Suy niệm Tin mừng tuần II Mùa chay

 


THỨ HAI TUẦN II MÙA CHAY

Đn 9,4b-I0; Tv 78; Lc 6,36-38

… Lời Chúa

Trong những ngày ấy, Chúa Giêsu nói cùng các môn đệ: "Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ. Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha. Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy".

… Suy niệm

Chúa Giêsu mời gọi chúng ta phán xét với lòng nhân từ, bằng cách nhìn vào điểm tích cực của con người, của xã hội. Ngài cũng mời gọi chúng ta đừng làm cho mình trở nên tàn nhẫn khi phán xét người khác, nhưng trái lại, phải có lòng thương xót như Chúa đã thương xót chúng ta. Thiên Chúa nhìn những khốn khổ của chúng ta với con tim rộng mở và đón nhận. Và như thế, chúng ta cũng được mời gọi nhìn vào chính mình và người khác với sự dịu dàng.

Dịu dàng không phải là thôi không phán xét, không nhìn thấy mảng tối đang phủ đầy bên trong và xung quanh cuộc sống chúng ta, làm ngơ cho những thứ đang dập tắt lương tri và tránh lên án sự ác. Nếu như vậy chúng ta sẽ bị rơi vào một thái độ đáng bị lên án đó là thờ ơ. Bởi vì thờ ơ làm vô hiệu hóa trách nhiệm. Người Kitô hữu phải chịu trách nhiệm về những hành động của mình và của người khác. Vậy điều gì thực sự nghiêm trọng trong cuộc sống của một tín hữu. Đó là phán xét người khác với một thái độ khinh thường, xuyên tạc, giả tạo, lên án người khác bằng vũ lực.

Đừng phán xét để không bị phán xét. Ai biết xót thương người sẽ được người khác xót thương. Chính trong sự hiểu biết này về Tin mừng, Đức Thánh cha Phanxicô đã nói: “Chúng ta cần một Giáo hội có khả năng tái khám phá phủ tạng của lòng thương xót. Không có lòng thương xót thì không thể bước vào trong một thế giới bị tổn thương, đang cần sự hiểu biết, tha thứ và yêu thương”.

… Cầu nguyện

Lạy Chúa xin chiếu soi mọi khoảnh khắc của cuộc đời con bằng ánh sáng là sự hiện diện của Chúa, và cho con luôn biết nhận ra tiếng nói của Chúa trong tâm hồn, nhờ đó con có thể học biết yêu thương và hiến dâng mạng sống cho tha nhân, vì đây chính là điều mà Chúa muốn.

... Quyết tâm

Mùa chay là thời gian hoán cải. Đâu là sự hoán cải mà Tin mừng muốn tôi thực hiện hôm nay?

“Cách ăn chay mà Ta ưa thích chẳng phải là thế này sao: mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc, trả tự do cho người bị áp bức, đập tan mọi gông cùm? Chẳng phải là chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ; thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục” (Is 58,6-7).


THỨ BA TUẦN II MÙA CHAY

Is 1,10.1620; Tv 49; Mt 23,1-12

… Lời Chúa

“Trong những ngày ấy, Đức Giêsu nói với dân chúng và các môn đệ Người rằng: "Các kinh sư và các người Pharisêu ngồi trên toà ông Môsê mà giảng dạy. Vậy, tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm. Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào. Họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy. Quả vậy, họ đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài. Họ ưa ngồi cỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, ưa được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là "rápbi".

"Phần anh em, thì đừng để ai gọi mình là "rápbi", vì anh em chỉ có một Thầy; còn tất cả anh em đều là anh em với nhau. Anh em cũng đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời. Anh em cũng đừng để ai gọi mình là người lãnh đạo, vì anh em chỉ có một vị lãnh đạo, là Đức Kitô. Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em. Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên.

… Suy niệm

Trong Tin mừng hôm nay Thánh sử Matthêu nhấn mạnh những lời chỉ trích của Chúa Giêsu về tính đạo đức giả của những người chỉ biết “nói nhưng không làm”, đó là những người Pharisiêu. Khi đức tin bị giảm sút chỉ còn lời nói mà không tham gia vào bất cứ công việc gì đối với nhu cầu cần thiết của cộng đồng, gia đình, xã hội và giáo xứ thì sự nhất quán giữa niềm tin được tuyên xưng và hành động thực tế là hai ngả rẽ ngược chiều, ngôn hành bất nhất. Sự nhất quán là một ân sủng cần được cầu xin. Chỉ nhờ ân sủng ta mới có thể liên kết chặt chẻ với Thiên Chúa.

