Suy niệm Tin mừng trong Tuần Thánh




THỨ HAI TUẦN THÁNH

Ga. 12, 1-11

DẤU THÂN ÁI

Ở đó người ta dọn bữa ăn tối thiết đãi Đức Giêsu; Cô Macta lo hầu bàn, còn anh Ladarô là một trong những kẻ cùng dự tiệc với Người. Cô Maria lấy một cân dầu thơm cam tùng nguyên chất và quí giá xức chân Đức Giêsu, rồi lấy tóc mà lau, cả nhà sực mùi thơm. (Ga. 12, 23)

Giuđa đã chướng tai gai mắt về Maria đổ bao nhiêu dầu thơm xức chân Đức Giêsu. Có lẽ chúng ta cũng thấy chướng mắt như vậy. Lọ dầu giá ba trăm đồng gần bằng tiền lương công nhân cả năm, ai trong chúng ta sẵn lòng cho người khác như vậy ? Ai đã làm được thế ? Chỉ có một cách duy nhất giải thích cử chỉ đó : Cô yêu mến Đức Giêsu.

Khi yêu, người ta có thể cho tất cả. Yêu chân thật thì làm tất cả. Người ta cho thứ tốt nhất và không tính toán giá trị bao nhiêu. Tình yêu chân thật không hẹp hòi, không tính toán, yêu là tất cả.

Chúng ta quả quyết hoàn toàn tự nguyện yêu mến Thiên Chúa và chúng ta có cảm tình nhiều với tất cả mọi người sống với chúng ta. Cần phải chứng thực điều đó qua mấy câu hỏi sau đây: Chúng ta cho những người ta yêu cái gì ? Chúng ta đã cống hiến bao nhiêu thời gian cho họ ? Chúng ta có sẵn sàng chịu sạch bách hết trọi để đem lại hạnh phúc cho họ không ?

Đức Giêsu đã yêu mến chúng ta đến hiến cả mạng sống cho chúng ta, có thể nói yêu đến điên cuồng. Nhưng người ta có thể yêu mà không điên cuồng một chút nào ư ? Nếu chúng ta không có thể điên cuồng một chút đối với những người chúng ta nói yêu họ, thì chỉ là yêu nửa vời. Nếu chúng ta không có thể điên cuồng một chút để biểu lộ lòng yêu mến Thiên Chúa, nếu thỉnh thoảng chúng ta không làm những cử chỉ khác thường, thì chúng ta chỉ yêu nửa vời.

Nếu phải vạch trần con tim của chúng ta xem, nếu họ bao bọc chúng ta làm cho chúng ta được hạnh phúc cho riêng mình, khi đó chúng ta mới tỏ lòng yêu họ và yêu Chúa, thì như thế là thứ tình yêu như Giuđa.



THỨ BA TUẦN THÁNH

Ga. 13, 21-33. 35-36

KHỔ ĐAU CỦA ĐỨC GIÊSU

Đức Giêsu nói thế rồi, tâm thần Người xao xuyến. Người tuyên bố : "Thật, Thầy bảo thật anh em : có một người trong anh em sẽ nộp Thầy". (Ga. 13, 21)

Đức Giêsu chịu nhiều đau khổ, nhưng người ta tự hỏi, đau khổ lớn nhất có phải là đòn đánh, mạo gai, cơn hấp hối hay bị đóng đinh trên thập giá ? vì còn nhiều thứ đau khổ khác nữa.

Thứ đau khổ con tim và linh hồn mới thực sự cực khổ hơn bất cứ đau khổ thể xác nào. Người ta đau khổ thể xác mà trái tim vẫn có thể hạnh phúc, như các thánh tử đạo, bị cực hình thân xác, nhưng tâm hồn vẫn hân hoan. Khi bị đau khổ tâm hồn và tâm tư, thì không còn cách nào được sung sướng.

Đức Giêsu đã bị một ông tông đồ bán : đó là Giuđa. Người cũng bị tông đồ cả là Phêrô chối bỏ. Người còn bị tất cả các môn đệ bỏ trốn. Đó không phải là những lúc đau khổ lớn nhất sao ?

Đau khổ cực dữ nhất không phải là thứ đau khổ làm cho kêu la lớn nhất. Đau khổ thấm thía sâu sắc không phải là thứ đau khổ kêu gào trên mái nhà. Đau khổ lớn nhất cũng như niềm vui to nhất thường là câm lặng.

