còn đi dọc đường với nó, kẻo kẻ thù sẽ đưa con ra trước mặt quan toà, quan toà lại trao con cho tên lính canh và con sẽ bị tống ngục. Ta bảo thật cho con biết: Con sẽ không thoát khỏi nơi ấy cho đến khi trả hết đồng xu cuối cùng!"  

Dẫu chẳng là gì, chỉ là như không thành hiện hữu, con người vẫn luôn luôn là tạo vật ưu ái nhất của Thiên Chúa. Không có gì  đụng chạm tới con người mà lại không đụng chạm tới Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa khi nhập thể làm người đã tự đồng hóa mình với họ, đã tuyên bố rõ ràng: “Những gì các con làm cho một trong những kẻ bé mọn nhất này là các con làm cho chính Ta”. Chúng ta có thể nói được rằng ngay từ khởi thủy, trước khi có loài người, thì chúng ta nằm trong tư tưởng, trong suy nghĩ, trong tình yêu, trong tim lòng Thiên Chúa. Mỗi người, bất chấp họ là ai, đều đã được Thiên Chúa khắc tên trong trái tim của Người. Đó là điều mà chính Thiên Chúa đã nói với chúng ta trong suốt dòng lịch sử và hiện vẫn còn đang nói với chúng ta trong phụng vụ Lời Chúa hôm nay. 

Thiên Chúa không chỉ  lo cho chúng ta được cứu độ, được nên con cái Người mà còn lo cho chúng ta cả những gì là vật chất nhất: lo cho chúng ta cái ăn, cái mặc, cho mưa gió thuận hòa để chúng ta được no cơm ấm áo. Ngôn sứ Êlia trong bài đọc I hôm nay đã xin và Thiên Chúa cho mưa xuống chấm dứt thời kỳ hạn hán, nỗi ám ảnh triền miên của nông gia. 

Nếu Thiên Chúa đã quí trọng của ăn, áo mặc của chúng ta như thế, hẳn Người còn quí trọng con người của chúng ta hơn thế ngàn lần, như Chúa Giêsu bảo: “Mạng sống không hơn của ăn, thân xác không hơn áo mặc sao?”. Chính vì quí trọng chúng ta, Thiên Chúa không chỉ cấm chúng ta giết người mà Thiên Chúa còn cấm chúng ta không được nói phạm đến họ. “Ai bảo anh em mình là khùng thì cũng bị can án hỏa ngục rồi”. Để khẳng định tầm quan trọng của lời dạy loài người phải yêu thương, phải chung sống thuận hòa ấy của Ngài, Chúa bảo: “Khi ngươi dâng của lễ mà còn chợt nhớ anh em còn bất bình với ngươi, thì hãy để của lễ đó trên bàn thờ và hãy đi làm hào với họ trước đã”. Chúa không bảo: ngươi có điều bất bình với anh em ngươi. Nhưng Chúa bảo: “Nếu anh em có điều bất bình với ngươi”. Chúa không bảo: hãy đợi họ làm hòa với ngươi, nhưng Chúa bảo: “Hãy để của lễ đó mà về làm hòa với họ trước đã”. Với lời tuyên bố sắt thép ấy, Chúa đã nâng “việc chung sống hòa thuận” của loài người  với nhau lên ngang hàng và có khi hơn cả của lễ dâng Ngài.

Không một hy lễ nào có thể sánh được với hy lễ thập giá của Chúa Giêsu. Thế mà trên thập giá, trước khi trút hơi thở cuối cùng, cũng là lúc hoàn tất hy lễ của Ngài, nhìn xuống chân thập giá, Chúa thấy vẫn còn một lũ đông vô kể, không chỉ bất bình mà đang thù oán, đang hả hê vì đã giết được Ngài, Chúa đã ngước mắt lên trời thưa với Cha: “Lạy Cha xin Cha tha cho họ”. Đó là giây phút linh thiêng nhất, cao cả nhất, vĩ đại nhất của tình Chúa yêu thương và tôn trọng con người. Ngay lúc ấy, đất trời giao hòa, Thiên Chúa và loài người hợp duyên, vì đó là lúc chính Thiên Chúa đã làm hòa với kẻ đang cướp mất mạng sống mình.