Lời chỉ trích mà Chúa Giêsu dành cho những người Pharisiêu luôn là điều bổ ích cho tất cả mọi người, vì không ai được miễn nhiễm khỏi lòng đạo đức giả, một điều xấu trầm trọng, nó ngăn cản chúng ta sinh hoa kết trái với tư cách là những người con duy nhất của Cha, được mời gọi để sống tình huynh đệ phổ quát.

Đứng trước những nhu cầu cần thiết của anh chị em mình, Chúa Giêsu đưa ra một hành vi hoàn toàn trái ngược với người đạo đức giả. Ngài đề nghị hãy dừng lại, lắng nghe, thiết lập mối tương quan trực tiếp, cách cá nhân với người khác, đồng cảm với họ và thông phần đau khổ với họ đến mức đảm nhận trách nhiệm trong việc phục vụ.

Trong Mùa chay này, chúng ta xin Chúa cho chúng ta luôn là người kiên định và nhất quán, không kiêu căng, tự phụ, không tỏ ra mình là người xứng đáng nhất giữa mọi người. Chúng ta xin ơn sủng để lời nói và hành động luôn đi đôi với nhau trong cuộc sống.

... Cầu nguyện

Lạy Chúa, Chúa đã chuẩn bị kho tàng vô hình cho những ai yêu mến Chúa, xin ban cho con sự ngọt ngào của tình yêu Chúa, để con có thể yêu Chúa trong tất cả mọi sự và mọi thứ trên trần gian này, nhờ đó con có thể đạt đến được kho tàng Chúa hứa ban cho chúng con trên vương quốc của Chúa.

... Quyết tâm

Ngày hôm nay tôi quyết tâm bước ra khỏi sự biếng nhác của tôi để thực hiện một công việc nào đó, dù nhỏ bé, cho cộng đồng và đặc biệt là cho gia đình của tôi.



THỨ TƯ TUẦN II MÙA CHAY

Ger 18,18-20; Tv 30; Mt 20,17-28

... Lời Chúa

Khi ấy, lúc sắp lên Giêrusalem, Đức Giêsu đưa Nhóm Mười Hai đi riêng với mình, và dọc đường Người nói với các ông : “Này chúng ta lên Giêrusalem, và Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ kết án xử tử Người, sẽ nộp Người cho dân ngoại nhạo báng, đánh đòn và đóng đinh vào thập giá và, ngày thứ ba, Người sẽ trỗi dậy.”

Bấy giờ bà mẹ của các con ông Dêbêđê đến gặp Đức Giêsu, có các con bà đi theo; bà bái lạy và kêu xin Người một điều. Người hỏi bà : “Bà muốn gì ?” Bà thưa : “Xin Thầy truyền cho hai con tôi đây, một người ngồi bên hữu, một người bên tả Thầy trong Nước Thầy.” Đức Giêsu bảo : “Các người không biết các người xin gì ! Các người có uống nổi chén Thầy sắp uống không ?” Họ đáp : “Thưa uống nổi.” Đức Giêsu bảo : “Chén của Thầy, các người sẽ uống ; còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Cha Thầy đã chuẩn bị cho ai, thì kẻ ấy mới được.”

... Suy niệm

Trên đường lên Giêrusalem, Chúa Giêsu loan báo cuộc khổ nạn của mình và Ngài muốn các môn đệ cùng chia sẻ với Ngài con đường cứu chuộc này, đó là Đường Thập Giá. Theo nghĩa này thì lời cầu xin cho hai đứa con của mình là Giacôbê, Gioan một “người ngồi bên hữu, một người bên tả Thầy trong Nước Thầy” sẽ trở nên vô ích. Những đứa con của ông Zêbêđê lần này đã bộc lộ toàn bộ bản tính con người qua những lời của người mẹ. Có thể nói đây là suy nghĩ sai lầm về khát vọng trở nên người lớn trong nước trời.

“Chén của Thầy, các người sẽ uống; còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Cha Thầy đã chuẩn bị cho ai, thì kẻ ấy mới được”. 