Đức Giêsu biết một bạn thân nộp Người. Người đã không vạch mặt chỉ tên. Trái lại, Người đã rất kín đáo bảo Giuđa đi làm công việc như thường để không một môn đệ nào biết. Những đau khổ đó càng dằn vặt dữ tợn khi người ta muốn đối diện với chúng một mình.

Bị Giuđa bán nộp, tiếp theo đó Đức Giêsu còn phải đối diện với sự phản bội của Phêrô. Người biết rõ thế. Phêrô lại chẳng biết gì, ông không thể tưởng tượng mình sa ngã xuống hố sâu đến thế. Đức Giêsu không phiền trách ông chút nào. Người sẵn sàng chịu đau khổ do những bạn nghĩa thiết của Người và tất cả mọi người, dù họ đầy những yếu đuối. Còn chúng ta có noi gương Người không ?

Khi người ta chịu đau khổ vì những người thân yêu, thì chính là dấu người ta yêu chân thật.



THỨ TƯ TUẦN THÁNH

Mt. 26, 14-25

GIUĐA PHẢN BỘI

Bấy giờ một người trong Nhóm Mười Hai tên là Giuđa Ítcariốt, đi gặp các thượng tế mà nói : "Quí vị muốn cho tôi bao nhiêu ? Tôi đây sẽ nộp ông ấy cho quí vị." Họ quyết định cho hắn ba mươi đồng bạc. Từ đó hắn cố tìm dịp thuận tiện để nộp Đức Giêsu. (Mt. 26, 14-16)

Có nhiều sứ điệp Tin mừng thật nặng nhọc khi phải đọc, tuy không nhiều, sứ điệp mà chúng ta đọc lại hôm nay là một trong những nố đó. Không thể không nặng nề khó chịu khi đọc đến đoạn phản bội của Giuđa. Người ta tưởng tượng ra sự độc ác và không hiểu tại sao con người đó có thể sa đọa đến thế. Cách cư xử của hắn quá đồi tệ, ti tiện, không còn một chút phẩm giá con người.

Tuy nhiên, xin đừng coi đó là gương mù quá lẹ như vậy, vì gương mù đó xảy ra quá dễ dàng. Dù xấu đến đâu, lịch sử về Giuđa vẫn mang tính chất nhân loại, nó vẫn có trong con người. Cần phải đọc lại nó để xem xét chính con tim của chúng ta cũng như con tim của mọi người không phải là không thấm nhiễm sự xấu và tội lỗi đâu. Ta thấy cái cảnh phản bội nặng nề khó đọc đó chính là vì ta thấy diễn tả nó trong bản văn. Nếu Giuđa thiệt tình chơi cái trò này cho ngay thẳng, nghĩa là chống đối Chúa Giêsu ra mặt, khai chiến với Người rõ ràng, thì người ta cảm thấy dễ chịu hơn, ít nặng nề hơn. Nhưng không, Giuđa diễn cái trò vòng vo quanh co. Hắn thực là kẻ phản bội. Chính đó là cái nặng nề khi phải thấy nó xảy ra.

Về phần Đức Giêsu, cách cư xử của Người có gì làm chúng ta ngạc nhiên không ? Người biết rõ môn đệ nào và hắn âm mưu gì.

Nếu chúng ta ở địa vị Người, chúng ta có lẽ đã nổi giận tái mặt đi và tống cổ Giuđa ra khỏi nhà ngay lập tức. Đức Giêsu đã hành động hoàn toàn khác. Người đã cho kẻ phản bội một cơ hội cuối cùng. Một lần nữa, Người chia sẻ bánh ăn với hắn. Không phải Đức Giêsu đã đẩy Giuđa ra cửa. Chính Giuđa đã quyết định ra đi phản bội và đi tự tử treo cổ chết.

Sẽ hoàn toàn khác, nếu Giuđa thời đó đã ăn năn trở lại, thì Giuđa sẽ không còn bị gọi là Giuđa phản bội nữa, mà ngày nay còn được gọi là thánh Giuđa. Hắn đã không ăn năn. Hắn từ chối tình bạn thân thiết với Thầy mình. Chính vì lý do đó mà đã để lại một lịch sử buồn sầu đen tối.


THỨ NĂM TUẦN THÁNH

Ga 13, 1 - 15 :

BÍ TÍCH THÁNH THỂ

Tại một ngôi làng nhỏ bên Tây Đức, trước năm 1940 là nơi gặp gỡ của các danh họa Au Châu, nhưng kể từ thế chiến thứ hai, nó trở thành nhà tù giam giữ những phạm nhân của Đức Quốc xã, có mặt một Phó tế được phong chức linh mục tại đây. Sau khi chết, ngài để lại chúc thư "Tình yêu và đền bù". Thế rồi 15 năm sau, nhà tù đó biến thành Dòng kín Carmel, các nữ tu đến đó để sống cho lý tưởng tình yêu và đền bù.

