Thần tính của Chúa Kitô

"…trông chờ ngày hồng phúc vẫn hằng mong đợi, ngày Đức Kitô Giêsu là Thiên Chúa vĩ đại và là Đấng cứu độ chúng ta, xuất hiện vinh quang. Vì chúng ta, Người đã tự hiến để cứu chuộc chúng ta cho thoát khỏi mọi điều bất chính…" (Tt 2,13-14).



Đối với hầu hết các Kitô hữu Công giáo, thần tính của Đức Kitô được xem là điều hiển nhiên. Tuy vậy, ngày nay niềm tin này đang bị thách thức, công kích và loại trừ trên một số phương diện. Giáo phái Chứng nhân Giêhôva[1] tuyên bố rằng Đức Giêsu đơn thuần là Tổng lãnh Thiên thần Michael dưới hình dạng con người, trong khi phái Mormons[2] giảm thiểu thần tính của Ngài bằng việc tuyên bố rằng mọi người đều có thể là một vị thần. Hầu hết các giáo phái cũng phủ nhận Đức Kitô là Thiên Chúa. Thậm chí, một vài thần học gia còn thật sự nghi ngờ niềm tin truyền thống này. Một số khác lại tuyên bố rằng, Đức Giêsu không ý thức về thần tính của Ngài cho đến sau khi Ngài phục sinh.

Giả sử rằng các Tin mừng ít nhất cũng đáng tin về mặt lịch sử, Đức Giêsu nhiều lần khẳng định mình là một người hết sức đặc biệt. Trong Mc 2,28, Đức Giêsu tuyên bố mình là Chúa của ngày Sabát (Xh 20,10). Ngài cũng nhận mình cao trọng hơn ngôn sứ Giôna (Mt 12,41), vua Salômôn (Mt 12,42) và thậm chí hơn cả Đền thờ (Mt 12,6).

Theo Tin mừng Mc 2,1-12, Đức Giêsu tuyên bố Ngài có quyền tha tội, đồng thời thực hiện một phép lạ chữa lành để chứng minh. Các kinh sư rất tức giận vì họ tin rằng chỉ có mình Thiên Chúa mới có quyền tha tội. Những tuyên bố kể trên khá bất thường đối với một người “khiêm nhượng trong lòng” (Mt 11,29) [như Đức Giêsu]. Trong khi tranh luận với các kinh sư, Đức Giêsu đưa ra một tuyên bố gây kinh ngạc liên quan đến chính Ngài và tổ phụ Abraham: “Đức Giêsu đáp: ‘Thật, tôi bảo thật các ông: trước khi có ông Abraham, thì tôi, TÔI HẰNG HỮU’. Họ liền lượm đá để ném Người…” (Ga 8,58-59).

Đức Giêsu tuyên bố Ngài đã hiện hữu trước cả Abraham – một điều bất khả đối với con người thuần túy. Hơn nữa, lời tuyên bố này nghe có vẻ rắc rối về mặt ngữ pháp dẫn đến sự bất đồng căng thẳng. Sẽ tốt hơn nếu Đức Giêsu nói “TÔI ĐÃ LÀ” thay vì “TÔI LÀ”. Thì hiện tại ngụ ý về sự hiện hữu vĩnh cửu của Đức Kitô như là Thiên Chúa.

Mặc dù Đức Giêsu không dứt khoát gọi mình là “Thiên Chúa”, Ngài nhắc về chính mình bằng hình thức danh Thiên Chúa. Ý nghĩa đầy đủ lời khẳng định của Đức Giêsu trong Ga 8,58 được hiểu trọn vẹn khi nối kết với Xh 3,14. Trong sách Xuất hành, Thiên Chúa mặc khải Danh thánh cho Môsê: “Thiên Chúa phán với ông Mô-sê: ‘Ta là Ðấng Hiện Hữu’. Người phán: "Ngươi nói với con cái Israel thế này: ‘Ðấng Hiện Hữu sai tôi đến với anh em’” (Xh 3,14).

Danh Thiên Chúa – YHWH (Yahweh) – được dịch thành “TA LÀ ĐẤNG TA LÀ” hay đơn giản “TA LÀ”. Trong Ga 8,24.58, Đức Giêsu ám chỉ về chính mình bằng danh Thiên Chúa. Các kinh sư hiểu ý nên đáp trả bằng cách ném đá Ngài. Họ muốn ném đá Đức Giêsu vì tội phỉ báng – xem chính mình như Thiên Chúa (Ga 5,18).

