Thánh Giuse, người gìn giữ trật tự sáng tạo theo ý định của Thiên Chúa



Thánh Giuse "người công chính, gìn giữ và dẫn dắt thánh gia trong sứ vụ tái lập trật tự sáng tạo theo ý định nguyên thủy của Thiên Chúa”.

Trong một thế giới đang đối mặt với khủng hoảng đạo đức sâu sắc và Giáo Hội trải qua giai đoạn chao đảo hậu Công đồng Vatican II, nhu cầu khẩn thiết là khôi phục trật tự và sự khôn ngoan hành động – tức là nhân đức thận trọng (prudence). Nếu các quốc gia cần sự thận trọng trong tài chính hay quốc phòng, thì người Kitô hữu cũng cần đến sự thận trọng trong đời sống gia đình, nơi được Thiên Chúa thiết lập như chiếc nôi đầu tiên của nhân loại và đức tin.

Gia đình – theo thiết kế nguyên thủy của Đấng Tạo Hóa – không chỉ là một cấu trúc xã hội, mà là một sinh thể sống gồm năm mối tương quan: phu thê (vợ chồng), phụ mẫu (cha mẹ với con cái), hiếu thảo (con cái với cha mẹ), huynh đệ (anh chị em với nhau), và thiêng liêng (mọi thành viên với Thiên Chúa). Khi các mối tương quan này hòa hợp, gia đình trở thành hình ảnh sống động của Ba Ngôi Thiên Chúa, là biểu tượng của sự sống, tình yêu và cộng đoàn.

Trong bức tranh mầu nhiệm đó, Thánh Giuse xuất hiện không như một nhân vật phụ, mà là người gìn giữ thiết yếu của gia đình Thánh, được giao phó sứ mạng cao cả: bảo vệ Mẹ Thiên Chúa và nuôi dưỡng Con Một Thiên Chúa Nhập Thể – chính là “Ngôi Lời đã làm người và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1,14). Ngài là người đầu tiên cộng tác với Đức Maria trong việc “phục hồi trật tự sáng tạo”, vốn bị tổn thương kể từ khi Ađam và Evà phản nghịch trong Vườn Địa Đàng.

Một sứ mạng sáng tạo mới từ trong gia đình lao động nghèo

Thông điệp Laudato Si’ đã mời gọi chúng ta nhìn lại toàn bộ công trình sáng tạo như “ngôi nhà chung” được Thiên Chúa yêu thương dựng nên. Nhưng sự phá vỡ mối liên hệ giữa con người với Thiên Chúa, với nhau và với thiên nhiên đã gây ra rạn nứt toàn diện. Trong ánh sáng này, Thánh Giuse được hiện ra như một mẫu gương sống động của con người mới – khiêm hạ, âm thầm nhưng đầy trách nhiệm, sống hài hòa với Thiên Chúa, tha nhân và thiên nhiên.

Chính từ trong mái nhà nhỏ bé của một người thợ mộc, không danh vọng, không quyền lực, mà kế hoạch phục hồi vũ trụ đã được khởi sự. Ngài là “người công chính” (Mt 1,19), không chỉ vì giữ lề luật, nhưng còn vì biết hành động theo Thánh Ý bằng sự thinh lặng và vâng phục hoàn toàn. Từ nơi Ngài, gia đình trở thành nơi khai sinh một "trời mới, đất mới" (Is 65,17) – nơi mà Đức Kitô, “Ađam mới” (1Cr 15,45), sẽ bước vào lịch sử nhân loại để mở lại con đường dẫn về sự sống đời đời.

Trái tim người cha – người bạn đồng hành trong mọi thời khủng hoảng

Trong Tông huấn Patris Corde, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã trình bày một lối nhìn đầy chiều sâu và tình cảm về Thánh Giuse: không phải như một ông già râu tóc bạc phơ, mà như một người cha mạnh mẽ, can trường, kiên nhẫn và đầy lòng thương xót. Một người cha biết lui vào bóng tối để Con mình được lớn lên; một người cha biết hành động trong âm thầm nhưng quyết liệt; một người cha yêu thương bằng sự phục vụ chứ không chiếm hữu.

Trong một thế giới đang vật lộn với “cuộc khủng hoảng của tình cha”, như Đức Biển Đức XVI từng viết trong Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô, hình ảnh Thánh Giuse trở nên như “liều thuốc giải” đầy hy vọng. Ngài đại diện cho kiểu mẫu của người cha không kiểm soát mà bảo vệ; không áp đặt mà nâng đỡ; không lấn át mà hướng dẫn con đường nên thánh bằng chính đời sống thường nhật của mình.

Ngài là người cha trong bóng tối – như một chiếc lều bảo vệ nhân loại non nớt của Chúa Giêsu khỏi bão tố thế gian. Ngài là chứng nhân của một thứ quyền lực không nằm nơi vũ lực hay ảnh hưởng, mà nơi sự kiên định trong yêu thương và dấn thân.

Một câu chuyện mục vụ sống động đã minh chứng cho điều ấy: một người mẹ trong giáo xứ đau đớn khi thấy con gái mình sa vào con đường lầm lạc đã cầu xin trước ảnh Đức Mẹ: “Mẹ ơi, chúng con phải làm gì cho đức tin và lòng đạo đức của con cái chúng con?” Câu trả lời chợt lóe lên trong đầu như một linh hứng tưởng chừng chẳng liên quan: cô xin cha của mình hiến tặng bức tượng Thánh Giuse cho nhà thờ giáo xứ. Quả vậy, lời đáp từ ấy – dù đơn sơ – lại trở thành một dấu chỉ tiên tri. Tượng Thánh Giuse, một khi được đặt trong nhà thờ, không còn là tài sản cá nhân mà là món quà chung cho cộng đoàn, một lời mời gọi hãy nương náu nơi người cha thinh lặng nhưng đầy quyền năng.