Câu trả lời chắc chắn của Chúa Giêsu giúp chúng ta hiểu rằng, để trung thành đi theo Chúa, để uống chén của Ngài, không cần phải có những kế hoạch đầy tham vọng, như các môn đệ của Chúa đã từng có. Sự cám dỗ thực thi quyền lực trên người khác và muốn điều khiển người khác luôn tồn tại trong chính con người chúng ta. Thế nhưng điều chúng ta cần phải ước ao và chứng tỏ đó là trở nên những người khiêm tốn nhất giữa mọi người – tôi tớ của mọi tôi tớ - như cha sở họ Ars đã nói: “Khiêm nhường là cách tốt nhất để yêu mến Thiên Chúa. Chính sự kiêu ngạo của chúng ta đã ngăn cản chúng ta trở thành những vị thánh”. Thật vậy, Con Thiên Chúa, là Vua và là vị Tôn Sư đích thật “không đến để được phục vụ nhưng là để phục vụ người khác” chính là mẫu gương của sự hạ mình, khiêm tốn thực sự để chúng ta noi theo trong cuộc sống này.

“Để lên đến Trời, điều cần thiết là phải ở dưới thấp, như đất! Chúa Giêsu dạy thế này: “Ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên” (Lc 14,11). Thiên Chúa không nâng chúng ta lên cao vì những món quà của chúng ta, vì sự giàu có hay cách chúng ta làm việc tốt, nhưng vì sự khiêm nhường. Chúa nâng cao kẻ thấp hèn, những người phục vụ” (ĐTC Phanxicô).

...Cầu nguyện

Lạy Chúa xin ban cho con ân sủng để chữa lành con, để con có thêm sức mạnh chống lại tội lỗi, chống lại những suy nghĩ kiêu căng, là điều Chúa không hề muốn.

... Quyết tâm

Trong hành trình Mùa chay này, hôm nay tôi quyết tâm quên mình để hòa đồng với mọi người dù đó là người tôi không thích. Tôi sẽ khiêm nhường hơn trong suy nghĩ, lời nói và hành động của tôi với mọi người xung quanh.

Giận dữ hủy hoại phá hủy nhiều thứ; ngược lại, sự hiền lành đạt được nhiều điều. Người hiền lành thu phục nhân tâm, cứu vãn tình bạn, bảo vệ tương quan với Thiên Chúa. Người hiền lành là người bình tĩnh, đơn giản, nhẹ nhàng, vâng phục và hòa bình, đối xử tốt với người khác và không cãi vã với ai, được người khác quý mến và chiến thắng sự giận dữ.

THỨ NĂM TUẦN II MÙA CHAY

Ger 17,5-10; Tv 1; Lc 16,19-31

... Lời Chúa

"Khi ấy, Đức Giêsu nói với người Pharisêu dụ ngôn sau đây : “Có một ông nhà giàu kia, mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình. Lại có một người nghèo khó tên là Ladarô, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giàu, thèm được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no. Lại thêm mấy con chó cứ đến liếm ghẻ chốc anh ta. Thế rồi người nghèo này chết, và được thiên thần đem vào lòng ông Ápraham. Ông nhà giàu cũng chết, và người ta đem chôn.

“Dưới âm phủ, đang khi chịu cực hình, ông ta ngước mắt lên, thấy tổ phụ Ápraham ở tận đàng xa, và thấy anh Ladarô trong lòng tổ phụ. Bấy giờ ông ta kêu lên : ‘Lạy tổ phụ Ápraham, xin thương xót con, và sai anh Ladarô nhúng đầu ngón tay vào nước, nhỏ trên lưỡi con cho mát ; vì ở đây con bị lửa thiêu đốt khổ lắm !’ Ông Ápraham đáp : ‘Con ơi, hãy nhớ lại : suốt đời con, con đã nhận phần phước của con rồi ; còn Ladarô suốt một đời chịu toàn những bất hạnh. Bây giờ, Ladarô được an ủi nơi đây, còn con thì phải chịu khốn khổ. Hơn nữa, giữa chúng ta đây và các con đã có một vực thẳm lớn, đến nỗi bên này muốn qua bên các con cũng không được, mà bên đó có qua bên chúng ta đây cũng không được.’

