Trong truyền thống Kitô giáo, đặc biệt là trong Giáo hội Công giáo, Máu Châu Báu của Chúa Giêsu Kitô mang một ý nghĩa thần học sâu sắc, gắn liền với mầu nhiệm Cứu chuộc. Máu ấy được đổ ra trong cuộc Khổ nạn của Người, từ vườn Cây Dầu cho đến đỉnh đồi Canvê, như là giá máu để cứu chuộc toàn thể nhân loại khỏi tội lỗi. Thánh Phaolô đã nói rõ: “Người đã yêu thương chúng ta và đã rửa sạch tội lỗi chúng ta bằng máu của Người” (Kh 1,5). Và "chúng ta được công chính hóa nhờ máu Người” (Rm 5,9).
Máu Thánh ấy không chỉ là dấu chỉ của đau thương mà còn là biểu tượng sống động của tình yêu cứu độ và lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa. Vì thế, việc tôn kính Máu Châu báu là một hình thức tuyên xưng đức tin, sống mầu nhiệm hy tế Thánh Thể, và cầu xin ân sủng đổi mới tâm hồn.
Lịch sử
Việc chọn tháng Bảy để dành riêng kính Máu Châu Báu Chúa Giêsu bắt nguồn từ một biến cố lịch sử cụ thể trong thế kỷ 19. Năm 1849, trong bối cảnh chính trị đầy biến động tại Ý khi làn sóng cách mạng dâng cao, Đức Giáo hoàng Piô IX buộc phải rời khỏi Rôma và sống lưu vong tại thành phố Gaeta. Cùng đi với ngài là cha Giovanni Merlini, Bề trên Tổng quyền của Dòng Máu Châu báu.
Chính tại nơi lưu đày này, giữa nỗi bất an và đe dọa chiến tranh, cha Merlini đã đề xuất với Đức Piô IX nên thiết lập một lễ kính Máu Thánh như một hành động cầu xin Thiên Chúa ban bình an và gìn giữ Giáo hội. Trước đề nghị đó, Đức Giáo hoàng đã tuyên bố ý định thiết lập một ngày lễ để tôn vinh Máu Châu Báu Chúa Kitô.
Sau khi chiến tranh kết thúc, Đức Piô IX trở về Rôma, và vào ngày 10 tháng 8 năm 1849, ngài chính thức thiết lập Lễ Máu Châu báu Chúa Giêsu và cử hành lễ này vào Chúa nhật đầu tiên của tháng Bảy. Đến năm 1914, Đức Giáo hoàng Piô X chuyển lễ này về ngày 1 tháng Bảy như một ngày lễ cố định cho toàn thể Giáo hội (x. https://aleteia.org).
Ý nghĩa thần học
Trong thần học Công giáo, máu là biểu tượng của sự sống, và máu của Chúa Giêsu là dòng suối cứu độ tuôn trào từ Thánh Tâm của Người. Đây là máu của Con Chiên Giao ước mới (x. Mt 26,28), máu được đổ ra cho muôn người, máu được hiện diện thực sự trong Bí tích Thánh Thể.
Các thánh đều nhấn mạnh đến giá trị siêu việt của Máu Châu Báu. Thánh Catarina thành Siena gọi Máu Chúa là “biển cả vô tận của lòng thương xót, là của lễ tinh tuyền nhất, niềm hy vọng cho các tội nhân, niềm vui của các tâm hồn thánh thiện”. Với Thánh Tôma Aquinô thì “một giọt Máu thôi cũng đủ để cứu rỗi toàn thế giới khỏi mọi tội lỗi”.
Đức Piô XII trong thông điệp Haurietis Aquas (1956) cũng khẳng định rằng: "Việc tôn kính Máu Châu báu chính là tôn vinh Tình yêu nhập thể và cứu độ của Thiên Chúa."
Tháng Bảy tháng của lòng trung thành tử đạo
Thật không ngẫu nhiên khi nhiều vị thánh tử đạo được kính nhớ trong tháng Bảy, như Thánh Maria Goretti (6/7), Thánh Anrê Kim Thông (15/7), Chân phước Anrê Phú yên (26/7) hay Thánh Ignatiô Loyola (31/7), những người đã hiến máu mình vì đức tin. Các vị ấy, trong niềm kết hiệp mật thiết với Máu Chúa, đã trở nên “chứng nhân của Đức Kitô”.
Do đó, tháng Bảy trở thành thời gian đặc biệt để:
Suy niệm về cái giá của ơn cứu độ.
Đáp lại tình yêu tự hiến của Chúa Giêsu bằng việc hoán cải và hy sinh cụ thể trong đời sống.
Cầu xin Máu Thánh gìn giữ nhân loại khỏi chiến tranh, dịch bệnh, và sự dữ.
Tại sao thánh lễ này không còn trong lịch phụng vụ
Sau Công đồng Vatican II (1962–1965), để đơn giản hóa lịch phụng vụ và tránh trùng lặp các lễ liên quan đến Cuộc Thương khó, lễ kính Máu Châu Báu vào ngày 1 tháng 7 đã được rút khỏi lịch chung. Tuy nhiên, Giáo hội không hủy bỏ lòng tôn kính này.
Hiện nay, lễ Máu Châu Báu vẫn có thể được cử hành cách tùy chọn, đặc biệt tại các cộng đoàn tu trì, các quốc gia có truyền thống sùng kính mạnh mẽ (như Ý, Đức, Ba Lan, Nigeria…). Thậm chí, nhiều nơi vẫn giữ nguyên ngày lễ 1 tháng 7 trong phụng vụ địa phương.
Tháng Bảy không chỉ đơn thuần là một tháng “phụng vụ”, mà còn là một tháng tĩnh tâm thiêng liêng, để mỗi Kitô hữu nhớ rằng: Chúng ta được sống, được tha thứ, được biến đổi là nhờ Máu Châu báu của Con Thiên Chúa.
Trong thế giới hôm nay, đang rỉ máu vì chiến tranh, hận thù, và vô cảm, chúng ta càng cần khẩn nài: “Lạy Máu Châu báu Chúa Giêsu, xin thanh tẩy, cứu độ và bảo vệ chúng con khỏi mọi sự dữ, và khỏi mọi tội lỗi của chúng con!” Amen.
G. Võ Tá Hoàng