Hình ảnh cây đèn sáng không đặt dưới đáy thùng (Mc 4,21) giờ đây ứng nghiệm nơi Thánh Giuse. Ngài được nâng lên để mọi người có thể chiêm ngắm, cầu khẩn và học hỏi.

Đức Maria và Thánh Giuse đã cùng nhau làm việc vì Con mình. Như xưa, các ngài hợp nhất trong việc chu toàn ý muốn của Thiên Chúa khi Chúa Giêsu thực hiện sứ vụ của Người dưới thế, thì nay trên trời, các ngài cũng hợp nhất trong việc tiếp tục sứ mạng của Người một cách trọn hảo.

Những điều này được xác nhận bởi lần hiện ra của Đức Mẹ với Larissa Baptista ở Manaus, Brazil, vào ngày 20 tháng 3 năm 2015, liên quan đến Thánh Giuse: “Mẹ mong muốn ngôi nhà của con được biết đến là nhà của Giuse, Giêsu và Maria. Chúng ta là một gia đình, và ở đâu có một người thì ở đó có cả ba”.

Đức Mẹ cũng yêu cầu Larissa Baptista hôn lên bức ảnh Thánh Giuse. “Bình an Mẹ ban cho con cùng với hiền phu của Mẹ, Thánh Giuse. Mẹ yêu mến ngài và con cũng phải yêu mến ngài. Và cũng như Mẹ tôn kính ngài, con cũng phải tôn kính ngài. Chúng ta chúc lành cho con mỗi ngày”.

“Hãy vâng lời ngài, đừng sợ hãi, và đừng ngần ngại cầu xin ngài, ngài là người bảo vệ con trong rất nhiều cuộc chiến, đặc biệt là những cuộc chiến trong gia đình con. Hôm nay hơn bao giờ hết, các gia đình phải đặt mình dưới sự bảo vệ của Thánh Giuse, hôm nay hơn bao giờ hết các cặp vợ chồng phải cầu xin ngài trong đời sống hôn nhân, hôm nay hơn bao giờ hết trẻ em và thanh thiếu niên phải coi ngài là người bạn vĩ đại của mình”[1].

Thánh Giuse, người gìn giữ những gì đang sụp đổ

Không thể không nhận ra rằng thời đại của chúng ta đang đối diện với sự “mồ côi tinh thần”, sự đổ vỡ của các mối tương quan gia đình, và một cảm thức mất định hướng trước luân lý và tương lai. Trong hoàn cảnh ấy, mẫu gương Thánh Giuse không chỉ là một biểu tượng đạo đức, mà là một tiếng gọi hành động.

Kể từ thế kỷ IV, các vị thánh như Augustinô, Giêrônimô, rồi sau này là Jean Gerson, đã khởi đầu một nền “Giuse học” để tái khám phá vị thế thần học và nhân học của Thánh Giuse. Thế kỷ XXI tiếp tục lời mời gọi đó, được củng cố qua các lời dạy của Đức Phanxicô – vị Giáo hoàng của “vùng ngoại vi” – người đã tuyên bố Năm Thánh Giuse (2020-2021) và trình bày một chân dung rất thực, rất gần, rất khiêm hạ về Ngài trong Patris Corde.

Thánh Giuse, người gìn giữ cả công trình sáng tạo và những tâm hồn bị tổn thương

Trong Laudato Si’, Đức Giáo hoàng Phanxicô viết rằng "khủng hoảng sinh thái và khủng hoảng xã hội là hai mặt của cùng một thực tại”. Cũng vậy, khủng hoảng gia đình và khủng hoảng đức tin là hai mặt của một vết thương chung: mất mối liên hệ với Thiên Chúa là Cha.

Thánh Giuse là người gìn giữ mối liên hệ đó. Ngài nhắc nhở chúng ta rằng mọi khởi đầu mới phải bắt đầu từ gia đình. Mỗi gia đình Kitô hữu – khi theo gương Thánh Gia – có thể trở thành một điểm sáng nhỏ bé nhưng bền bỉ, góp phần tái lập trật tự vũ trụ. Trong khi thế giới hướng về những người nổi bật, Thánh Giuse mời gọi chúng ta yêu mến sự âm thầm, sự trung tín trong việc nhỏ và sự phục vụ không điều kiện.

Với lòng tin vào lời Mẹ Maria từng nhắn: “Mẹ sẽ có phương thuốc,” chúng ta được mời gọi trở lại với lời Kinh Thánh: “Hãy đến với Giuse” (x St 41,55).

Lạy Thánh Giuse, người cha thầm lặng của Đấng Cứu Thế, xin gìn giữ gia đình chúng con trong thế giới đầy biến động hôm nay. Xin dạy chúng con biết yêu thương bằng hành động khiêm nhường, biết chăm sóc gia đình, thiên nhiên và tha nhân với trái tim nhân hậu. Xin cho các người cha biết noi gương Ngài trong trách nhiệm và quảng đại; cho các gia đình biết học nơi Ngài sự kiên nhẫn và hy sinh; cho các cộng đoàn Kitô hữu biết đón nhận Ngài như người bảo trợ mạnh mẽ trong hành trình làm chứng cho Tin Mừng.

Lạy Thánh Giuse, xin cầu cho chúng con. Amen.

---------------------

[1] https://www.ncregister.com/blog/mission-of-st-joseph-the-worker-and-holy-family

G. Võ Tá Hoàng
Mới hơn Cũ hơn