Tình yêu chính là ý nghĩa của Bí tích Thánh Thể. Trong bữa tiệc ly, Chúa Giêsu đã quì gối rửa chân cho các Tông đồ và cũng trong Bữa Tiệc ly Ngài đã thiết lập Bích tích Thánh Thể cũng như loan báo về cái chết của Ngài. Phêrô đại diện các Tông đồ đã có lý khi khước từ Chúa Giêsu rửa chân cho ông vì đây là công việc của tôi tớ trong nhà. Theo tục lệ người Do Thái, trước khi vào bàn ăn tôi tớ trong nhà phải đi rửa chân cho khách. Chúa Giêsu đã muốn thực hiện cử chỉ ấy để thực thi chính điều Ngài đã nói : Con người không đến để được hầu hạ, nhưng để hầu hạ và hiến mạng sống làm giá chuộc nhiều người.

Cử chỉ yêu thương mà Chúa Giêsu đã làm cho các Tông đồ là một quyết tâm sống trọn ý nghĩa yêu thương của Ngài, cũng như người tôi tớ không sống cho mình mà cho người khác. Nhưng Ngài chưa lấy làm đủ, Ngài còn biểu lộ tình yêu qua hình ảnh một miếng bánh trao ban để ở mãi với con người. Bị bẻ ra và tiêu tan, Chúa Giêsu đã sống đến cùng những đòi hỏi của yêu thương. Thánh Gioan đã tóm gọn cuộc sống Chúa Giêsu qua câu : "Ngài đã yêu các kẻ thuộc về Ngài và đã yêu đến cùng", nghĩa là sẵn sàng sống chết cho người mình yêu. Tình yêu đến cùng ấy, Chúa Giêsu đã thể hiện qua cái chết trên Thập giá, và Ngài còn muốn tái diễn hàng ngày dưới hình dạng Bánh và Rượu trong bí tích Thánh Thể. Cũng như tôi tớ chỉ sống và chết cho người khác, chiếc bánh chỉ hiện hữu để được ăn, được hao mòn, được tiêu tán. Dưới hình thức lương thực, Chúa Giêsu muốn thể hiện tình yêu của Ngài đối với chúng ta; tiếp nhận Ngài qua Bí tích Thánh thể, chúng ta sống bằng chính sự sống của Ngài, ăn uống Ngài, chúng ta cũng được mời gọi nên giống Ngài và san sẻ sự sống của Ngài cho người khác.

Sống và chết cho người khác, nên một với Ngài là thực hiện sứ mệnh của Ngài tức là phục vụ và phục vụ cho đến cùng. Sứ mệnh phục vụ ấy Chúa Giêsu truyền lại cho chúng ta qua Bí tích Truyền chức. Linh mục là người được ủy thác để lặp lại lời của Chúa Giêsu. "Các con hãy làm việc này, mà nhớ đến Ta". Làm việc này không những là cử hành Bí tích Thánh Thể để Chúa Giêsu luôn ở mãi giữa nhân loại, mà còn chu toàn sứ mệnh phục vụ của Ngài. Không chỉ riêng linh mục, nhưng tất cả những ai nhờ phép rửa được tháp nhập vào sự sống Đức Kitô, nghĩa là mọi kitô hữu trong lời nói và hành động cũng yêu thương và chết để nhớ đến Ngài. Mỗi cử chỉ và hành vi bác ái đều là một nghĩa cử tưởng nhớ đến Chúa Giêsu, đều là một tiếp tục, hay đúng hơn là một hiến lễ được dâng trên bàn thờ.

Tưởng nhớ việc Chúa lập Bí tích Thánh Thể và truyền chức linh mục trong ngày Thứ Năm Tuần Thánh, chúng ta nhớ đến cách đặc biệt các linh mục. Xin chúa ban cho các ngài luôn trung thành với sứ mệnh phục vụ. Xin cho tình yêu Chúa luôn ngự trị trong tâm hồn chúng ta để chúng ta cũng sống yêu thương và phục vụ.'