“Ông nhà giàu nói : ‘Lạy tổ phụ, vậy thì con xin tổ phụ sai anh Ladarô đến nhà cha con, vì con hiện còn năm người anh em nữa. Xin sai anh đến cảnh cáo họ, kẻo họ lại cũng sa vào chốn cực hình này !’ Ông Ápraham đáp : ‘Chúng đã có Môsê và các Ngôn Sứ, thì chúng cứ nghe lời các vị đó.’ Ông nhà giàu nói : ‘Thưa tổ phụ Ápraham, họ không chịu nghe đâu, nhưng nếu có người từ cõi chết đến với họ, thì họ sẽ ăn năn sám hối.’ Ông Ápraham đáp : ‘Môsê và các Ngôn Sứ mà họ còn chẳng chịu nghe, thì người chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin.’”

... Suy niệm

Bài Tin Mừng hôm nay giới thiệu cho chúng ta hai nhân vật. Thứ nhất là một người đàn ông giàu có không tên tuổi, ông được mô tả là người giàu có “mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình”. Người thứ hai người gọi đích danh là Lazarô, là người nghèo khổ, bị gạt bên lề xã hội: “mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giàu, thèm được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no”, thỉnh thoảng có mấy con chó đến liếm ghẻ chốc anh ta. Và một hoàn cảnh cụ thể dành cho cả hai, không ai trong số họ được miễn trừ, đó là sự chết. Tuy nhiên, Tin mừng cho thấy một khung cảnh hoàn toàn đảo ngược: Lazarô được các thiên thần đón tiếp, đưa vào Nước Chúa, còn người kia bị ném vào lửa hỏa ngục đời đời. Những lời thỉnh cầu của người giàu cho Lazarô về báo cho các anh em của ông biết để mà hoán cải giờ đây trở nên vô giá trị. Câu trả lời của Apraham rất rõ ràng: “Suốt đời con, con đã nhận phần phước của con rồi ; còn Ladarô suốt một đời chịu toàn những bất hạnh. Bây giờ, Ladarô được an ủi nơi đây, còn con thì phải chịu khốn khổ”.

Dụ ngôn này cũng đặt ra nhiều câu hỏi cho chúng ta, là những người đang sống trong một thế giới, một xã hội thịnh vượng mà sự giàu có của cải khiến chúng ta nhiều lần không thấy được những người khốn khó bên vệ đường, những người bị gạt bên lề xã hội, những người đang than van, khẩn cầu sự trợ giúp của chúng ta.

“Và chúng ta có thể tự hỏi: chúng ta đang đầu tư gì cho cuộc sống của mình? Về những thứ mau qua như tiền bạc, thành công, ngoại hình, thể chất? Chúng ta không thể mang theo được gì trong số những thứ này. Chúng ta có bám víu vào của cải trần thế như thể chúng ta phải sống mãi ở đây không? Khi chúng ta còn trẻ, khỏe mạnh, mọi thứ đều tốt đẹp, nhưng đến lúc phải ra đi, chúng ta đành phải bỏ lại tất cả. Lời Chúa hôm nay cảnh báo chúng ta: cảnh tượng của thế giới này sẽ qua đi, chỉ còn tình yêu là tồn tại. Vì vậy, đặt nền tảng cuộc sống dựa trên Lời Chúa, không phải là trốn khỏi lịch sử nhưng là hòa mình với thực tại trần gian để đem lại cho nó sự chắc chắn, để biến đổi nó bằng tình yêu, ghi dấu ấn vĩnh cửu cho nó, dấu ấn của Thiên Chúa” (ĐTC Phanxicô).

.... Cầu nguyện

Lạy Chúa, xin ban cho con niềm tin vững chắc vào sự sống lại của Chúa, để con không đặt đời mình vào của cải trần gian, nhưng biết dùng nó như công cụ để chia sẻ với mọi người, để cùng hướng đến mục đích tối hậu là chính Chúa.

... Quyết tâm

Hôm nay tôi sẽ cố gắng thay đổi cái nhìn của tôi về người khác; chia sẻ với họ một nụ cười, một ánh mắt dịu dàng, lắng nghe và giúp đỡ họ trong tinh thần lẫn vật chất. Tất cả mọi người đều là anh em của tôi...