Những người khác trong các Tin Mừng cũng làm chứng về thần tính của Đức Giêsu. Thậm chí trước khi Ngài ra đời, Ngài được nhắc đến như là Đức Chúa. Được linh hứng bởi Thánh Thần, bà Êlisabét đã chào Mẹ Maria đang mang thai: “Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này?” (Lc 1,43).

Bà Êlisabét gọi Mẹ Maria là “thân mẫu của Chúa tôi”. Ở đoạn khác trong chương I Tin mừng Luca, danh hiệu “Chúa” dùng để chỉ Thiên Chúa, chẳng hạn “một sứ thần của Chúa” (Lc 1,11). Cũng cần lưu ý, danh xưng YHWH, vì quá thiêng liêng nên không được người Dothái nói ra, họ dùng từ “Chúa” để thay thế. Đoạn văn này trong Tin mừng Luca cho thấy Đức Giêsu là Thiên Chúa khi còn trong bụng Mẹ Maria. Hơn nữa, khi Đức Giêsu còn là một em bé, những người khôn ngoan đã thờ phượng Ngài (Mt 2,11). Giả như Trẻ Kitô không phải là thần linh, thì đoạn Tin mừng này cũng trình bày sự sùng kính với một thái độ đúng đắn. Sau đó, thậm chí Đức Giêsu còn cho phép người ta phụng thờ Ngài, như trong Ga 9,38. Cuối cùng, sau Phục sinh, Tôma thưa với Đức Giêsu rằng “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con” (Ga 20,28; x. Tv 35,23). Đức Giêsu xác nhận lời này mà không có bất kỳ sự do dự, phản đối hay điều chỉnh nào. Với tư cách một thầy dạy, Đức Giêsu chịu trách nhiệm sửa lỗi, đặc biệt là một sự báng bổ như vậy.

Theo các tường trình cổ thời, vào thế kỷ thứ 2, các Kitô hữu thờ phượng Đức Kitô như Thiên Chúa. Những người ngoại giáo chế giễu các Kitô hữu thời kỳ đầu vì việc thờ phượng một vị Thiên Chúa bị đóng đinh. Theo một bức tranh vẽ tường kiểu La mã ở thế kỷ thứ 2 được phát hiện vào năm 1856 tại Palatine[3], một Kitô hữu bị biếm họa khi đang khi cầu nguyện với một nhân vật bị đóng đinh[4]. Chú thích của bức tranh có viết: “Alexamenos thời phượng vị thần của mình”. Năm 111, Pliny Trẻ[5] viết một bức thư cho Hoàng đế Trajan về các Kitô hữu như sau: “…họ thường xuyên tụ họp vào đúng ngày đã định, trước khi mặt trời mọc, để cùng nhau đối đáp bài ca tụng Đức Kitô là Chúa” (Pliny, Thư 97)[6].

Ít nhất vào thế kỷ thứ 2 những người ngoại giáo nhận thấy các Kitô hữu xem Đức Giêsu là Thiên Chúa của mình.

Một số người có thể phản đối thần tính của Đức Kitô và trích dẫn những câu Kinh thánh nói về nhân tính của Ngài, chẳng hạn: “chỉ có một Đấng trung gian giữa Thiên Chúa và loài người: đó là một con người, Đức Kitô Giêsu” (1Tm 2,5).

Giờ đây phải hiểu rằng Đức Giêsu Kitô cũng là con người. Mầu nhiệm này được gọi là Nhập thể - Thiên Chúa trở nên người phàm (Gl 4,4). Như Thánh Phaolô đã viết: “Nơi Người, tất cả sự viên mãn của thần tính hiện diện cách cụ thể” (Col 2,9).

Trong bức thư gửi cho Đức Giáo hoàng Lêô Cả[7], được công bố trong thời gian Công đồng Chalcendon vào năm 451, thì Đức Giêsu là một Ngôi vị thần linh với hai bản tính: thần tính và nhân tính. Đức Kitô vừa là Thiên Chúa, vừa là con người.