Yêu thương, tôn trọng và tha thứ cho tha nhân là tư cách duy nhất của Kitô hữu. Vậy trong thánh lễ này, chúng ta hãy cầu xin cho nhau được mang lấy sự sống, mang lấy tình yêu của Đức Giêsu Kitô, để cộng đồng Kitô hữu được mãi mãi là bí tích, là dấu chỉ của Thiên Chúa tình yêu cho loài người hôm nay.

 

THỨ SÁU

1V 19,9a.11-16; Mt 5,27-32 

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Các con đã nghe dạy người xưa rằng: 'Chớ ngoại tình'. Phần Thầy, Thầy bảo các con: Ai nhìn người nữ mà ước ao phạm tội, thì đã ngoại tình với người ấy trong lòng rồi. Nếu mắt bên phải con làm con vấp phạm, thì hãy móc quăng khỏi con đi: thà mất một chi thể còn lợi cho con hơn là toàn thân bị ném vào hoả ngục. Và nếu tay phải con làm con vấp phạm, thì hãy chặt mà quăng đi, vì thà mất một chi thể còn lợi cho con hơn là toàn thân bị ném vào hoả ngục.

"Có lời dạy rằng: 'Ai bỏ vợ mình, hãy trao cho vợ một giấy ly dị'. Phần Thầy, Thầy bảo các con: bất cứ ai bỏ vợ mình-ngoại trừ vì lý do gian dâm-là làm cớ cho vợ ngoại tình; và ai cưới người vợ bị bỏ, cũng phạm tội ngoại tình nữa".   

Lịch sử Israel là một chuỗi những ngày Giavê Thiên Chúa giao ước với dân và dân Người mãi cứ quên bỏ giao ước ấy, quên bỏ chính Đấng đã tạo dựng, đã giải thoát rồi còn đưa họ vào tận trong cung lòng Người. Sự phản bội ấy đã khiến Êlia trong bài đọc I hôm đã phải thốt lên: “Lạy Chúa, tôi đã nhiệt tình phẫn uất cho Chúa, vì giao ước của Người, con cái Israel đã bỏ, tế đàn Người chúng lật đổ, ngôn sứ của Người chúng đã rút gươm đâm, chỉ còn mỗi mình tôi, chúng cũng đang tìm cách lấy mạng. Vậy mà, lạy Chúa, Chúa cứ im lặng mãi được sao?”. Sự thất trung của họ có lúc đã khiến Thiên Chúa buồn khổ: “Lòng Ta những thổn thức trong Ta”. Dẫu thế, Thiên Chúa vẫn cứ trung thành với dân ngỗ nghịch ấy. Lạ lùng hơn cả là cứ mỗi lần dân bội ước, thì Thiên Chúa lại làm cho giao ước ấy thêm nồng nàn, tha thiết: “Ta sẽ đính hôn với ngươi mãi mãi”.

Như thế, thủy chung, tín thành là một trong những nét độc đáo nhất của Thiên Chúa chúng ta, đến độ, đã nói đến Thiên Chúa thì phải nói đến thủy chung của Người. Thánh Phaolô còn bảo thủy chung là bản tính Thiên Chúa và là chính Thiên Chúa: “Nếu ta có thất tín, thất trung, thì Thiên Chúa vẫn hằng trung tín vì Người không thể phản lại chính mình” (2Tm 1,13).