THỨ SÁU TUẦN II MÙA CHAY

St 37,3-4.l2-13a.l7b-28; Tv104; Mt 21,33-43,45


... Lời Chúa

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các thượng tế và kỳ mục trong dân rằng : “Các ông hãy nghe dụ ngôn sau đây : Có chủ nhà kia trồng được một vườn nho ; chung quanh vườn, ông rào giậu ; trong vườn, ông khoét bồn đạp nho, và xây một tháp canh. Ông cho tá điền canh tác, rồi trẩy đi xa. Gần đến mùa hái nho, ông sai đầy tớ đến gặp các tá điền để thu hoa lợi. Bọn tá điền bắt các đầy tớ ông : chúng đánh người này, giết người kia, ném đá người nọ. Ông lại sai một số đầy tớ khác đông hơn trước ; nhưng bọn tá điền cũng xử với họ y như vậy. Sau cùng, ông sai con trai mình đến gặp chúng, vì nghĩ rằng : ‘Chúng sẽ nể con ta.’ Nhưng bọn tá điền vừa thấy người con, thì bảo nhau : ‘Đứa thừa tự đây rồi ! Nào ta giết quách nó đi, và đoạt lấy gia tài nó !’ Thế là chúng bắt lấy cậu, tống ra khỏi vườn nho và giết đi. Vậy khi ông chủ vườn nho đến, ông sẽ làm gì bọn tá điền kia ?” Họ đáp : “Ác giả ác báo, ông sẽ tru diệt bọn chúng và cho các tá điền khác canh tác vườn nho, để cứ đúng mùa, họ nộp hoa lợi cho ông.” Đức Giêsu bảo họ : “Kinh Thánh có câu : ‘Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường. Đó chính là công trình của Chúa, công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta.’ Các ông chưa bao giờ đọc câu này sao ?

Bởi đó, tôi nói cho các ông hay : Nước Thiên Chúa, Người sẽ lấy đi không cho các ông nữa, mà ban cho một dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi.”

Nghe những dụ ngôn Người kể, các thượng tế và người Pharisêu hiểu là Người nói về họ. Họ tìm cách bắt Người, nhưng lại sợ dân chúng, vì dân chúng cho Người là một ngôn sứ.

… Suy niệm

Nhiều khi chúng ta tự hỏi: Tại sao Thiên Chúa ở quá xa chúng ta? Thiên Chúa dường như không hiện diện hoặc không ở bên cạnh để bên vực chúng ta. Thiên Chúa dường như không còn ngó ngàng đến con người nữa.

Theo bài dụ ngôn ta vừa nghe, người kia có một vườn nho, ông đã làm tất cả để săn sóc nó, nhưng nó không mang lại hoa quả nào. Dĩ nhiên, theo lối cư xử thông thường của người chủ sẽ là bỏ mặc nó. Nhưng qua bài dụ ngôn này, Chúa Giêsu lại muốn nói với chúng ta rằng: tương lai giữa Thiên Chúa và con người không phải là một tương lai dựa trên năng suất theo nghĩa con người bất trung thì Thiên Chúa sẽ bỏ mặc con người. Không, tương lai giữa con người và Thiên Chúa trước hết và thiết yếu là một tương quan của tình yêu. Thiên Chúa yêu thương con người vượt trên mọi lý luận và chờ đợi của con người.

Lịch sử của vườn nho cho chúng ta thấy được cách thế Thiên Chúa đã yêu thương dân Người. Người đã giải phóng họ khỏi ách nô lệ bên Ai Cập. Người đã dẫn đưa họ vào Đất Hứa, đã nuôi dưỡng họ, đã bước đi bên họ, đã cho họ một xứ sở và qua lề luật đã cho họ một con đường phải theo. Thế nhưng, bất chấp những cử yêu thương đó của Thiên Chúa, dân riêng đã xa lánh Thiên Chúa.

Hôm nay, trong Mùa Chay này, Thiên Chúa cũng nhắn gởi đến chúng ta cùng một sứ điệp; Ngài mời gọi chúng ta nhìn lại bước đường đã qua để nhận ra những biểu lộ yêu thương của Người đối với chúng ta. Có những lúc trong cuộc sống, Người gìn giữ chúng ta khỏi sự dữ và ban đức tin để chúng ta thấy được một ý nghĩa cho cuộc sống. Thiên Chúa ban cho chúng ta tài năng để chúng ta có thể bày tỏ tình yêu của Người trên trái đất và xây dựng nước Người.