Một số đối tượng khác có thể phản đối thần tính của Đức Kitô và chỉ ra những đoạn Tin mừng cho thấy sự thiếu hiểu biết của Ngài. Theo họ, với sự toàn tri của Thiên Chúa, Đức Giêsu không cần phải hỏi đám đông: “Ai đã sờ vào áo tôi?” (Mc 5,30); hay khi cho Lazarô sống lại, Ngài hỏi cô Maria: “Các người để xác anh ấy ở đâu?” (Ga 11,34). Để đáp lại phản đối trên, cần lưu ý rằng đây là những câu hỏi tu từ và không hề chứng tỏ sự vô tri của Đức Kitô. Thiên Chúa Cha không thể hiện sự vô tri khi hỏi Ađam: “Ngươi ở đâu?” (St 3,9), hay khi hỏi Cain: “Aben em ngươi đâu rồi?” (St 4,9). Những câu hỏi này có mục đích gợi mở sự đáp trả từ con người. Một giáo viên có thể đặt cho các học sinh của mình những câu hỏi, không phải vì thiếu hiểu biết nhưng là để kiểm tra hoặc dạy dỗ các em một bài học.

Giờ đây là một câu nói rắc rối hơn liên quan đến sự hiểu biết của Đức Kitô về Ngày Phán xét: “Còn về ngày hay giờ đó thì không ai biết được, ngay cả các thiên sứ trên trời hay người Con cũng không, chỉ có Chúa Cha biết mà thôi” (Mc 13,32).
 

Giám mục Richard Challoner bình giải câu này ở một cước chú trong cuốn Kinh thánh bản Douay-Rheims[8]: “Người Con cũng không biết. Không phải Con Thiên Chúa hoàn toàn không biết gì về ngày phán xét, nhưng Ngài không biết điều đó trong tư cách thầy dạy của chúng ta; tức là Ngài biết đó là điều không phải để dạy chúng ta, vì không thích hợp”.

Nói cách khác, Đức Kitô biết về Ngày đó, nhưng không được ủy phép để nói cho chúng ta. Một vài giáo phụ thời kỳ đầu đã trả lời bằng tuyên bố rằng, Đức Kitô biết về Ngày đó nhưng không phải biết bằng nhân tính của Ngài. Đối với những người quan tâm, câu nói này cùng những câu nói khó hiểu khác được thảo luận chi tiết trong cuốn Tri thức của Đức Kitô (The Consciousness of Christ) của Linh mục William G. Most (Front Royal, Virginia; Nxb. Christendom College, 1980).

Vẫn còn một số đối tượng có thể phản đối thần tính của Đức Kitô khi tuyên bố chỉ có một Thiên Chúa duy nhất – Thiên Chúa Cha. Đúng là chỉ có duy nhất một Thiên Chúa; tuy nhiên, Thiên Chúa cũng là Thiên Chúa Ba Ngôi: “… nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần” (Mt 28,19). Thiên Chúa Ba Ngôi là ba Ngôi vị trong một Thiên Chúa, chứ không phải ba vị thiên chúa. Đức Giêsu Kitô là Ngôi Hai của Thiên Chúa Ba Ngôi – Thiên Chúa Con. Theo Kinh thánh, “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,16), nhưng để là một tình yêu thật sự, tình yêu phải diễn ra giữa hai hay nhiều ngôi vị.  Thiên Chúa Cha và Thiên Chúa Con, hai Ngôi vị trong cùng một bản tính thần linh (Ga 10,30), yêu thương lẫn nhau. Tình yêu này chân thực đến nỗi đó chính là Ngôi Ba – Chúa Thánh Thần. Điều này cũng tương tự như tình yêu giữa vợ chồng và đưa đến kết quả là một đứa con (dĩ nhiên không có thời gian và tình dục). Có thể tìm thấy một cuộc thảo luận hữu ích về Thiên Chúa Ba Ngôi trong cuốn Thần học cho người mới bắt đầu (Theology for Beginners) của Frank J. Sheed (Ann Arbor, Michigan; Servant Books, 1981).