THỨ SÁU TUẦN THÁNH

THẬP GIÁ ĐỨC KITÔ

Trong tập hồi ký, một người Do Thái từng ở trại tập trung thời Đức Quốc Xã bên Ba Lan có kể lại câu chuyện sau : Những người lính Đức quốc xã treo cổ hai người Do Thái và một thiếu niên trước sự chứng kiến của tất cả trại viên. Hai người đàn ông chết tức khắc vì kiệt sức, nhưng cơn hấp hối của cậu thiếu niên kéo dài cả nửa tiếng đồng hồ. Nhìn thấy cảnh tượng đó, một trại viên đứng sau tôi đã thốt lên : "Thiên Chúa đang ở đâu?" Khi người thiếu niên đang cố gắng vùng vẫy trong vòng giây thắt cổ, tôi lại nghe một người khác thốt lên : "Bây giờ Chúa ở đâu?" Và, tôi nghe từ tận đáy tâm hồn tôi : "Ngài đang ở đây, Ngài đang bị treo cổ kia".

"Bây giờ Chúa đang ở đâu?". Mỗi lần bóng tối của Thập giá làm dấy lên trong chúng ta câu hỏi như thế, chúng ta nghe vọng lên từ nỗi đớn đau của chúng ta câu trả lời duy nhất là : "Ngài đang có mặt đó". Ngài đang có mặt đó, bởi vì Ngài là Tình yêu. Chỉ có Tình yêu mới có thể đến tận cùng của khoan dung và tha thứ. Thập giá vẫn mãi mãi là tột đỉnh của sự độc ác dã man của con người, sự độc ác dã manh đó càng bộc lộ, thì tình yêu Thiên Chúa càng bày tỏ.

Lý luận thông thường không thể hiểu cạn được tại sao một Thiên Chúa lại có thể chịu treo trên Thập giá. Nhưng đó lại là sức mạnh, là sự không ngoan của tình yêu. Dù tội lỗi con người có ngập tràn, dù sự độc ác của con người có chất ngất, Thiên Chúa vẫn yêu thương và tha thứ.

Thập giá không chỉ là biểu trưng của sự độc ác và tội lỗi con người, mà còn là vẻ đẹp của chính tình yêu Thiên Chúa. "Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một Ngài. Ngài không sai Con Ngài đến để luận phạt thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con Một Ngài mà được cứu thoát". Đó phải là xác tin của chúng ta khi ngắm nhìn Thập giá Chúa Giêsu. Thiên Chúa yêu thương chúng ta ngay cả khi chúng ta còn là tội nhân. Thiên Chúa yêu thương chúng ta ngay cả khi chúng ta khước từ. Không có tình yêu nào cao cả hơn.

Vì yêu thương chúng ta, Ngài chấp nhận chịu treo trên Thập giá. Vì yêu thương chúng ta, Ngài trải qua mọi khốn cùng của kiếp người. Không phải đinh sắt đã đóng Ngài vào Thập giá, mà chính là tình yêu. Đó là tất cả vẻ đẹp cao vời của Thập giá. Thập giá là nơi ngự trị của Thiên Chúa. Chính trong những nơi cơ cực, nghèo hèn, bỉ ổi và đớn đau nhất mà sự hiện diện của Thiên Chúa lại càng mãnh liệt hơn. Chính từ Thập giá mà tiếng gọi yêu thương của Ngài càng thắm thiết hơn.

Từ trên Thập giá, Chúa Giêsu ôm trọn từng nỗi khổ đau của con người. Nhìn ngắm Thập giá của Ngài, đôi mắt chúng ta càng phải mở rộng ra để nhận thấy bao nỗi thống khổ cơ cực của những người xung quanh. Lúc đó, Thập giá không còn vắng bóng Thiên Chúa mà trái lại là điểm xuất phát của những cử yêu thương, từ đó tình yêu và sự hiện diện của Thiên Chúa sẽ bừng dậy.