Trong câu chuyện về vườn nho, người chủ sai các giai nhân của ông đến thu hoạch, nhưng các tá điền đã không nộp huê lợi, mà còn lại giết các giai nhân của ông. Và cuối cùng, họ còn thách thức ông đến độ giết chính đứa con duy nhất của ông. Qua hành động này của các tá điền, Chúa Giêsu muốn nói đến chính cái chết của Ngài. Nhờ chính cái chết đó, Ngài lập giao ước với một dân tộc mới là Hội Thánh.

Giả như ngày hôm nay, Chúa Giêsu đến thu hoạch và đòi mỗi người chúng ta tính sổ, chúng ta sẽ trả lời như thế nào? Chúng ta hãy tự vấn lương tâm về sự đóng góp của mình, về những hoa quả mình đã mang lạidc cho Hội Thánh. Chúa ban cho mỗi người chúng ta một số tài năng, nhưng chúng ta đã chôn vùi đi trong sợ hãi, trong ích kỷ. Mỗi người chúng ta là một cành nho dồi dào sức sống hay chỉ là một cành khô vì những lười biếng, ươn hèn, ích kỷ.

Chúng ta đã mang nặng nhiều thiếu sót, dầu vậy chúng ta hãy tin rằng Chúa không bỏ mặc chúng ta. Chúa vẫn tiếp tục yêu thương chúng ta, mặc cho những yếu hèn và do dự của chúng ta. Chúng ta hãy nói lên với Người tất cả niềm tin tưởng của chúng ta.

… Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã yêu thương con thật nhiều, nhưng nhiều khi con không nhận ra được tình yêu đó. Cách này hay cách khác con đã chạy trốn tình yêu và đã phạm tội chống lại Chúa, lên án Chúa. Xin cho con luôn ý thức mình là người thợ được Chúa sai đến làm vườn nho của Chúa, và mãi người thợ trung thành và khiêm tốn.

… Quyết tâm

Hôm nay tôi dành một ít thời gian trong ngày để nhìn lại bản thân của mình, để cảm nhận được ân sủng Chúa đã ban cho tôi với tâm tình tri ân và cảm tạ.


THỨ BẢY TUẦN II MÙA CHAY

Mc 7,14-20; Lc 15,1-3.11-32

... Lời Chúa

Các người thu thuế và các người tội lỗi đều lui tới với Đức Giê-su để nghe Người giảng. Những người Pha-ri-sêu và các kinh sư bèn xầm xì với nhau: “Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng.” Đức Giê-su mới kể cho họ dụ ngôn này:

Rồi Đức Giê-su nói tiếp: “Một người kia có hai con trai. Người con thứ nói với cha rằng: “Thưa cha, xin cho con phần tài sản con được hưởng. Và người cha đã chia của cải cho hai con. Ít ngày sau, người con thứ thu góp tất cả rồi trẩy đi phương xa. Ở đó anh ta sống phóng đãng, phung phí tài sản của mình.

“Khi anh ta đã ăn tiêu hết sạch, thì lại xảy ra trong vùng ấy một nạn đói khủng khiếp. Và anh ta bắt đầu lâm cảnh túng thiếu, nên phải đi ở đợ cho một người dân trong vùng; người này sai anh ta ra đồng chăn heo. Anh ta ao ước lấy đậu muồng heo ăn mà nhét cho đầy bụng, nhưng chẳng ai cho. Bấy giờ anh ta hồi tâm và tự nhủ: “Biết bao nhiêu người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói! Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với người: “Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha vậy. Thế rồi anh ta đứng lên đi về cùng cha.

Bấy giờ người con nói rằng: “Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Nhưng người cha liền bảo các đầy tớ rằng: “Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng! Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy. Và họ bắt đầu ăn mừng.

“Lúc ấy người con cả của ông đang ở ngoài đồng. Khi anh ta về gần đến nhà, nghe thấy tiếng đàn ca nhảy múa, liền gọi một người đầy tớ ra mà hỏi xem có chuyện gì. Người ấy trả lời: “Em cậu đã về, và cha cậu đã làm thịt con bê béo, vì gặp lại cậu ấy mạnh khoẻ. Người anh cả liền nổi giận và không chịu vào nhà. Nhưng cha cậu ra năn nỉ. Cậu trả lời cha: “Cha coi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh, thế mà chưa bao giờ cha cho lấy được một con dê con để con ăn mừng với bạn bè. Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại giết bê béo ăn mừng!