Trong Tin mừng, Đức Giêsu quả quyết mình là một nhân vật vô cùng trỗi vượt nhưng cũng khiêm nhượng. Đức Giêsu cũng xác nhận thẩm quyền tha tội – một điều xúc phạm đến Thiên Chúa. Ngài nhận mình là Đấng “Ta là” – một hình thức thuộc về danh Thiên Chúa (Ga 8,24.58). Các kinh sư tức giận vì tuyên bố của Ngài và xem đó như một sự phỉ báng (Ga 5,18; 10,30). Theo Tin mừng, thậm chí quỷ dữ (Mc 1,27) và thời tiết (Mc 4,41) đều phải vâng lệnh Ngài. Một số ám chỉ trong Tin mừng về sự yếu đuối trên phương diện nhân loại của Đức Kitô không nhất thiết hủy bỏ đi thần tính của Ngài, nhưng đó là một mầu nhiệm được hàm chứa trong mầu nhiệm Nhập Thể. Như thánh sử Gioan đã viết: “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời… và Ngôi Lời là Thiên Chúa… Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1,1.14).




Gregorio Võ Trần Nhựt




[1] Jehovah Witnesses, một giáo phái ra đời ở Pennsylvania vào năm 1870 từ một lớp học Kinh Thánh được hướng dẫn bởi Charles Taze Russell. Xin xem thêm: https://www.christianity.com/church/denominations/10-things-everyone-should-know-about-jehovah-s-witnesses-and-their-beliefs.html

[2] Tên đầy đủ là The Church of Jesus Christ of Latter-day Saints ( Giáo hội các Thánh hữu ngày sau của Đức Giêsu Kitô). Giáo phái được khởi xướng bởi Joseph Smith vào những năm 1820 tại Mỹ. Xin xem thêm: https://lostbird.vn/kham-pha-cung-lac/cuoc-song/co-mot-ton-giao-hien-dai-nhung-bi-an-va-nghiem-can-la-ky-giua-the-ky-21-dao-mormon-747597.html

[3] Đồi Palatinô ở Rôma, Ý.


[5] Pliny the Younger: Tên đầy đủ là Gaius Plinius Caecilius Secundus, sống dưới thời hoàng đế Trajan trị vì. Người ta gọi ông là Pliny Trẻ để phần biệt với Pliny Già (Pliny the Elder), chú của ông.

[6] Nguyên đoạn: “Đàng khác, họ quả quyết rằng tất cả tội lỗi và sai lầm của họ chỉ là thường xuyên tụ họp vào đúng ngày đã định, trước khi mặt trời mọc, để cùng nhau hát đối đáp bài ca tụng Đức Kitô là Chúa và cùng thề hứa với nhau, không phải là kết ước gây tội ác này hay tội ác kia, nhưng là hứa không phạm tội ăn trộm, ăn cướp, ngoại tình, lỗi lời hứa, không từ chối ở tù khi bị đòi buộc. Sau đó họ có thói quen là chia tay nhau rồi lại họp nhau để dùng bữa, bữa ăn này rất bình thường và vô tội vạ ngay cả cách thực hành này họ đã bỏ ngay sau tôi theo lệnh ngài cấm các cuộc hội họp. Hơn nữa, tôi nghĩ rằng cần phải tiến hành việc tìm kiếm cho ra sự thật nên tôi cũng đã tra tấn hai nữ nô lệ mà họ gọi là hai nữ phó tế. Tôi đã chẳng tìm thấy một sự mê tín vô lý và quá độ nào cả”.

[7] Tome of Leo: bức thư do Đức Giáo hoàng Lêô Cả viết cho Flaviô, Giám mục Constantinốp vào ngày 13 tháng 6 năm 449 và cũng thường được gọi là Tome I để phân biệt với thư 165 gửi hoàng đế Lêô gọi là Tome II.  Xin xem thêm: LEO, “Lectis dilectionis tuae”, trong HENRICH DENZINGER, Các tín biểu, định tín và tuyên bố của Giáo hội Công giáo trong lãnh vực đức tin và phong tục, Nguyễn Văn Hòa dịch, Nxb. Tôn giáo, 2019, tr. 127-131 (Dz, n. 290-295).

[8] Richard Challoner: Một Giám mục người Anh vào thế kỷ 18.

Douay-Rheims Bible: Một bản dịch Kinh thánh từ tiếng Latinh sang tiếng Anh.

Xem bản Kinh thánh này với các chú giải của Giám mục Challoner tại: http://www.catholicfirst.com/bibledrv.html
Mới hơn Cũ hơn