THỨ BẢY VỌNG PHỤC SINH

NIỀM HY VỌNG PHỤC SINH

Lối xóm gọi anh là Tư còm vì thân hình gầy còm lại sáng, lại sáng sỉn, chiều say, tối lăn quay, ngày mai nhậu tiếp và khi nhậu say, anh chửi bới tất cả xóm làng không trừ ai. Người ta tìm hiểu được biết anh có một vợ năm con, đạp xích lô suốt ngày không đủ nuôi mấy miệng ăn. Các con anh lần lượt bỏ học vì không đủ tiền đóng học phí, nhà anh nằm trên vũng sình lầy và dột nát. Sống trong hoàn cảnh kéo dài tháng này qua năm khác như thế, anh đâm ra thất vọng nên mượn chén rượu giải sầu, nhưng chén rượu càng vơi, thì chén sầu càng đầy ắp. Hiểu được hoàn cảnh của anh, lối xóm kẻ công người của cất lại cho anh căn nhà trên đất liền chắc chắn và kín đáo; lối xóm lại tiếp tục đem đến lon gạo, bó củi, cái nồi, cái dao, cái chén, cái tô. Thế là anh có đủ vật dụng cần thiết cho cuộc sống hàng ngày và một căn nhà đàng hoàng bảo đảm cho sức khoẻ : các con anh cũng được các bà mẹ nhận đỡ đầu và đài thọ học phí, tất cả đều được đi học trở lại. Quá cảm động trước lòng ưu ái của bà con lối xóm, anh Tư còn đã bỏ rượu hẳn và bắt đầu giữ đạo sốt sắng cùng với gia đình anh.

Theo một nghĩa nào đó, chúng ta có thể nói : anh Tư còm được phục sinh từ cõi chết của những ngày say sưa và bê trễ. Anh đã chết cho tính nghiện ngập của mình và sống lại trong tình yêu thương của Chúa và của mọi người.

Chúng ta đã trải qua 40 ngày của Mùa Chay là thời gian chuẩn bị cho Phục sinh bằng ăn năn sám hối, hãm mình đền tội, thực thi bác ái. Giờ đây chúng ta sắp mừng lễ Phục Sinh. Chúng ta vui mừng vì Chúa Kitô sống lại từ cõi chết, chúng ta cũng hân hoan vì Ngài đã hứa cho chúng ta sẽ được cứu sống lại với Ngài. "Cùng chết với Ngài, chúng ta sẽ được sống lại với Ngài". Qua việc lặp lại lời tuyên hứa khi chịu phép thanh tẩy trong nghi thức Vọng Phục Sinh, chúng ta khẳng định lại chân lý này và cố gắng mỗi ngày chết cho tội nhiều hơn để sống lại với Chúa trọn vẹn hơn.

Trong biến cố Phục Sinh, với quyền năng Thiên Chúa, ngôi mộ chôn cất Chúa Giêsu đã mở ra và Ngài đã bước ra khỏi mồ. Cũng với quyền năng Thiên Chúa, những hòn đá chôn vùi cuộc đời chúng ta sẽ bị lăn đi. Đó có thể là hòn đá của ích kỷ chỉ biết đến lợi riêng của mình. Đức Kitô Phục Sinh sẽ giúp chúng ta lăn hòn đá ấy đi để biết dấn thân phục vụ Chúa và tha nhân. Đó có thể là hòn đá tham lam, mê ăn uống đã từng đè nặng tâm hồn và thân xác chúng ta. Đó có thể là hòn đá lãnh đạm, thiếu tình thương đã ngăn cản chúng ta phục vụ Chúa và anh em. Đó có thể là hòn đá an phận, nhút nhát khiến chúng ta chỉ giữ đạo ngày Chủa Nhật qua việc đọc kinh, xem lễ. Đức Kitô Phục Sinh sẽ giúp chúng ta sống đạo, sống niềm tin, thực thi bác ái tích cực hơn.

Mỗi năm khi mừng lễ Phục sinh, chúng ta chiêm ngưỡng tình thương của Thiên Chúa dành cho chúng ta, và chúng ta đón nhận sức mạnh của Đức Kitô để phá vỡ những hòn đá chôn vùi cuộc đời mình. Để thực sự sống lại với Đức Kitô, trong ngày hôm nay, chúng ta hãy tìm thời giờ sống những giây phút thinh lặng để tìm xem những hòn đá nào cần phải lăn đi, như thiếu trong sạch, lười biếng, không lương thiện, kiêu căng, giần hờn, ghen tuông. Cùng với Đức Kitô, chúng ta hãy ném nó ra khỏi cuộc đời chúng ta, để tận hưởng niềm vui Phục Sinh trọn vẹn hơn. Nhưng Phục Sinh cuộc đời mình mà thôi chưa đủ, mỗi người chúng ta còn có bổn phận giúp thân nhân, bạn hữu và đồng loại cùng hưởng ơn Phục sinh.

Chúa đã chết để cho chúng ta được sống, chúng ta quyết tâm tiếp tục cuộc sống của Chúa : dám sống cho một niềm vui và dám chết cho một cuộc tình. Tin vào tình thương của Chúa, chúng ta xin tận hiến cuộc đời để sống trọn vẹn luật yêu thương : yêu Chúa và thương anh em.
Mới hơn Cũ hơn