“Nhưng người cha nói với anh ta: “Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con. Nhưng chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy.”

... Suy niệm
Có lẽ chúng ta đã có dịp nghe và suy gẫm nhiều về dụ ngôn người con hoang đàng và đã có dịp dừng lại ở thái độ ăn năn hối cải của người con thứ. Hôm nay, chúng ta hãy đặt tất cả trọng tâm vào hình ảnh của người cha. Toàn bộ Tin Mừng của thánh Luca thường được mệnh danh là Tin Mừng về Đức Kitô cứu nhân độ thế. Hơn bất cứ vị thánh sử nào, thánh Luca đã ghi lại rất nhiều cử chỉ thân tình của Chúa Giêsu với người tội lỗi.

Cũng như nhiều bài dụ ngôn nói lên lòng thương xót của Thiên Chúa đối với tội nhân, dụ ngôn người con hoang đàng trên đây làm nổi bật tình thương của người cha, ông thương con đến độ sẵn sàng để nó ra đi, tự mình làm lấy cuộc đời của nó. Tình yêu đích thực là muốn cho con cái mình trưởng thành, được trở nên những con người có trách nhiệm. Đó là niềm hy vọng mà người cha đã đặt nơi đứa con khi để cho nó ra đi. Nhưng tình thương của một người cha đã không cho phép người cha trong bài dụ ngôn có thể sống trong bình thản khi xa cách người con. Ngày ngày ông ra trước ngõ ngóng trông người con từng giây từng phút. Và khi người con trở về, trong hình dáng tiều tụy của đứa con hoang đàng, ông đã không thốt một lời trách móc. Trái lại, lời nói đầu tiến của ông là: “Hãy mặc áo mới cho cậu, đeo nhẫn vào tay cậu, và mở tiệc ăn mừng”. Người cha dường như không đếm xỉa gì đến những ngày thàng lêu bêu của người con. Nó đã phung phí tiền của, nó đã quên bẵng cha nó. Người cha không muốn nhắc đến những lỗi lầm ấy. Với ông, niềm vui lớn nhất là đứa con tưởng như đã chết nay đã trở về.

Thiên Chúa cũng yêu thương chúng ta như người cha trong bài dụ ngôn trên đây. Người yêu thương chúng ta ngay cả khi chúng ta quay gót làm ngơ. Người yêu thương chúng ta ngay cả khi chúng ta trở về với Người với những lỗi lầm vấp phạm của chúng ta. Trong từng giây từng phút, Thiên Chúa vẫn luôn dõi theo chúng ta và dìu dắt chúng ta trong mọi hoàn cảnh. Tuyệt đỉnh mạc khải của Chúa Giêsu về Thiên Chúa chính là cho phép chúng ta được gọi Thiên Chúa là Cha với tất cả tâm tình và trìu mến của một đứa con.

Chúng ta gọi Thiên Chúa là Cha vì chúng ta tiếp nhận sự sống từ Người. Và từ nơi Thiên Chúa, chúng ta thấy được hướng đi cho cuộc sống. Chúng ta gọi Thiên Chúa là Cha bởi vì chúng ta có thể nên giống Chúa Giêsu, Con Một của Người. Chúng ta gọi Thiên Chúa là Cha cho nên chúng ta cũng được mời gọi để mọi người là anh em của chúng ta. Xin Chúa cho chúng ta được cảm nghiệm điều đó trong Mùa Chay Thánh này.

...Cầu nguyện

Lạy Thiên Chúa là Cha của con, biết bao lần con đã rời xa Chúa vì chối từ tình thương Chúa dành cho con. Con đang ở trong nhà Chúa nhưng đã có lúc con không cảm thấy đó là món quà, là hạnh phúc mà Cha đã ban cho con. Xin Cha cho con biết dừng lại và trở về cùng Cha, được được cha ôm ấp, vỗ về và yêu thương.
 
... Quyết tâm

Hôm nay tôi quyết tâm trở về với Chúa trong chiều sâu của tâm hồn, đến với bí tích hòa giải để được Chúa thứ tha.
Mới hơn Cũ hơn