Chúng ta được tạo dựng theo hình ảnh và giống như Thiên Chúa. Hẳn chúng ta được tạo dựng để sống sự thủy chung ấy với Thiên Chúa và với nhau. Thế mà xưa cũng như nay, loài người vẫn cứ xóa nhòa hình ảnh tốt lành ấy của Thiên Chúa nơi mình. Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay bảo: “Không được ngoại tình, không được ly dị, dẫu chỉ ngoại tình trong lòng thôi thì đã mắc tội với Thiên Chúa và với nhau rồi”. Nói chung, Chúa Giêsu đòi chúng ta không được phản bội, không được thất tín, thất trung. Vì thất trung là bóp méo hình ảnh Thiên Chúa mà chúng ta đang mang nơi mình, là phá vỡ ý định của Thiên Chúa nơi loài người, là làm tiêu tan bí tích của tình Chúa yêu ta. Thánh Phaolô bảo: chồng hãy yêu thương vợ như Chúa Giêsu Kitô đã yêu thương Hội Thánh, vợ hãy yêu thương chồng như chính thân mình. Điều vừa nói tôi muốn ám chỉ mầu nhiệm Đức Kitô và Hội Thánh (Ep 5,25-30). Thất tín, thất trung với vợ, với chồng cũng là thất tín, thất trung với chính bản thân của chúng ta. Chẳng ai muốn lừa dối mình, vì như thế, chỉ chuốc lấy bất an, khổ sở. Ngoại tình, kể cả ngoại tình trong lòng là chống lại mình, tự phản bội mình. Nên những gì Chúa Giêsu đòi buộc hôm nay không chỉ nhằm duy trì một lề luật, một nên luân lý, mà đúng hơn, Chúa Giêsu chỉ muốn duy trì hạnh phúc và bình an hôm nay và mai sau cho tất cả những ai muốn theo Ngài.

Khi được gia nhập vào gia đình Thiên Chúa qua bí tích Thanh Tẩy, chúng ta thực sự chết đi đối với chính mình để sống sự sống của chính Đức Kitô. Đức Kitô là Đấng tuyệt đối trung tín với Thiên Chúa và với chúng ta. Hơn nữa, Đức Kitô còn chính là sự trung tín. Mỗi lần tham dự thánh lễ là mỗi lần chúng ta được nên một với Ngài. Nên một với Ngài nghĩa là trung tín với Thiên Chúa, với vợ, với chồng như chính Ngài. Nên ai còn nuôi tư tưởng ngoại tình, còn sống trong tình trạng thất trung ly dị, người ấy vẫn đang phá vỡ hình ảnh Thiên Chúa nơi mình, vẫn đang ở ngoài chương trình cứu độ của Thiên Chúa. chúng ta hãy cầu xin cho mọi người đang sống trong bậc vợ chồng được luôn chung thủy với Thiên Chúa để cũng chung thủy với nhau. Có như thế, bình an của Thiên Chúa sẽ tỏa rạng mãi trên chúng ta và trên thế gian này.

 

THỨ BẢY

1V 19,19-21; Mt 5,33-37

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Các con lại còn nghe dạy người xưa rằng: 'Đừng bội thề, nhưng hãy giữ lời ngươi đã thề với Chúa'. Phần Thầy, Thầy bảo các con: Đừng thề chi cả, đừng lấy trời mà thề, vì là ngai của Thiên Chúa; đừng lấy đất mà thề, vì là bệ đặt chân của Người; đừng lấy Giêrusalem mà thề, vì là thành của Vua cao cả; cũng đừng chỉ đầu mà thề, vì con không thể làm cho một sợi tóc ra trắng hoặc ra đen được. Nhưng lời các con phải: có thì nói có, không thì nói không; nói thêm thắt là do sự dữ mà ra".

Chúng ta đang sống trong một thế giới mà lòng tin vào con người đang bị đe dọa, đang gặp khủng hoảng lớn. Người ta không còn tin nhau nữa, vì càng lúc càng có nhiều người dựa vào uy tín của người này, người khác để lừa đảo, để phá hoại nhau. Trước tình trạng bi đát ấy, để củng cố lòng tin của người khác vào lời nói của mình, con người đã cậy dựa vào uy thế Giêsu thần linh bằng những lời thề, để cho lời mình nói được uy tín hơn.

Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay bảo: “Các con đừng thề thốt gì cả. Đừng lấy trời, lấy đất cũng đừng lấy đầu mình mà thề”. Trời, đất, đền thờ, đầu mình đều liên quan tới Thiên Chúa. Lấy những thứ ấy mà thề thì cũng lấy uy tín của Thiên Chúa để bảo đảm cho lời mình nói. Như thế là bắt Thiên Chúa phục vụ quyền lợi của chúng ta, là làm méo mó, lệch lạc sự sống mới trong Nước Thiên Chúa, là làm mất uy tín đích thực của con cái Thiên Chúa.

Ngay từ trong Cựu ước, Thiên Chúa đã đòi dân Người mà tiêu biểu là các ngôn sứ phải nói, phải mang lấy, phải sống sự thật. Êlisê hôm nay được Thiên Chúa kêu gọi để nối tiếp sứ mạng của Êlia. Sứ mạng ấy là nói Lời Thiên Chúa. Êlia đã có lần bị truy đuổi vì đã nói sự thật nghĩa là đã nói Lời Thiên Chúa. Đến thời Chúa Giêsu, vị ngôn sứ đệ nhất của Thiên Chúa vì Ngài chính là Lời, là sự thành thành xác phàm, đã quy tụ xung quanh Ngài một cộng đoàn những kẻ mang lấy Lời Chúa và sẽ sống chết với Lời ấy. Dân này không chỉ mang Lời như các ngôn sứ xưa, mà họ còn được hợp nhất với Lời đến độ Lời với họ là một. Lời đã thành niềm vui, thành lẽ sống, thành hạnh phúc, thành sự giải thoát và cứu độ họ. Vì Lời là sự thật, nên ai đã nên một với Lời tất sẽ không bóp méo, không xuyên tạc, không thổi phồng sự thật. Họ là những kẻ mà Chúa Giêsu nói: “Có thì nói có, không thì nói không, không thêm, không bớt”. Như thế, nói thật, sống theo sự thật, bảo vệ sự thật chính là đặc điểm của đời sống mới trong Hội Thánh và cũng là tư cách của con cái Thiên Chúa. Nói thật, sống theo sự thật như thế, chúng ta có thể sẽ bị oán ghét, bách hại; dẫu thế, chúng ta vẫn phải nói, vẫn phải bảo vệ sự thật. Vì không nói thật, hay bóp méo sự thật, hoặc giảm bớt sự thật đều là phản bội Đức Kitô, phản bội con người và phản bội Hội Thánh do “từ ác tà mà ra” cả.

Khi đã nói thật, đã sống trong sự thật rồi, chúng ta sẽ chẳng cần thề thốt, cũng chẳng cần ai bảo đảm lời nói cho chúng ta nữa, vì uy tín của lời ta nói lúc ấy chính là Đức Kitô. Nên lời chúng ta nói dẫu có được đón nhận hay không vẫn có một uy tín không ai có thể chối bỏ được.

Đã có lần chúng ta buồn bực vì lời chúng ta nói chẳng mấy ai tin, bản thân của chúng ta cũng chẳng được tin tưởng, trọng dụng. Hẳn vì đã có lần chúng ta không nói sự thật. Hãy trở về với sự thật, hãy mang lấy sự thật, lời của chúng ta sẽ được tin tưởng và đồng thời bản thân của chúng ta sẽ được tín nhiệm.

Mỗi lần tham dự thánh lễ là mỗi lần chúng ta được nên một với Đức Giêsu Kitô, Đấng là sự thật. Ước gì hôm nay khi được nên một với Ngài, Chúng ta cũng biết nói sự thật, biết sống theo và bảo vệ sự thật cho đến cùng để loài người ngày một thêm tin tưởng nhau hơn.

Mới hơn Cũ hơn