Ađam mới khiển trách Evà mới

Tim Staples



Đức Giêsu, Ađam mới, đã có những lời lẽ cứng rắn tại Cana dành cho mẹ Ngài, Evà mới… nhưng với một lý do thích đáng.

Gioan 2,1-11 là bản văn Kinh thánh khơi gợi trí tò mò cách đặc biệt, nhưng thường bị hiểu sai:

Ngày thứ ba, xảy ra có tiệc cưới ở Cana, xứ Galilê. Và có mẹ Ðức Giêsu ở đó. Ðức Giêsu và các môn đồ của Ngài cũng được mời vào tiệc cưới. Bởi hết rượu, nên mẹ Ðức Giêsu mới nói với Ngài: "Họ không có rượu nữa!" Ðức Giêsu đáp lại: "Này bà, giữa tôi và bà, nào có việc gì? Giờ của tôi chưa đến!" Mẹ Ngài nói với các người hầu: "Ngài có bảo gì, hãy làm theo!".

Ở đó có đặt sáu chum đá, chiếu theo lệ quán tẩy của người Do Thái, mỗi chum chứa được hai hay ba thùng nước. Ðức Giêsu bảo họ: "Hãy đổ đầy nước các chum!" Và họ đã đổ đầy thấu lợi. Rồi Ngài bảo họ: "Bây giờ hãy múc đem cho ông quản tiệc". Và họ đã đem đi. Một khi người quản tiệc nếm thử nước đã hóa thành rượu, mà ông không biết tự đâu đến - còn các người hầu, những người đã múc nước thì biết - ông mới gọi vị tân lang mà nói: "Phàm người ta, trước tiên ai cũng thết rượu hảo hạng; khi khách ngà ngà thì đãi rượu xoàng hơn. Còn ông, ông đã giữ rượu hảo hạng cho đến bây giờ!"

Dấu lạ đầu hết này, Ðức Giêsu đã làm tại Cana xứ Galilê, và đã tỏ vinh quang Ngài ra và môn đồ đã tin vào Ngài.

(Bản dịch cha Nguyễn Thế Thuấn)

Tôi nhận thấy có hai chìa khóa cốt yếu để hiểu được bản văn này. Thứ nhất, chúng ta cần hiểu những ám chỉ về Đức Giêsu và Mẹ Maria như là Ađam mới và Evà mới, bằng cách tóm lược lại tất cả những gì đã bị đánh mất trong Vườn Địa đàng. Tiếp nữa, chúng ta cần nhận thức được tầm quan trọng đặc biệt của Đức Mẹ đối với công trình cứu độ.

Về Evà mới…

1. Gioan bắt đầu Tin mừng của ngài bằng những lời mà bất kỳ ai quen thuộc Cựu ước sẽ liên kết chúng với chương 1 sách Sáng thế: “Từ khởi đầu đã có Ngôi Lời”.

2. Không phải ngẫu nhiên mà thánh Gioan đặt tiệc cưới vào “ngày thứ bảy” trong bố cục bảy “ngày” được ngài sắp xếp ở chương 1 và 2. Điều này làm ta như được lắng nghe lại bảy ngày của công trình tạo dựng đầu tiên, ngày thứ nhất từ Ga 1,6 đến Ga 1,28. Ngày thứ hai từ câu 29 đến 34, ngày thứ ba từ câu 35 đến 42, ngày thứ tư từ câu 43 đến 51. Rồi ngày thứ bảy bắt đầu ở Ga 2,1 như là “ngày thứ ba” sau bốn ngày trước đó, đây là khoảng thời gian Đức Giêsu bắt đầu sứ vụ “đổi mới mọi sự”, hay làm nên trời mới đất mới (Kh 21,1.5).

3. Đức Giêsu dùng thuật ngữ người nữ dành cho mẹ Ngài, hạn từ này qui chiếu về Mẹ Maria như là “người nữ” được dự ngôn trong St 3,15 và Gr 31,22; người nữ ấy là thân mẫu Đấng Mêsia, là người cùng với “miêu duệ” (là Đức Kitô) của mình sẽ đạp bẹp đầu Satan (St 3,15) và khai mạc Giao ước mới (Gr 31,22-34).

4. Qua lời chuyển cầu của Mẹ Maria, Đức Giêsu thực hiện dấu lạ đầu tiên, bày tỏ vinh quang của Ngài trong tư cách Mêsia, Đấng được Thiên Chúa xức dầu, và đưa các tông đồ đến đức tin (Ga 2,11). Evà mới là một phần không thể thiếu đối với sứ vụ của Ađam mới.

Sau đây là những điểm then chốt liên quan đến công trình cứu độ:

1. Vì dấu lạ được thực hiện thông qua lời chuyển cầu của Mẹ Maria, rồi bản văn lại cho biết, các môn đệ đã tin vào Ngài. Như vậy, Đức Maria đóng vai trò phương tiện không chỉ trong việc “khai sinh” sứ vụ của Đức Kitô, tức việc Ngài “đổi mới mọi sự” (Kh 21,5), nhưng còn trong việc “khai sinh” đức tin của các môn đệ - một đức tin mà nếu không có thì “vô phương làm đẹp lòng Thiên Chúa” (Hr 11,6).

2. Mẹ Maria cầu thay cho những người ở tại tiệc cưới, là những người tượng trưng cho toàn thể dân Thiên Chúa – những người mà ở nơi khác trong tác phẩm của Gioan, được mời tham dự một “tiệc cưới Con Chiên” lớn hơn nhiều (Kh 19,7-9).

3. Dấu lạ đầu tiên của Đức Giêsu, hay phép lạ, một kết quả từ lời chuyển cầu của Đức Maria, làm biến đổi “sáu chum đá” chứa nước dùng cho việc thanh tẩy – chúng là baptismoi, hay nước thanh tẩy của Giao ước cũ – trở thành rượu, một biểu tượng tiên báo về sự hoàn hảo của Giao ước mới. (Trong Mc 7,4, chúng ta thấy thứ nước thanh tẩy này quy chiếu đến “baptismous” trong tiếng Hy Lạp. Còn trong Is 25,6; Gr 31,12; Ge 2,19.24; Lc 5,37-39, v.v…, chúng ta lại thấy “rượu” chính là một biểu tượng của Giao ước mới. Điều này còn chưa kể tới tầm quan trọng của biểu tượng về rượu được dùng trong hy tế Thánh Thể, Giao ước mới của chúng ta). Từ khởi đầu cho đến tận lúc kết thúc, không gì có thể chia tách Mẹ Maria ra khỏi sứ vụ khai mở Giao ước mới của con trai Mẹ, như chúng ta sẽ thấy khi đến với trình thuật Khổ hình thập giá trong chương 19 Tin mừng Gioan.

Cách diễn đạt của Ga 2,5 đã làm tốn rất nhiều giấy mực: "Này bà, giữa tôi và bà, nào có việc gì? Giờ của tôi chưa đến!". Có thể có đôi chút nghi ngờ cho rằng cách nói này diễn tả sự đối nghịch giữa hai bên, hay thậm chí là một lời quở trách. Nhìn bề ngoài, nó có vẻ gần như là một lời xúc phạm. Chuyện gì đang diễn ra ở đây?

Linh mục William Leonard, một học giả Kinh thánh, có phần hoa mỹ khi nói rằng cách diễn đạt này biểu lộ “một sự bất đồng quan điểm giữa hai bên liên quan”. Ngài cho thấy lối nói này là một đặc ngữ Do Thái – một kiểu nói Do Thái được chuyển ngữ sang tiếng Hy Lạp – được sử dụng trong nhiều bản văn của Cựu ước như thế nào, chúng thường diễn đạt một ý nghĩa tương tự với “sự bất đồng” hay khiển trách (x. Tl 11,12; 2Sm 16,10; 19,22; 2V 3,13; 2Sbn 35,21).

Cách diễn đạt bằng thành ngữ Hy Lạp này, ti emoi kai soi – “bạn liên quan gì đến tôi” – giống với cách diễn đạt mà những người đang bị quỷ ám ở Gađara sử dụng trong Mt 8,28-29:

Khi Ngài đến bờ bên kia, tức là vùng dân Gađara, thì có hai người bị quỉ ám, từ trong mồ mả ra đón Ngài, chúng hung tợn quá đỗi, khiến không ai có thể ngang qua đường ấy. Và này chúng kêu lên rằng: "Chúng tôi với Ngài nào có việc gì, hỡi ConThiên Chúa! Ngài đã đến đây trước thời buổi mà làm khổ chúng tôi sao?"

Tuy nhiên, điểm mấu chốt, theo như linh mục Leonard giải thích, là điều bề ngoài trông có vẻ như một sự từ chối thực ra lại là một “sự từ chối có chủ ý” – sự từ chối “hướng đến một mục đích”, hay “với một ý định trong tâm trí” (x. Fr. William Leonard, A Catholic Commentary on Sacred Scripture, tr. 984).

Chúng ta có một “sự từ chối có chủ ý” nổi tiếng khác trong Mt 15,22-28, theo đó, Đức Giêsu đã ba lần quở trách người phụ nữ Canaan khi cô đến xin Ngài chữa lành cho đứa con gái bị quỷ ám. Những lời từ chối lúc đầu của Đức Giêsu dành cho người phụ nữ này hay đối với Mẹ của Ngài giúp nhấn mạnh bản chất thiết yếu của vấn đề chuyển cầu. Con gái của người phụ nữ Canaan cuối cùng đã được chữa lành, nhưng chuyện đó chỉ xảy ra khi cô kiên trì cầu xin cho con của mình. Tương tự như tế, người Con thần linh của Mẹ Maria cuối cùng đã thực hiện phép lạ đầu tiên, đưa các tông đồ đến đức tin, và bắt đầu sứ vụ của Ngài, sứ vụ sẽ đưa toàn thể con cái của Thiên Chúa – và của Mẹ Maria – vào sự sống vĩnh cửu. Tuy nhiên, giống như chuyện người phụ nữ Canaan, điều đó sẽ không xảy ra nếu không có sự chuyển cầu đầy kiên định của Mẹ Maria, ngay cả khi Mẹ đối diện với một sự từ chối rõ ràng.

Cả hai người phụ nữ vĩ đại này đều là hình tượng cho tất cả noi theo và bằng việc nêu gương, đã dạy về một chân lý trường cửu: Thiên Chúa vui lòng lôi kéo sự cộng tác của chúng ta vào công trình cứu độ của Người. Giáo lý dạy rằng, “Thiên Chúa đã tự do an bài để kết hợp [mọi Kitô hữu] với công trình ân sủng của Người” (GLHTCG 2008) – và để kết hợp Đức Maria với công trình ấy theo một tầm mức đặc thù và ưu việt.

Grêgôriô Võ Trần Nhựt chuyển ngữ
Mới hơn Cũ hơn